Giám sát mọi lúc, mọi nơi Có mặt trên tuyến xe buýt số 49 (từ quận 1 đi Sân bay Tân Sơn Nhất và ngược lại), chúng tôi dễ dàng nhận thấy hệ thống camera được gắn đầy đủ trước và sau xe, giám sát mọi hoạt động trên xe. Theo nhân viên nhà xe, khi tuyến xe buýt này hoạt động đã được trang bị đầy đủ hệ thống camera, thiết bị giám sát hành trình, loa thông báo trạm, máy lạnh, thậm chí mạng wifi miễn phí phục vụ hành khách. Kể từ đầu tháng 3 tới nay, sau khi đưa vào vận hành Trung tâm, hoạt động trên tuyến xe trở nên linh hoạt hơn, người dân đánh giá cao hệ thống giám sát trực tuyến bởi sự công khai minh bạch, mọi lúc, mọi nơi.
Trung tâm điều hành trực tuyến xe buýt kết nối với mạng lưới hơn 3.000 camera giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. |
Tương tự, tại tuyến xe buýt số 19 (từ Bến Thành - Khu chế xuất Linh Trung - Đại học Quốc gia và ngược lại), thời gian trước đây vẫn được xem là tuyến mất an ninh, trật tự, thường xuyên xảy ra nạn móc túi trên xe, khiến nhiều hành khách, đặc biệt là sinh viên lo sợ. “Trước đây, đi xe buýt tuyến này luôn nơm nớp lo sợ bị móc túi, nhưng giờ đây chúng tôi yên tâm vì có camera giám sát hoạt động trên xe, đồng thời có thể phản ánh mọi thắc mắc và được xử lý kịp thời nên cảm giác rất thoải mái”, bà Trần Thị Kim Nhung (ngụ quận Thủ Đức) chia sẻ. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC TP Hồ Chí Minh (đơn vị quản lý) cho biết, hệ thống camera gắn trên xe sẽ truyền tín hiệu hình ảnh về Trung tâm để người trực giám sát, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm của lái xe, nhân viên. Sau đó, Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC sẽ lập biên bản xử phạt, thậm chí là đình chỉ công tác nếu vi phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hệ thống camera trên xe buýt giúp tăng cường an ninh trật tự, giảm bớt tình trạng kẻ xấu lợi dụng đông người để móc túi khách. Không chỉ vậy, Trung tâm còn thiết lập Đường dây nóng 1022. Đây là kênh thông tin để người dân phản ánh mọi thắc mắc liên quan như: Thông tin xe buýt, luồng tuyến, điểm đi và đến, các trạm dừng… Trung tâm còn trang bị hệ thống máy tính kết nối với đường truyền trực tuyến của Cổng thông tin giao thông TP Hồ Chí Minh để điều hành luồng tuyến kịp thời.
Phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp Năm 2017, UBND TP Hồ Chí Minh giao chỉ tiêu cho Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC thành phố phải bảo đảm được ít nhất 600 triệu lượt khách tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt, tăng 5% số lượng so với năm 2016. Đến năm 2020, loại hình VTHKCC bằng xe buýt phải đáp ứng từ 15 đến 20% nhu cầu đi lại của người dân. Đây cũng là mục tiêu trọng tâm của ngành VTHKCC năm 2017, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X, trong đó có chương trình giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, không chỉ vận hành hệ thống giám sát trực tuyến hiện đại, Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC thành phố tiếp tục thay mới khoảng 800 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch (CNG) nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Cũng năm nay, Trung tâm sẽ thực hiện xong đấu thầu quốc tế vé điện tử thông minh; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ; tích hợp các cổng thông tin điện tử tại các bến và nhà chờ, giúp người dân biết được thời gian xe đến và đi, từ đó có tính toán hợp lý khi đi lại; điều chỉnh các luồng tuyến không bảo đảm hiệu quả và phù hợp điều kiện thực tế; kết nối khu hành chính, trường học, bệnh viện, khu chế xuất, khu công nghiệp, chợ đầu mối… Về phần mình, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng sẽ đầu tư hoàn thành 6 bến đầu cuối tuyến bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Tất cả nhằm từng bước hiện đại và hoàn thiện cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ, từ đó, thay đổi hình ảnh, đem lại nhiều thiện cảm trong mắt người dân thành phố về loại hình vận tải công cộng chủ lực này.
|