Sơ đồ tổng quan 10 đường đua tại PVOIL VOC 2020. |
Hôm qua (17/9), buổi gặp gỡ báo chí công bố về Giải Đua xe Ô tô Địa hình Việt Nam PVOIL Cup 2020 (PVOIL VOC 2020) diễn ra tại Hà Nội. Theo kế hoạch PVOIL VOC 2020 sẽ diễn ra vào ngày 26-27/9 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Giải đấu này quy tụ 80 đội đua và 160 tay đua (VĐV) đến từ khắp nơi trên cả nước.
Việc chuẩn bị cho đường đua năm nay được chia thành hai bộ phận riêng biệt gồm Ban thiết kế và Ban thi công. Cụ thể, ban thiết kế đường đua có 4 thành viên bao gồm ông Ngô Việt Dũng (Dũng Nakio), ông Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng Offroad), ông Đỗ Tiến Trung (Trung CIE), ông Ngô Việt Hưng (Hưng Noza).
Ông Ngô Việt Dũng - Trưởng Ban thiết kế đường đua. |
Ban thiết kế sẽ chịu trách nhiệm về lên ý tưởng, thiết kế và giám sát thi công các đường đua. Trong khi đó, ban thi công giao cho các đơn vị có chuyên môn cao có kinh nghiệm về kỹ thuật làm đường đua; đảm bảo các yếu tố an toàn, kỹ thuật mà ban thiết kế đề ra. Đại diện ban thiết kế cũng cho biết, đường đua năm nay được thiết kế và thi công dựa trên 6 yếu tố:
1. An toàn cho ban tổ chức, khán giả và tay đua.
2. Hấp dẫn tay đua và khán giả
3. Đảm bảo thời gian, tiến độ tổ chức sự kiện
4. Có yếu tố mới mà vẫn giữ những nét mang tính truyền thống kế thừa các yếu tố hấp dẫn như mọi năm của giải.
5. Độ dễ khó của các đường đua phù hợp với các hạng thi đấu.
6. Chọn những vị trí, hướng thích hợp để nhiều khán giả có thể theo dõi, cổ vũ.
Tại PVOIL VOC 2020, các đội thi sẽ chia thành bốn phân hạng gồm Bán tải Việt Nam (BTVN), Cơ bản, Nâng cao và Mở rộng. Các đội sẽ thi đấu trên 10 đường đua và một cung Adventure vào buổi đêm.
Đường 1: Đường đua bò - Hạng thi đấu: BTVN, Cơ bản, Nâng cao, Mở rộng
Đường đua bò tại PVOIL VOC 2020 thiết kế thiên về tốc độ trên địa hình bùn lầy. Sa hình đường chạy đơn giản, mỗi đội sẽ chạy hai lần theo vòng số 8. Thiết kế này đảm bảo xe đua duy trì được tốc độ nhưng không quá cao, do không có đoạn thẳng dài. Các góc cua trái phải sẽ giúp phát huy tính khéo léo của tay đua.
Đường 2: Đường đua đôi tốc độ - Hạng thi đấu: BTVN, Cơ bản, Nâng cao
Đây là đường đua có sự tham gia thi đấu cùng lúc của hai xe, giúp tăng sự kịch tính, hấp dẫn. Đường đua đôi năm nay cải tiến một số điểm hạn chế của VOC 2019. Theo đó, lều trọng tài được bố trí rời khỏi đường đua, đảm bảo sự an toàn cho công tác tổ chức và các trọng tài. Phần lõi của đường thi thu hẹp hơn để khán giả dễ theo dõi các xe thi đấu. Việc này cũng giúp đảm bảo an toàn cho khán giả.
Ngoài ra, ban thiết kế cũng tăng thêm góc cua để giảm tốc độ khi về đích của các xe thi đấu. Tuy nhiên, đoạn thẳng dài cũng được giữ lại để phát huy sức mạnh của xe thi đấu. Đường đua này chấm điểm bằng hệ thống lazer tự động ghi thời gian, độ chính xác đến phần nghìn giây.
Đường 3: Đường đua Rally - Hạng thi đấu: BTVN, Cơ bản, Nâng cao, Mở rộng
Đường đua số 3 lấy cảm hứng từ các đường đua Rally nổi tiếng, với địa hình đa dạng như thung lũng, đồi cao hay đường đá. Khi đó, các tay đua cần phải khéo léo kết hợp giữa kinh nghiệm bản thân và khả năng của xe để vượt qua những thử thách đặt ra.
Cả bốn hạng thi đấu đều sẽ trải qua đường đua này để ghi điểm. Tuy nhiên, ở hạng thi đấu BTVN và Cơ bản, ban thiết kế chỉ yêu cầu chạy trên phần đường nền cứng dễ hơn. Đối với hạng Nâng cao và Mở rộng, các đội sẽ phải đi vào phần đường có hố sâu với độ khó cao hơn (phần màu đỏ).
Đường 4: Đường đua xuyên rừng - Hạng thi đấu: Nâng cao, Mở rộng
Được thiết kế dựa trên địa hình tự nhiên tại Làng Văn hóa, đường đua này bố trí tại khu vực có nhiều cây, khuất tầm nhìn. Trên cung đường này, các xe phải đi qua những đoạn đường có nhiều hố sâu phức tạp, là thử thách thực sự,
Đường đua số 4 dành riêng cho hai hạng thi Nâng cao và Mở rộng, phản ánh phần nào độ khó vốn có. Trong đó, điểm khác biệt là hạng Mở rộng sẽ có thêm thử thách vượt qua hố sâu. Ở hình sơ đồ, đoạn đường cong màu tím đi qua phần màu cam thể hiện điều này.
Đường 5: Dốc tử thần - Hạng thi đấu: Nâng cao, Mở rộng
Đây là một trong hai đường đua có độ khó cao nhất của giải. Các xe đua sẽ phải đi xuống một đường dốc cao trước khi xuống hố bùn dài. Sau đó, các xe sẽ phải quay đầu trước khi bắt đầu đoạn về đích ở đường bên cạnh. Tiếp theo, các tay đua sẽ phải vượt qua các hố nghiêng, hố bùn dài, một dốc đứng và về đích ở trên đỉnh dốc.
Tại PVOIL VOC 2020, đường số 5 dành cho hai hạng thi đấu là Nâng cao và Mở rộng. Trong đó, hạng Mở rộng sẽ xuất phát bên trái, khi hết đường thử thách tiếp theo là quay đầu tại hố chữ V, sâu 2.5m và vuông 90 độ. Hạng Nâng cao sẽ xuất phát bên phải, đường đua có độ khó ít hơn. Điểm nhấn hố chữ V cũng sẽ đòi hỏi các tay đua cần khéo léo, tính toán hợp lý hơn.
Đường 6: Đường đua đôi vượt tường bê tông - Hạng thi đấu: Mở rộng
Đây là đường đua có sự kết hợp giữa hai bài thi của hai năm 2018 và 2019, cũng là bài thi được đánh giá khó nhất năm nay. Theo đó, hai thử thách khó nhằn nhất là bức tường bê tông cao tương tự như năm 2018 và hố sâu liên tiếp của năm 2019.
Ở bài thi này, hai chiếc máy xúc sẽ được để cố định ở cuối đường đua. Đây là điểm neo để các đội đua gắn tời. Đường số 6 cũng là nơi chứng kiến sự ganh đua của cùng lúc hai xe thuộc hạng Mở rộng, hứa hẹn mang đến cho khán giả những tình huống hấp dẫn, thú vị.
Đường 7: Đường đua Auto Gymkhana - Hạng thi đấu: BTVN, Cơ bản
Tại PVOIL VOC 2020, lần đầu tiên một đường đua lấy cảm hứng từ bộ môn Auto Gymkhana vốn đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Vì thế, đường đua số 7 được bố trí trên nền đất phẳng và rộng, dành riêng cho hai hạng thi là BTVN và Cơ bản.
Đường đua này yêu cầu các tay đua cần có kỹ năng di chuyển nhanh và khéo léo trên đường hẹp, đi qua các cọc tiêu mà ban thiết kế bố trí sẵn. Đặc biệt, các tay đua sẽ phải chạy đúng sa hình, nếu sai đồng nghĩa với bài thi không có điểm. Thành tích thi đấu của các đội sẽ được ghi nhận bằng hệ thống chấm điểm Lazer tự động.
Đường 8: Đường đua vượt dốc nghiêng - Hạng thi đấu: Cơ bản, Nâng cao, Mở rộng
Sau khi xuất phát, các tay đua sẽ lên dốc cao rồi vòng lại để xuống dốc, trước khi đi qua khu vực rừng với nhiều cây khuất tầm nhìn. Thử thách tiếp theo là đi chéo để leo đoạn dốc dài, chạy vòng quanh cây lớn trước khi về đích.
Đặc điểm chính của đường đua này là các tay đua phải vượt qua một sườn dốc nghiêng nhiều lần. Trong đó, các xe phải lên dốc theo góc chéo, đi nghiêng thay vì đi thẳng như thông thường. Đại diện ban thiết kế cho biết, đường đua này dung hoà hai yếu tố kỹ thuật xử lý địa hình dốc và tốc độ di chuyển trên bề mặt đường mấp mô, độ cân bằng của xe thấp.
Đường 9: Đường đua vượt cầu gỗ, hố bập bênh - Hạng thi đấu: BTVN, Cơ bản, Nâng cao
Vượt cầu gỗ có thể gọi là một bài thi đặc trưng luôn xuất hiện ở giải đấu VOC. Ở thử thách này, chã của các đội phải xếp cầu gỗ sao cho độ rộng bằng với khoảng cách giữa hai bánh để xe đi qua mà không bị rơi xuống hố. Thử thách đáng chú ý tiếp theo là đoạn hố bập bênh liên tiếp ở hai bên. Điều này giúp chiếc xe phát huy được độ cứng vững thân xe và sự hiệu quả của khóa vi sai.
Bước sang năm 2020, đường đua vượt cầu gỗ bố trí ra khu vực mới nhằm phục vụ nhiều khán giả theo dõi, và giãn giao thông ở khu vực trung tâm. Đây là đường đua dài, kết hợp giữa 2 kỹ năng xử lý kỹ thuật vượt cầu gỗ, hố bập bênh và kỹ năng chạy tốc độ trên đường đua địa hình. Bài này có độ khó vừa phải và dành cho ba hạng BTVN, Cơ Bản và Nâng Cao.
Đường 10: Đường đua lòng suối cạn - Hạng thi đấu: Mở rộng
Đây là một trong những đường đua làm nên thương hiệu của giải PVOIL VOC. Với đường đua chính thiết kế dưới lòng suối cạn. Các tay đua phải di chuyển dưới lòng suối lầy lội sau đó di chuyển vòng qua bụi cây rập rạp và quay trở lại dưới lòng suối. Để về được đích, các tay đua sẽ phải leo lên một bức tường đất cao ở điểm cuối. Cuối cùng, các tay đua sẽ phải chạy bộ xuống suối sâu và trèo lên lều trọng tài để bấm giờ ghi thành tích.
Đường đua này được thiết kế chỉ đành cho hạng Mở Rộng. Các đội đua cần phối hợp giữa khả năng phán đoán đường đua, độ lầy của bùn dưới lòng suối và khả năng sử dụng tời. Đây cũng là một trong những đường đua hấp dẫn nhất giải.
Anh Vũ