Nhiều xe tải và xe container gặp tai nạn, cầu Thanh Trì ùn tắc nghiêm trọng Lái xe cần biết khi lưu thông qua nút giao cầu Thanh Trì - Quốc lộ 5 2 “hung thần” xa lộ húc nhau trên cầu Thanh Trì |
Mặt cầu Thanh Trì hiện nay đã xuống cấp, vệt trồi lún xuất hiện ngày một nhiều hơn, nhất là trên làn đường dành cho xe tải. Thậm chí, một số khe co giãn trên cầu bong tróc, xuất hiện ổ gà nham nhở gây mất an toàn giao thông. Cầu Thanh Trì được thông xe từ năm 2007 đã giải quyết được phần nào lượng phương tiện tham gia lưu thông trên các tuyến đường của thủ đô Hà Nội, đặc biệt là các xe có trọng tải lớn. Tuy nhiên, trải qua vài lần sửa chữa các hư hỏng, mặt cầu Thanh Trì có hiện tượng sụt lún và biến dạng bề mặt bê tông nhựa, tạo thành vệt rãnh dài kèm theo là những ổ gà ở nhiều đoạn trên cầu.
Bề mặt cầu Thanh Trì lại bị hằn lú, hư hỏng nặng nề. (Ảnh: Nguyễn Hằng/Vietnam+) |
Theo quan sát của Phóng viên VietnamPlus, trên bề mặt cầu có những đoạn sâu hoắm xuống, ép phần mặt đường phần còn lại dồn lên, tạo thành những đoạn gồ nhô cao lên so với mặt đường [gọi là sống trâu-PV]. Đặc biệt, đoạn mặt cầu về phía quận Long Biên đang tồn tại những vệt hằn lún, sống trâu, có vệt dài hàng trăm mét, chia đôi nền đường. Lâu ngày, khi các phương tiện xe tải đi qua bề mặt đường, bánh xe như bị lọt thỏm xuống theo luồng lạch tạo thành rãnh hai bên đường. Một số bề mặt đường bị cào bóc vẫn còn nham nhở. Ngoài ra, trong tổng số 10 khe co giãn trên cầu Thanh Trì, đã có tới 7 khe đã bị bong tróc các lớp lót cao su. Một vài vị trí còn xuất hiện ổ gà hay khe co giãn bị sụt hẳn xuống. Mỗi khi phương tiện chạy qua tạo thành tiếng ma sát rất lớn giữa bánh xe và bản mặt khe co giãn, rung lên dữ dội. Theo cánh tài xế lưu thông trên cầu Thanh Trì, ngày tạnh ráo bằng mắt thường có thể quan sát được các hư hỏng hay bong tróc của bề mặt cầu. Vào trời mưa, rất khó để phân biệt đâu là rãnh sâu nên một số đoạn lái xe phải giảm tốc độ nhằm tránh các ổ gà để không bị mất lái. Là lực lượng chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát, phân làn các phương tiện lưu thông trên cầu Thanh Trì, Thượng úy Trịnh Minh Thanh, Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cho biết: “Mặt cầu xuống cấp đã lâu mà chưa được sửa chữa. Một số khe co giãn, vào mùa nắng cong bật lên, có chỗ nhô cao đến 10-30cm; những đầu sắt, thép nhô lên này, nếu xe chạy với tốc độ cao va phải có thể nổ lốp, mất lái, cực kỳ nguy hiểm đối với phương tiện lưu thông trên cầu.”
Một số khe con giãn trên cầu bong tróc, xuất hiện ổ gà nham nhở khiến mất an toàn giao thông. (Ảnh: Nguyễn Hằng/Vietnam+) |
Dẫn chứng, theo thống kê của Đội Cảnh sát giao thông số 14, ngày 18/3 vừa qua đã xảy ra 2 vụ tai nạn liên tiếp trên cầu Thanh Trì do các xe ôtô lưu thông với tốc độ cao, không làm chủ tốc độ, mất lái, đâm lao lên dải phân cách. Khảo sát hiện trạng tổ chức giao thông của Đội Cảnh sát giao thông số 14 trên mặt cầu Thanh Trì cho thấy, mặt cầu không êm thuận, nhiều sống gờ trâu, một số khe co giãn giữa các nhịp cầu không phẳng; hệ thống biển báo phân làn ôtô, xe máy, xe thô sơ chưa đảm bảo đúng quy cách. Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 14 cho rằng, với bề mặt cầu bị xuống cấp, lượng phương tiện lưu thông trên cầu đã mãn tải, cơ quan quản lý Nhà nước cho phép lưu thông với vận tốc tối đa 90km/giờ là không hợp lý, thậm chí rất nguy hiểm. “Đội Cảnh sát giao thông số 14 đã nhiều lần kiến nghị lên Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội thay thế biển báo hạn chế tốc độ tối đa trên làn đường dành cho xe ôtô từ 90km/giờ xuống 60km/giờ đồng thời bổ sung biển báo cự ly tối thiểu giữa 2 xe nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông xảy ra do các xe chạy với tốc độ cao, không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước,” Trung tá Tuân khẳng định. Nhấn mạnh cầu Thanh Trì giữ vị trí quan trọng khi nối với tuyến đường vành đai 3 và Quốc lộ 3; giao cắt với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Pháp Vân-Ninh Bình, Trung tá Tuân thừa nhận, chưa kể đến các vụ tai nạn giao thông, mỗi lần xảy ra va chạm dù lớn hay nhỏ thì cầu Thanh Trì lại ùn tắc cục bộ, gần như không có lối thoát. Bên cạnh đó, Đội Cảnh sát giao thông số 14 cũng kiến nghị thay thế, bổ sung biển báo phân làn đường trên mặt cầu Thanh Trì (cả 2 chiều) gồm biển báo làn đường dành riêng và biển báo hết đoạn đường dành riêng cho xe ôtô, xe máy. Lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông số 14 đề nghị đơn vị duy tu, bảo dưỡng cầu Thanh Trì cần thường xuyên duy trì dọn dẹp vệ sinh; sớm có biện pháp khắc phục tình trạng mặt cầu, các khe co giãn xuống cấp để đảm bảo êm thuận, phục vụ lưu thông đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn giao thông nhằm nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông./.
Cầu Thanh Trì có tổng chiều dài 3.120m; tổng mức đầu tư gói thầu là hơn 1.395 tỷ đồng. Trong đó phần xây lắp hơn 1.268 tỷ đồng, dự phòng hơn 126 tỷ đồng. Cầu được khởi công từ ngày 28/11/2002 và hoàn thành bàn giao sử dụng ngày 6/2/2007. Sau khi đưa vào khai thác cầu Thanh Trì đã giải tỏa sức ép giao thông đang đè nặng lên cầu Chương Dương đồng thời phân bổ và giảm bớt đáng kể lưu lượng xe, nhất là xe tải lưu thông qua nội thành thủ đô. |