Bức tranh giao thông 2016 nhìn chung vẫn là một sự hỗn độn không nhịp điệu, những bức xúc trải rộng và đều khắp từ ngoài ngã tư cho tới cộng đồng mạng. Đã có rất nhiều những sáng kiến và cả tối kiến cho những giải pháp nhằm làm giảm sự ùn tắc giao thông và chính vì thế, suốt cả năm trời, những cuộc tranh luận tốn nhiều thời lượng nhất trên các diễn đàn mạng xã hội chính là về chủ đề giao thông.
Sự quá tải xe máy
Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam đang dần trở thành nước có số người sở hữu xe máy đứng đầu thế giới (hơn 43 triệu xe/90,5 triệu người). Với hạ tầng giao thông lạc hậu và vô cùng chật chội, mật độ xe máy lưu thông tại Việt Nam có lẽ là "ngột ngạt" nhất thế giới. Mật độ quá dày và sự lộn xộn trong ý thức của người đi xe máy đang trở thành gánh nặng lớn đối với giao thông nước ta. Áp lực này đặt ra vấn đề phải giảm tải xe máy, tức là giảm số lượng xe máy lưu thông trên đường, thậm chí là cấm hẳn tại một số khu vực trọng điểm như một số nước trên thế giới đã thực hiện. Tuy nhiên, những dự thảo về lộ trình cấm xe máy đã vấp phải vô số sự phản ứng từ người dân - những người đang hàng ngày sử dụng xe máy như là phương tiện giao thông chủ yếu. Rõ ràng, việc lo sợ bị ảnh hưởng tới quyền lợi sát sườn của đông đảo những người đang sử dụng xe máy đã trở thành rào cản lớn cho lộ trình giảm dần lượng xe máy lưu thông trong nội đô. Ai cũng mong muốn giao thông đô thị tốt hơn, thông thoáng hơn, nhưng khi phải chịu thiệt cho lợi ích chung, dường như vẫn còn quá nhiều sự ích kỉ.
Uber, Grab - giao thức mới cho dịch vụ vận tải công cộng
Grab và Uber là 2 cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong loại hình dịch vụ giao thông công cộng năm qua. Dù vẫn còn một số khúc mắc trong thủ tục pháp lí nhưng không thể phủ nhận rằng, dịch vụ taxi theo giao thức mới thông qua ứng dụng trên smartphone này đang phát triển một cách mạnh mẽ và dần lấn át mô hình taxi truyền thống. Sự minh bạch và linh hoạt trong giá cả, thuận tiện trong dịch vụ cùng rất nhiều khuyến mãi hấp dẫn đã khiến cho nhiều khách hàng dần quay lưng với loại hình cũ vốn nhiều tai tiếng trong việc tính cước, đặc biệt là với taxi "dù". Không chỉ với taxi, rồi đây, ngay cả xe bus cũng sẽ buộc phải thích nghi với giao thức văn minh này. Nhà xe sẽ biết được có bao nhiêu khách đang chờ tại bến, khách đi xe biết được chiếc xe sắp tới đón mình đang ở đâu trên tuyến đường... Nhờ những điều đó, thời gian sẽ được tiết kiệm, hiệu quả kinh tế và dịch vụ sẽ được nâng cao.
Anh cảnh sát có tên: camera hành trình
Giờ đây, xu hướng lắp camera hành trình trên xe hơi đã trở thành phổ biến. Nhờ nó, đã có rất nhiều vụ đi ẩu gây tai nạn bỏ chạy bị phơi ra ánh sáng, đã có rất nhiều tình huống xử phạt gây tranh cãi được minh oan, đã có rất nhiều hành vi chưa đúng mực của cả người đi đường lẫn lực lượng chức năng được phản ảnh, lên án. Có thể nói, dù chỉ là một thiết bị công nghệ nhỏ chủ yếu chỉ mang tính giải trí trên xe hơi, nhưng thông qua mạng xã hội otofun.net, camera hành trình đã trở thành một công cụ phản biện xã hội đầy sức mạnh, một công cụ giám sát mọi hành vi tham gia giao thông của mọi người. Khi mọi hành vi sai phạm, mọi hành xử thiếu văn hóa luôn có khả năng bị phơi bày, người tham gia giao thông sẽ buộc phải cẩn trọng hơn, có ý thức hơn, các lực lượng thực thi pháp luật sẽ phải có thái độ đúng mực hơn, khéo léo hơn trong công tác. Đó thực sự là những tín hiệu tốt giúp xây dựng một xã hội giao thông văn minh hơn.
Giao thông công nghệ cao - xu hướng của thế giới
Cùng với sự hậu thuẫn nhiệt tình của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chính là đơn vị đi đầu trong việc xây dựng, kêu gọi, định hướng cho các tổ chức doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao vào giao thông. Các camera giao thông đã giúp ích rất nhiều cho việc điều tiết giao thông vĩ mô, phạt nguội, qua đó giúp giảm bớt ách tắc và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Các hệ thống tự động thu phí, điều khiển và tự động cập nhật tình hình trên đường cao tốc giúp tăng tính an toàn khi người Việt Nam đang dần tiếp cận với văn hóa cao tốc vốn khác rất nhiều so với đường quốc lộ thông thường. Camera cá nhân, điện thoại thông minh được trang bị cho CSGT giúp cho việc xử phạt chính xác và minh bạch hơn, tránh được những tranh cãi không cần thiết.
Cuộc cách mạng công nghệ và điện thoại thông minh đang dần ảnh hưởng lên văn hóa và phương thức tham gia giao thông. Một chiếc điện thoại trong lòng bàn tay có thể cho bạn biết đường đi tới mọi nơi bạn muốn, đường nào đang ách tắc, đường nào đang thông thoáng, dễ dàng đặt dịch vụ cho chuyến đi của mình, thậm chí là theo dõi chiếc xe đang tới đón mình trên bản đồ... Tuy thế, dù công nghệ có hiện đại tới đâu thì việc tạo ra một môi trường giao thông văn minh và an toàn vẫn phụ thuộc phần lớn vào ý thức của mỗi người. Những tranh cãi bất tận về tính hiệu quả của hệ thống xe bus BRT đã cho thấy sự chưa sẵn sàng thay đổi trong ý thức của khá đông người tham gia giao thông. Hi sinh cái nhỏ cho lợi ích lớn hơn là cách duy nhất làm cho giao thông tại Việt nam trở nên mạch lạc và có nhịp điệu hơn, mau chóng xóa đi hình ảnh hỗn độn, manh mún và ích kỉ của bức tranh giao thông mà du khách nước ngoài thường ví với một trong những môn thể thao mạo hiểm chết người.