Mặc dù mới chỉ trở nên phổ biến trong khoảng thời gian gần đây nhưng ô tô Hybrid đã có lịch sử phát triển kéo dài hơn một thế kỷ. Các nhà sản xuất xe hơi nhận ra sự hiệu quả của việc sử dụng song song động cơ đốt trong và motor điện từ rất sớm.
Tại Triển lãm Ô tô Paris 1900, vị kỹ sư huyền thoại Ferdinand Porsche đã giới thiệu tới công chúng Lohner-Porsche Mixte Hybrid, chiếc xe với hệ truyền động Hybrid được coi là đầu tiên trên thế giới.
![]() |
Lohner-Porsche Mixte Hybrid, chiếc xe với hệ truyền động Hybrid được coi là đầu tiên trên thế giới. |
Tuy nhiên, do giá thành rẻ mạt của các loại nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu), cộng thêm sự thiếu quan tâm đến vấn đề khí thải và môi trường thời bấy giờ, những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong lên ngôi và được ưa chuộng rộng rãi. Công nghệ Hybrid dần chìm vào lãng quên.
Chỉ đến khi Toyota tập trung phát triển Hybrid với sản phẩm đầu tiên là chiếc Prius thì hệ thống này mới “hồi sinh” và đi vào thực tiễn. Năm 1997, Toyota Prius, mẫu xe Hybrid sản xuất số lượng lớn đầu tiên trên thế giới ra mắt, khởi đầu cho xu hướng chế tạo ô tô tiết kiệm nhiên liệu. Kể từ đó, xe Hybrid tục chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến tháng 1/2017, đã có hơn 12 triệu xe Hybrid bán ra trên toàn cầu. Còn Toyota, với vai trò người tiên phong, chiếm hơn 10 triệu xe trong số đó.
Xe Hybrid hoạt động như thế nào?
Xe Hybrid, hay xe lai, là loại xe sử dụng kết hợp hai bộ truyền động, bao gồm một động cơ đốt trong và một motor điện. Tùy thuộc vào tốc độ và điều kiện đường sá, hệ thống điều khiển của xe sẽ quyết định khi nào dùng động cơ đốt trong, khi nào dùng motor điện, khi nào dùng song song cả hai và khi nào sạc điện vào pin để tối ưu hiệu năng vận hành và mức tiêu thụ nhiên liệu.
![]() |
Toyota Prius thế hệ đầu tiên ra mắt năm 1997 đánh dấu sự hồi sinh của những chiếc xe Hybrid. |
Một phần quan trọng của hệ thống Hybrid là pin. Pin Hybrid cung cấp nguồn năng lượng chính cho motor điện hoạt động, được thiết kế đặc biệt để nhanh chóng truyền đi và nhận về dòng điện lớn. Trong quá trình vận hành, khi xe phanh, động năng sản sinh sẽ được chuyển hóa thành điện năng để tự động sạc cho pin Hybrid. Nhờ đó, pin Hybrid không tốn thời gian sạc.
Đặc điểm quan trọng nhất của xe Hybrid là khả năng tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường, vận hành mạnh mẽ và yên tĩnh. Phân theo cấu tạo, hệ thống Hybrid có ba loại chính:
Hybrid song song: Hệ thống Hybrid phổ biến nhất ở thời điểm hiện tại, với động cơ đốt trong và động cơ điện được kết nối trực tiếp vào trục bánh xe, có khả năng truyền lực độc lập hoặc đồng thời. Trong đó, động cơ điện có khả năng chuyển hóa điện năng từ pin thành cơ năng, cũng như chuyển hóa cơ năng sinh ra từ trục bánh xe và động năng sinh ra khi xe phanh thành điện năng để sạc lại cho pin.
Khi xe chạy ở tốc độ cao (trên xa lộ, đường cao tốc...), nguồn dẫn động chủ yếu sẽ là động cơ đốt trong. Ngược lại, khi xe di chuyển trong nội thành, motor điện sẽ đóng vai trò chủ đạo. Hệ thống này cho hiệu năng vận hành tốt nhờ sử dụng cả hai nguồn động lực. Tuy nhiên, khả năng tiết kiệm năng lượng không quá cao do nguồn năng lượng tái tạo duy nhất đến từ phanh xe.
![]() |
Pin là một bộ phận quan trọng của hệ thống Hybrid. |
Hybrid nối tiếp: Thường thấy trên các loại đầu xe lửa và tàu thủy thế kỷ trước. Hệ thống Hybrid nối tiếp xuất hiện từ thập niên 1900 và được Ferdinand Porsche sử dụng trên chiếc Lohner-Porsche Mixte Hybrid. Với loại hệ thống này, nguồn động lực chính khiến bánh xe quay là động cơ điện. Động cơ đốt trong chỉ làm nhiệm vụ phát ra điện để nạp pin cho động cơ điện.
Hệ thống Hybrid nối tiếp có ưu điểm là động cơ đốt trong không bao giờ hoạt động ở chế độ không tải nên giảm được ô nhiễm môi trường và có thể không cần hộp số. Tuy nhiên, động cơ đốt trong luôn phải làm việc ở cường độ mạnh để cung cấp nguồn điện cho pin nên dễ bị quá tải, cũng như tiêu tốn nhiều nhiên liệu ở tốc độ cao. Vì vậy, hệ thống này hiện không còn phổ biến.
![]() |
Toyota Prius là một trong những mẫu xe được trang bị hệ thống Hybrid kết hợp. |
Hybrid kết hợp (Hybrid nối tiếp - song song): Kết hợp cả Hybrid nối tiếp và Hybrid song song để tận dụng tối đa ưu điểm của hai hệ thống. Hệ thống Hybrid kết hợp có thêm một bộ phân chia công suất (power split device), giúp liên tục đưa ra phương án sử dụng công suất từ động cơ đốt trong và động cơ điện tối ưu nhất theo từng thời điểm. Xe cũng có thể vừa sạc pin vừa chạy ở chế độ thuần điện.
Hybrid kết hợp hiện là hệ thống hoàn thiện và mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên có cấu tạo phức tạp và chi phí sản xuất tốn kém. Hệ thống này thường xuất hiện trên các mẫu xe của Toyota như Prius hay Previa Hybrid.
Xe Hybrid tại Việt Nam: Phù hợp nhưng chưa phổ biến
Những mẫu xe Hybrid tỏ ra đặc biệt thích hợp với định hướng phát triển giao thông xanh tại Việt Nam. Các phương tiện công cộng như xe buýt, trước điều kiện đường sá chật hẹp và tình trạng giao thông đan xen nhiều loại xe (ô tô, xe đạp, xe máy...), thường xuyên lâm vào tình trạng ùn tắc, thậm chí nhiều lúc còn gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, phương tiện vận chuyển khối lượng lớn như tàu điện trên cao (BRT) hiện vẫn chưa phổ biến và được đưa vào sử dụng chính thức.
Xe thuần điện (EV) cũng là một giải pháp lý tưởng để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, giá bán cao và cần xây dựng cơ sở hạ tầng (hệ thống trạm sạc) là những trở ngại lớn ngăn cản xe điện tiếp cận người dùng Việt Nam.
Với tình trạng giao thông thường xuyên ùn tắc, đặc biệt ở các thành phố lớn, như tại Việt Nam, xe Hybrid là một phương án phù hợp. Ở những đoạn đường nội đô phải di chuyển với tốc độ thấp, phanh dừng liên tục, xe có thể dễ dàng tích năng lượng cho pin và chạy hoàn toàn bằng động cơ điện trong quãng đường dài. Từ đó giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải hiệu quả. Bên cạnh đó, xe Hybrid cũng không yêu cầu phải xây dựng cơ sở hạ tầng mới như xe điện hay tàu điện trên cao.
![]() |
Với những mẫu xe Hybrid của các thương hiệu hạng sang như Mercedes-Benz, chi phí sửa chữa có thể lên đến vài trăm triệu đồng. |
Lý thuyết là vậy, nhưng tại Việt Nam, xe Hybrid chỉ là sự lựa chọn của số ít người dùng. Thậm chí, xe Hybrid còn bị xếp vào phân khúc xe "sang" với giá bán tương đối cao cùng chi phí sử dụng lớn do chưa có hệ thống sửa chữa, bảo dưỡng rộng rãi.
Đơn cử như một bộ pin của Toyota Highlander Hybrid 2015, dù rất hiếm khi hỏng hóc, có mức giá thay thế tham khảo tại nước ngoài khoảng 6.350 USD (144 triệu VNĐ). Với những mẫu xe Hybrid của các thương hiệu hạng sang như Mercedes-Benz, số tiền này có thể lên đến vài trăm triệu đồng.
Mặt khác, trung bình quãng đường di chuyển bằng xe ô tô hàng ngày của người Việt không cao, chỉ vài chục km. Lượng nhiên liệu tiết kiệm được chưa đủ thuyết phục khi so sánh với khoản chi phí mua và sử dụng lớn nói trên. "Một tiền gà, ba tiền thóc" là lý do chính khiến xe Hybrid chưa được ưa chuộng tại Việt Nam.
Phát triển xe xanh tại Việt Nam: Câu chuyện không chỉ từ một phía
Xe xanh hiện đang là xu hướng phát triển chung của ngành công nghiệp ô tô toàn thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, để xe xanh nói chung và xe Hybrid nói riêng trở nên phổ biến tại nước ta, cần có sự hỗ trợ, hợp tác từ nhiều bên: Chính phủ, cộng đồng cũng như doanh nghiệp sản xuất và phân phối ô tô.
Hiện tại, chính phủ Việt Nam cũng đã có những động thái khuyến khích sử dụng xe thân thiện với môi trường. Đáng chú ý, Luật số 106/2016/QH13 của Quốc hội về Luật thuế GTGT, thuế TTĐB và luật Quản lý Thuế, Mục 2, điều 2 quy định: “Xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng thì thuế suất bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại”.
Bên cạnh đó, QĐ 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nói đến việc “…Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...)...”.
![]() |
Mặc dù phù hợp nhưng vẫn tồn tại nhiều rào cản khiến ô tô Hybrid chưa thể phổ biến tại Việt Nam. |
Tuy nhiên, xe Hybrid lại không nằm trong diện ưu đãi thuế suất tiêu thụ đặc biệt do không "chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện" theo luật quy định. Đây là loại xe chạy hoàn toàn bằng xăng và động cơ điện của xe hoạt động nhờ năng lượng chuyển hóa từ xăng. Hơn thế nữa, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc xác định rõ con số "70%" được quy định, do những mẫu xe Hybrid sử dụng bộ phân chia công suất, liên tục thay đổi tỉ lệ sử dụng nguồn năng lượng xăng và điện.
Sự chung chung, thiếu rõ ràng trong chính sách là rào cản lớn nhất khiến nhiều doanh nghiệp rụt rè trong việc đưa ô tô Hybrid về Việt Nam. Trong số các nhà sản xuất, Toyota hiện là hãng xe chứng tỏ quyết tâm rõ ràng nhất.
Hãng xe Nhật Bản đã không ít lần thể hiện mong muốn phân phối Toyota Prius ở thị trường trong nước. Trong triển lãm Vietnam Motor Show 2015 và 2016, chiếc xe Hybrid này đều xuất hiện. Tiếp đó, đầu tháng 6 vừa qua, Hội thảo công nghệ Toyota Hybrid được tổ chức ở Hà Nội. Tại VMS 2017, thương hiệu xe sang Lexus của Toyota cũng đã chính thức giới thiệu công nghệ Hybrid.
![]() |
Hội thảo công nghệ Toyota Hybrid tổ chức ở Hà Nội đầu tháng 6 vừa qua. |
Những động thái nói trên của Toyota mang đến một tương lai đầy hứa hẹn cho ô tô Hybrid ở thị trường Việt Nam. Với hệ thống đại lý và trung tâm dịch vụ trải rộng, hãng xe Nhật Bản hoàn toàn đủ khả năng mang đến cho người dùng sự an tâm trong vấn đề bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa.
Bên cạnh nỗ lực tới từ các nhà sản xuất, Việt Nam cần những chính sách rõ ràng để người dùng có thể tiếp cận dễ dàng hơn với xe xanh nói chung và xe Hybrid nói riêng. Trong khi chúng ta vẫn đang loay hoay với câu chuyện chính sách thì nhiều nước trong khu vực đã có những động thái mạnh mẽ để khuyến khích xe thân thiện với môi trường. Gần đây nhất, cuối tháng 6 vừa qua, Thái Lan, Maylaysia, Philippines và Singapore vừa chính thức ký thỏa thuận thành lập Hiệp hội Ô tô điện và Ô tô Hybrid Đông Nam Á (AFEHVA).
Tứ Đức