Ô tô chặn ngang BOT tuyến tránh Biên Hòa, Quốc lộ 1 tê liệt Bộ GTVT: 38 trạm BOT đã giảm phí TP Hồ Chí Minh sắp áp dụng thu phí không dừng tại 3 trạm BOT |
Sau 30-10, sẽ đề xuất dừng thu phí đối với trạm chưa lắp hệ thống ETC
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, nhằm minh bạch trong thu phí của các nhà đầu tư BOT, Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà đầu tư BOT lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) đối với 28 trạm thu BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Về lộ trình, nhà đầu tư BOT phải lắp đặt xong 27 trạm thu phí và bắt đầu chạy thử từ 15-10 và đến 30-10 sẽ chính thức vận hành. Ông Huyện cho biết, năm 2015, Chính phủ đã có quyết định lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng VETC.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch và nhà đầu tư BOT có điều kiện lựa chọn, Bộ GTVT vẫn thông báo mời thầu công khai, nhưng sau gần 1 năm chỉ có duy nhất một nhà cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH thu phí tự động VETC đăng ký tham gia. Bộ GTVT đã lựa chọn nhà đầu tư này để đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ông Huyện cho biết, có 6 thành phần có thể kiểm soát được việc thu phí, đó là Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Công an, chủ đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ và chủ xe. Dữ liệu thu phí không dừng của các nhà cung cấp dịch vụ sẽ được truyền về hệ thống của Tổng cục Đường bộ VN để lưu trữ, giám sát.
Đơn vị nào cung cấp cũng được nhưng phải đàm phán giá dịch vụ và phải kết nối liên thông. Bộ GTVT không bắt buộc nhà đầu tư BOT phải ký với nhà cung cấp dịch vụ nào. Bộ GTVT chỉ đưa ra tiêu chuẩn đối với nhà cung cấp dịch vụ, trên cơ sở này nhà đầu tư BOT có quyền lựa chọn hoặc tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng tốt nhất cho mình.
Tuy nhiên, nhà cung cấp đó phải được Bộ GTVT thẩm tra, chấp thuận và nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm tự kết nối với hệ thống của Tổng cục. Đồng thời, bắt buộc phải kết nối với trung tâm quản lý các trạm thu phí theo hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) để Tổng cục giám sát.
Trạm thu phí có làn tự động. |
“Việc các nhà đầu tư BOT muốn tự quản lý hệ thống thu phí không dừng là không thể. Chính phủ đã có chủ trương để nhà cung cấp đứng ra giám sát, sau đó mọi dữ liệu sẽ truyền về cho Tổng cục Đường bộ quản lý, không có chuyện đơn vị thứ 3 quản lý như lo lắng của nhà đầu tư”.
Việc lắp đặt thu phí không dừng để người dân tin tưởng vào tính công khai, minh bạch của thu phí BOT. Vì vậy, các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ triển khai, không thể lùi nữa. Trường hợp nhà đầu tư VETC vi phạm sẽ xử lý theo quy định”, ông Huyện khẳng định.
Khó có phương án giảm giá phí chung
Liên quan đến việc giảm giá tại các trạm thu phí, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết vẫn đang tiếp tục đàm phán với các đơn vị liên quan. Đến ngày 15-10 sẽ có kết quả chính thức báo cáo về Bộ GTVT. Song, vị này cũng thẳng thắn cho rằng, khó có phương án giảm giá phí chung.
Cả nước có 73 trạm thu giá BOT, đối với 55 dự án hoàn thành và đi vào khai thác, Bộ GTVT đã điều chỉnh giảm mức thu đối với 31 trạm, 18 trạm khác hiện có mức thu thấp, không cần điều chỉnh và 6 trạm hiện chưa thống nhất được với nhà đầu tư về mức giá điều chỉnh. Việc rà soát, đàm phán dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 10 này. Việc giảm giá vé được thực hiện theo Luật Giá số 11/2012 và Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Trên cơ sở giá trị quyết toán của các dự án và các yếu tố hình thành giá, Bộ GTVT đã rà soát phương án giá theo hướng ưu tiên giảm giá vé hơn là giảm thời gian thu giá hoàn vốn. Việc giảm giá vé vẫn phải đảm bảo khả thi về phương án tài chính của các dự án.
Việc giảm giá đã được Chính phủ chỉ đạo, Bộ GTVT triển khai và Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng phương án tổng thể với các phương án giảm giá đối với các dự án có thời gian thu từ 3 năm trở lên. Đối tượng giảm giá bao gồm xe buýt các loại; chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú, các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn lân cận trạm thu giá, phạm vi giảm giá là các địa bàn có bán kính tới trạm thu giá từ 3 - 5km, đối với các dự án có tính chất đặc biệt thì xem xét bán kính đến 10km. Trạm nằm ngoài dự án phạm vi giảm giá là các địa bàn không quá 10km.
Về tỷ lệ giảm giá vé, được xác định cụ thể cho từng dự án để đảm bảo hài hòa lợi ích, đồng thời đảm bảo khả thi về phương án tài chính. Các yếu tố đầu vào của phương án tài chính mỗi dự án khác nhau như chi phí đầu tư dự án, lưu lượng xe qua trạm, lãi suất tiền vay.
Vì vậy, để tìm một phương án chung tuyệt đối cho tất cả các dự án là rất khó. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đang xây dựng phần mềm giám sát thu phí trực tuyến tập trung. Sau khi xây dựng xong, tất cả các dữ liệu của trạm thu phí sẽ được truyền về máy chủ. Cơ quan quản lý sẽ quản lý được tình trạng hoạt động của các trạm thu phí như công tác thu phí có diễn ra đúng quy định, quy trình hay không, công tác đảm bảo ATGT, công tác chống ùn tắc.
Ngoài ra, phần mềm sẽ giúp công khai, minh bạch số liệu của dự án như tổng mức đầu tư, thời gian thu phí hoàn vốn, mức thu, doanh thu..., trên website của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để nhân dân biết và cùng giám sát.