Chiếc Porsche Macan 2019 đầu tiên đã được xuất xưởng Nhiều hãng xe “lỗi hẹn” với triển lãm ô tô Việt Nam 2018 Nếu đam mê ô tô, nhất định bạn phải theo dõi những Instagram này |
The Drive đưa tin, Phó giám đốc marketing của đại lý Porsche lớn nhất nước Mỹ, Shiraaz Sookralli, đã tự nhận tiền cọc của một số khách hàng đặt mua các dòng xe 911 GT3 và GT3 RS. Tuy nhiên, Shiraaz đã biến mất, mang theo khoảng 2,5 triệu USD tiền cọc của khách mà không giao xe.
Đáng chú ý, những hợp đồng ký kết giữa Shiraaz và khách hàng được lập bởi một công ty ma, do chính Shiraaz lập ra. Tên gọi của công ty ma là Champion Autosport, khá giống với tên gọi của đại lý Champion Porsche, khiến khách hàng nhầm lẫn. Ngoài ra, người này còn chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng bí mật và rút hết sau đó. Sự việc đã được Shiraaz thừa nhận trong email và điện thoại gửi Champion Porsche.
Đây là vụ lừa gạt tiền của khách hàng lớn nhất từng xảy ra với Porsche Bắc Mỹ. Số tiền đủ để khởi tố Shiraaz. Đại lý xe Porsche nói rằng không hay biết về vụ việc, cho đến khi vị Phó giám đốc biến mất vào cuối tháng 8. Tuy nhiên, lời giải thích của đại lý không làm hài lòng khách hàng, những người vừa mất tiền mà cũng chẳng nhận được xe.
Hình ảnh "truy nã" Shiraaz Sookralli do khách hàng tự chế. |
Shiraaz làm việc cho Champion Porsche khoảng hơn 10 năm và có uy tín trong công việc. Hầu hết khách hàng đánh giá Sookralli cao về sự tận tình và kiến thức về xe cộ. Trên diễn đàn Rennlist nổi tiếng tại Mỹ, Phó giám đốc marketing của Champion Porsche khá nổi tiếng, khi nhận được nhiều lời khen từ các thành viên. Nhưng cũng không loại trừ, đó là những thành viên giả mạo, làm công tác "seeding" để tăng uy tín.
Ngoài ra, diễn đàn này cũng nói về độ hiếm của những chiếc Porsche đặc biệt. Khách hàng thường xếp hàng dài, chờ đợi vài tháng, thậm chí cả năm trời đặt cọc xe. Trong khi đó, Champion Porsche lại là đại lý lớn nhất nước Mỹ, nên nhiều khách hàng tự tìm đến đây. Nhiều người không tỏ ra ngạc nhiên khi Shiraaz đưa ra lời khuyên họ nên đặt cọc trước cho chiếc xe. Sau đó, hợp đồng cọc được ký kết giữa khách hàng và Champion Autosport, công ty ma của Shiraaz.
Trong bản thoả thuận cọc, khách hàng nhận được đầy đủ thông tin mẫu xe muốn mua. Nhưng trên thực tế, xe có thể không tồn tại hoặc đã được mua bởi một khách hàng khác ở đại lý thật. Tiền cọc được khách chuyển vào tài khoản của Autosport tại ngân hàng Mỹ. Shiraaz và vợ đã rút hết số tiền trong tài khoản này.
Dòng xe thể thao Porsche GT3 RS. |
Jackson Wang, khách hàng bị nạn cho biết anh ta làm việc với Shiraaz hồi tháng 2 năm nay, nhờ môi giới trên diễn đàn Rennlist. Sau khi tìm hiểu thông tin cá nhân của Shiraaz, Jackson đã gửi tiền đặt cọc chiếc GT3 và yên tâm số tiền được đảm bảo.
Để tạo sự tin tưởng cho khách hàng, Shiraaz thường xuyên liên lạc với khách để trao đổi về tình trạng xe khách đặt. Do đó, Jackson càng thêm yên tâm cho đến khi Shiraaz ngừng nhận điện thoại vào tuần trước. Jackson gọi điện đến đại lý xe Porsche và nhận được thông tin rằng có hợp đồng mua bán nhưng không phải chiếc GT3, mà là một xe khác.
Một người bị Shiraaz lừa khác cũng chia sẻ câu chuyện tương tự. Anh này được hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản của Autosport và tài khoản của đại lý thật để đặt cọc. Sau đó, Shiraaz tạo ra những giấy tờ giả mạo, để khách hàng tin rằng đã mua được xe như giá đề xuất. Người này sau đó được nhận xe, nhưng chiếc xe có thông số kỹ thuật hoàn toàn không đúng như thoả thuận.
Đến thời điểm bỏ trốn, Shiraaz đã lừa được 24 khách hàng, với số tiền cọc lên đến 2,5 triệu USD. Khách hàng đã gửi đơn kiện lên toà án tại Florida, nơi đặt trụ sở đại lý bán xe. Đại diện Champion Porsche đã đề nghị khách hàng bị hại cung cấp thêm thông tin để có những hỗ trợ hợp lý theo pháp luật. Nhiều khả năng cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) sẽ vào cuộc, bởi có những hợp đồng với khách hàng nằm ở các bang khác nhau.