* Nữ vận động viên đua xe máy dính chấn thương nặng
Như thông tin đã đưa, ngày 23/7 xảy ra một vụ tai nạn tại giải đua xe máy VMRC 2023 (Giải Đua xe Mô tô Việt Nam 2023), trường đua Đại Nam (tỉnh Bình Dương). Vụ tai nạn ở hạng Blade khiến một nữ tay đua chấn thương nặng.
Bên cạnh những tranh cãi về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, một vấn đề khiến cộng đồng mạng quan tâm là chiếc mũ bảo hiểm của nạn nhân. Tại sao nữ tay đua được trang bị mũ bảo hiểm nhưng vẫn dính chấn thương nặng ở phần đầu?
Kết quả chụp MRI đối với nữ vận động viên gặp nạn tại giải đua xe máy VMRC 2023. |
Theo đó, trong chia sẻ của đại diện Ban tổ chức (BTC) VMRC 2023 với bác sĩ, nạn nhân gặp tai nạn khi đang đua với tốc độ 50-60 km/h. Khi gặp nạn, tay đua này đội chiếc mũ bảo hiểm cả đầu (full face) phiên bản đua - KYT NX RACE size S, chạy trên chiếc Honda Blade 110. Chiếc mũ bảo hiểm được BTC giải phát cho nữ vận động viên, bắt buộc phải đội trong khi thi đấu, theo quy định giải. Chiếc mũ bảo hiểm chỉ hư hỏng trầy xước nhẹ, nhưng nạn nhân chấn thương khá nặng với 4 mũi khâu bên trái đầu, bên phải dập thái dương xuất huyết não.
Chiếc mũ bảo hiểm sau vụ tai nạn. |
Giải thích vấn đề này, Hồ Ka, một thành viên tích cực của CLB Xe Địa hình thể thao TP.HCM, đã đăng tải bài viết trên facebook cá nhân phản hồi lại. Theo anh, hiện nay trên thị trường có khá nhiều mũ bảo hiểm được đặt tên là Race, tuy nhiên không phải cái nào cũng đủ điều kiện để sử dụng trong các cuộc đua. Theo Hồ Ka, mũ bảo hiểm đủ tiêu chuẩn đua phải có tem FIM trên dây quai đeo.
Phân tích kỹ hơn về mũ bảo hiểm của nữ vận động viên gặp nạn, Hồ Ka chỉ rõ:
1. Đuôi gió trên mũ bảo hiểm đủ tiêu chuẩn đua được thiết kế có khả năng rời ra khi có va đập, thường được dán keo hai mặt và dễ gãy vỡ nhằm đảm bảo không trở thành vật cản cho vỏ mũ và mút xốp hấp thụ lực va đập. Ở chiếc mũ KYT NX RACE size S của nạn nhân, đuôi gió vẫn dính rất chắc và không có dấu hiệu nứt vỡ, làm giảm khả năng hấp thụ lực va đập của mũ. Bằng chứng là vỏ mũ nứt theo đường thẳng chứ không phải theo kiểu "đập vỏ trứng" như nguyên lý hấp thụ lực va đập thông thường.
2. Mút xốp (eps) bị vỡ một đường rộng, có thể đến từ hai nguyên nhân đồng thời. Thứ nhất là hình dáng mút xốp không chuẩn để có thể tiếp xúc sát với vỏ mũ, điều này tạo ra khoảng trống giữa mút xốp và vỏ mũ. Thứ hai, hạt mút xốp cho nở quá lớn, không đảm bảo tỉ trọng 50 g/cm3. Hai vấn đề này làm giảm khả năng hấp thụ lực va đập.
Cuối bài đăng, Hồ Ka kết luận: để chứng minh, hãy mang chiếc mũ bảo hiểm của nạn nhân đi kiểm định các yếu tố trên.
Chữ NX RACE S bên trong mũ (vòng tròn xanh được vẽ bởi tác giả bài đăng). |
Khu vực lõi xốp bị vỡ (vòng khoanh màu đỏ) và vệt máu đọng lại của nạn nhân (vòng khoanh màu vàng). |
Lớp vỏ bên ngoài chỉ bị trầy xước lớp sơn. |
Mặt sau của mũ không bị hư hỏng gì. |
Bên phải của nón không có vết trầy xước nào, bên trong lõi xốp cũng không có gì bất thường. |
Bên phải bên trong lõi xốp không có dấu hiệu bất thường. |
Vùng sơn bị bong tróc (khoanh vàng) nhưng không biết có phải vỏ mũ bị nứt hay không. |
Phương Huyền