Mấy ngày qua, cộng đồng mạng đang bàn tán xôn xao xung quanh vụ việc trộm xe rồi tự gây tai nạn ở Pleiku. Vấn đề được tranh cãi nhiều nhất chính là trách nhiệm của đơn vị cung cấp bảo hiểm và liệu chủ xe có được bồi thường hay không.
Quy tắc bảo hiểm ô tô quy định thế nào?
Trước khi đi vào vụ việc, ta cùng xem các quy định về bảo hiểm liên quan đến trường hợp bị mất trộm ô tô. Trong bộ Quy tắc bảo hiểm xe cơ giới của các công ty bảo hiểm, hạng mục Phạm vi bảo hiểm thường có quy định rất rõ những trường hợp bảo hiểm sẽ tiến hành bồi thường cho chủ xe những thiệt hại vật chất xảy ra đối với xe.
Chiếc xe Kia Soluto bị trộm rồi tự gây tai nạn bị hư hỏng nặng. |
Các trường hợp này bao gồm những tai nạn bất ngờ, không lường trước được ngoài sự kiểm soát của chủ xe, lái xe (lưu ý, bồi thường cả trường hợp lái xe không phải là người chủ xe). Đó có thể là va chạm làm hư hại xe, sự cố cháy nổ đối với xe, những tai hoạ thiên nhiên bất khả kháng hay trường hợp bị mất cắp, bị cướp toàn bộ xe.
Ở đây cần phân biệt, quy tắc bảo hiểm chỉ đề cập đến việc bồi thường mất cắp/bị cướp cả chiếc xe. Trường hợp bị bẻ gương, móc logo hay tháo trộm lốp xe thường gặp (gọi là mất cắp bộ phận của xe), đơn vị bảo hiểm chỉ sẽ không bồi thường. Để được đền bù thiệt hại khi xảy ra sự cố này, chủ xe cần mua thêm bảo hiểm mất cắp bộ phận.
Lập luận cho rằng bảo hiểm không phải bồi thường nói sao?
Tuy nhiên, trường hợp của chủ xe ở Pleiku, có thêm tình tiết khác trong vụ việc. Thứ nhất, chủ xe đã lập tức tóm được thủ phạm trộm xe ngay sau đó. Có nghĩa là hành động trình báo bị mất cắp xảy ra sau.
Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng chiếc xe vẫn còn, chưa bị lấy trộm, nên bảo hiểm cần không bồi thường thiệt hại do mất cắp toàn bộ xe.
Từ ý kiến nêu trên, dẫn đến ý thứ hai: Do xảy ra tai nạn, bảo hiểm sẽ bồi thường theo góc độ này.
Trong vụ việc thủ phạm lấy trộm xe bị đuổi bắt, đã làm lật xe, gây hư hỏng nghiêm trọng toàn bộ thân xe. Chi phí sửa chữa ước tính hàng chục triệu đồng. Nhưng theo quy tắc bảo hiểm, người lái xe vi phạm pháp luật, cụ thể ở đây là thủ phạm vụ trộm lái xe khi không có giấy phép điều khiển xe cơ giới, thuộc trường hợp bị loại trừ bảo hiểm.
Từ hai lập luận nêu trên, dẫn đến kết luận: Chủ xe sẽ không được bảo hiểm bồi thường. Như vậy, muốn giảm thiệt hại, chủ xe chỉ còn mỗi cách nhờ toà án yêu cầu tên trộm bồi thường.
Tuy nhiên, lập luận trên là sai. Lý do sẽ được giải thích bên dưới.
Phía công ty bảo hiểm BSH đã cử người giám định và làm việc với chủ xe. |
Bảo hiểm vẫn phải thực hiện bồi thường
Trong các nguyên tắc bảo hiểm được tuân thủ chung trên toàn thế giới, có một nguyên tắc nói về ''nguyên nhân gần''. Nguyên nhân gần là nguyên nhân chi phối sự việc dẫn đến tổn thất cho đối tượng được bảo hiểm. Theo nguyên tắc này, trong vụ việc ở Pleiku, hành động ăn trộm xe là nguyên nhân dẫn đến các thiệt hại đối với chiếc xe được bảo hiểm. Vì vậy, thuộc trách nhiệm của bên cung cấp bảo hiểm.
Dựa trên bộ quy tắc của các công ty bảo hiểm nêu ở phần đầu bài viết, hành động ăn trộm xe đã hoàn thành và công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho chủ xe thiệt hại đúng như cam kết. Cụ thể ở trường hợp này, chiếc Kia Soluto có giá gần 500 triệu đồng khi mua mới, sau 3 năm sử dụng giá trị khấu hao còn khoảng hơn 300 triệu đồng. Đây sẽ là mức bồi thường của công ty bảo hiểm với chủ xe.
Theo đúng thoả thuận với chủ xe, công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu chủ xe ký vào biên bản thế quyền, tức là giao quyền đòi bồi thường cho công ty bảo hiểm để đi làm việc với bên thứ ba gây ra thiệt hại (ở đây là tên trộm). Công ty bảo hiểm sẽ tiến hành bồi thường cho chủ xe, không liên quan đến việc công ty này có đòi được bồi thường từ tên trộm xe hay không. Tất nhiên, giữa chủ xe và công ty bảo hiểm có thể có những thoả thuận chi tiết về việc này.
Hiện việc bồi thường đang được giàn xếp giữa công ty bảo hiểm và người nhà đối tượng trộm xe. |
Công ty bảo hiểm BSH đã đến làm việc với chủ xe
Theo lời chủ xe, anh Đặng Tuấn, ban đầu, giám định của công ty có nói đại ý rằng chiếc xe có thể không được bồi thường, với lý do người lái xe gây ra tai nạn do không có bằng lái.
Tuy nhiên sau đó bộ phận xử lý bồi thường của BSH đã đến gặp anh Tuấn, đề nghị ký biên bản thế quyền để có căn cứ bồi thường và xử lý tiếp sau vụ việc. Như vậy, bên bảo hiểm đã làm đúng với trách nhiệm của mình.
Chủ xe cũng cho biết thêm, gia đình thủ phạm trộm xe cũng đã có liên hệ và đề nghị được đền bù thiệt hại và anh đã đồng ý với phương án này.
Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định không được phép bồi thường hai lần cho cùng một vụ việc đối với bảo hiểm phi nhân thọ. Như vậy, nếu bên BSH đứng ra bồi thường, họ sẽ đi làm việc với gia đình thủ phạm trộm xe sau đó. Trong trường hợp đề cập ở đây, gia đình thủ phạm chủ động đề nghị khắc phục hậu quả, nên BSH sẽ không còn trách nhiệm bồi thường cho khách hàng nữa.
Ngày 20/5, chiếc xe Kia Soluto đỗ trước cửa hàng sửa khoá của anh Đặng Tuấn. Do đang vận chuyển hàng vào nhà, chiếc xe vẫn cắm chìa khoá trong ổ. Đúng lúc đó, đối tượng đi ngang và thực hiện vụ ăn trộm. Chủ xe cùng nhân viên lấy xe máy đuổi theo, được khoảng hơn mười cây số thì chiếc xe đâm xuống vệ đường. Tên trộm bị xây xước nhẹ, bị chủ xe bắt giữ và giao cho công an. Chiếc xe lao xuống vệ đường, lật nghiêng, móp méo nặng xung quanh. Túi khí bung toàn bộ. Kính chắn gió trước, sau vỡ tung. Đầu xe, đuôi xe bị hư hỏng nghiêm trọng, hệ thống đèn bị vỡ, mặt ca-lăng bị văng ra ngoài,... |
Ảnh Group Otofun
Tùng Thiện