Do chính các công ty bảo hiểm đẩy trách nhiệm và do người mua bảo hiểm không chịu đọc kỹ thông tin, nên trong các vụ việc đền bù bảo hiểm vật chất đối với ô tô, xe máy, thường có ba hiểu lầm sau:
1. Phải có hồ sơ CA mới được đền bù
2. Không đàm phán được hợp đồng
3. Đợi bảo hiểm đòi bên thứ ba xong mới được đền bù
Phải có hồ sơ công an mới được đền bù
Rất nhiều người đến nay vẫn tin như vậy. Trong trường hợp xảy ra sự cố bảo hiểm, giám định thiệt hại và tiến hành đền bù cho khách là việc của công ty bảo hiểm. Nếu không đủ khả năng giám định, bảo hiểm sẽ tìm đối tác có đủ khả năng giám định vụ việc. Đó có thể là công an, là phòng cháy, là thám tử, chuyên gia kỹ thuật, bác sĩ hay bất kỳ ai.
Điều 48 Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định: Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
Như vậy, hồ sơ công an có hay không không quan trọng đối với việc đền bù. Tài liệu này chỉ là căn cứ tham khảo cho bảo hiểm trong việc tiến hành đền bù bảo hiểm vật chất. Chủ xe gây ra tai nạn có thể đi tù, nhưng việc bảo hiểm đền bù tổn thất cho chủ xe vẫn cứ tiến hành như thường.
Từ đây dẫn đến ý tiếp theo, bên bảo hiểm mới là bên phải đi xin trích sao hồ sơ công an, chứ không phải đẩy cho khách hàng. Cần ghi nhớ rằng Thông tư liên tịch Bộ Công an – Bộ Tài chính nêu rõ trách nhiệm của công ty bảo hiểm như sau: Thanh toán cho Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra, Cảnh sát khác có liên quan chi phí sao chụp hồ sơ, biên bản, tài liệu khác có liên quan và giữ bí mật các thông tin, tài liệu này trong quá trình điều tra.
Không đàm phán được hợp đồng với các công ty bảo hiểm
Hợp đồng giữa người mua với các công ty bảo hiểm là hợp đồng dân sự, như vậy, hoàn toàn có quyền đàm phán về bất cứ điều khoản nào. Như mọi hợp đồng, việc đàm phán chỉ có thể tiến hành khi hai bên có các ưu thế ngang bằng nhau.
Ví dụ trường hợp của Bảo Long, có điều khoản không bồi thường khi xe tự cháy (lỗi nhà sản xuất). Quy định này không sai luật. Nhưng nó cực kỳ phi lý (hình như mỗi Bảo Long có) và khách hàng có quyền từ chối không mua dịch vụ của công ty này. Nhiều người tẩy chay sẽ dẫn đến việc sớm hay muộn Bảo Long sẽ phải bỏ điều này khỏi hợp đồng.
Bảo hiểm đòi bên thứ ba xong mới đền bù
Đây là một cách hiểu sai lầm phổ biến đã nêu trong bài trước. Không cần phải có kiến thức về pháp luật hay viện đến các điều khoản rắc rối trong hợp đồng, chỉ cần tư duy một cách thông thường sẽ hiểu rằng: khi tôi trả tiền cho công ty bảo hiểm, nên việc của bảo hiểm là đền bù cho tôi, còn bên thứ ba liên quan trong sự cố là ai không cần quan tâm. Đó có thể là hãng xe như trường hợp của Bảo Long đã nêu, có thể là một tay vô gia cư rách như tổ đỉa hay là bố của ông giời (lỡ đâu có cục thiên thạch rơi vào xe).
Các quy định về việc bảo hiểm phải bồi thường trước cho khách hàng được quy định rõ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm và cũng được nêu rõ trong vụ Bảo Long. Có thể đọc ở đây để tìm hiểu kỹ hơn.