![]() |
CEO Xiaomi, Lôi Quân, ngồi trên nắp ca-pô của SUV YU7 |
Gần đây, nhà sáng lập kiêm CEO của Xiaomi, ông Lôi Quân, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trên mạng xã hội Weibo về công nghệ tự lái Full Self-Driving (FSD) của Tesla, cho biết Xiaomi vẫn còn nhiều điều cần học hỏi từ hãng xe điện Mỹ.
Cụ thể là vào thứ Bảy tuần trước, Phó Chủ tịch Tesla, bà Đào Lâm, thông báo trên Weibo rằng một chiếc Model Y đã tự động giao đến tay khách hàng mà không có người lái hoặc điều khiển từ xa. “Lần đầu tiên, chiếc xe tự giao đến cho chủ của nó. Không có tài xế, không điều khiển từ xa, tốc độ đạt tới 115 km/h trước khi an toàn đến cửa nhà của khách hàng,” bà viết.
Sau đó, ông Lôi Quân đã chia sẻ lại bài đăng này kèm bình luận: “Tesla quả thật tuyệt vời. Họ đã dẫn đầu xu hướng ngành công nghiệp ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tự lái hoàn toàn (FSD). Chúng tôi vẫn còn nhiều điều cần học hỏi.”
Tesla một lần nữa đã thu hút nhiều sự chú ý của người trong ngành vào dịp cuối tuần vừa qua, khi một chiếc Model Y tự lái hoàn toàn quãng đường khoảng 24 km từ nhà máy Gigafactory tại Austin, tiểu bang Texas, Mỹ, đến nhà của khách hàng mà không có người ngồi bên trong. CEO Elon Musk đã gọi đây là lần giao xe tự động hoàn toàn đầu tiên của công ty.
![]() |
Một chiếc Tesla Model Y đã tự giao hàng đến chủ mới thành công vào cuối tuần trước |
Tại Trung Quốc, việc các đối thủ công khai khen ngợi nhau như trên không phải là hiếm và thường được xem là một chiêu thức tiếp thị khôn khéo. Thuật ngữ “vừa bạn vừa thù” thường được dùng để mô tả mối quan hệ giữa các CEO đối thủ khi họ “đùa cợt” về sản phẩm của nhau hoặc đặt hàng để thể hiện thiện chí.
Ví dụ, trong năm 2024, CEO Lý Bân của Nio đã thường làm vậy với CEO Hà Tiểu Bằng của Xpeng khi thử nghiệm mẫu sedan Nio ET7 dùng pin thể rắn bán phần với tầm hoạt động 1.000 km. Ngược lại, ông Hà đùa rằng ông Lý nên mang theo cốc cà phê lớn cho chuyến đi dài và thậm chí cho ông Lý mua chiếc MPV Xpeng X9 với giá khuyến mãi. Mối quan hệ thú vị này đã bắt đầu từ năm 2018, khi hai CEO đặt cược xem Nio có giao được 10.000 xe trong năm hay không. Khi đó, ông Lý đã thắng.
Ông Lôi Quân của Xiaomi đã đưa tương tác kiểu này lên một đẳng cấp khác. Vị tỷ phú hàng đầu Trung Quốc thường xuyên giao lưu với các CEO đối thủ, khen ngợi công nghệ và xe của họ, cũng như mời họ đến dự các buổi ra mắt xe Xiaomi. Trước khi khen ngợi FSD của Tesla, ông ấy từng tán dương công nghệ hoán đổi pin của Nio. Trong một động thái mới, ông Lôi Quân cũng gửi lời chúc mừng tới Great Wall Motor nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập và Li Auto nhân dịp 10 năm thành lập.
Model Y là sản phẩm chủ lực của Tesla tại thị trường Trung Quốc. Trong năm 2024, Tesla đã giao 480.309 chiếc Model Y tại Trung Quốc, chiếm 74,6% tổng lượng tiêu thụ của mình ở nước này. Mẫu SUV điện vẫn bán khá tốt ngay cả khi chịu áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm nội địa như Xpeng G6, Deepal S7, Zeekr 7X, và Onvo L60. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2025, số lượng bán hàng Model Y đã giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về phía Xiaomi, hãng đã chính thức ra mắt mẫu SUV YU7, đối thủ Model Y, vào ngày 26 tháng 6 năm 2025 tại Bắc Kinh. Trong vòng 1 giờ sau sự kiện, YU7 đã nhận được 289.000 đơn đặt hàng và ghi nhận 240.000 đơn hàng khóa cứng (đặt cọc không hoàn lại) trong 18 giờ đầu tiên.
Hệ thống hỗ trợ lái tân tiến của Xiaomi có tên gọi là Xiaomi Assisted Driving Pro, còn được gọi là HAD, sử dụng nền tảng Nvidia Drive AGX Thor, đạt hiệu suất 700 TOPS. Tuy nhiên, đa số người đánh giá tích cực xe Xiaomi đều tỏ ra thận trọng hơn khi đề cập đến hiệu suất của ADAS, một yếu tố cho thấy hệ thống có khả năng hoạt động chưa thực tốt. Nhưng không giống như FSD của Tesla vốn chỉ có trên bản xe cao cấp, hệ thống ADAS của Xiaomi là trang bị tiêu chuẩn trên tất cả các mẫu xe, một điều phổ biến ở nhà sản xuất xe điện Trung Quốc.
Duy Thành