Chiếc xe GLC 200 bị cháy trong vụ việc xảy ra vào tháng 6/2020. |
Tóm tắt vụ việc cháy xe Mercedes-Benz GLC như sau. Cuối tháng 6/2020, một chiếc GLC 200 đang đậu trong khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, bốc cháy. Giám định của Viện Khoa học hình sự (KHHS), Bộ Công an, vào tháng 7 cho rằng chiếc xe tự gây cháy. Cụ thể là do chập mạch điện. Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Long cho rằng, chiếc Mercedes Benz GLC 200 đang nằm trong thời hạn bảo hành của hãng xe cộng với kết luận giám định của Viện KHHS là xe tự gây cháy, nên công ty không bồi thường.
Tháng 8, Mercedes-Benz Việt Nam trả lời khách hàng điều ngược lại, cụ thể là nguyên nhân gây cháy xuất phát từ nguồn nhiệt bên ngoài. Tức là không chập mạch. Tức là hãng không bảo hành. Tức là việc này chủ xe phải tự chịu. Còn nếu có mua bảo hiểm, việc này phải đi làm việc với bh. Thông thường, quy trình bồi thường bảo hiểm xe đi qua 4 bước. Tiếp nhận yêu cầu => Giám định tổn thất => Lựa chọn phương án bồi thường => Hoàn thiện hồ sơ. Vụ này đang tắc ở bước thứ ba.
Tất cả các hợp đồng bảo hiểm đều khá đơn giản, gói trong vài trang giấy. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng những gì quan trọng nhất liên quan đến việc bồi thường lại nằm trong một bản quy tắc do chính các công ty bảo hiểm soạn ra. Trong bộ quy tắc này, luôn có một câu đại để như sau: Trong trường hợp tổn thất do bên thứ ba gây ra, chủ xe phải hợp tác với công ty bảo hiểm để đòi tiền từ bên thứ ba này, trong phạm vi số tiền đã hoặc sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường. Ác ở cụm từ “đã hoặc sẽ” này. Nó cho phép công ty bảo hiểm nắm đằng chuôi. Có thể trả tiền trước rồi đi đòi bên thứ ba (bên gây ra sự cố). Hoặc bắt khách hàng chờ đến khi bên thứ ba chịu bồi thường.
Chủ xe, đã trót ký hợp đồng giấy trắng mực xanh, lúc này đành theo bảo hiểm. Nhưng giả sử bên thứ ba không có khả năng bồi thường hoặc họ có lý do hợp lý như hãng xe Mercedes ở VN trong vụ việc đang bàn, chủ xe lâm vào thế mắc kẹt. Lúc này chỉ còn nước ăn vạ. Hoặc văn minh hơn là kiện. Nhưng ăn vạ/kiện ai?
Trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, điều 49.1 ghi rõ: Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Như vậy, trước tiên công ty bảo hiểm phải chi trả cho người được bảo hiểm đã, rồi mới đi đòi bên thứ ba (nếu có). Giả sử bên thứ ba thiệt mạng, không còn tài sản hay người thân, không lẽ người mua bh đành chịu thiệt hại?
Xét theo logic trên, trong trường hợp cháy xe Mercedes-Benz GLC 200, Bảo Long phải bồi thường cho chủ xe đã. Việc yêu cầu hãng xe tiến hành bảo hành sau đó mới tính. Thế hãng ở đây hoàn toàn đúng? Chúng ta chưa hoàn toàn chắc chắn về điều đó. Giám định của chuyên gia hãng không phải là cơ sở để bác bỏ kết luận của Viện KHHS. Muốn khiếu nại, hãng phải mời chuyên gia độc lập khác vào làm việc. Tuy nhiên, chỉ khi bị đưa ra toà và từ chối bảo hành, hãng mới làm việc này. Còn hiện tại, họ không vội vã để làm việc đó.
Vậy chủ xe giờ làm thế nào? Chúng ta không biết được hợp đồng giữa chủ xe và Bảo Long có điều khoản gì đặc biệt không. Nhưng nếu không có gì đặc biệt, việc chủ xe cần làm là cứ đòi tiền bảo hiểm. Bảo hiểm không chi trả thì kiện ra toà. Căn cứ chính là kết luận của Viện KHHS và biên bản của công an. Chủ xe đóng phí cho Bảo Long, không phải đóng phí cho Mercedes-Benz Việt Nam.
Li Ti