Theo đại tá Đào Vịnh Thắng Trưởng phòng PC 67: "Các nút giao thông trong nội thành đều đã được lắp đặt camera giám sát, hệ thống camera sẽ ghi lại những vi phạm của người tham gia giao thông và được xác minh làm rõ. PC 67 sẽ gửi giấy thông báo nộp phạt về cho chủ phương tiện đã vi phạm giao thông với những thông tin ghi rõ thời gian, địa điểm vi phạm, lỗi vi phạm, thông tin phương tiện vi phạm ...
Với các trường hợp là ô tô chưa sang tên chuyển chủ, cùng với việc gửi giấy báo nộp phạt thì PC 67 sẽ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam đình chỉ đăng kiểm, sau khi nộp phạt và thực hiện sang tên chuyển chủ thì các phương tiện này mới được đăng kiểm. Đối với mô tô, xe máy, những trường hợp mua bán nhưng không sang tên đổi chủ sẽ bị đề nghị tạm giữ phương tiện và đình chỉ lưu thông có thời hạn".
Đa phần các thành viên diễn đàn otofun đều đồng tình với quyết định này vì ý thức người tham gia giao thông còn kém, việc ra quyết định này cũng cho thấy Hà Nội đang dần theo kịp các nước phát triển, tuy nhiên vẫn có một số khúc mắc, đơn cử cơ sở hoạt động kinh doanh cho thuê xe du lịch bị thiệt thòi nhiều nhất.
Lý do trước hết là khi đến thuê xe người thuê sẽ bị ràng buộc với cơ sở cho thuê bằng một bản hợp đồng kèm theo biên bản nhận xe, trả xe giao kèo một số điều khoản như xe bị hỏng hóc, gây tai nạn hay bị cảnh sát giao thông bắt lỗi thì người thuê sẽ phải bồi thường một khoản tiền cho cở sở thuê xe chứ không nói đến trường hợp người thuê phải nộp tiền phạt nếu bị chụp ảnh lỗi vi phạm giao thông trong thời gian thuê xe. Mặt khác, khi sang tên đổi chủ xe ô tô, cả người mua lẫn người bán đều không biết chiếc xe đã bị chụp ảnh vi phạm đến khi thủ tục mua bán đã xong lúc đó giấy phạt gửi về nhà mới vỡ lẽ.
Có thành viên đã hiến kế thủ tục xử lý sau khi nhận được giấy phạt:
"Em quan tâm thủ tục xử lý sau khi nhận được giấy phạt. Trong trường hợp không vi phạm (ví dụ trường hợp 1 ->3, hoặc còn rất nhiều tình huống phạt không chính xác khác) thì quy trình xử lý sẽ như thế nào?
Nếu CSGT xử lý trực tiếp còn có thể cãi được luôn là xong chuyện, nhưng gửi giấy phạt về thế này, mỗi 1 giấy phạt là 1 lần đi khiếu nại. Mà các cụ biết rồi, thủ tục làm việc tại các cơ quan công quyền của mình vô cùng nhiêu khê và tốn thời gian. Vậy ai chịu trách nhiệm cho thời gian, công sức mà chúng ta bỏ ra để đi làm những việc không đâu như thế? Chưa kể đi đường dài, về đến nhà ở Huế rồi mới có giấy xử phạt từ Hà Nội gửi về, mà lại là xử phạt sai thì lại lóc cóc ra HN khiếu nại rồi về à???
Vì vậy nếu được kiến nghị, em xin có vài ý:
1. Có trang web công khai minh bạch các trường hợp xử lý phạt nguội qua hình ảnh. Trên đó phải có đầy đủ hỉnh ảnh, video chứng minh lỗi vi phạm và tình trạng xử lý. Mỗi trường hợp có mã số riêng để tra cứu và khiếu nại. Đồng thời có mục khiếu nại tra soát online để người dân có thể đưa ra các lý lẽ, bằng chứng chứng minh không vi phạm.
2. Linh động các hình thức nộp phạt (không chỉ riêng cho hình thức phạt nguội mà cả các hình thức phạt trực triếp sau khi ra quyết định xử phạt). Có thể công bố số tài khoản ngân sách, các cá nhân nộp phạt chỉ cần chuyển khoản vào tài khoản đó qua mọi hình thức (chuyển khoản tại các ngân hàng, Internet Banking, mobile Banking...) trong đó nội dung ghi rõ nộp phạt cho mã số vi phạm nào. Từ đó làm căn cứ để cập nhật trạng thái lên trang web thành ĐÃ XỬ LÝ (có cơ chế cập nhật online thì sẽ tiện lợi và chính xác nhất). Được như vậy thì chẳng mấy ai còn muốn 50/50 với CSGT cả
3. Có các hình thức thông báo qua mobile, mail ... cho người vi phạm (như các cụ đã nói ở trên) để có thể tiếp nhận thông tin kịp thời, tránh trường hợp sự việc phát sinh quá lâu rồi mới biết, lúc đó có đúng sai gì thì cũng kiện củ khoai.
4. Có giải pháp, quy trình đồng bô trong xử lý vi phạm, quy rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cán bộ nhà nước trong từng khâu (từ khâu ra quyết định xử phạt, đến tra soát khiếu nại, đến xử lý sau như đăng kiểm v.v...), đồng thời hướng dẫn người dân xử lý các tình huống phát sinh, và phải ban hành rộng rãi trước khi thực hiện. Chứ chưa có văn bản gì hướng dẫn các thủ tục mà đã thấy giấy phạt về đến nhà rồi thì e thấy không ổn chút nào."
Vẫn có một số điểm tích cực khi quyết định này được ban hành. Khi lắp đặt camera ở các tuyến đường vành đai, nơi tập trung nhiều bến xe, có mật độ giao thông đông đúc như Phạm Hùng (đoạn bến xe Mỹ Đình), Nguyễn Xiển, Giải Phóng (đoạn bến xe Giáp Bát) hay đường cao tốc trên cao sẽ giảm được tình trạng xe khách dừng đỗ tùy tiện, chèo kéo hành khách, xe tải chở đất làm vương vãi ra đường.
Dĩ nhiên, vẫn còn quá sớm để xét đến tính khả thi của quyết định này nhưng căn nguyên của vấn đề vẫn nằm ở chính những người tham giao thông, hãy nhường nhịn nhau trên đường, tuân thủ và hiểu luật khi tham gia giao thông, bình tĩnh xử lý nếu gặp sự cố trên đường hoặc không may bị cảnh sát giao thông bắt lỗi.