Sau khi viết đầu tiên về Off-Road của thành viên Einstein chia sẻ trên diễn đàn Otofun.net đã nhận được sự quan tâm của đông đảo thành viên diễn đàn Otofun. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một vài ý kiến cho rằng đối với những người chẳng bao giờ đua xe thì việc hiểu về Off-road là hoàn toàn không cần thiết.
Không đua xe vì sao phải trang bị kiến thức về Off-road?
"Khi mình nói về ý tưởng phổ cập kiến thức Off-road, có nhiều bác giãy nảy lên, bảo: Ồ điên à! xe chạy trong phố, trên đường không sướng hơn hay sao mà phải vác xe vào những chỗ bùn đất, ao hồ các thứ. Phá xe à!!!" - thành viên Einstein dí dỏm chia sẻ. Nhưng ngay sau đó, Einstein đưa ra kết luận: "Nếu không sợ bị hỏng xe, sợ bị xước sơn hay nặng hơn là trục trặc máy móc thì có sao. Ai đảm bảo được rằng ngay khi các bác chạy xe trong phố phường (dù rất cẩn thận) lại không xảy ra va quệt? không bị kẹt giữa trời mưa trong tình trạng đường xá ngập nước? Vậy nên, dù ít hay nhiều mọi người cũng nên trang bị cho mình một chút kiến thức về Off-road ."
Kiến thức Off-road đôi khi sẽ vô cùng hữu ích, giúp người tham gia giao thông vượt qua những tình huống khó khăn, bảo đảm an toàn cho bản thân và giảm thiểu thiệt hại về vật chất. |
Hiểu về Off-road không chỉ có ý nghĩa với những VĐV trực tiếp tham gia đua xe, với khán giả - những người có sự tò mò và đam mê với bộ môn này mà những kiến thức xoay quanh môn thể thao Off-road đôi khi sẽ trở nên vô cùng hữu ích, giúp cho những người tham gia giao thông dễ dàng vượt qua những tình huống khó khăn, bảo đảm an toàn cho bản thân và giảm thiểu thiệt hại về vật chất.
Xe 1 cầu có off-road được không?
Câu trả lời là "được". Trong suy nghĩ của nhiều người cứ chơi off-road là phải có xe 4x4 "trang bị tận răng" như lắp lốp MT, tời điện… Tuy nhiên, trên thực tế nếu không có kỹ năng thì dù có là 4x4 thì tài xế cũng toát mồ hôi hột với những đoạn đường trơn trượt, gồ ghề.
Thành viên Einstein khẳng định: "Để bắt đầu off-road, mỗi chúng ta nên hiểu rõ về chiếc xe mình sẽ lái: Nó là loại nào, 2 cầu hay 1 cầu? lốp MT hay AT? khoảng sáng gầm bao nhiêu? Thậm chí cả thông tin về động cơ cũng như hộp số (vì thi thoảng sẽ cần huy động moment xoắn lớn nhất để vượt qua chướng ngại vật, nên chúng ta cần phải biết được xe có thể đạt moment xoắn lớn nhất ở vòng tua bao nhiêu - Tuy nhiên điều này không áp dụng được cho xe số)... Tóm lại, càng hiểu rõ về chiếc xe của mình, chúng ta sẽ càng dễ dàng điều khiển chúng vượt qua chướng ngại."
Để bắt đầu off-road, mỗi VĐV nên hiểu rõ về chiếc xe mình đồng thời nắm được các loại địa hình mà mình sắp sửa vượt qua |
Ngoài xe, các VĐV tham gia off-road cũng nên biết về các loại địa hình mà mình sắp vượt qua. Các tay đua không thể ngồi yên trên xe mà ngó nghiêng hết thảy các vị trí, họ sẽ phải mở cửa xe bước xuống, xem dưới cái hố kia là đá hay bùn? sâu bao nhiêu?... "Một cách khá hay, dành cho những người lười đấy là cứ dí cho ông khác đi trước, họ dính chỗ nào thì mình né chỗ đó" - Einstein chia sẻ mẹo thú vị.
Một vài loại đường có thể xuất hiện trong bộ môn Offroad
Nước:
Nếu nước chỉ ngập nửa bánh xe thì có thể vọt qua, nhưng nếu hố nước quá sâu ngược lại phải nghiên cứu phương án khác |
Hố nước: Ít ra phải biết được hố nước đó sâu bao nhiêu, 30 cm hay 3 mét? Nếu nước chỉ ngập quá nửa bánh xe một chút thì có thể cứ thế vọt qua, nhưng nếu hố nước quá sâu ngược lại phải nghiên cứu phương án khác: Nếu nước vào động cơ thì phải làm sao? (tuyệt đối không đề nổ lại nếu xe bị nước vào gây chết máy). Để có thể vượt qua những đoạn nước sâu "dân trong nghề "thường độ ống thở và đưa vị trí của nó lên cao để nước không thể vào máy.
Đối với địa hình sông, hồ, ao… các VĐV phải xác định được dưới mặt nước kia là lớp bùn mỏng hay dày. Khi điều khiển xe qua địa hình này, nếu xe đứng im thì có thể bị lún chạm gầm mà ga to quá bánh xe không bám được vào bề mặt thì sẽ gây ra hiện tượng đào rãnh (Nếu đã có tình trạng đào rãnh thì nên lùi lại theo đường cũ tránh việc càng ga thì rãnh đào càng sâu rồi vô phương cứu trợ)
Đối với địa hình sông, hồ, ao… các VĐV phải xác định được dưới mặt nước kia là lớp bùn mỏng hay dày để tính toán phương án phù hợp |
Đường đá: Nếu là đường đá dăm thì người lái nên điều khiển xe chạy càng chậm càng tốt. Những viên đá sẽ làm giảm ma sát của lốp xe với mặt đường, dẫn tới hiện tượng xe bị mất lái hoặc tệ hại hơn nữa nếu không kiểm soát được tốc độ những viên đá có thể văng vào kính lái của xe phía sau gây tổn thất rất lớn.
Đường đất lầy lội trơn trượt: Là "món" hay gặp nhất và cũng được nhiều người yêu thích nhất trong off-road. Những cung đường đất này thường là các đường bỏ hoang trong rừng hoặc do mưa bão sạt núi mà hình thành nhiều đoạn bùn lầy trơn trượt, kết hợp với các hố nước và sống trâu ổ gà...
Việc quan sát và đánh giá cụ thể đường đi đóng vai trò quan trọng nhất, các VĐV nên tính trước là sẽ đặt bánh xe vào đâu, cố gắng chọn nơi khô ráo và đảm bảo cho xe không bị chạm gầm vào gờ đất cứng. |
Einstein cho biết: "Theo quan sát của mình thì "quân ta" hay bị mắc ở các gờ đất do xe tải hay xe xích đùn lên. Nguyên nhân là do khoảng sáng gầm xe không đủ. Vì vậy việc quan sát và đánh giá cụ thể đường đi ở đây đóng vai trò quan trọng nhất, tốt nhất nên tính trước là sẽ đặt bánh xe vào đâu, cố gắng chọn nơi khô ráo và đảm bảo cho xe không bị chạm gầm vào gờ đất cứng.
Nhiều người hay sử dụng phương pháp lấy đà để lao qua nhưng theo mình hơi phản khoa học, vì nếu trong bùn có cục đá to, không phải là ta đang tự phá xe hay sao? Phương pháp cá nhân của mình là chạy thật chậm để dò đường, cảm thấy "khó ăn" thì lùi lại theo vết xe cũ. Một phương án khả thi cho xe 4x4 trên các quãng lầy dài là tự tiến lùi để tạo thành đường đi riêng.
Thường thường lớp bùn tạo ra bởi mưa trên đường đều không quá sâu, dưới đáy sẽ là nền đất cứng. Nên khi bị sa lầy ta có thể thử cho bánh xe quay tít, đào đến nền đất cứng và xe sẽ thoát được. Tuy nhiên nếu bùn sâu quá, xe lún đến gác gầm thì khả thi nhất là gọi anh em bè bạn đến... đủn xe."
(Còn tiếp...)
Einstein