(OTOFUN) - Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay thành phố có hơn 7,8 triệu phương tiện, trong đó có hơn 7,2 triệu xe máy. Trong khi đó, diện tích đất dành cho giao thông còn hạn chế, nếu đem tất cả phương tiện ra xếp hàng thì không đủ đất, làm sao có đường cho xe chạy?
Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay quỹ đất giao thông của TPHCM rất thấp, tính đến hết năm 2016, tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 4.155 km, đạt mật độ 1,98 km/km2. Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam, mật độ giao thông phải đạt 10-13,3 km/km2. Diện tích đất dành cho giao thông khoảng hơn 7.800 ha (theo quy hoạch là hơn 22.300 ha), tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 8,5% (theo quy chuẩn 22,3%).
Phương tiện giao thông tại TPHCM năm 2016 tăng
hơn 60% so với năm 2010; gây cảnh ùn tắc nghiêm trọng.
Ông Ngô Hải Đường – Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho biết, trong khi quỹ đất dành cho giao thông không tăng thì số phương tiện lại tăng rất nhanh. Lượng phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố tính đến ngày 15/11/2016 là 7,85 triệu (chưa tính xe biển số tỉnh) trong đó xe máy là 7,24 triệu chiếc. Số lượng xe đã tăng hơn 60% so với năm 2010.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó Ban An toàn giao thông TPHCM, trước đây, bình quân 1 ngày tăng 1.000 xe gắn máy, 100 xe ô tô nhưng sang năm 2016, số ô tô tăng 180 chiếc/ngày, có ngày tới 250 chiếc.
Ông Ngô Hải Đường cho biết, thời gian qua thành phố thực hiện rất nhiều biện pháp để kéo giảm tình trạng kẹt xe nhưng tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng. Phương tiện giao thông tăng cao là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. TP đưa vào sử dụng nhiều cầu, tuyến đường mới nhưng so với tỷ lệ tăng phương tiện giao thông thì không đáng kể.
Theo ông Đường, tổng diện tích mặt đường của thành phố khoảng 37,7 triệu m2, vỉa hè khoảng 15,5 triệu m2. Theo quy chuẩn chung, diện tích dành cho giao thông cần 200-240 triệu m2 (gấp từ hơn 3,7 đến gần 4,5 lần so với thực tế hiện nay). Còn nếu trừ đi diện tích vỉa hè bị lấn chiếm tràn lan thì diện tích còn lại dành cho giao thông còn thấp hơn.
Theo ông Đường, trong tổng số 4.155km đường giao thông, thành phố chỉ có hơn 1.700 km rộng trên 7 m (phù hợp cho ô tô, xe buýt), phần đường còn lại chỉ phù hợp cho xe 2 bánh.
“Nếu đem toàn bộ phương tiện ra xếp ở vỉa hè, lòng đường còn không đủ đất, chỉ đủ cho 70% lượng xe thì lấy đâu đất cho xe chạy. Tính vậy có hơi khập khiễng vì không có chuyện tất cả xe đều ra đường cùng một lúc, song làm phép toán này để thấy quỹ đất dành cho giao thông quá thấp, trong khi lượng phương tiện áp đảo”, ông Đường nói.
Cũng theo đại diện Sở GTVT TPHCM, năm nay thành phố đã xảy ra 27 vụ ùn tắc trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, tiêu chí đánh giá ùn tắc giao thông hiện nay chưa đúng với thực tế nên Sở GTVT TP đang lấy ý kiến để có cách đánh giá chính xác hơn.
Ông Đường cũng cho biết thêm, dự kiến vào năm sau, Sở GTVT TP sẽ đưa vào vận hành cổng thông tin giao thông. Người dân sẽ phản ánh các sự cố hạ tầng giao thông, các bất cập trong lĩnh vực đô thị. Cổng thông tin cũng cung cấp cho người dân thông tin về tình hình giao thông trực tuyến tích hợp các tiện ích như dẫn đường, tìm kiếm bãi đổ xe, trạm xăng, nhà vệ sinh công cộng…