Theo ghi nhận trong ngày đầu của dịp nghỉ lễ 2/9, dòng người và xe hướng về các tỉnh miền Tây ken đặc tại các điểm kẹt xe quen thuộc như đường Kinh Dương Vương, cầu vượt quốc lộ 1, đoạn đường thắt cổ chai qua xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM. Trên quốc lộ 1 đoạn từ ngã tư An Sương đến vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), hàng ngàn xe cộ phải nhích từng chút trên đường. Bên trong Bến xe miền Tây, từ 4 giờ 30 sáng đã có hàng ngàn người dồn về bến để mua vé về quê. Đến khoảng 6 giờ 30, bãi giữ xe trong bến đã dựng biển hết chỗ. Nhiều người mua được vé nhưng phải chờ 3, 4 giờ mới được lên xe. Trong đó, những tuyến hành khách phải thường xuyên chờ xe như Đồng Tháp, Trà Vinh, Vị Thanh, Cà Mau… Phó Tổng giám đốc Bến xe miền Tây Trần Văn Phương cho biết, ngày 1/9 hành khách thông qua bến đạt 54.000 lượt; ngày 2/9 đạt 46.000 lượt.
Dòng người và xe hướng về các tỉnh miền Tây kẹt cứng trong dịp nghỉ lễ. |
Tại Bến xe miền Đông, từ 6 giờ sáng, hành khách chen chật kín chờ mua vé đi các tuyến Đà Lạt, Bình Phước, Phan Thiết, Vũng Tàu... Do lượng người dồn về bến ngày càng đông nên hàng loạt tuyến đường quanh khu vực Bến xe miền Đông, như đường Đinh Bộ Lĩnh hướng từ cầu Bình Triệu vào bến xe; đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quốc lộ 13, đường Nguyễn Xí… bị ùn ứ dù lực lượng CSGT liên tục điều tiết.
Phó Giám đốc Bến xe miền Đông Nguyễn Hoàng Huy cho biết, ngày 2/9 có 1.254 xe xuất bến với khoảng 30.000 lượt hành khách. Trước đó, ngày 1/9, có 1.600 xe xuất bến vận chuyển gần 40.000 hành khách.
Khoảng 7 giờ 30 cùng ngày, giao thông trên tuyến xa lộ Hà Nội, đoạn từ cầu vượt Thủ Đức kéo dài đến quốc lộ 51, hướng từ TP HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh miền Trung đã xảy ra tình trạng ùn ứ.
Cũng vào thời điểm trên, các tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng khi các phương tiện chen nhau, nhất là lượng xe từ hướng đường Phạm Văn Đồng đổ về đường Trường Sơn.
Tại Ga Sài Gòn, khoảng 6 giờ, rất đông hành khách mua vé về các tỉnh miền Trung. Đại diện chi nhánh Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, ngày 2-9 đã tăng tuyến đi về Phan Thiết.
Trước đó, tối 1/9, các tuyến đi Nha Trang, Phú Yên, Bình Định tăng gấp đôi, có tuyến tăng gấp 3 tàu chạy. Từ sáng 2/9, trên tuyến quốc lộ 60 từ ngã ba Trung Lương đến cầu Rạch Miễu thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang, hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau, nhích từ chút qua cầu. Xe máy, ô tô tải, ô tô khách… xếp thành 4 hàng hướng quốc lộ 1 đi Bến Tre, có những đoạn xe máy chạy tràn lên lề đường quốc lộ 60.
Tại trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) tuyến cao tốc Trung Lương - TP HCM, khoảng 10 giờ sáng đã có hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau kéo dài hơn 100m, chạy chậm qua trạm; nhiều bàn bán vé thủ công được trạm bố trí bên ngoài cabin, hàng chục nhân viên đứng bán vé và điều tiết giao thông.
Cũng trong ngày 2/9, tại Hà Nội tình hình ùn tắc vẫn tiếp tục xảy ra trên tuyến vành đai 3 Hà Nội, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do phương tiện ô tô cá nhân trên tuyến tăng quá cao. Đường dây nóng của Ủy an ATGT Quốc gia đã nhận được nhiều cuộc gọi của người dân phản ánh tình trạng xe nhồi nhét hành khách, tăng giá vé trái quy định trên nhiều tuyến xe khách. Sau khi nhận được thông tin, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành xác minh và xử lý các vi phạm.
Thông tin từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày 2-9, toàn quốc xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 14 người, bị thương 9 người. Trong đó, đáng chú ý là vụ tai nạn giao thông xảy ra vào hồi 0 giờ 40 ngày 2-9, tại km16+230 cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc địa phận xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra vụ TNGT giữa 3 ô tô khách, làm 11 người bị thương, trong đó 4 người phải đi cấp cứu bệnh viện. Theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, tình hình tai nạn giao thông đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong ngày 2-9, các cơ quan chức năng đã xử lý 3.034 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, phạt tiền 2,358 tỷ đồng, tạm giữ 17 ô tô, 373 mô tô, tước 286 GPLX. |