Cuối năm, lại nóng xe “dù”, bến “cóc” Hà Nội: Xe container đâm ôtô khách văng khỏi đường cao tốc Hà Nội: Đường đê Nghi Tàm có nguy cơ trở thành điểm nóng giao thông mới |
Thông tin từ Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, tháng 10 vừa qua, Sở đã thu hồi phù hiệu 18 phương tiện thuộc 12 hợp tác xã và doanh nghiệp vận tải hành khách do vi phạm về tốc độ, hầu hết là xe chạy tuyến cố định, xe hợp đồng vi phạm tốc độ từ 5 lần trở lên/1.000km xe chạy, được trích xuất dữ liệu trên hệ thống từ thiết bị giám sát hành trình thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP Hồ Chí Minh, đến nay, PC67 cũng đã ghi nhận được nhiều phương tiện vi phạm tốc độ qua hình ảnh camera được trích xuất. Thông thường sau khi ghi hình xe vi phạm, tổ công tác trích xuất hình ảnh vi phạm, hoàn thiện thông báo vi phạm chuyển đến công an địa phương yêu cầu chủ xe (hoặc đôn đốc lái xe vi phạm) chấp hành quyết định xử phạt.
Công an địa phương có trách nhiệm chuyển thông báo vi phạm cho người dân và phối hợp cùng PC67 rà soát lệ gửi thông báo và người nhận theo định kỳ hằng tuần. Với những trường hợp chưa chấp hành quyết định theo thông báo vi phạm qua hình ảnh, PC67 tiếp tục gửi thông báo vi phạm lần 2, lần 3 đến công an địa phương, đôn đốc người vi phạm chấp hành quyết định xử phạt theo địa điểm hẹn.
PC67 cũng có trách nhiệm đăng tải thông tin vi phạm trên Cổng thông tin điện tử Công an thành phố để người dân tự tra cứu và gửi thông báo vi phạm hành chính qua hình ảnh đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải (nếu xe vi phạm) để doanh nghiệp đôn đốc, có biện pháp buộc lái xe chấp hành thông báo vi phạm và thực hiện quyết định xử phạt.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-06V (TP Hồ Chí Minh), hiện nay, công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và Đăng kiểm chưa thực sự chặt chẽ. Ví dụ như việc cập nhật những xe vi phạm tốc độ, hay danh sách xe đã nộp phạt còn chậm trễ, khiến cho công tác đăng kiểm đối với những trường hợp xe này có khi bị bỏ lọt, hoặc ngược lại nếu xe đã nộp phạt lại gây phiền hà cho chủ phương tiện.
Ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải (thuộc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh) cho biết, đối với các đơn vị vận tải tư nhân và xe khách hoạt động ngoài bến xe, cơ quan chức năng gặp khó trong việc gửi thông báo xử lý vi phạm hành chính đối với xe vi phạm tốc độ nên thời hạn đóng phạt của những đơn vị này thường chậm trễ.
Hiện nay, để công tác này đạt hiệu quả, Sở Giao thông - Vận tải yêu cầu đơn vị vận tải có phương tiện vi phạm tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến đến từng đội ngũ lái xe, chủ xe chấp hành nghiêm các quy định về quản lý hoạt động vận tải đường bộ, đặc biệt là kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.