Theo đó, dự kiến từ tháng 8/2015, một số dòng xe mang thương hiệu Tata sẽ bắt đầu được phân phối tại thị trường Việt Nam thông qua TMT. Trong giai đoạn kế tiếp, TMT sẽ thực hiện hoạt động sản xuất, lắp ráp các loại xe tải, xe khách Tata.
Sở dĩ xe du lịch Tata luôn tạo sự quan tâm đặc biệt từ thị trường là bởi đây vốn dĩ được coi là thương hiệu xe hơi giá rẻ nhất thế giới.
Tuy nhiên, điểm khiến người tiêu dùng trong nước quan tâm hơn cả trong thỏa thuận hợp tác này chính là các sản phẩm xe du lịch mà theo đại diện TMT, sẽ được thực hiện sau khi ổn định các phân khúc xe thương mại.
Sở dĩ xe du lịch Tata luôn tạo sự quan tâm đặc biệt từ thị trường là bởi đây vốn dĩ được coi là thương hiệu xe hơi giá rẻ nhất thế giới. Câu chuyện giá xe tại Việt Nam cũng luôn rất nóng bỏng nên các dòng xe giá rẻ theo đó cũng thường gây sự ồn ào trước và sau thời điểm bán ra thị trường.
Nếu như việc TMT sản xuất, phân phối xe tải, xe khách Tata được coi là thiên thời địa lợi thì ở nhóm sản phẩm xe du lịch lại không nhận được nhiều đánh giá tích cực.
Trước hết là về giá bán. Xe giá rẻ luôn gây ồn ào trên thị trường song hầu như chỉ diễn ra trên các phương tiện truyền thông và diễn đàn. Thực tế cũng đã chứng minh không ít các thương hiệu xe giá rẻ thâm nhập thị trường Việt Nam và “mất hút” không lâu sau đó. Có thể kể đến một số thương hiệu đáng chú ý như Lifan, Chery, Tobe M’car hay MG Cars.
Nhiều ý kiến cho rằng, điểm khiến các loại xe giá rẻ thất bại tại thị trường Việt Nam chính là bởi tâm lý “tiền nào của nấy” của đa số người tiêu dùng. Có lẽ cũng chính vì vậy mà ngay sau khi công bố thỏa thuận hợp tác với Tata, Tổng giám đốc TMT, ông Bùi Văn Hữu cũng đã nêu rõ quan điểm giá rẻ không phải là tiêu chí để đưa xe Tata xâm nhập thị trường Việt Nam. Thậm chí giá bán của các dòng xe Tata do TMT lắp ráp, phân phối còn cao hơn nhiều dòng xe đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản đang bán trên thị trường…
“Né” tâm lý tiền nào của nấy nhưng xem ra con đường của Tata-TMT lại vấp phải một tâm lý tiêu dùng khác có lẽ cũng sẽ ảnh hưởng không kém đến sức mua thực tế trên thị trường sau này.
Ôtô không chỉ được coi là phương tiện mà còn là tài sản giá trị lớn đối với tỷ lệ không nhỏ người tiêu dùng Việt Nam. Cho nên, tâm lý cầu toàn của người tiêu dùng, tức vừa có giá rẻ vừa đảm bảo chất lượng và thậm chí thương hiệu phải nổi tiếng, sẽ là một trở ngại lớn đối với “Tata không rẻ”.
Tata là thương hiệu xe giá rẻ, thậm chí rẻ nhất thế giới, nhưng ở Việt Nam thì giá xe Tata lại không hề rẻ khi “qua tay” TMT. Và bởi vậy, câu hỏi đặt ra là TMT sẽ áp dụng chiến lược kinh doanh đặc biệt nào để “Tata không rẻ” chiếm lĩnh thị trường? Và Tata-TMT sẽ lách qua cửa hẹp tâm lý tiêu dùng để phát triển hay sẽ theo chân những Lifa, Chery?
Theo VnEconomy