Ngày 28-10, Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng (VIVA) thông tin, trong khuôn khổ Triển lãm ô tô Quốc tế Việt Nam (Vietnam International Motor Show 2016) đã diễn ra Hội thảo đề xuất các giải pháp xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và chống gian lận thương mại.
Theo đó, Hội thảo với chủ đề “Thuận lợi và thách thức của ngành kinh doanh và sản xuất ô tô trong bối cảnh hướng tới cạnh tranh tự do và vấn đề đặt ra về vai trò điều tiết của Nhà nước” được tổ chức bởi Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng (VIVA), các doanh nghiệp tham gia triển lãm, liên danh CIS-Le Bros và báo Hải Quan.
Hội thảo có sự góp mặt của đại diện TC Hải quan, Cục Đăng kiểm Việt Nam
và các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng.
Bên cạnh việc nhìn lại tình hình sản xuất, nhập khẩu ô tô trong thời gian vừa qua, đi tìm nguyên nhân của sự sụt giảm theo số liệu thống kê xe ô tô nhập khẩu, cả về số lượng và trị giá, trong 9 tháng đầu năm 2016, hội thảo đặt ra những đề xuất về chính sách thay thế cho Thông tư 20/2011 của Bộ Công thương, tiến tới xây dựng một thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Một trong những kiến nghị quan trọng do ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty phân phối Audi Việt Nam đưa ra là áp dụng các giải pháp giám sát công bố của các nhà nhập khẩu về phụ tùng và linh kiện xe nhập khẩu, từ đó có thể áp giá tính thuế nhập khẩu một cách công bằng và chính xác.
Ông Trung cho rằng, việc yêu cầu cung cấp tài liệu Vehicle Data (Thông số kỹ thuật xe) cho mỗi chiếc xe nhập khẩu là hoàn toàn dễ dàng và minh bạch, trong đó liệt kê rất chi tiết mọi linh kiện và phụ tùng đã được nhà máy lắp ráp, đi cùng mỗi số VIN (số nhận dạng xe) tương ứng. Cơ quan Hải quan hoàn toàn có cơ sở giám sát nhà nhập khẩu và áp thuế chính xác, theo các đơn giá đã công bố của nhà sản xuất.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) đề nghị các hãng ô tô công khai tài liệu Vehicle Data và chủ động cung cấp cho cơ quan nhà nước, loại tài liệu mà theo ông Trần Tấn Trung có thể truy xuất từ bất cứ một đại lý chính thức nào của các hãng ô tô trên toàn thế giới.
Ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng Giám quản hàng hóa Xuất nhập khẩu thương mại, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan Hải Quan đã áp dụng giải pháp này và đề nghị các hãng ô tô cập nhật thường xuyên, thậm chí là hàng tháng, biểu giá mọi linh kiện, phụ tùng chính hãng, để đưa vào cơ sở dữ liệu tính thuế.
Theo số từ liệu báo cáo tại hội thảo, sau 2 năm liên tiếp có sức tăng rất mạnh cả về lượng và trị giá, 9 tháng đầu năm 2016, hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của nước ta có dấu hiệu đi xuống, giảm 7,3% về số lượng xe nhập khẩu, và giảm 16,9% về trị giá xe.
Đánh giá về tình hình này, bà Đào Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan nhận định, xu hướng giảm nhập khẩu ô tô diễn ra dường như là một bước đi thận trọng của các nhà nhập khẩu trước tình hình chính sách đang diễn ra với nhiều biến động với những sự điều chỉnh về chính sách thuế của Chính phủ như Thuế xuất nhập khẩu, Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với ô tô.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Laurent Genet, Tổng giám đốc Nhà nhập khẩu chính thức Audi, Chủ tịch VIVA bày tỏ, buổi hội thảo mở với rất nhiều quan điểm giá trị giữa đại diện Chính phủ và doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng. Qua đó cho thấy trách nhiệm của cả hai phía trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm vì lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam.
Hội thảo chuyên ngành trong khuôn khổ Triển lãm Ô tô Quốc tế Việt Nam 2016 được đánh giá là một hoạt động ý nghĩa và thiết thực, mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho các đơn vị tham gia. Tính đến hết ngày thứ 2 tổ chức, triển lãm đã hân hạnh được chào đón 31.430 lượt khách tham quan, trong đó có đại diện các cơ quan chính phủ, thông tấn báo chí và công chúng yêu thích xe hơi. Với chuỗi những chương trình vô cùng hấp dẫn sẽ liên tục được diễn ra từ nay đến hết ngày 30-10-2016, VIMS 2016 hứa hẹn sẽ tạo nên tiếng vang lớn, trở thành sự kiện ấn tượng nhất từ trước đến nay của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.