Đoàn xe VinFast VF8 chinh phục Tây Tạng. |
Khó khăn về mặt kỹ thuật
Điều mà các thành viên đoàn xe VF 8 đi Tây Tạng lo lắng nhất trước khi lên đường là khó đầu tiên là việc xe VinFast dùng chuẩn sạc CSS2, trong khi các trạm sạc ở Trung Quốc dùng chuẩn GB/T. Với sự trợ giúp từ anh Kiên, kỹ thuật viên của EverEV, đoàn đã thử nghiệm thành công bộ adapter (bộ chuyển đổi) dành cho việc kết nối giữa hai loại cổng sạc khác nhau.
Bộ adapter này là thiết bị với hai đầu là hai cổng kết nối (GB/T và CSS2), bên trong có bộ mạch SECC. Theo anh Kiên, riêng bộ mạch này đã có giá trị tới hàng nghìn USD. Ngoài ra, adapter còn có trang bị pin riêng để có thể kết nối máy tính và nâng cấp phần mềm khi cần.
Anh Kiên, kỹ thuật viên của EverEV, và anh Chu Hữu Thọ, thành viên đoàn đi Tây Tạng, đang chuẩn bị sạc thử với bộ adapter kết nối súng sạc chuẩn GB/T sang xe điện VF 8 có cổng sạc chuẩn CSS2. |
"Đừng nghĩ cứ mua bộ adapter này về cắm vào là sạc được", anh Kiên nói. "Chúng tôi đã phải rất vất vả mới thử nghiệm thành công do không tìm được trạm sạc có cổng GB/T ở Việt Nam. Rất may là đợt này chúng tôi có khách hàng bên Lào họ sử dụng chuẩn sạc GB/T nên chúng tôi có thể thử nghiệm trong hơn 30 ngày mới thử nghiệm thành công".
Anh Kiên cũng cho biết đến thời điểm này đã phải chuẩn bị đến firmware thứ ba. Ngoài ra, khi đã có adapter thì vẫn phải lập ra quy trình cắm sạc để tránh bị lỗi.
"Bước đầu tiên phải cắm adapter vào súng của trạm sạc. Bước thứ hai là bật nguồn adapter để giao tiếp với súng. Bước thứ ba mới cắm adapter vào cổng sạc của xe. Lúc này mới mở app trên điện thoại để quét mã QR trên trụ sạc và tiến hành sạc", anh Kiên cho biết.
Đến khi sạc xong phải tuân thủ quy trình ngược lại. Đầu tiên là ấn dừng sạc (trên xe hoặc trên app). Tiếp đó rút súng sạc ra trong khi adapter vẫn còn cắm ở trên xe. Cuối cùng mới rút adapter khỏi xe. "Nếu rút nguyên cả cụm sẽ gây lỗi cho trụ sạc, xe thứ hai sẽ không thể sạc và làm ảnh hưởng đến cả đoàn", anh Kiên nói.
Lần sạc đầu tiên: vô cùng khó khăn, cần 4 người Trung Quốc hỗ trợ cho cả đoàn
Ở ngày thứ ba của hành trình chinh phục Tây Tạng, đoàn đã lần đầu lăn bánh xe đến Trung Quốc sau hai ngày di chuyển ở Việt Nam và Lào. Tại đây, đúng như dự đoán, đoàn gặp nhiều khó khăn khi sạc điện cho VinFast VF 8.
Theo chia sẻ từ anh Bạch Trung, thành viên đoàn, ngay sau cửa khẩu quốc tế Bohan (cửa khẩu Lào - Trung Quốc) có một trạm sạc điện. Đây là nơi cả đoàn thống nhất dừng lại để sạc đồng loạt cho xe. "Chạy 300 km đường Lào, đường xấu, hiện tại xe mình chỉ còn 8% pin", anh Trung chia sẻ.
Lần sạc đầu tiên trên đất nước Trung Quốc, đoàn đã gặp thách thức lớn cả về việc thanh toán lẫn việc sạc điện cho xe. "Xe điện VinFast VF 8 sạc được hết ở các trụ sạc tại Trung Quốc qua adapter, tuy nhiên mỗi hãng lại có thao tác khác nhau", anh Cường, thành viên đoàn đúc kết.
Anh Trung loay hoay mở Alipay quét thanh toán tại mã QR hiện tại trụ sạc, tuy nhiên, app không thông báo trừ tiền, xe anh cũng không thể sạc được. "Khá căng, chúng tôi không sạc được xe bằng cách quét mã Alipay. Hướng dẫn viên lần đầu dẫn đoàn xe điện nên cũng bỡ ngỡ. Cuối cùng cả đoàn dùng giải pháp: dùng tài khoản Alipay của anh Cường (hướng dẫn đoàn) - là tài khoản của Trung Quốc, sau đó, dùng số điện thoại của anh Cường (cũng là số điện thoại Trung Quốc), rồi đăng ký Alipay với biển số xe thì mới sạc được", anh Chu Hữu Thọ, thành viên trong đoàn cho hay.
Tuy nhiên, có 4 xe nhưng chỉ trông vào tài khoản của anh Cường hướng dẫn viên sẽ tốn rất nhiều thời gian sạc. Đoàn nảy ra ý tưởng lấy cổng chuyển khác sạc thử nhưng vẫn không được. Để tiết kiệm thời gian, đoàn nhờ thêm tài khoản của ba người Trung Quốc khác mới có thể sạc được xe và lên đường tiếp tục hành trình.
Đoàn xe gặp khó khăn với lần sạc đầu tiên. |
"Tưởng có Alipay, có tiền là xong. Nhưng bên này mỗi trạm sạc của mỗi hãng lại yêu cầu app riêng, yêu cầu thông tin đăng ký xe, biển số xe. Biển số xe Trung Quốc chúng tôi đã được phát trước khi vào đất nước này, nhưng lại cần số điện thoại Trung Quốc, mà người nước ngoài thì ít dùng số điện thoại Trung Quốc", anh Trung bộc bạch, "Hướng dẫn viên nhiệt tình, đăng ký số điện thoại và sạc cho các xe, nhưng có tận 4 xe, không thể trông vào mình anh ấy được".
Lần sạc thứ hai: bước đầu gỡ bỏ khó khăn
Đoàn xe tiếp tục hành trình, đến khoảng 18h00 tối của ngày thứ ba, cả đoàn dừng lại tại một trạm sạc. "Lần thứ hai đã bớt khó khăn hơn, đoàn chỉ cần một người Trung Quốc hỗ trợ, còn lại ba xe chúng tôi tự xoay sở. Việc thông quan có thể nói là thuận lợi", anh Chu Hữu Thọ chia sẻ.
Một thành viên đoàn mô tả lại quá trình tự sạc xe ở lần sạc thứ hai: "Khi mình thấy trên súng sạc có mã QR, mình nghĩ là có thể quét Alipay thanh toán được nên mình quét thì thấy có nhận tiền. Sau đó đúng quy trình, mình tắt xe, rồi cắm sạc, thấy cổng sạc xe mình, đèn vàng sáng khoảng 1 phút, mình nghĩ xe có vấn đề nên vào trong bật xe lên kiểm tra, thì thấy màn hình báo pin đang sạc, nghĩa là sạc được".
4 chiếc xe, 8 thành viên, tham gia hành trình chinh phục Tây Tạng. |
Lần thứ ba: đoàn xe tự sạc toàn bộ xe, không cần giúp đỡ
Trưa ngày thứ tư của hành trình, đoàn xe tiếp tục dừng tại một trạm sạc bên đường cao tốc và sạc điện. Lần này, đoàn đã sạc điện thành công cho cả 4 xe mà không cần sự trợ giúp từ người dân địa phương.
"Quy trình như sau: tắt xe, cắm adapter vào cổng sạc của xe thì sẽ hiện mã QR, quét thanh toán qua mã này bằng tài khoản Alipay, thanh toán xong, điện thoại báo đã thanh toán thành công, mình bật cái adapter lên, sau đó cắm vào xe, mở khóa xe, một phát ăn luôn", anh Trung mô tả quá trình sạc xe lần thứ ba trên đất Trung Quốc.
Lần thứ ba, đoàn đã sạc thành công với trạm sạc của nhà cung cấp China Southern Power Grid. |
Sau ba lần sạc, anh Cường, thành viên đoàn đúc kết về hệ thống trạm sạc Trung Quốc như sau:
- Trạm sạc của nhà phân phối Sinopec, lắp đặt trên toàn quốc: cần cài app và yêu cầu đăng ký bằng số điện thoại Trung Quốc.
- Trạm sạc Orange Energy, dùng riêng tại Phổ Nhĩ, chỉ xuất hiện ở thành phố lớn, không có ở đại lộ: cần cài app Amap để thanh toán
- Trạm sạc China Southern Power Grid, lắp đặt trên toàn quốc: quét thẳng Alipay là xong
"Ngày thứ hai ở Trung Quốc và là ngày thứ tư của hành trình, chúng tôi đã có kinh nghiệm. Nhìn chung, Trung Quốc có nhiều nhà cung cấp dịch vụ sạc, mỗi nhà cung cấp lại có nhiều trụ sạc, phủ kín cả nước, chỉ sợ người không có sức đi chứ không lo xe hết điện", anh Cường cho hay.
Hành trình chinh phục Tây Tạng kéo dài 30 ngày, xuất phát từ Hà Nội và dự kiến quay trở về ngày 5/11/2024. Thành viên đoàn gồm 8 người cùng 4 chiếc VinFast VF 8, bao gồm hai chiếc bản Eco và hai chiếc bản Plus. Cung đường đi dài 16.000 km, bao gồm nhiều thách thức từ độ cao 4.500 m đến nhiệt độ âm hàng chục độ C. Tất cả xe đều được trang bị pin SDI cho phép di chuyển tối đa khoảng 400 km sau mỗi lần sạc đầy. Các xe trang bị đầu chuyển đổi cổng sạc từ chuẩn GB/T sang CCS2. Điều này là bởi chuẩn sạc và cột sạc công cộng ở Trung Quốc và Lào là GB/T, trong khi VinFast sử dụng chuẩn CCS2 giống như ở châu Âu. Hành trình cũng là bài thử nghiệm thực tế về khả năng vận hành của VinFast VF 8 trong điều kiện môi trường khắc nghiệt như leo núi cao, đường sá gập ghềnh, khí hậu lạnh khiến pin hoạt động kém hiệu quả. |
Phương Huyền