Nhà em vừa mới làm chuyến "Xuyên Việt" 22 ngày, đi qua 38 tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, DakNông, DakLak, Gia Lai, Kontum, Hòa Bình với hành trình thực tế dưới đây.
Ngày 1: Thiên Cầm đổ mưa
Sau bao ngày háo hức mong ngóng và bao công trả lời câu hỏi lặp đi lặp lại củaietjecu “Bố mẹ ơi bao giờ nhà mình đi Xiên Vịt” cuối cùng hành trình Xuyên Việt nhà em cũng trở thành hiện thực.
Mọi thứ đã sẵn sàng, đồ chơi nghịch cát của con, bàn là máy sấy tóc, cho đến bếp cồn, bạt trải bờ biển, dây phơi quần áo và tất nhiên không thể thiếu đồ nghề. Đúng 6h30 sáng thứ bảy 25/4, nhà em khởi hành. Theo lời khuyên của các bác, em đi theo đường 1A. Đường ngon, không quá đông, đến 11h30 nhà em đã đến Vinh. Tìm đến quán Thủy Linh trên đường Lê Hồng Phong, gần trường chuyên Phan Bội Châu theo giới thiệu của thằng bạn thổ địa Vinh. Quán rộng, khá sạch sẽ, chỗ để xe thoải mái, giá cả chấp nhận được, cả nhà em ăn hết 270 nghìn, được bữa tôm trứng đồng ngon lâu lắm mới có mà ăn.
Đi qua quảng trường Hồ Chí Minh, tranh thủ làm vài kiểu kỷ niệm đánh dấu.
Trên đường đi từ Vinh đến Thiên Cầm, ngu ngơ thế nào đi vào đường tránh thành phố Hà Tĩnh, đường đang làm xấu và cứ phải chờ nhau rất mất thời gian, 2 đồng chí nhỏ bắt đầu chán.
Đến Thiên Cầm trời đổ mưa, nhưng cu bé cứ đòi đi tắm biển, thôi thì đành chiều nó. Phóng xe ra đến biển ngắm mà nản, biển động, song đánh mạnh, nước đục thế này đây thì làm ăn được gì.
Cuổi cùng đành quay lại khách sạn. Bao dự định khám phá Thiên Cầm rốt cuộc thành thế này.
Nhà em nghỉ ở khách sạn Sao Mai, phòng 2 giường đôi, rộng rãi, sạch sẽ mà có 300 nghìn. Ở khách sạn chả có việc gì, tranh thủ làm mây kiểu ảnh ngắm trời mưa qua ô cửa sổ.
Có khá nhiều đoàn cũng đến Thiên Cầm đợt này, và dĩ nhiên tất cả đều chịu chung cảnh ngắm biển xa xăm trong mưa qua cửa sổ.
Ngày 2: Người anh hùng chân chính
Vùa mới ngủ dậy, việc đầu tiên cu bé làm là đi ra phía cửa sổ, lấy tay che mắt “Mẹ ơi, nắng quá”. Mình liếc qua cửa sổ, nắng quái gì mà nắng trời vẫn âm u, xám xịt. Nguyên do là cu cậu thèm tắm biển quá, lại háo hức đi biển để chơi bộ đồ chơi nghịch cát mới mua.
Trả phòng xong,cả nhà Vũng Chùa thẳng tiến. Đi theo lối người dân địa phương, đi tắt qua cầu Cẩm Nhượng, gần được quãng 10km. Trên đường đi có lúc mưa mịt mờ, may thế nào đến gần mộ Đại tướng trời lại hửng nắng.
Cu lớn cầm hoa chuẩn bị viếng Đại tướng.
Người cựu chiến binh xúc động khi đứng trước mộ
Cô gái thanh niên xung phong hôm nào nghẹn ngào trước mộ.
Các đoàn cựu chiến binh về viếng mộ rất đông.
Theo lịch trình tiếp theo, cả nhà sẽ đi động Thiên Đường, nhưng khi từ mộ đi xuống, 2 cu nhìn thấy biểm trước mặt cứ nằng nặc đòi đi xuống biển nghịch cát, thôi thì đành chiều chúng vậy, gì thì gì chúng nó cũng vật lắm rồi.
Hai cu chơi mãi, bố mẹ giục mãi mới chịu đi. Lúc này đã 11h trưa. Giờ mà đi động sợ lúc về muộn sẽ không kịp tắm biển mà 2 thằng thì háo hức tắm biển lắm rồi. Tính toán 1 hồi, cả nhà quyết định đi thẳng về Đồng Hới, đành để chiều về đi động vậy.
Nhà em nghỉ tại khách sạn Năm Long, trên đường Hồ Xuân Hương, ngay sát sông Nhật Lệ. Khách sạn khá là sạch sẽ và thoáng mát, chủ rất niềm nở, vui vẻ.
Ngủ trưa dậy, cả nhà đi về phía biển Nhật Lệ, bao ngày mong ngóng của hai cu thành hiện thực. Tha hồ đùa nô với biển
Biển Nhật Lệ sóng đánh khá mạnh và dốc, không thích hợp lắm với trẻ con.
Sau đó lên bờ ghé vô quán làm đĩa ngao hấp, đĩa nộm mực xoài kèm vài chai bia ngồi cạnh biển rất thú. Các quán ăn sát bờ biển tại đây đều niêm yết giá như nhau, các bác không sợ bị chặt chém.
Tiếp theo, đi ăn đặc sản Quảng Bình, bánh khoái, bánh cuốn tại quán Tứ Quý đường Cô Tám.
Dân Quảng Bình rất nhiều người thờ bác Giáp.
Cả nhà tạt qua tượng đài mẹ Suốt, tranh thủ làm vài kiểu ảnh phơi đêm cầu Nhật Lệ.
Quảng Bình Quan.
Đây là hình trình ngày mai của nhà em.
Ngày 3: Đồng Hới - Bến Hiền Lương - Thành cổ Quảng Trị - Huế.
Tạm biệt khách sạn Năm Long, nhà em tranh thủ ghé qua nhà thờ Tam Tòa, ngay canh sông Nhật Lệ làm mấy kiểu ảnh. Nhà thờ bị tàn phá chỉ còn lại mỗi tháp chuông, nhưng tàn tích bao giờ cũng có vẻ đẹp rất riêng.
Do mấy cu nhà em cứ nằng nằng đòi đi nghịch cát tiếp nên nhà em đi qua cầu Nhật Lệ, sang bên kia biển Bảo Ninh
Cảm nhận cá nhân, biển Bảo Ninh đẹp hơn, bờ cát thoải hơn và vắng hơn biển Nhật Lệ, xe đậu thoải mái, không mất tiền gửi xe.
Sau đó cả nhà định đi ăn cháo lươn đặc sản nhưng thấy ngược đường nên trên đường đi ra từ biển thấy một quán ven đường đông khách địa phương bèn vào ăn thử vài tô bánh canh. Ăn khá ngon, nước dùng nấu từ tôm nên rất ngọt, mà lại siêu rẻ.Chỉ 15 nghìn/tô, thêm cái nem rán dài dài như cái bánh que trẻ em, nhưng được cuốn với bánh đa nem dày ăn rất giòn giá cũng siêu rẻ 5 nghìn/cái. Đến khi thanh toán hết 57 nghìn, hai vợ chồng cười híp mắt.
Cả nhà lại tiếp tục lên đường, cầu Hiền Lương thẳng tiến. Cầu Hiền Lương được trang hoàng trong ngày thống nhất đất nước. Do nhận thức cá nhân, em xin được gọi ngày 30-4 là ngày thống nhất đất nước và em sẽ không bao giờ gọi đó là ngày giải phóng Miền Nam.
Vào trong bảo tàng bên cạnh cầu tham quan, hai vợ chồng em đều bất ngờ khi thấy cu bé high-five với bức tượng lính Mỹ. Trẻ con không nhìn ra chiến tranh, chỉ nhìn ra hòa bình. Thông điệp của con trai em rất rõ ràng, chẳng có bên nào là bên thắng cuộc trong cuộc chiến Việt Nam. Hãy gác lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, thực hiện hòa hợp và hòa giải dân tộc.
Đập tay Yeah thể hiện hòa giải và hòa hợp.
Bố ơi, đây là máy bay trực thăng hay máy bay chở khách?
Sau đó nhà em lại tiếp tục xuôi thành cổ Quảng Trị. Thắp một nén nhang cho những người dưới mộ, trong đó có rất nhiều liệt sỹ vô danh, rất nhiều đã ra đi khi tuổi xuân đang phơi phới cho cuộc chiến 81 ngày đêm. Nghe hướng dẫn viên đọc bức thư để lại của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh nhiều người không cầm được nước mắt. Một cô có người anh đã nằm lại ở đó, đến giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt òa khóc nức nở. Cảm xúc đọng lại là sự chia lìa, là nỗi đau của những người ở lại. Chiến tranh thật tàn khốc. Phải nói là chưa bao giờ em đến các di tích cách mạng vì em không thích cách tuyên truyền của mình, nhưng chuyến đi lần này thực sự xúc động.
Rời Thành cổ, nhà em đến Huế quãng 2h chiều. Khung cảnh đầu tiên khi em đến Huế chính là những con đường nhỏ rợp bóng cây chạy xuyên qua những cổng thành cổ kính lưu dấu ấn thời gian, phải nói là rất thơ mộng. Ở Huế em nghỉ tại khách sạn Thân thiện (Friendly), khá rẻ (300 nghìn) mà là TripAdvisor Choice Awards. Nói chung cũng dc, chỉ khổ mỗi khoản để xe vì đường phố ở Huế nhìn chung là nhỏ, mà đúng ngày lễ, xe đoàn du lịch cứ gọi là đông nườm nượp. Đi lại thôi cũng mệt bở hơi tai.
Chiều cả nhà tranh thủ nghỉ ngơi 1 lát, sau một lúc tìm hiểu quyết định đi biển Thuận An kết hợp phá Tam Giang vì tiện đường mà cũng không kịp đi đâu nữa.
Biển Thuận An bình thường, không có gì nổi bật, nước đục, sóng đánh mạnh, thêm cái thiếu thiện cảm là rất nhiều hàng rong chèo kéo và bán đồ ăn trên bãi biển.
Tiếp theo nhà em đi về phía cảng cá để thuê thuyền đi ngắm hoàng hôn trên Phá Tam Giang. Trong lúc đợi thuyền, hai cu khá thích thú khi thấy cảnh ngư dân thu và sơ chế cá. Hai cu lần đầu tiên thấy máy làm đá kiểu này.
Do trời khá muộn nên nhà em chỉ thuê thuyền chạy quanh quanh cảng để ngắm mà không chạy ra xa. Giá thuê chỉ có 200 nghìn, ngồi trên thuyền ngắm mặt trời cứ lặn dần và mất hút trên biển, các cu nhà em rẩt là khoái. Mỗi mình nhà em chạy trên Phá Tam Giang rộng lớn như vậy thật thư thái.
Có một điểm em thấy nếu khắc phục được thì tốt. Thuyền ghe đi lại đều chạy động cơ dầu, tiếng to đến mức nhà em không nói chuyện với nhau và thêm ô nhiễm môi trường. Kể ra có cách gì thân thiện với môi trường hơn thì tốt. Như hồi em đi Boracay, thuyền ngắm hoàng hôn của họ là thuyền buồm tận dụng sức gió, không ồn không ô nhiễm, nằm trên càng chiếc bangkha lướt đi trong gió, ngắm mặt trời lặn dần.
Tối đấy cả nhà kiếm ăn mấy loại bánh đặc sản Huế, đến quán Me Mẹ trên đường Võ Thị Sáu. Kêu ăn bánh bèo, bánh bột lọc. Nhưng chắc là do không hợp khẩu vị, nhà em ăn chẳng thấy ngon. Cái quan trọng nhất là ăn mấy cái bánh này mà chẳng có rau ăn kèm nên rất ngán. Do vậy nhà em sau đó phải đi ăn tiếp bún bò gần khách sạn.
Bắt đầu có những rắc rối xuất hiện, đầu tiên là việc cu bé, vốn quen ăn với thìa ngắn lòng sâu ngoài Hà nội, bắt đầu từ Hà Tĩnh trở vào, các quán ăn tìm không đâu ra loại thìa này, họ chỉ có loại thìa dài, lòng bé tý. Thế là cu bé không chịu ăn thìa, đòi ăn đũa, mà đũa thì đâu có ăn được. Bố mẹ bảo bố mẹ đút cho bằng thìa cũng không chịu, báo hại cho vợ em, cứ phải đút bằng đũa cho cu cậu từ khi vào Hà Tĩnh. Thế là tối hôm đấy, việc đầu tiên khi đến Huế là đi Big C tìm mua loại thìa Hà Nội.
Tìm 1 dãy vẫn không thấy, hai vợ chồng bắt đầu toát mồ hôi. May sao, sang dãy thứ 2 tìm thấy loại thìa này, 27 nghìn/2 cái. Hai vợ chồng mừng rú lên như vớ được vàng.
Dự định buổi tối, sẽ đi café Vĩ Dạ, vì thấy dân mạng bảo nhau, đến Huế mà ko đến café Vĩ Dạ thì chư gọi là đến Huế. Đen cái là đúng hôm ngày lễ, Big C đông nghịt, thanh toán tiền cũng lâu. Thế là đành lỡ hẹn café Vĩ Dạ.
Cả nhà kéo qua chè hẻm, nghe kháo nhau là ngon lắm. Vào ăn mới biết chè Hà Nội vẫn ngon nhất, chè ở đây cốc thì được tý, lại quá ngọt.
Ngày thứ tư, nhà e dùng nguyên ngày để khám phá Huế, thăm quan các cung điện và lăng tẩm.
Buổi sáng tìm đến quán chị Nhỏ trên đường Phạm Hồng Thái để ăn cơm hến, có 10 nghìn/tô. Ăn khá là ngon, sau đó cả nhà tiến ra Đại Nội.
Vào cổng, nhà em mua vé trọn gói cho Đại Nội và 3 lăng Tự Đức, Khải Định và Minh Mạng, 360 nghìn/pax (thấy khá đắt).
Trẻ con rất khoái cho cá vàng ăn trong hồ Thái Dịch. Cá béo ú vì được cho ăn nhiều quá hehe. Túi đựng thức ăn cho cá và hộp đựng tiền được để sẵn ở đầu cầu, mọi người thích trả tiền bao nhiêu thì tùy. Em thích cách sắp xếp này, dạy cho trẻ con được giá trị của sự trung thực.
Tái hiện cảnh đổi gác cung đình.
Từ lúc đứng ở cổng thành, cu lớn đã rất háo hức được mặc trang phục cung đình để làm vua, thế mà mặt thành ra nghệt như thế này. Ông em thấy anh mặc cũng nằng nặc đòi mặc.
Hai ông vua con của nhà em.
Em hầu các bác một số ảnh Đại Nội.
Chụp choẹt xong cũng gần 10h rồi, trời nóng vả lại chẳng có gì chơi theo cách nhìn trẻ con nên di loanh quanh một lúc 2 cu quay ra ngồi bóng râm đánh điện tử.
Đến trưa, cả nhà kết thúc đại nội tại cổng thành Hiển Nhơn. Em thấy cổng thành này đẹp, thích hơn cổng Ngọ Môn. Nói chung, nếu các bác đi mà không có trẻ con thì chịu khó nghe hướng dẫn viên giới thiệu sẽ thú vị hơn rất nhiều. Hoàng thành Huế xưa đã bị tàn phá nhiều, chỉ còn lại một số công trình chính. Thông thường hướng tham quan sẽ là từ Ngọ Môn vào điện Thái Hòa rồi rẽ trái qua Thế Miếu, điện Phụng Tiên, 2 cung rồi vòng sang bên phải qua vườn Thượng uyển, duyệt Thị Đường... rồi ra ngoài ở cửa Hiển Nhơn, không ra ở cửa Ngọ Môn được, nên sẽ phải đi bộ một đoạn kha khá để đi lấy xe. Em thấy ở cửa Hiển Nhơn không có ai soát vé vào mới lạ chứ, có bác nào ở Huế xác nhận chuyện này giúp em.
Trưa đấy nhà em qua quán chị Tẹo, 53 Hai Bà Trưng để ăn món Huế, hý hửng lôi bảo bối là cái thìa ngắn mới mua được hôm qua cho cu bé ăn. Lúc này cu cậu lại ăn thun thút, hai vợ chồng thở phào nhẹ nhõm. Đã thế bố mẹ làm mấy lon bia Larue ăn mừng.
Quay trở về khách sạn để nghỉ trưa, trên đường về mới sực nhớ để quen cái thìa bảo bối ở quán.Thế là lên lịch tối quay lại quán ăn để lấy cái thìa, không thì khổ với thằng cu bé.
Chiều ngày thứ tư, lịch trình là 3 lăng Minh Mạng, Khải Định và Tự Đức. Tự Đức gần nhất lại mát nhất nên em xếp đi đầu, Khải Định và Minh Mạng cùng một cung nên đi với nhau.
Lăng Tự Đức nhìn rất mộc mạc nhưng đầy chất thơ, đúng như tính cách phóng khoáng yêu thích thơ văn của ông. Ngay cửa vào có thể nhìn thấy một con hào uốn lượng quanh lăng, trên đó ông cho xây các chòi gỗ để ngắm cảnh.
Nhà em đến đúng lúc có ca nhạc cung đình. Giữa trưa vào ngồi mà mát lịm, gió hiu hiu thổi nhìn ngắm hồ nước, đồi thông nghe ca Huế, thật là quên hết thời gian. Các bác cứ nhìn bà Tây này thì biết.
Ca nhạc biểu diễn liên tục, cứ nghỉ khoảng 15-20 phút lại có, các bác đến Xung Khiêm tạ mà mà chưa có biểu diễn ngay hay chịu khó đợi một lát, nhất định sẽ không thất vọng.
Tiết mục tam tấu của 3 bố con.
Chơi với hai bạn Nhật Bản mới quen.
Những bó hương đầy màu sắc xứ Huế hai bên đường đi ra từ lăng Tự Đức.
Điểm tiếp theo là lăng Khải Định, lăng được xây hoành tráng sơn son thiếp vang, tái hiện lại toàn cảnh cung đình.
Lăng này bé xíu chỉ dc cái tô điểm là lòe loẹt.
Xem qua tiểu sử của ông và ngẫm lại càng đúng.
"Khải Định Đế (chữ Hán: 啓定帝; 8 tháng 10, 1885 – 6 tháng 11, 1925), hay Nguyễn Hoằng Tông (阮弘宗), là vị Hoàng đế thứ 12 triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, ở ngôi từ 1916 đến 1925.
Hoàng đế Khải Định bị đánh giá là một vị hoàng đế chỉ ham chơi bời, cờ bạc. Ông tự sáng chế ra những bộ y phục mới cho mình và cho cả quan hộ vệ. Ông còn rất chuộng trang điểm, ăn mặc lòe loẹt, không tuân theo y phục hoàng bào truyền thống của các Hoàng đế và thường bị đả kích trên báo chí đương thời."
Đích đến cuối cùng là lăng Minh Mạng. Minh Mạng được cho là một trong những vị vua anh minh nhất triều Nguyễn, có công đưa ra nhiều chính sách thay đồi lớn và mở mang bờ cõi. Lăng của ông cũng là rộng nhất và theo cảm nhận của em cũng đẹp nhất, đơn giản nhưng vẫn thể hiện sự bề thế, uy nghiêm với lối kiến trúc đối xứng tuyệt đối và có chút mô phỏng hoàng thành. Đặc biệt riêng lăng của ông có một công trình (Minh lâu) do dân lập để thể hiện sự kính trọng và tưởng nhớ công đức của ông.
Qua ô cửa nhỏ này là một khung cảnh ngỡ ngàng đập vào mắt, tòa Minh lâu ẩn hiện sau những hàng cây hoa đại.
Cả nhà quay lại quán cơm chị Tẹo để ăn tranh thủ lấy lại thìa cho cu bé. May quá, cuối cùng cô phục vụ quán cũng tìm thấy cái thìa sau 1 hồi lục tung tìm kiếm
Ăn xong lại vội vàng quay trở về khách sạn để đi xem đàn ca Sông Hương. Về đến gần khách sạn lại méo mặt nhớ ra, lần này thì quên cả 2 thìa ở quán.Lại hộc tốc quay lại xin lại 2 thìa. Chủ quán còn trêu, người Hà nội gì mà hay quên quá.
Tối đên thuê xích lô ra bến thuyền. Xích lô có khi phải được coi là một trong các đặc sản của Huế, đầy đường. Giá vé thuyền ca sông Hương là 100 nghìn/người lớn, 2 cu bé nhà em chịu 1 vé.
Có lẽ do đợt cao điểm, mọi nguồn lực đều được huy động và phân chia đều giữa các thuyền nên các tiết mục đàn ca sông Hương không được đặc sắc cho lắm. Cô hát hay thì nhìn hơi bị già, cô nhìn ưng con mắt thì hát quá non.
Cuối buổi khách còn có cơ hội thả hoa đăng
Xem xong vẫn còn máu đi nữa, thế là cả nhà đi bộ về phía cầu Tràng Tiền chơi. Tranh thủ làm mấy kiểu phơi sáng cầu Tràng Tiền.
Theo lịch ngày thứ năm sẽ chia làm 2 nửa, sáng đi chùa Thiên mụ và chùa Huyền Không Sơn Thượng rồi kết thúc bằng ăn trưa ở cơm chay Liên Hoa còn nửa sau chạy Đà Nẵng, nhậu hải sản rồi ngắm pháo hoa "chùa". Nhưng đúng là người tính không bằng trời tính, thực tế đã không như dự định, nhưng suy cho cùng thì đấy mới là một trong những điểm khó quên nhất của các chuyến đi.
Nhà em bắt đầu buổi sáng bằng ăn bún bò Huế ở Lý Thường KIệt, khá là háo hức khi nghĩ về việc sẽ được ăn bún bò Huế ở đất gốc. Cơ mà quán đông nghịt, các đoàn tranh nhau bàn nên ăn cũng thấy bình thường, cá nhân em thấy không ngon bằng ở Đà Lạt.
Ăn xong quay lại Đại Nội làm quả ảnh chụp cả nhà trước cổng Ngọ Môn do hôm qua quên chưa chụp. Mất 30 nghìn gửi xe chỉ để chụp lại kiểu ảnh.
Sau đó là men đường Kim Long để tìm đến ngôi chùa Thiên Mụ nổi tiếng. Phải nói là Chùa rất đẹp nằm ngay đoạn cua ven sông Hương, xa xa là núi Ngự. Chùa cũng mang đậm tính chất cung đình thể hiện ở lối kiến trúc đối xứng và sự tráng lệ trong màu sắc và chi tiết, ngoài ra chùa còn lưu giữ khá nhiều cổ vật.
Ngắm sông Hương từ chùa.
Tháp Phước Duyên.
Tam quan (lối vào), phía trước là tấm bia ghi chép về việc xây dựng Chùa.
Bên trong Chính điện.
Mộ tháp của Hòa thượng Thích Đôn Hậu.
Trống bằng gỗ mít nguyên khối.
Chuông đồng.
Chiếc xe di vật của Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu để bảo vệ Phật giáo.
Toàn cảnh Chùa nhìn từ ngoài.
Có một điểm em, đúng hơn là vợ em thấy khó hiểu là đây dù gọi là chùa, nhưng trước cửa lại có tượng Hộ pháp, hơi khác với ngoài Bắc mình, có bác nào giải thích giùm em được không?
Rời chùa Thiên Mụ, nhà em tìm đến một ngôi chùa được khen ngợi rất nhiều là chùa Huyền Không Sơn Thượng. Lúc đầu nghe miêu tả em cứ tưởng chùa ở trên núi sẽ mát mẻ như kiểu Tây Thiên hoặc Yên Tử ngoài Bắc cơ mà lên đến nơi mới thấy vẫn nóng như thường, không khác gì ở dưới cả. Nhưng đúng là khuôn viên rất đẹp, rộng rãi thoáng mát, cách trang trí cũng khá là khác với chùa ở phía Bắc.
Chùa không có kiến trúc tam gian chính điện như kiểu chùa truyền thống ngoài Bắc mà là một quần thể các ngôi nhà nhỏ nằm rải rác trên núi, kiểu như dưới. Sư cũng có trang phục khác.
Trưa nhà em quay lại trung tâm với dự định đi ăn cơm chay Liên Hoa, thấy được khen là ngon và nấu cơm chay vị chay chứ không phải đồ chay nhưng vị giò chả, thịt thà.... Tuy nhiên trên đường về, 2 đồng chí bé lăn quay ra ngủ hết, 2 vợ chồng đang tính xem có đánh thức 2 đứa dậy không thì có điện thoại báo khách sạn ở Quảng Bình gửi sạc máy tính đã tới. Cuối cùng là cơm chay không được thưởng thức, bố thì đi lấy sạc còn mẹ thì dẫn con đi ăn tạm. Hơi tiếc vì hụt mất một phần kế hoạch.
(Còn nữa)
Trên đây là những chia sẻ của thành viên hieutcnd, diễn đàn OtoFun.BBT OF News xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được chia sẻ của các thành viên khác trên diễn đàn.
Để xem chi tiết bài viết, mời độc giả đọc Tại đây.