Ngày 5: Sông Hàn rực sáng
Buổi chiều cả nhà lên đường đi Đà Nẵng ngắm pháo hoa, dự đỉnh đi đường đèo Hải Vân để chụp ảnh.
Người tính không bằng trời tính, không chịu nghe google chỉ đường vòng qua Thuận An đi ven biển mà lại chọn đường ngắn quốc lộ đi lối sân bay Phú Bài. Thế là dính luôn định luật "lợi về đường thì hại về thời gian và xăng xe".
Dính quả tắc đường, mất 4 tiếng để đi đến Đà Nẵng, vì vậy nhà em bỏ ý định đi qua đèo mà phải chui hầm. Đến 5h chiều mới đến được Đà Nẵng, tranh thủ lấy phòng rồi lao ra biển Mỹ Khê.
Được cái may là mua được 2 cái vé mời khán đài C2 700 nghìn/2 cái để xem pháo hoa. Trước đó anh bạn người Đà Nẵng nói 700 nghìn/1 cái cũng không có mà mua.
Tắm táp 1 hồi, về khách sạn thay đồ thì đã 7h, chỉ kịp ăn vội vàng quán cơm bụi ven đường rồi bắt taxi đi xem. Đến nơi khán đài đông kịt, được cái dân Đà Nẵng rất hiếu khách, thấy nhà mình có con nhỏ, mọi người chủ động dồn chỗ và bế 2 bé lên khán đài.
Cuối cũng cũng ổn định chỗ ngồi, lôi máy ảnh ra tác nghiệp mới phát hiện máy sắp hết pin. Đến lúc pháo hoa bắn rợp trời sông Hàn thì hết sạch pin. Có lẽ đây là nuối tiếc lơn nhất của em trong suốt chuyến đi.
Được cái gỡ gạc lại, nhà em được xem đội Úc và Ba Lan trong đêm thứ 2 thì đội này đoạt giải nhất và nhì trong cuộc thi.
Đúng là trăm xem tivi không bằng 1 thấy, pháo hoa quá đẹp, xem live kết hợp với nhạc thật quá đã, khoảnh khắc pháo hoa sáng rực sông Hàn trên nền nhạc không lời của đội Ba Lan thật sự là một khoảnh khoắc đầy cảm hứng. Cu lớn nhà em thích lắm, vỗ tay liên tục, nhìn ánh mắt con rạng ngời in hình pháo hoa mà thấy thật hạnh phúc.
Đến lúc về là cả một câu chuyện gian nan, trời lất phất mưa nên hết pháo hoa là hầu như tất cả mọi người đổ ra về. Em cũng biết là sẽ đông nhưng còn 2 thằng cu nên vẫn phải cố sống chết ra về, đi bộ trong dòng người đông nghịt mà không biết mình đi về đâu (do không biết đường chứ không có chen lấn xô đẩy nhé). Đi một lúc ra được chỗ thoáng hơn thì có sẵn đội ngũ xe ôm tự phát, 200 nghìn/xe cho quãng đường khoảng 3-4km, em hơi choáng, không ngờ ở Đà Nẵng cũng có lúc chặt chém thế này. Vấn đề là ở chỗ taxi không được vào, đường cấm chiều vào, chỉ mở chiều ra cho các xe ở sẵn bên trong. Bực mình nhà em bèn ra quán cafe ngồi uống nước đợi vậy. Lời khuyên cho các bác là cứ thuê xe máy mà đi, sẽ tiện hơn hoặc ở lại mà xem phần trao giải có khi còn hay hơn.
Vậy là kết thúc ngày thứ năm bằng một buổi tối đầy hứng khởi, háo hức đến sáng mai đến với Thánh địa Mỹ Sơn và Hội An yêu thích.
Ngày 6: Quảng Nam - Miền đất di sản
Chỉ một dải đất hẹp ở miền Trung nắng gió mà có đến 2 di sản thế giới đẹp đến nao lòng. Hội An thì em đi mấy lần rồi, luôn muốn quay lại còn Mỹ Sơn thì chưa đến nên lần này quyết ghé qua.
Nghe nói ở Mỹ Sơn nắng nóng kinh khủng nên sáng cố gắng dậy sớm đi luôn vậy mà cũng phải tầm gần 7h mới khởi hành được. Trên đường đi gặp cảnh nông dân đang thu hoạch 2 bên đường, lần đầu tiên được thấy máy gặt tuốt lúa liên hoàn như thế này, không chỉ hội trẻ con mà bố trẻ con cũng rất thích thú. Sao ở ngoài Bắc em không thấy dân sử dụng loại máy này, có phải đỡ nhân công không.
Tầm hơn 8h30 đến nơi nhưng phải đi bộ một đoạn mới vào đến thánh địa. Quãng đường không phải là ngắn, khuyên các bác nhớ mang theo nước uống.
Nhìn vợ em đúng một nách hai con.
Vào đến nơi rất may gặp buổi biểu diễn ca nhạc dân tộc Chăm sắp bắt đầu. Có 3 khung giờ là 9h30, 10h và 10h30. Các bác cố gắng bố trí đi sớm hơn một chút vào thăm quan trước đến tầm 10h ra xem là vừa đẹp, đỡ nắng.
Công phu thổi kèn của đồng chí này đến độ tuyệt đỉnh, chiếc kèn chia làm ba khúc, cứ sau 1 lúc chú ý rút đi một khúc, một hơi thổi dài đến mức mọi người đều nín thở chờ đợi, đến khi kết thúc thì cả khán phòng òa lên vỗ tay rào rào.
Múa vũ nữ Apsara đặc trưng của người Chăm.
Múa đội nước.
Nói chung em thấy buổi biểu diễn chỉ vỏn vẹn khoảng 15-20 phút với 3 tiết mục nhưng chất lượng âm thanh và biểu diễn đều tốt, rất cuốn hút. Hai ông con nhà em bình thường nghịch như giặc mà vẫn chăm chú ngồi xem. Ông em còn luôn mồm hỏi "Đến lượt con chưa", ý là muốn lên biểu diễn.
Xem xong bắt đầu thăm quan, nhưng đi vào trong chỉ thấy một đống thành đất đổ nát hoang tàn trong cái nắng như đổ lửa của miền Trung. Vậy mà khi xưa đây là một trong những tổ hợp đền đài Hindu giáo lớn nhất Đông Nam Á tương tự như Angkor Wat của Cambodia hay Borobudur của Indonesia. Nhìn cảnh hoang tàn thấy được sự tàn phế ghê gớm của thời gian, nhưng cũng thấy được ý nghĩa của những người làm nghề khảo cổ và bảo tồn để chúng ta và con cháu sau này có thể tìm hiểu về những gì ông cha đã làm được và trải qua. Mỹ Sơn được người Pháp phát hiện từ đầu thế kỷ 20 và họ bắt tay bảo tồn luôn từ hồi đó. Nhiều lúc không biết nên giận hay mừng về việc người Pháp vào Việt Nam, đúng là cái gì cũng có hai mặt.
Bàn thờ gồm có Yoni (sinh thực nữ) và Linga (sinh thực nam) vì họ tin vào sự hòa hợp âm dương là khởi nguồn của sự sống. Linga trong đền thờ chính đã bị trộm mất chỉ còn Yoni.
Bồn nước thánh.
Do tổ hợp đền được xây dựng trải dài trong nhiều thế kỷ từ thế kỷ thứ 4 cho đến thế kỷ 14 nên kiến trúc cũng mang nhiều phong cách.
Nói chung em thấy Mỹ Sơn không phải cho mọi người. Như nhà em có mỗi vợ em là thích, còn 3 bố con không khoái lắm. Trong lúc em đứng chơi ở gốc cây thấy cũng nhiều bác như em, mặt nhăn như bị bảo chả có gì.
Ngày 6-7: Hội An duyên dáng
Rời Mỹ Sơn lúc khoảng 11h30 nhà em đi về Hội An, đi ăn trưa luôn ở Cơm gà Nga trên đường Phan Chu Trinh. Món gà trộn (gà xé phay) ở đây rất ngon, em thấy ngon hơn cơm gà bà Buội, tuy nhiên lại gặp cảnh đông đúc đợi chờ. Biết là đi chơi ngày lễ sẽ phải chịu cảnh này nhưng vẫn ngán ngẩm quá.
Lần này đến Hội An nhà em quyết định ở homestay một nhà trên đường Nguyễn Tri Phương. Gọi là homestay nhưng ngôi nhà đã được sửa lại rất đẹp và lịch sự, quay ra con sông Cẩm Nam, khung cảnh rất nên thơ hữu tình. Bà chủ nhà là Bà Boài, cực kỳ nhiệt tình tốt bụng, hỏi thăm 2 cu nhà em suốt. Nói chung em thấy đây là một quyết định đúng, và không phải tự nhiên ngôi nhà nhận được điểm xếp hạng cao trên tripadvisor và booking.com.
Cũng nhờ ở bên khu này mà em biết thêm một món ăn truyền thống của Hội An: Bánh đập. Trên đường vào chỗ ở cách cầu khoảng 500m là một dãy quán bánh đập và một số món ăn truyền thống khác như cao lầu, hến xúc,.... Nhà em thấy tên gọi lạ, tò mò quá nên chui vào ăn thử. Hóa ra bánh đập là bánh hơi hơi giống bánh đa, trước khi ăn mình lấy tay đập vào cho bánh vỡ ra để ăn. Hai cu nhà em rất khoái, đập lấy đập để. Bánh chấm với mắm tôm trộn hành phi, khá thú vị. Quán ngay bên sông nên thoáng mát, nhà em gọi bánh đa xúc hến và bánh đập, cộng với đồ uống, no căng phè mà tổng cộng hết 90 nghìn, vợ em lại cười ngoác mồm vì rẻ.
Ăn uống no say xong cà nhà đạp xe sang phố cổ. Nhà em căn đúng ngày này đến Hội An vì muốn tổ chức sinh nhật cho cu bé ở nơi yêu thích này.
Bánh to hay nhỏ em vẫn vui.
Đập niêu đất.
Thả đèn hoa đăng cầu phúc tuổi mới cho em.
Chơi bài chòi.
Cu bé say sưa ngắm cầu giấy trên tấm thiệp 3D.
Và cuối cùng thành quà sinh nhật yêu thích của em. Liên mồm gọi tên 2 cây cầu nổi tiếng ở Đà Nẵng thành cầu "su Hàng", cầu "Phước".
Sáng hôm sau nhà em đạp xe sang phố cổ Hội An một lần nữa, ăn sáng và ngắm phố trước khi rời đi Quy Nhơn. Đạp xe ở Hội An thật dễ chịu làm sao, lượn lờ qua các góc phố nhỏ, có thể nhìn rõ từng giàn hoa, từng ngôi nhà nhỏ xinh, những chiếc đèn lồng, tất cả đều mang lại một cảm giác thật dễ chịu. Hai vợ chồng quyết định về già đến đây làm một cái homestay như bà bác, làm du lịch.
Tạm biệt Hội An, hẹn gặp lại một ngày không xa.
Thêm một thông tin cho các bác, ở 57 Trần Phú có điểm dừng chân, có đủ facilities, nhà vệ sinh, nước mát, thông tin, bản đồ, thư viện, thậm chí có cả burn CD, tất cả đều miễn phí.
Rời Hội An nhà em tiếp tục di chuyển đến Quy Nhơn với khá nhiều dự định cho điểm đến mới mẻ này .. và ngừng đấy lần bể kế hoạch. Đầu tiên là sau khi rời Hội An một đoạn thì F1 bé nhà em chợt hỏi đến túi đồ chơi của nó mới nhớ ra đã để quên ở chỗ để đồ ở biển Cửa Đại. Nói thật thì tiếc của thì ít mà nghĩ đến viễn cảnh hãi hùng khi mà thằng bé sẽ khóc lóc không thôi nên dù ngược đường vẫn phải quay vòng lại với hi vọng là còn. Đến nơi hỏi thì may là bà chủ bà ý tiếc của nên để lại cho trẻ con chơi nên vẫn còn. Ôi tạ thiên tạ địa. Cái cảm giác lấy lại được đồ mà mình cứ nghĩ là đã mất đúng là như trúng số độc đắc các bác ạ. Nhìn cảnh vợ em hua hua túi đồ chơi hớn hở chạy ra mà em mừng rớt nước mắt. Vậy là phải tầm 10h30 nhà em mới thật sự khởi hành cho chặng đường gần 250km đến Eo gió.
Do chặng Huế - Đà Nẵng không đi theo google là sai lầm cộng với sẵn máu thám hiểm trong người nên, em quyết định lựa chọn con đường ven biển mà google chỉ chứ không đi theo quốc lộ 1A. Và thật may là em đã được trải nghiệm một trong những chặng đường đẹp nhất trong suốt hành trình
Lúc thì xuyên qua núi.
Lúc thì là con đường tít tắp qua những cồn cát trắng xóa.
Và lúc thì ngập trong màu xanh của trời của biển như thế này.
Đặc biệt có 1 đoạn qua làng sẽ được các đồng chí này chào đón.
Tuy nhiên do đoạn đầu chặng đi hơi chậm cộng với thời gian nghỉ trưa nên tầm 5h em mới đến được Eo gió. Đi qua những bãi biển tuyệt đẹp ở Nhơn Lý mà tiếc hùi hụi, nếu còn sớm nhất định sẽ dừng cho lũ F1 xuống ùm ùm 1 lúc. Các bác đi nhớ ghé vào nhé.
Eo Gió là một eo biển xanh được những rặng núi đá cao với nhiều hình thù uốn cong ôm trọn lại. Nét độc đáo nhất ở Eo Gió là đá và nước với sự bào mòn của nước và gió đã tạo nên 19 hang chim yến ở đấy, nhiều chỉ sau Khánh Hòa. View ở trên cao nên nhìn toàn cảnh rất đẹp. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là đường đi xuống để ra phía bờ biển toàn là vách đá, không hề đơn giản, nhất là có trẻ con. Và nó là nguyên nhân vì sao nhà em lại gặp sự cố với túi đồ chơi, lần thứ hai trong một ngày.
View đẹp, chụp ảnh cưới thì cứ phải gọi là!
Bọn trẻ con lần đầu ra bờ biển đá lại rất khoái, bước trên các mỏm đá phủ rêu trơn trượt ngã oạch 1 cái là cười như nắc nẻ. Đúng là trẻ con, có thể tìm niềm vui trong những điều giản đơn.
Đến muộn nên chỉ chơi được một lúc là trời tối, nhà em phải về thành phố. Trong lúc trèo lên thì vợ em hốt hoảng phát hiện túi đồ chơi để ở vách núi đã không cánh mà bay. Chả là lúc trèo xuống em phải cõng cu nhỏ, vợ em dắt cu lớn, xách đồ chơi và túi máy ảnh, vướng quá mà ra nhìn thấy bờ biển ở đây là bờ đá, đồ chơi xúc cát không dùng được nên vợ em để tạm bên đường. Trong túi còn để 2 đôi dép của 2 mẹ con vì leo núi bằng chân đất cho đỡ trơn, nghĩ là lúc lên sẽ lấy. Hai vợ chồng nhìn quanh khắp cả khu mà không thấy dấu vết túi đồ chơi đâu. Ôi sao ông trời lại trêu ngươi, mới sáng nay còn cho em cảm giác sung sướng của sự may mắn thì giờ lại cho nếm mùi mất mát luôn. Nó còn khó chịu hơn lần đầu gấp vạn lần. Đúng lúc đó thì cu lớn nhà em reo lên khi nhìn thấy đôi dép của nó đang nằm chỏng chơ tít phía bãi đá gần đó. Hai vợ chồng em nghĩ chắc chắn phải có người vứt đôi dép ra chứ không thể nào nó tự rơi ra được, vậy cũng tức là có người đã không những nhặt túi đồ chơi mà còn mở ra xem bên trong có gì lấy được không? Nghĩ vậy hai vợ chồng em phi vội ra chỗ để xe hỏi bà trông xe. Sau một hồi hỏi thăm dân xung quanh thì có người bảo biết ai đã nhặt được. Thằng bé ở chỗ trông xe rất nhanh nhẹn đề nghị dẫn vợ em vào nhà đấy hỏi lấy lại. Cu lớn nhà em tự nhiên tỏ ra rất người lớn, mặt đầy vẻ lo lắng "Thấy chưa, lúc nãy con đã bảo mẹ là để đấy nhỡ may người ta lấy mất thì sao?" Anh chàng còn đi rất nhanh để cùng với mẹ đi lấy đồ nữa. Tự nhiên thấy con lớn hẳn lên, biết lo toan cơ đấy.
Theo thằng bé vào đến nơi, nó chỉ vào góc nhà đựng đầy những đồ lặt vặt linh tinh nhưng không có, cứ tưởng là thôi rồi toi rồi thì ông chồng nhà đấy xách ra túi đồ chơi thần thánh. Mở ra xem thì đúng luôn, nhưng chỉ thấy đồ chơi mà không thấy đôi dép của vợ em đâu. Hóa ra họ đưa đôi dép của vợ em cho nhà khác. Thằng bé dẫn đường lại rất nhanh nhẹn bảo dẫn vợ em sang nhà đấy. Thấy thằng bé nhiệt tình quá mà lúc nãy bà trông xe có nói nhỏ với vợ em là cho nó 10 nghìn cho nó vui, vợ em rút 20 nghìn cho nó. Nhưng nó không nhận, bảo là "Chị từ Hà Nội đến tận đây, em giúp chị thôi". Đưa đẩy một hồi nó vẫn không nhận nên vợ em thôi thật. Ai dè đi được 1 đoạn nó bảo "Thôi chị ở Thủ đô đến, cho em 50 nghìn thì em xin". Ối giời ơi hóa ra nó chê ít ạ, mất công em nghĩ tốt về nó, cứ tưởng thế nào.
Nói thật lúc đó em chỉ thấy sao họ phải khổ thế không biết. Nhìn cái đống đồ linh tinh mà họ nhặt về không biết để làm gì, nhìn họ chia năm xẻ bảy cái túi đồ chơi và mấy đôi tông vớ vẩn của nhà em, nhìn cảnh thằng bé hăng hái dẫn đường vì 50 nghìn em thấy chạnh lòng quá. Và thấy tiếc cho một mảnh đất được thiên nhiên ban tặng cho cảnh đẹp như vậy mà du lịch vẫn chưa phát triển, chính vì những kiểu tư duy như thế này.
Và một ngày đầy cung bậc cảm xúc đã kết thúc bằng một bữa hải sản no nê trong gió biển lồng lộng Quy Nhơn.
Em ăn ở quán này trên đường Xuân Diệu - là phố hải sản dọc bờ biển Quy Nhơn. Nói chung ăn được, rẻ, nhưng đợi lâu lắm.
Sáng ngày thứ 8 theo kế hoạch là để dành khám phá đất võ Bình Định qua di tích Bảo tàng Quang Trung và xem múa võ. Cơ mà có một số vấn đề thế này ạ: Buổi sáng hôm đó không có biểu diễn múa võ; di chuyển xa (40 km) và không tiện đường và quan trọng hơn cả là có vẻ bắt đầu thấm mệt lại thêm đống quần áo bẩn chất lại giờ cần thời gian giặt giũ nên nhà em đã quyết định sáng hôm đó không đi đâu nữa. Cả nhà đi tắm biển bét nhè đến giữa buổi sáng rồi ra đầm Thị Nại chơi, sau đó lượn siêu thị chủ yếu cho...... mát. Trong lúc đi siêu thị thì chợt nảy ra ý tưởng sẽ làm một bữa sáng picnic đón bình minh trên Bãi Môn, thế là mua đồ chuẩn bị luôn. Và buổi sáng đó đúng là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất của cả gia đình trong suốt hành trình.
Gì thì gì chứ biển chưa bao giờ làm lũ trẻ hết chán. Biển Quy Nhơn khá đẹp, chỉ băn khoăn một điều là, sao biển đẹp, lại ngày nghỉ (thứ 7 ngày 2/5) mà biển khá vắng vẻ. Có lẽ một số người vẫn sợ cá mập ở Quy Nhơn nên không tắm. Nhà em chơi hết, để vợ trên bờ trông đồ và canh cá mập.
Tắm biển xong nhà em tranh thủ chạy ra cầu Thị Nại, cây cầu nối biển dài nhất Đông Nam Á để chơi. Bên kia cầu có bãi đất trống, cả nhà tranh thủ trải bạt dưới bóng phi lao để ngồi chơi. Cảm giác rất đầm ấm và hạnh phúc.
Nhà em rời Quy Nhơn khá muộn vì chặng tiếp theo là đến Gềnh Đá Đĩa khá gần, lại muốn canh me chiều tối để phơi sáng, thế là có thêm thời gian ăn uống lượn lờ ở thành phố. Thấy thích nhất là ăn trưa xong làm một cốc sinh tố hoa quả mát lạnh giống như hoa quả trộn phố Tô Tịch ngoài Hà Nội. Thêm cái sướng là được ngắm biển xanh cát trắng rặng dừa trong cái nắng trong vắt của miền trung và từng cơn gió mát rượi từ biển thổi vào. Các bác nên thử. Chỗ em ngồi là quán Kim Đình 20 Nguyễn Huệ, 10 nghìn/cốc, quá rẻ.
Thành phố Quy Nhơn nhìn từ trên cao (trên đường 1A, gần Gềnh Ráng). Tạm biệt thành phố biển xinh đẹp, hẹn quay lại một ngày không xa.
Từ Quy Nhơn nhà em di chuyển tiếp đến Phú Yên với rất nhiều háo hức. Năm ngoái 2 vợ chồng đã đến một lần (đi từ Nha Trang) để đi Mũi Điện và ngay lập tức yêu mảnh đất này. Tự dưng lại thấy hay vì ít khách du lịch đến nên nét hoang sơ ở đây mới giữ được sự nguyên vẹn, mọi thứ hầu như chưa bị thương mại hóa.
Nhà em đi theo anh Google chỉ dẫn, đi theo đường ven biển, nghĩ bụng đi cũng không xa lắm, ai dè anh google chơi xỏ, chỉ đường đi qua cầu gỗ như thế này. Nhưng cũng nhờ cây cầu gỗ này mà biết mình đã đến đất Phú Yên
Hỏi người dân, họ bảo phải đi vòng lên thị trấn qua nhà thờ Mằng Lăng thì mới đi được.
Thành ra nhìn bản đồ thì tưởng ngắn nhưng thực tế do đi vòng phải xa hơn đến 20km.
Thấy còn sớm nhà em tranh thủ ghé nhà thờ Mằng Lăng chơi. Nhà thờ Mằng Lăng đã có khoảng 120 năm tuổi, đặc biệt có ý nghĩa tượng trưng cho giới trẻ công giáo bởi câu chuyện của Anrê Phú Yên tử vì đạo. Nói chung nhà thờ có kiến trúc đúng kiểu Gothic truyền thống của các nhà thờ, nhưng các chi tiết trang trí lại không mang nét cầu kỳ thường thấy mà khá nhẹ nhàng đơn giản, mang lại cảm giác nhỏ xinh duyên dáng.
Lúc em đến vừa hay gặp một đoàn các bạn thiếu niên tiêu biểu xuất sắc nhất của cả Giáo phận Quy Nhơn (gồm 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) đến quay hình biểu diễn. Đứng nói chuyện hỏi thăm được biết đây là một trong 2 giáo phận lâu đời nhất ở Việt Nam, và cũng trải qua nhiều thăng trầm. Nhìn các bạn trẻ biểu diễn cảm nhận rõ sự trẻ trung vô tư của họ, cả cái cách họ tin tưởng tuyệt đối vào những gì mình làm không một chút ngại ngần mà "người lớn" khó có được. Thế nên không cần trang phục cầu kỳ, không có động tác vũ đạo gì đặc biệt vẫn thấy cuốn hút lạ thường
Cu bé nhà em nhìn thấy thích quá, ra đứng một mình một góc làm mấy điệu múa được dậy ở trường, trông cu cậu béo tròn xoe tay chân lóng ngóng mà cười không ngậm được mồm.
Trên đường đi Gềnh Đá Đĩa, nhà em gặp được cảnh làng quê chiều tà Phú Yên rất thanh bình, trẻ em chơi diều trên những thửa ruộng vừa gặt, xa xa là những tầng mây lơ lửng trên núi. Lâu quá rồi không được thấy những cảnh như vậy, ký ức tuổi thơ chợt ùa về, làm em cứ đứng nhìn một lúc mới đi được.
Ra đến Gềnh Đá Đĩa mới thực sự thấy được vẻ đẹp và sự hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây. Những tảng đá hình lục lăng như được ai đó khéo léo sắp đặt lên nhau. Nhưng điểm em thích nhất ở đây là những cơn sóng liên tục vỗ vào bờ, tung bọt trắng xóa. Ở giữa không gian mênh mông đó, trong cái gió của trời cái sóng của biển, cảm giác như được gột rửa mọi mệt mỏi ưu phiền để trở về với thiên nhiên. Thực sự lúc đấy thấy mát và sạch.
Cảnh đẹp, cảm giác còn đẹp hơn. Tiếc rằng do máy cùi và trình chụp còn non nên ko lột hết được vẻ đẹp nơi đây.
Lưu luyến trc cảnh đẹp nơi đây, nhà em mãi mới dứt dc, lúc đó trời đã nhập nhoạng tối, dự định tiếp theo là đi bãi Môn, ngủ tại nhà chú Mười để sáng hôm sau đón bình minh trên mũi Điện, điểm cực Đông của Tổ quốc. Nghĩ đến viễn cảnh cho 2 cu lần đầu tiên ngủ bụi giữa thiên nhiên hùng vĩ mà háo hức lắm nhưng người tính không bằng trời tính. Anh bạn lái taxi chỉ cho đường đi qua An Hải, nói ghé qua quán Tuấn hoặc quán Thúy Kiều ăn hải sản là ok. Cả nhà hăm hở lên đường, đen thế nào hỏi người dân một hồi thì lại được chỉ ra đường 1A, vẫn dính quả đường đang làm. Cả nhà mò về đến thành phố Tuy Hòa thì đã 7:30 tối, bọn trẻ con méo mặt vì đói, liên tục hỏi bao giờ đi ăn thế là thôi thì cứ ăn đã, nghỉ ở đâu sẽ tính tiếp. Ghé qua quán Hải Sản Sài Gòn trên đường Trần Phú, thấy đông người chắc là ngon nên táp vô. Rủi cái là quán quá đông, nhìn xung quanh thấy rất nhiều người đang chờ để được phục vụ, thấy không ổn tí nào, thế là nháy nhau đi tìm quán khác. Cách đấy một đoạn thấy vỉa hè bán lẩu bò, khá đông người ăn, cả nhà phi vội vào.
Nghĩ bụng, ăn xong mà về bãi Môn thì muộn quá, thôi đành nghỉ tại Tuy Hòa để sáng mai đi sớm. Đang ăn lẩu, nhìn sang bên kia đường thấy khách sạn Lam Trà 2 khá là to, vợ liền chạy sang hỏi. Lúc quay về mặt hớn hở khoe, phòng đắt nhất 2 giường đôi tức là cho 4 người, đầy đủ tiện nghi, có thang máy, lại còn có đệm Kymdan chứ, chỉ có...... 230 nghìn. Đến lúc thanh toán tiền ăn, lẩu bò vừa no vừa ngon, ăn một nồi rưỡi và cả uống bia tổng cộng hết 190 nghìn. Vợ em cười như chưa bao giờ được cười.
Một điều may mắn nữa là ngay gần khách sạn Lam Trà 2 có công viên trẻ em, sau nhiều ngày đi chơi cuồng cẳng, 2 cu nhà em mắt sáng lên khi nhìn thấy các tình yêu thân thuộc. Những chiếc tàu hỏa, máy bay đèu mới coong, đèn nhấp nháy rất đẹp mà chỉ mất có 5 nghìn/lượt, mà 1 lượt thì lâu chứ ko như cái tàu hỏa cũ kỹ mốc xì 2 cu nhà em vẫn đi ở khu Thanh Xuân Bắc, 10 nghìn/lượt đi chưa ấm chỗ thì đã hết giờ.
Sáng hôm sau, 4:30 nhà em xuất phát đi đón bình mình ở Mũi Điện, điểm cực Đông của Tổ Quốc theo con đường ven biển từ thành phố Quy Hòa. Dự định đi đến nơi sẽ ngắm mặt trời mọc lên từ biển, nhưng “mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên”, do dậy sớm cu nhà em chưa kịp đi làm công tác bài tiết sáng, vì vậy trên đường đi cu cậu cứ kêu toáng lên bố mẹ dừng xe cho con đi “ị”. Em khuyên bảo nó thôi ráng lên con, tí nữa “checkin” bình minh ở Cực Đông cho nó khoái nhưng mà nó không chịu, cứ bắt bố phải dừng. Thôi thì dừng, dắt vội cu vào bụi cây ven đường làm 1 trong tứ khoái. Xong nó mừng ra mặt, bố thì ưu tư kiểu này chắc không kịp ngắm mặt trời lên nữa rồi.
Quả đúng như vậy, ra đến Bãi Môn đã 5:20, mặt trời đã lên. Chú taxi hôm qua gặp ở Gềnh Đá Đĩa, hôm nay lại chở gia đình ngày hôm qua bao trọn gói đi Mũi Điện, hỏi “sao anh chị đi muộn thế?” nghe nẫu hết cả ruột.
Tranh thủ vẫn còn vớt vát được mấy kiểu gọi là đón bình minh.
Mũi Điện hay còn gọi là Mũi Đại Lãnh có cột mốc cực đông của Tổ quốc, được coi là nơi đón mặt trời sớm nhất trên đất liền Việt Nam. Nhưng vẻ đẹp thực sự không đến từ mấy cái danh hiệu, đối với nhà em sự quyến rũ của nơi đây đến từ vẻ hoang sơ nguyên vẹn.
Năm ngoái lúc đi nhà em ghé quán chú Mười, được chú chó Mon dẫn đường đi lối cổng chính bằng các bậc thang. Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này nhà em đi ven biển sẽ gần hơn và đỡ dốc hơn.
Lên đến đỉnh hải đăng được trả công bằng view rất đẹp, cả một vùng trời nước hùng vĩ xanh biếc, gió thổi mát rượi.
Lúc xuống, gặp cảnh các bác canh gác hải đăng đang xoay trần uống cafe thấy cuộc sống rất ung dung tự tại.
Tiếp theo nhà em leo tiếp ra mũi, hành trình này gian khó hơn do không có đường bằng phẳng mà phải leo qua những mỏm đá gập gềnh. Lúc đấy cũng là 1 thử thách không nhỏ đối với 2 cu.
Ra đến nơi 2 cu thấy chẳng có gì chơi, cứ nằng nặc đồi xuống tắm biển. Dỗ mãi bọn nó mới chịu đứng yên để cả nhà làm mấy kiểu ảnh checkin tại mũi nhưng mặt vẫn nhăn như bị.
Cuối cùng quay xuống lại bãi Môn thì đã tầm 9h, trời khá nắng, lúc này bãi biển vắng tanh chỉ còn lại mình nhà em. Có cảm giác như gia đình Robinson trên đảo.
Theo kế hoạch hôm trước nghĩ ra cả nhà sẽ picnic ăn sáng trên bãi biển. Ngặt một nỗi là trời nắng nóng thế này, sao mà ngồi được? Ngó quanh thấy có cái thuyền mủng của ngư dân đi tàu cá lớn không vào sát bờ được, phải dùng những mủng nhỏ này đi từ tàu vào bờ để mua các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu. Thế là vợ em nhanh trí tận dụng luôn làm cái lều cho cả nhà che nắng.Thật may quá chứ ko thì bể hết kế hoạch.
Lôi bếp cồn ra, nướng xúc xích kẹp bánh mỳ, salad, sữa và tráng miệng đầy đủ, thưởng thức giữa trời mây bao la và bãi biển cát trắng hoang vắng. Ăn xong xuống biển chơi đùa, như chỉ còn ta với đất trời. Thấy sao bãi Môn đẹp quá, cát trắng mịn, và vì chỗ này khuất trong vách núi nên không có sóng, thuyền lớn cũng không vào được nên nước trong veo. Thực sự cái cảm giác hoàn toàn tự do tự tại giữa thiên nhiên bao la, không sợ ai dòm ngó đấy nó là vô giá.
Cả nhà kéo lên chỗ chú Mười tắm tráng hết 10 nghìn, mình bảo nhà cháu 4 người cháu gửi 40 nghìn chú trả lại bảo 4 người cũng chỉ 10 nghìn thôi. Đến khi hỏi thăm chú chó Mon năm ngoái đã đẫn đường thì nhận dc tin buồn chú Mon đã mất. Hai bạn nhà em rất háo hức được gặp Mon qua lời kể của bố mẹ nên khi biết không gặp được nữa cứ gặng hỏi mãi, 2 đứa quá bé để hiểu thế nào là sự ra đi.
Ngày 9: Ninh Chữ nhiều điều mới lạ
Rời Mũi Điện đích đến tiếp theo là thành phố Phan Rang. Trên đường qua cảng Vũng Rô, nơi có huyền thoại những con tàu không số.
Sau đó nhà em đi qua Đèo Cả 1 đoạn thì rẽ vào để đi phía đường ven biển (tránh đường 1A đang làm). Sở dĩ em biết đường này là vì năm ngoái, hai vợ chồng đi xe máy từ Nha Trang đi Đại Lãnh được người dân chỉ cho. Đường này đi ô tô tốt, cảnh đẹp mà cũng vắng vẻ (đi qua chợ Tu Bông)
Tranh thủ qua Nha Trang ăn trưa, cả nhà lại lên đường đi theo lối đường ven biển Cam Ranh. Cung đường này rất đẹp, 1 bên là núi 1 bên là biển xanh biếc.
Theo như kế hoạch đề ra, nhà em sẽ vòng qua vịnh Vĩnh Hy rồi mới đến Phan Rang, nhưng do đúng lúc trưa, 2 cu lại ngủ khì khì nên đành chạy thẳng đường 1 về Phan Rang. Sau này khi đọc bài viết của 1 bác nào đó nói đi cung ven biển qua Vình Hy rất đẹp làm vợ chồng em cứ tiếc mãi. Nhất định nhà em sẽ trở lại để đi cung ven biển này.
Tới Phan Rang, nghỉ tại khách sạn Xuân Mai (đường 19/4), khá sạch và đẹp, phòng VIP 2 giường đôi mà chỉ có 350 nghìn. Tranh thủ nghỉ 1 lúc, nhà em phi ra biển Ninh Chữ chơi.
Vẻ đẹp biển Ninh Chữ đúng là không hổ danh như dân mạng đồn thổi. Biển rất đẹp, cát trắng, biển xanh biếc, không quá xô bồ, và có lẽ đã qua ngày lễ tết nên ở đây chỉ hầu như dân địa phương quanh đấy ra tắm. Có điều dân địa phương chẳng thấy ai mặc đồ bơi, vợ em là người mặc bikini duy nhất trên bãi biển hôm đó. Còn 3 bố con em cũng gần như là 3 thằng mặc quần bơi duy nhất.
Lúc tắm, vợ em tranh thủ hỏi được chỗ để sáng mai đi xem cừu Phan Rang, may gặp dc người địa phương lại nuôi cừu luôn, cho số điện thoại và chỉ đường để sáng mai nhà em đi xem cừu.
Tắm xong, nhà em lên ăn hải sản ngay trên bờ. Hản sản nói chung tươi ngon và giá cả hợp lý. Chỉ duy có món mỳ xào hải sản do họ không chuyên nên ăn không được ngon lại đắt
Tranh thủ làm quả ảnh trăng trên biển vắng.
(Còn nữa)
Trên đây là những chia sẻ của thành viên hieutcnd, diễn đàn OtoFun.BBT OF News xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được chia sẻ của các thành viên khác trên diễn đàn.
Để xem chi tiết bài viết, mời độc giả đọc Tại đây.
Ra đến Gềnh Đá Đĩa mới thực sự thấy được vẻ đẹp và sự hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây. Những tảng đá hình lục lăng như được ai đó khéo léo sắp đặt lên nhau. Nhưng điểm em thích nhất ở đây là những cơn sóng liên tục vỗ vào bờ, tung bọt trắng xóa. Ở giữa không gian mênh mông đó, trong cái gió của trời cái sóng của biển, cảm giác như được gột rửa mọi mệt mỏi ưu phiền để trở về với thiên nhiên. Thực sự lúc đấy thấy mát và sạch lắm ạ.