Ngày 10: Phan Rang: Mảnh đất khô cằn, con người hiếu khách
Sáng hôm sau nhà em quay ngược lại 1A, đi xã An Hải để xem cừu. Đến nơi được chú em mới quen hôm qua đi xe ra tận nơi đón. Sau đó còn cho nhà mình mượn 1 xe máy đế đi xem cừu cho tiện. Theo chân chị chủ nhà, cả nhà em được thăm đàn cừu đang được người chăn lùa lên núi buổi sáng.
Tiếp theo, cả nhà đến trang trại của chị chủ nhà, 2 cu nhà em thấy cừu và dê thích quá xông thẳng vào chuồng mà vuốt ve.
Sau đó là màn giao lưu với chủ nhà, chủ nhà có 1 cu nhỏ 3 tuối rất kháu. Nhà em lôi nước ngọt cho 3 cu uống, 3 thằng chạm cốc dzô với nhau, thằng cu bé chủ nhà ực phát hết luôn, chắc nó nhìn ông và bố uống rượu nhiều nên quen. Hai cu nhà em tập làm theo nhưng chẳng lần nào ực được 100%.
Ngồi nghe người dân kể chuyện, 3 năm rồi nơi đây không có mưa. Cái tên Phan Rang được bắt nguồn từ gió như Phan (Fancipan) và nóng như Rang.
Tạm biệt gia đình chủ nhà mến khách, nhà em tiếp tục lên đường đi vườn nho Ba Mọi.
Đến vườn nho Ba Mọi được đón tiếp bằng nho tươi và nước nho ép (cái này free nhé).
Do trời trưa nắng gắt nhà em chỉ tranh thủ ra vườn làm vài kiểu ảnh rồi quay về. Lúc về mua 1kg nho xanh giá chỉ 70 nghìn/kg. Nho tại đây rất ngon, hơn hẳn nho xanh mà nhà em mua ở siêu thị mặc dù cũng đề là nho xanh NInh Thuận
Hành trình tiếp theo là qua làng gốm truyền thống Bàu Trúc, các sản phẩm gốm ở đây khác Bát Tràng ở chỗ, các sản phẩm được làm mà không dùng bàn quay, thay vào đó nếu muốn làm tròn, người làm phải tự mình xoay vòng quanh sản phẩm
Bác bà là nghệ nhân đã 85 tuổi nhưng rất nhanh nhẹn, bà xoay làm mẫu loáng cái xong cái lọ hoa làm cả nhà em mắt tròn mắt dẹt.
Hai cu nhà em trông thấy có vẻ ngon ăn, căng hết mắt, vặn hết mông, xoay tới xoay lui cuối cùng cũng ra được cái bát méo cho mèo ăn.
Ngày 10: Cung đường ven biển mang tên "Ác Mộng"
Rời Bàu Trúc, lúc này đã quá trưa nhà em tìm quán ăn. Thấy có quán bên đường có nhiều xe tải, nhà rm ghé vào ăn. Cả nhà làm 1 con gà, làm cả rán và luộc, canh mướp nấu lòng mề, giá trọn gói cả bữa chỉ 250 nghìn, gà ăn rất ngon
Lời khuyên cho các bác đi đường cứ thấy quán nào nhiều xe tải thì ghé vào, kiểu gì cũng ngon và rẻ.
Tìm đường đến Mũi Né, bản đồ chỉ 2 hướng, đi theo ven biển hoặc đi theo 1A. Do sẵn máu mạo hiểm và lại quen mui lần đi ven biển từ Hội An vào Eo Gió, em lại quyết định đi theo đường ven biển. Rẽ trái từ quốc lộ 1A lúc phía trc cầu Sông Đồng. Lúc mới bắt đầu rẽ vào đường ven biển, có hỏi thăm người dân, đường có OK ko? Họ bảo OK, sau này nghiệm ra có lẽ họ nói OK cho xe máy chứ không phải ô tô.
Cảm giác bon bon được khoảng 4km, sau đó là mất khoảng 20km đường xấu, toàn ổ gà, ổ voi và đá to bản.
Nhà em vừa đi vừa tự nhủ, chắc là đoạn này họ chưa kịp làm chứ đi 1 lát đường sẽ đẹp, nhưng càng đi sâu thì niềm hy vọng cang vơi dần. Mắt cứ căng ra mà tránh ổ gà ổ voi, vừa đi vừa thương vợ 2 nhỏ bé chân ngắn của mình.
Đã vậy cung này biển cũng chẳng được đẹp như cung ven biển đi Eo gió. Thi thoảng mới được chỗ giáp biển có view đẹp.
Đoạn này được coi là “đẹp” rồi đấy các bác ah.
Qua nhà máy lọc dầu hay sao ấy.
Có những đoạn, do trời nắng, cộng với việc mắt mờ do căng thẳng soi ổ trâu ổ gà mà em cứ ngỡ mình đang lạc ở giữa trời mùa Đông nước Nga. Nhìn hai bên, cát trắng xóa cứ ngỡ tuyết rơi, lác đác vài cây ven đường, nhìn qua ánh nắng chói chang cứ ngỡ rừng bạch dương.
Đi 1 lát, đúng là họ đang làm đường thật. Xe lu đi 1 bên còn lại phương tiện phải di chuyển làn bên kia. Báo ác, khi chuyển làn, do đọ cao 2 làn chênh nhau lớn, lại toàn cát, vợ 2 của em không leo nổi. Em về số sàn, nhấn ga thật mạnh, càng nhấn càng lún. Toát hết mồ hôi, cài số lùi, sau 1 hồi nhúc nhắc, may mà vợ của em cũng lùi được, thế là phải lại lùi 1 đoạn gần 500m do không quay đầu được. Em quay lại chỗ đang làm đường, leo lên làn đang làm, cứ vừa đi vừa đánh võng tránh các anh xe lu và mấy viên đá các anh ấy cản đường để thi công.
Cuối cùng thì cũng thoát được, lúc này mắt đã mờ chân đã mỏi, may sao hiện ra hồ nước trong xanh ngay trc mặt (sau này em đoán đấy là Bàu Sen).
Đi thêm 1 đoạn thì đến Bàu Trắng, nhà em ghé vào, khu du lịch vắng tang chẳng có ma nào. Tranh thủ làm vài kiểu ảnh rồi rút quân.
Đường lúc này vẫn rất xấu, lơ ngơ thế nào lại gặp anh biển 52 chạy phía trước, chắc cũng nghe thằng google chỉ đường, thế là em cứ bám theo anh ấy lượn bên nào để tránh ổ voi em đi theo lượn bên đấy. Đi 1 lát lại gặp 2 bạn Tây, đi xe máy mà mặt cũng méo xệch do đường xấu. Cơ mà từ lúc em gặp mấy ông cùng cảnh ngộ cảm giác nhẹ hẳn do có thêm đồng mình, và cũng trấn an ko phải chỉ có mình nhà mình nghe theo thằng ngu Google nó chỉ.
Được một lát thì cũng ra đến DT716, lúc này cảm giác thật là Yomost, đường tuyệt đẹp, 1 bên là núi và đồi cát, 1 bên là biển xanh biếc. Nhưng do quá mệt mỏi với cung đường của nợ vừa rồi (mất gần 2 tiếng để đi) nên em chẳng có hứng mà dừng lại chụp ảnh, vợ em tiếc của ngồi phía sau chụp được kiểu này.
Chạy 1 lúc thì đến Hòn Rơm, quyết định dừng lại để tắm biển để giải tỏa bao bức xúc căng thẳng. Nhà em ghé Resort Hòn Rơm 2, mua vé để tắm, 2 người lớn mất 80 nghìn bao gồm cả tiền gửi xe. Thế là cả nhà lao ra biển.
Tắm biển xong, nhà em tiến về khách sạn đã book trước ở Mũi Né.
Tối đấy nhà em đi lên phía thị trấn ăn hoa quả dầm, bánh bèo, sau đó thấy thấm mệt do 1 ngày đi lại vất vả, cả nhà về sớm để ngủ.
Ngày 11: Mũi Né không nhiều ấn tượng
Sáng hôm sau nhà em dậy sớm ra khu làng chài để mua hải sản. Chợ sáng sớm tấp nập, hải sản rất rẻ và tươi
Vợ em làm 1 con ghẹ, 2 con tôm hùm, 1 con tôm càng xanh để ra bãi biển nướng.
Quay về khách sạn, thay đồ bơi cà nhà em đi ra bãi biển phía sau.
Ra đến biển, dụi mắt mãi mới tin nổi biển Mũi Né hoàn toàn khác với hình dung của em. Biển đục ngầu, rác đầy bờ.
Nhà em lục đục vác đồ ra nướng thì được chú em bảo vệ resort gần đó đến giúp, cho muộn ghế gỗ để ngồi, lại còn cho mượn bật lửa để châm bếp cồn. Qua trò chuyện chú ấy bảo, anh chị mua hải sản thì nên vào chợ, ở đó còn tươi ngon và rẻ hơn.
Mình đặt câu hỏi sao biển đây đục và nhiều rác thế, chú ấy bảo, do là mới có vài trận mưa, kéo theo đất và rác trên núi xuống, anh chị có đi khắp khu này, kể cả resort 7,9 sao cũng thế cả thôi.
Chú em còn chia sẻ kinh nghiệm, anh chị đi đâu mua gì cứ xe máy mà đi, đi ô tô họ chém đấy.
Ba bố con em xuống biển tắm trong lúc vợ trên bờ nướng đồ. Vợ em vừa nướng vừa bắt em chụp ảnh, làm cháy mất 1 con tôm hùm.
Tắm xong, quay về khách sạn, 2 cu nhà em vẫn bắt bố cho tắm thêm ở bể bơi.
Kế hoạch tiếp theo là đi Suối Tiên ở Múi Né, nhưng do trời nắng vả lại di chuyển liên tục nên nhà em quyết định nghỉ ngơi buổi sáng hôm đó.
Trưa đến, cả nhà đánh xe ra khu phố Tây để ăn trưa, trên dường đi 2 cu ngủ mất, bố mẹ tranh thủ lên đoạn kè quán cây bàng làm mấy kiểu ảnh.
Quay về mua mấy hộp cơm cho 2 vợ chồng về ăn tại khách sạn trong lúc đợi 2 cu ngủ trưa.
Ngủ dậy, do còn sớm sợ đi đồi cát sẽ rất nóng, thêm 2 cu lại đòi đi biển tắm tiếp, thế là nhà em lại phi xe lên khu vực bãi tắm công cộng gần quán cây bàng.
Lưu ý, cả dọc Mũi Né chỉ có nơi này là bãi tắm công cộng, còn nếu không các bác phải vào resort và phải trả tiền để được tắm.
Trong lúc tắm, gặp mấy anh hai người địa phương rất vui tính, cứ bắt em uống bia cùng sau đó lại bắt mày phải phụp hình đưa bọn anh lên mạng.
Anh vừa bắt được con dông biển, mày đưa hình anh lên.
Tắm xong nhà mình phi ra đồi cát bay. Đến nơi nhà em gửi xe và thuê luôn ván trượt của chủ quán, họ đòi 20 nghìn/cái, nhà em trả 40 nghìn/3 cái.
Hí hửng leo lên đồi cát, dự là đi muộn để đỡ nóng. Đen cái là hôm đấy gặp cơn dông, lúc ra đến nơi trời xầm xì, chụp hình không được đẹp.
Cũng chẳng thấy mấy ai chơi trượt cát, có lẽ do đã khá muộn. Lại thêm không ai hướng dẫn, loay hoay mãi 1 lúc nhà em mới biết cách trượt. Đến lúc trượt được, 2 cu nhà em khoái quá, trượt lấy trượt để, lắm lúc tuột dây cương cứ gọi là cuộn tròn với cát.
Lúc quay ra, hỏi tiền gửi xe, chủ quán đòi 50 nghìn, thấy buồn quá. Tiền không phải là vấn đề lớn, vấn đề là tư duy làm du lịch kiểu chặt chém, ngắn hạn. Làm du lịch mà cứ có tư tưởng chặt chém thế này thì bảo sao lượng khách du lịch càng ngày càng giảm.
Cảm nhận của nhà em, Mũi Né buồn và biển ko đẹp, dịch vụ manh nha nạn chặt chém, chỉ nên đi đồi cát bay và chỉ cần nghỉ lại 1 tối là OK, không nên chôn chân nơi đây làm gì nhiều.
Sáng hôm sau nhà em dậy sớm, 7h sáng xuất phát vì quãng đường hôm này dài (370km) dự là phải muộn mới đến được Cần Thơ. Nhưng em lầm, do được đi 2 đoạn dài cao tốc là Long Thành – Dầu Giây và Thành phố Hồ Chí Minh- Trung Lương, cứ gần như 120km/h mà vít nên đến Cần Thơ khá sớm lúc 2h chiều
Đi qua cầu Phú Mỹ, toàn container chạy.
Chạy qua đại lộ Nguyễn Văn Linh rồi nối vào cao tốc Trung Lương, hết cao tốc Trung Lương nhà em ghé quán ăn ngay hết cao tốc, quán ăn phục vụ rất tốt mà giá cả hợp lý.
Qua cầu Mỹ Thuận.
Cầu Cần Thơ hiện ra trước mắt.
Nhà em nghỉ lại khách sạn Hậu Giang 2, 350 nghìn/phòng 2 giường đôi, gần ngay bến Ninh Kiều để sớm mai dậy đi chợ nổi Cái Răng sớm
Tranh thủ nghỉ 1 lát, em gọi điện cho thằng bạn học phổ thông mà ………. 21 năm rồi mới gặp lại. Thằng bạn là chủ tiệm giầy dép rất to Phương Anh, đường Mậu Thân. Cả nhà kéo ra thăm ông chủ thành đạt, hẹn tối quay lại để đi nhậu hàn huyên. Sau đó cả nhà em kéo ra bến Ninh Kiều chơi.
Sau đó nhà em đi qua bên kia cầu Quang Trung để ngắm hoàng hôn.
Như đã hẹn với ông bạn, nhà em quay lại của hàng giầy dép Phương Anh, đón 3 bố con ông bạn đi cùng để ăn tối. Bà chủ phải ở nhà để trông nom cửa hàng.
Bạn bè hội ngộ rôm rả sau ….21 năm.
Ngày 12: Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ
Sáng hôm sau nhà em dậy sớm, 4h30 xuất phát từ khách sạn, đi bộ ra bến, đã có người lái ghe chờ sẵn. Dọc đường đi rất nhiểu thuyền mời chào. Kinh nghiệm rút ra, các bác không cần phải đặt ghe trc, cứ ra bến là đầy ghe, nếu được các bác chọn cái ghe to mà ghép đoàn, chạy vừa nhanh vừa đỡ bị nắng. Nhà em sợ nên đặt trước, được cái ghe bé tý, chạy chậm mà lại không có mái che. Tội cho lũ trẻ lúc quay về bị nắng
Bến Ninh Kiều khi mặt trời còn chưa ló dạng.
Cả nhà tươi vui, hào hứng.
Bình minh cầu Hưng Lợi
Hình ảnh đặc trưng của sông nước miền Tây, cây xăng kèm quán hàng tạp hóa ven sông phục vụ giao thông đường thủy.
Thuyền này vi phạm lệnh cấm dừng đỗ.
Rồi chợ nổi cũng dần ló dạng, gần đến chợ, ghe này ghé bên ghe của em, em làm 2 ly café 10 nghìn/ly cho em 1 ly và chú lái đò 1 ly.
Bắt đầu vào chợ, ghe thuyền tấp nập, chú lái ghe tắt máy đi để chèo bằng tay.
Mỗi thuyền 1 loại hàng hóa, trên mũi thuyền dựng 1 cây sào dài treo loại hang hóa mà thuyền đó bán.
Chợ sớm tấp nập và vui, cũng khá nhiều khách du lịch. Chỉ 1 điều đáng buồn là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của 1 số người dân còn kém, thản nhiên đổ rác xuống sông.
Nhà em ăn sáng luôn ở chợ, làm 3 tô hủ tiếu, 2 vợ chồng và chú lái ghe ăn. Bàn ăn cũng rất linh động, chú lái ghe lấy 1 tấm gỗ bắc ngang qua thành ghe, thế là thành 1 chiếc bàn ăn ngon lành.
Cả nhà cùng sinh hoạt trên thuyền với đầy đủ tiện nghi.
Hoa quả cũng siêu rẻ, vợ em mua 15 nghìn vú sữa mà em thấy 1 bịch to, về nhà nắn bóp mỏi cả tay.
Lúc quay về trời nắng gắt, mà ghe em chạy hơi chậm, giục chú lái ghe, cho hết tốc lên cho anh, chú ấy bảo "dạ hết tốc rồi anh ah".
Biết thế khỏi đặt ghe trước, cứ ra bến chọn ghe nào to và khỏe mà ghép để đi.
Đúng là ghe to, ai mà chẳng thích các bác nhỉ.
Ngày 13: Đua heo tại Làng du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ)
Về đến bến nhà em trả phòng khách sạn, lại khăn gói quả mướp lên đường đi làng du lịch Mỹ Khánh.
Em có tham khảo và đắn đo giữa 2 địa điểm, Cồn Ấu và Làng du lịch Mỹ Khánh. Nghe nói cồn Ấu thì đậm chất miền Tây và hoang sơ hơn còn Mỹ Khánh thì nhân tạo nhưng lại có lắm trò chơi hơn. Cá nhân 2 vợ chồng em thích đi những nơi còn hoang sơ để khám phá, nhưng 2 thằng con nghe kể chuyện thấy Mỹ Khánh có nhiều trò chơi thế là bọn nó cứ nằng nặc đòi đi. Bọn nó là thượng đế mà, bọn em đành phải đi Mỹ Khánh.
Mất 100 nghìn/người (trẻ em dưới 1.1m không mất tiền), vào trong thấy hoang vắng đìu hiu, cũng chẳng có mấy trò chơi. Có lẽ thú vị nhất là mấy trò đua heo, đua chó và câu cá sấu.
Người dẫn chương trình khá hài hước giới thiệu: Trò đua heo, có 5 con tất cả, trong đó có 3 con heo và 2 con lợn. Lý do là 3 con đầu lấy từ các trang trại Miền Nam nên gọi là heo, 2 con sau ngoài Bắc chuyển vào nên gọi là lợn.
Mấy trò đua còn có cả cá độ như kiểu William-Hill ấy các bác ah. 5 con heo được đánh số từ 1 đến 5. 1 lần cá là 20 nghìn, sẽ được 1 số thứ tự từ 1 đến 5. Nếu bạn chọn số nào mà con heo tương ứng vô địch thì phần thưởng sẽ là 1 con heo mang về. Nhà em 4 thành viên mua số từ 2 đến 5 để cá độ.
Những con heo bị nhốt đói, phía đầu kia là máng đầy cám. Mở chuồng ra là các con giời lao ngày về phía thức ăn. Các bác bảo "miếng ăn là miếng nhục" quả không sai.
Lệnh xuất phát, thả barrier ra, các con giời lao về phía trc. Cu lớn nhà em rất may mắn, chọn con số 2 về đích đầu tiên.
Và đây là giải thưởng, 1 con heo “đất” mang về.
Tiếp theo mà màn đua chó, đường đua gồm rất nhiều các chướng ngại vật.
Ngoài mấy màn đua, nhà em thấy vụ câu cá sấu cũng khá thú vị. Em cứ vậy là nhử miếng thịt sau gấy mấy cậu cá sấu, các cậu ấy cứ ngấm ngầm giả vờ không biết, bơi lùi lại rồi bất thình lình phóng vọt lên để đớp. Nhưng mà mấy cái vụ nhử này em hơi bị nhiều kinh nghiệm nên các cậu ấy toạn bị đớp hụt. Có cảm giác các chú đấy tức sùi bọt mép lên với nhà em.
Sau rồi ra ngoài ngồi để mấy con cá nó massage chân.
Ngoài mấy trò này ra, chẳng có nhiều điều để nói về làng du lịch. Nhà em rút quân, lôi map ra thẳng tiến Nhà Công tử Bạc Liêu.
Ngày 13: Thăm Nhà Công tử Bạc Liêu - Xuôi thị trấn Năm Căn
Nhà công tử nằm ở vị trí đắc địa ngay bến sông Bạc Liêu. Vào cổng mua vé xong (10 nghìn/vé) vợ em làm cho mỗi cu 1 cái mũ Công tử Bạc Liêu. Nhưng do giống bố, dáng nông dân nên nhìn 2 cu nhà em không có được vẻ phóng khoáng chất chơi của công tử.
Một trong 2 chiếc xe ô tô thời bấy giờ, chiếc kia là của ông hoàng Bảo Đại.
Chiếc đồng hồ đến nay vẫn chạy tốt và không bao giờ bị sai giờ.
Những giai thoại về công tử thì nhiều vô kể, em cũng đã đọc trc trên wiki, nhưng vẫn cảm thấy thú vị khi có hướng dẫn viên giới thiệu. Thích nhất ở công tử là tính phóng khoáng, và cũng ghét nhất ở công tử là tính phóng khoáng thái quá có khi là trác táng.
Cả cuộc đời tính ra công tử đốt hết chừng 5000kg vàng, trong khi về cuối đời rất nhiều con và cháu của ông sống trong cuộc đời lam lũ cùng cực.
Nghiệm thấy các cụ nói “Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè lỗ miệng” quả là đúng. Lúc thăm quan xong, quay ra, nhìn thấy con trai của công tử “Trần Trinh Đức” ngồi ở bàn đón tiếp mà thấy cay cay mũi. Ông ngồi đó, ánh mắt đượm buồn nhìn xa xăm. Mình chỉ tranh thủ xin phép chụp ảnh ông một kiểu mà không dám bắt chuyện. Sợ rằng sẽ làm tổn thương ông ở lời nói nào đó
Đọc trên wiki ông đã phải lang bạt khắp nơi mưu sinh, rất may cuối đời ông được tạo điều kiện để quay về quê nhà để thực hiện việc hương hỏa thờ cúng cha mẹ như tâm niệm của ông
“Một người con của Công tử bạc Liêu là ông Trần Trinh Đức phải trôi dạt lên Sài Gòn và sau khi cô con gái lớn của ông bị lừa tình và mắc nợ, bị bệnh tâm thần phân liệt, phải bán nhà trả nợ, gia đình ông làm đủ thứ nghề để mưu sinh như bán giày cũ, chạy xe ôm.... Năm 2009, gia đình ông được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân đã trở về Bạc Liêu sinh sống .”
Rời nhà công tử, nhà em xuôi Năm Căn. thành phố Cà Mau chào đón bằng trận mưa mịt mùng, em đoán đây là đặc trưng những cơn mưa chiều của miền Tây.
Xuôi một đoạn hướng Năm Căn thì trời tạnh hẳn. Chạy trên cầu Đầm Cùng thấy view đẹp quá tranh thủ nhà em làm mấy kiểu ảnh.
Cầu Đầm Cùng bắc qua sông Bảy Háp nối liền huyện Cái Nước và Năm Căn thuộc địa phận tỉnh Cà Mau.
Đến Năm Căn, nghỉ tại khách sạn Công Đoàn, 250 nghìn/phòng 2 giường đôi. Nhà em ra ngoài tìm hiểu việc đi canô cho sớm mai ra đất Mũi, loanh quanh 1 hồi mọi người chỉ ra bến tàu xe Năm Căn. Quay ngược ra để tìm hiểu, nhà em bắt được cảnh hoàng hôn trên bến thuyền rất đẹp.
Ngày 14: Mênh mông sông nước Cà Mau
Như thường lệ nhà em dậy sớm, đi ra bến tàu xe Năm Căn để bắt canô ra Mũi. Cũng phải nói thêm là, ở ngay gần khách sạn Công Đoàn cũng có 1 bến thuyền để đi Mũi, nhưng chỉ dành cho khách du lịch, nghĩa là nếu đi từ bến này, bạn sẽ phải thuê riêng 1 thuyền, tạm gọi là du thuyền với giá từ 1,7-1,9 triệu/1 ca nô.
Thấy nhiều tiền quá, nhà em liền đi theo hình thức canô khách.
Để đi ra Mũi bạn có thể đi canô từ thành phố Cà Mau hoặc từ TT Năm Căn. Canô sẽ xuôi từ Cà Mau, đón thêm khách từ Năm Căn để chạy ra mũi. Vé đi từ Năm Căn ra Mũi là 150 nghìn/người, ngoài ra bạn sẽ mất thêm 70 nghìn để đi xe ôm từ bến tàu đến Mũi do canô to không chạy sát vào được Mũi. Chuyến sớm nhất buổi sáng là 7h15.
Chẳng hiểu may mắn thế nào, cuối cùng nhà em vẫn được đi du thuyền. Số là khi ra đến bến thuyền, một chú chủ canô liền mời chào cả nhà đi ghép với 2 chú em sinh viên mới ra trường. Hai chú người Buôn Mê Thuật, cũng làm chuyến phiêu bạt miền Tây với hành trình 2300km trong 8 ngày.
Giá cho cả nhà mình là 600 nghìn, mình bảo 500 nghìn, thế là OK.
Cả bọn kéo nhau lên du thuyền. Vợ vốn sợ nước cứ nằng nặc đòi mặc áo phao, bắt theo cả bọn trẻ con mặc theo.
Du thuyền của nhà em
2 chú em sinh viên đi cùng
TT Năm Căn ven sông.
Chạy 1 lát, bác chủ đò dừng lại làm điếu thuốc và lấy tay chỉ rừng đước phía xa xa: "Chỗ đó 2 năm trước là sông nước không thôi ah, mới được đắp bồi gần đây. Cứ hàng năm lại bồi thêm vài hecta".
Cảm nhận cá nhân, đi đất Mũi rất thích, cảm nhận rõ rệt vẻ mênh mông của nước, của trời mây bao la, của những rừng đước bạt ngàn.
Rời sông Cửa Lớn, canô chạy vào những kênh rạch nhỏ hơn để tiến về đất Mũi.
Có những đoạn, có lẽ do đi tắt mà bác chủ đò đi qua những con kênh bề ngang chỉ vừa nhỉnh hơn thân ca nô chút xíu. Cảm giác rất thích thú.
Và rồi cũng đến đất Mũi, cả nhà kéo lên đài quan sát làm mấy kiểu ảnh.
Lại cuốc bộ ra phía rừng Đước.
Rừng lá xanh xanh, cây phủ đường đi.
Làm kiểu ảnh tại mốc tọa độ quốc gia.
Thực ra, hiện nay nếu xét về mặt địa lý thì mũi Cà Mau không phải là điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam, mà chỉ nằm ở vùng cực Nam của Việt Nam. Điểm cực nam trên đất liền của tỉnh Cà Mau nằm ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, có độ vĩ 8°30' Bắc. Mũi Cà Mau là điểm cực Tây của tỉnh Cà Mau.
Làm kiểu ảnh cuối cùng tại tượng đài trước khi chia tay đất Mũi.
Lúc ra bến thuyền, nhà em làm mấy bó đũa được làm từ gỗ Đước về để làm quà.
Về lại Năm Căn, chia tay 2 chú em sinh viên mới quen, nhà em đi ra lấy xe. Lúc sau thấy 2 chú chạy xe đuổi theo, bảo cả nhà chụp cùng bọn em kiểu ảnh làm kỷ niệm. Nhà em đồng ý liền vì đi rong ruổi thích nhất là khám phá những miền đất mới, kết bạn với những người bạn mới mà.
(Còn nữa)
Trên đây là những chia sẻ của thành viên hieutcnd, diễn đàn OtoFun.BBT OF News xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được chia sẻ của các thành viên khác trên diễn đàn.
Để xem chi tiết bài viết, mời độc giả đọc Tại đây.