Ngày 14-15: Cung đường Miền Tây:- Cà Mau - Kiên Giang - An Giang
Rời Năm Căn theo bản đồ, có 2 đường để đi. Lựa chọn số 1, đi đường gần rẽ qua thị trấn Trần Văn Thời và không phải đi qua Cà Mau, lựa chọn 2, quay lại thành phố Cà Mau qua QL1. Nhà em đi theo đường gần, sang thị trấnTrần Văn Thời. Tường gần mà hóa ra lại không gần, lại phải đi theo đường nhỏ. Lý do là đường tắt đi sang QL63 vẫn chưa xong, vì thế vẫn phải quay lại tp Cà Mau để đi.
Đường đi qua thị trấn Trần Văn thời bé tí, chỉ cho chạy 40km/h được cái cảnh vật khá đẹp.
Qua cái cầu treo bé tý, ô tô chỉ được chạy 1 chiều 1, chiều này chạy, chiều kia nghỉ. Tránh xe máy cũng vất vả, các bác xe to nên cân nhắc trước khi đi đường này. Em recommend các bác đi theo đường quay lại tp Cà Mau.
Cầu treo Trần Văn Thời bé tí.
Lên đến tp Cà Mau rồi rẽ sang QL63. Nói thật, em chưa thấy cái quốc lộ nào bé mà lộn xộn như QL63, lòng đường thì bé, qua nhiều khu dân sinh, hàng quán lắm lúc tràn ra cả lòng đường. Lại thêm do nhiều kênh rạch, nên rất nhiều cầu, mà các mố cầu quân nhà ta làm không phẳng thành ra mỗi lần lên xuống cầu, vợ 2 của em cứ gọi là nhảy chồm chồm cứ như kiểu bò tót trong đấu trường.
Mà không chỉ mố cầu lồi lõm, bản thân mặt đường cũng rất lồi lõm, bác nào mà máu đánh xóc đĩa, chỉ cần bỏ bát xuống, phút sau nhấc bát lên đảm bảo chẵn lẻ đổi hết khỏi mất cong xóc làm gì cho mệt.
Cu bé nhà em thì lại rất thích cầu, cứ qua cầu nào nó cũng hỏi cầu gì hả bố, mà cầu ở miền tây nhiều vô kể, em mà căng mắt xem tên cần rồi trả lời đúng cho nó thì có mà hết cả năng lượng lái xe. Thành ra cứ cái tên gì vần là em đặt tên cho cầu, đầu tiên lấy tên Nga, cầu “Cu nhét xốp, Cu dơ nhét xốp, ... Hết tên Nga em xoay sang tên Thái, cầu “Jarairichốt, cầu Terathép..”. Cu cậu đầu tiên tưởng thật, sau 1 hồi thấy bố nói loạn nên nó bắt thóp em nó bảo bố nói linh tinh.
Được cái, QL63 có 1 cái cầu tên rất hay “Cầu Xẻo Bướm”.
Nhà em trước đã thấy các bác post trên mạng, nên quyết tâm lần này phải tận mục sở thị.
Hình ảnh hơn vạn lời miêu tả.
Về đến gần Rạch Giá nhà em lại được đón chào bằng trận mưa thối đất thối cái.
Đến Rạch Giá, nhà em nghỉ ở khách sạn Kiệt Hồng ngay gần bến phà đi Phú Quốc. Lý do chọn khách sạn là vợ em search trên agoda và booking.com thấy rank cao mà giá dễ chịu, chỉ 250 nghìn/phòng 2 giường đôi. Lưu ý các bác là khách sạn này còn offer 1 ngày 8 lượt taxi free đưa đón trong nội thành Rạch Giá.
Tối đó em gặp lại thằng bạn từ thời tóc còn để chỏm. Sau 14 năm mới gặp lại nhau, 2 thằng say sưa ôn chuyện cũ.
Sáng hôm sau, nhà em thưởng thức món bún cá Kiên Giang, giá rất rẻ 22 nghìn/bát. Ăn khá ngon, cá tươi lại có cả tôm.
Một chị bán mẹt đủ các loại bánh, em mà nhớ tên hết chết liền. Vợ em mua mỗi loại 1 ít, ăn cũng hay hay.
Làm kiểu tại cổng Tam Quan trước khi chào thành phố Rạch Giá.
Cổng Tam quan là công trình kiến trúc được xây dựng chắn ngang đường Nguyễn Trung Trực tại ngã tư Nguyễn Trung Trực - Lạc Hồng thuộc thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Cổng có từ thời Pháp thuộc.
Công trình được thiếp kế theo phong cách truyền thống Việt Nam gồm ba ô cửa (tam quan) hình vòng cung. Trước đây, cổng Tam quan được xây dựng với vai trò như một cổng làng khi vào Rạch Giá từ phía các huyện.
Sau đó nhà em theo map thẳng hướng Châu Đốc mà tiến. Một kinh nghiệm cho các bác khi chu du miền Tây là đừng bao giờ tin thằng google, nó chỉ siêu lung tung, có những đường xe máy đi còn khó. Nhà em vừa đi vừa hỏi, cuối cùng phải đi theo đường ven kênh, bản đồ ghi là đường N2, còn dân địa phương gọi là đường 8000, có bác nào biết tại sao họ gọi đường 8000 thì giải thích em phát.
Đi qua Núi Cấm 1 đoạn, có ngôi chùa Khơ Me rất lớn, nhà em tranh thủ vào làm mấy kiểu ảnh.
Em không hiểu tôn giáo Khơ Me lắm, nên ảnh chụp thì cứ chụp còn diễn giải thì chịu.
Ở đâu có người Khơ Me, ở đó có cây Thốt Nốt.
Lúc này đã đến trưa, sợ đi Tràm Trà Sư thì sẽ rất nắng, nhà em quyết định xuôi Châu Đốc tìm khách sạn nghỉ qua trưa để chiều quay lại rừng Tràm.
Nghỉ tại khách sạn Trung Nguyên ngay cạnh chợ Châu Đốc, có lẽ là tp cạnh cửa khẩu nên giá phòng khá đắt, 400 nghìn/phòng 2 giường đôi nhưng phòng bé tý, facality cũng chẳng có gì.
Trưa đấy, theo chủ khách sạn giới thiệu nhà em ra quán Báy Bông đường Trưng Nữ Vương ăn món lẩu mắm. Thích nhất miền Tây là được ăn đủ thứ hầm bà rằng các loại rau, rau nào cũng ngon.
Ngày 15: Xanh biếc Tràm Trà Sư
Ngủ trưa dậy, nhà em lại ngược lại QL91 để đi Tràm Trà Sư, tính ra ngược lại 1 đoạn cũng gần 30km. Một lần nữa thằng google lại chỉ lung tung, nó chỉ cái lối bé tý, nhà em hỏi người dân bên đường thì họ chỉ cho đường rẽ tại ngã ba thị trấn Nhà Bàng. Đi theo đường tỉnh lộ 948 đến cầu Bưng Tiên tại Km số 6 thì rẽ trái và tiếp tục đi theo một con đường đã được trải nhựa dài khoảng 4 km là đến rừng tràm Trà Sư.
Đúng mùa thu hoạch lúa nên đầu đường dẽ vào Rừng, em phải dừng xe 1 lúc đợi các bác nông dân nhà mình bốc lúa thu hoạch được lên xe công nông.
Đến nơi, gửi xe, nhà em thuê xe ôm chạy từ bãi xe vào nơi tập kết đi ghe, giá xe ôm siêu rẻ 10 nghìn/xe.
Vé thăm quan Rừng Trà Sư là 75 nghìn/người lớn, bao gồm tiền đò trở đi và về. Rất hay là đò ở đây cứ có người là chở, không cần phải đợi cho đủ người.
Xuống thuyền máy, tranh thủ chộp được quả chim đang liệng.
Thuyền chạy dọc kênh Trà Sư 1 đoạn thì được tập kết lên bờ, sau đó sẽ chuyển sang ghe nhỏ, chèo bằng tay để luồn lách giữa Rừng Tràm.
Thực ra Rừng Tràm đi vào mùa nước nỗi sẽ đẹp hơn (tầm tháng 8 –tháng 11), khi đó Rừng Tràm sẽ mênh mông nước, kênh được phủ kín bởi bèo hoa dâu xanh biếc.
Do không phải mùa lũ nên kênh nước nông tẹt, bèo hoa dâu cũng chết do khô hạn và nắng, cây cối nhìn cũng không được xanh tươi. Thôi thì đi cho biết vậy, hẹn mùa nước nổi năm nào đó nhà em sẽ quay lại, không chỉ với Tràm Trà Sư mà sẽ là cả Miền Tây.
Sau 1 hồi len lỏi trong Rừng Tràm, cả nhà lại quay lại bến thuyền để đi tiếp đến đài quan sát.
Lên khỏi bến thuyền, các bạn sẽ phải đi bộ 1 đoạn để đến đài quan sát. Cả nhà em tranh thủ làm mấy quả ảnh nhí nhố.
Đến chân đài quan sát nhà em tranh thủ nằm võng làm mấy ly nước thốt nốt.
Lưu ý ở đây, thuyền chỉ phục vụ đến 5h chiều, muốn về sau 5h chiều bạn phải thuê xe máy chạy ra ngoài. Bạn cũng có thể không đi thuyền mà đi xe máy đến tận đài quan sát nhưng như thế sẽ không hay vì không được ngồi thuyền đi trên kênh và len lỏi giữa rừng Tràm.
Nhà em muốn ngắm hoàng hôn ở Rừng Tràm nên bảo người lái thuyền cứ về trước, sau đó sẽ thuê xe ôm để về.
Ngồi 1 lát thì trèo lên đài quan sát cao 5 tầng để ngắm toàn cảnh rừng tràm.
Cả nhà đang chơi trên đài quan sát thì gặp 1 nhóm các bạn sinh viên năm cuối học ĐH Tài Chính – Marketting HCM cũng đến chơi cùng.
Các bạn này đi xe máy, xem bản đồ theo anh gúc gồ chỉ, đi theo đường ven kênh cứ vậy mà lao đến thẳng đài quan sát.
Khi mình hỏi có đi thuyền len lỏi trong rừng thì mới ngớ người ra "ơ thế có dịch vụ đi thuyền ạ".
Thấy 2 cu nhà mình mặt mũi hiền lành pha lẫn ngô ngố dễ thương giống bố các cô cứ thế ôm và chụp ảnh cùng.
Hoàng hôn dần xuống, ngắm các đàn chim cũng bay về tổ rất thú vị.
Lúc quay ra, chị chủ quán nước đã gọi hộ sẵn 2 chiếc xe ôm cho cả nhà ra lại bãi đỗ xe. Quãng đường ven kênh rất đẹp và khá xa (chắc chừng 5-6km) và giá xe ôm thì vẫn rất rẻ 50 nghìn/xe.
Lúc ra lấy xe nhà em bắt cảnh hoàng hôn quá đẹp, tranh thủ làm thêm phát ảnh rồi chào tạm biệt Trà Sư.
Có một điều nuối tiếc nhất chuyến đi Trà Sư là khi về, em phóng nhanh do sợ tối (mắt em bị cận nên đi ban đêm không thấy thoải mái), loáng thấy bóng cây thốt nốt trong hoàng hôn nhưng do đi nhanh nên em tặc lưỡi bảo đi đoạn nữa chụp cây khác. Nhưng đi mãi mà chẳng thấy, đến lúc thấy thì mặt trời đã tắt hẳn.
Về đến Châu Đốc, nhà em lại ra quán Báy Bông 2, ăn bông điên diển xào tép đồng, canh cá chua.
Ngày 16: Thưởng thức món cá lóc cuốn sen, chuột đồng nướng lu tại Tháp Mười
Nhà em hôm nay sẽ đi thăm sen Tháp Mười, nhưng trước tiên sẽ là đi thăm thánh đường Hồi Giáo Mubarak trước đã.
Từ Châu Đốc, nhà em qua phà Châu Giang. Phà Châu Giang, nhánh sông Hậu.
Qua bên kia phà nhà em xem bản đồ. Search trên gúc gồ nó chỉ thánh đường Mubarak rẽ phía thay phải, thế là nhà em cắm đầu đi.
Đang đi thì nhìn thấy thánh đường hồi giáo này, thế là cả nhà vào xem.
Nét đặc trưng ở Châu Đốc là có những chiếc xe kéo thế này, nhìn nhang nhác như ở Thượng Hải khi xưa.
Đây là các ngôi mội mang tên hồi giáo, em xem thì thấy rất nhiểu người chết trẻ.
Sau lại lên đường đi thánh đường Mubarak, càng đi đường càng xấu em bắt đầu nghi nghi thằng google, hỏi người dân, họ bảo nhầm đường rồi, không có thánh đường nào ở đây đâu. Em hỏi thế đi tiếp Đồng Tháp được không? Họ bảo đi Đồng Tháp phải quay ngược lại.
Thế là lại quay ngược lại phía bến phà, hóa ra trên bản đồ nó là Mubarak Bosque, sang phà cái nhìn thấy ngay bên tay trái.
Em chán chẳng buồn vào nữa, để vợ nhảy vào chụp vài kiểu. Thú thực em không tò mò về tôn giáo lắm, nhưng vợ em thì lại rất thích. Em là em chỉ thích cảnh vật như rừng và biển.
Sau đó nhà em đi lối TL953 để đi Tháp Mười ngắm sen, đi qua Phà Tân Châu, sang bên kia là Hồng Ngự của Đồng Tháp.
Sang phía Đồng Tháp đi tiếp TL844 sau cùng là rẽ vào TL845. Tới ngã 3 chợ Mỹ Hòa, rẽ trái đề vào Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười, xã Mỹ Hòa.
Dọc kênh, rất nhiều nhà trồng sen, mỗi nhà 1 điểm đón tiếp, coi xe.
Gửi xe xong sẽ có 1 bè bên kia sông đi bằng cách kéo dây để đưa khách sang đầm sen.
Tranh thủ làm vài kiểu với sen, sen ở đây không đẹp như sen Hồ Tây. Lại thêm cái trời nắng nóng, chạy ra xa chụp thì thằng cu bé nó lại gào lên bắt bố mẹ về. Thôi thì chiều bà xã tý em tranh thủ chụp liên hồi cho xong rồi chạy về chòi để ăn.
Ở đây phục vụ ăn uống luôn, nhà em gọi cá nóc nướng cuốn lá sen và chuột đồng nướng lu. Phải nói ăn khá hay, nhất là món chuột đồng nướng, vàng ươm ăn rất thơm và ngậy.
Ăn xong, tranh thủ nằm võng nghỉ trưa trong cái gió hiu hiu thổi của miền Tây, cảm giác rất thư thái dễ chịu.
Sau đó nhà em lại tiếp tục hành trình đi Đồng Xoài.
Đi 1 đoạn leo lên đường N2, thấy cảnh đồng lúa đẹp quá em tranh thủ làm quả ảnh.
Đường N2, đi khá đẹp, thoáng đãng, mặt đường tốt, đi qua cầu Đức Hòa, qua sông Vàm Cỏ Đông, nhà em rẽ vào ĐT824. Sau đó đi qua Hóc Môn, Thủ Dầu Một và đến Đồng Xoài. Thực ra Đồng Xoài chẳng có gì để chơi cả, nhưng do cả ngày chạy nhiều, chạy đến nơi cũng đã 5h chiều nên nhà em quyết định ngày hôm nay dừng ở đây.
Nghỉ tại khách sạn Quốc Hùng đường Hùng Vương, phòng VIP giá chỉ có 320 nghìn.
Ngày 17: Thác DrayNur hùng vĩ
Đường 14 đang làm, chỉ 1 số ít đoạn đang dang dở, đường làm chất lượng tốt cứ thế mà vít. Duy chỉ có cảm nhận cá nhân, màu xanh của Tây Nguyên đã mất đi rất nhiều. Lần trước vào năm 2001, em đi 3 tỉnh Tây Nguyên năm thì ấn tượng vẫn đọng lại của đường 14 là 2 bên đường phủ kín màu xanh của núi rừng Tây Nguyên. Giờ thấy nhiều nơi xơ xác, cảm giác buồn man mác.
Đặc trưng của đường 14, rừng thông 2 bên.
Nhà em đi qua thị trấn Kiến Đức, ghé nhà đứa em gái con cậu ruột chơi. Vì tình yêu mãnh liệt mà chuyển từ Sài Gòn về Đắc Nông lấy chồng lập nghiệp.
Ăn sáng và uống café hàn huyên với vợ chồng đứa em, nhà em lại tiếp tục lên đường. Đứa em còn với dặn theo, anh đi cẩn thận đấy, ở đây công an bắn tốc độ nhiều lắm. Cái khoản này thì em cũng đã biết, 2 chú em sinh viên người Buôn Mê Thuật nhà em gặp ở Cà Mau đã dặn dò trước, chú ấy bảo xe máy vượt tốc độ cũng bắt nói gì ô tô. Được cái, ở đây họ bắn tốc độ đàng hoàng, đứng giữa đường chứ không phải anh hùng Núp.
Tranh thủ gọi điện cho ông cậu ở CưJút để xin bữa cơm trưa. Cả nhà ông trẻ và các cậu mợ chuyển vào làm kinh tế mới từ năm 1991.
Chạy đến CưJut tầm 12:30pm, đã thấy ông cậu đợi sẵn, bảo vừa mới đi rẫy tiêu về, ở nhà mợ chuẩn bị sẵn hết rồi.
Vào nhà, mợ đã chuẩn bị hết đồ, lợn nuôi tại nhà, cuốn với lá và bánh đa ăn tuyệt.
Mấy cậu cháu và 2 cu nhà em xoay trần ra đánh chén.
Đang ăn thì cơn mưa đầu mùa Tây Nguyên ập đến, mưa như trút nước. Ông cậu khoái ra mặt, thế này tao đỡ bao công tưới cho rẫy tiêu.
Hai cu nhà em, ít khi thấy trận mưa nào to đến thế, rất sung sướng cứ thế lao ra sân tắm mưa.
Nghỉ ngơi 1 lát, nhà em lên đường đi thác Dray Nur.
Thác Đray Nur hay còn viết là Thác Draynur nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 25 km đi theo quốc lộ 14, qua thủy điện Buôn Kôp gần 3 km và đây là một ngọn thác hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đăk Lăk. Thác Đray Nur là thác trung nguồn nằm trong hệ thống 3 thác: Gia Long - Đray Nur - Dray Sáp của sông Serepôk, tỉnh Đắk Nông. Đray Nur nghĩa là thác cái. Vì thế thác còn có tên thông tục là thác Vợ, thác này cũng được gọi Đray Nur thượng như thác Thác Gia Long phần Đray Nur hạ nằm ở tỉnh Đắk Nông. Đray Nur nằm ngay cạnh Thác Đray Sáp thuộc tỉnh Đăk Nông và chỉ cách Đray Sáp một đoạn cầu treo bắt qua dòng sông Serepôk.
Do không phải mùa mưa nên lượng nước thác đổ không được nhiều, tuy vậy cũng không làm mất đi vẻ hùng vĩ của thác.
Trước kia, có cầu treo nối giữa 2 thác Dray Nur và Dray Sáp, nhưng nghe nói sau khi tách tỉnh, Dray Nur thuộc Đaklak còn Dray Sáp thuộc DakNông thì cầu treo bị rào lại, do hiên tượng trốn vé, cũng có thông tin nói do cầu treo nguy hiểm.
Sau đó nhà em về Buôn Ma Thuột, đi qua Nguyễn Tất Thành định bụng đến của hàng máy ảnh T-camera để mua cái sạc máy ảnh qua lời giới thiệu của 2 ông em khi quen ở Cà Mau. Cái sạc của em vốn dĩ bị hỏng do nước vào, tìm khắp ở Châu Đốc, về Đồng Xoài tìm tiếp mà không có chỗ nào bán.
Nào ngờ do chiều đó mưa to, cửa hàng đóng cửa sớm, nhìn quanh thấy có cái khách sạn Ngọc Hồi ngay đấy, nhà em ghé liền để nghỉ.
Tối đó cả nhà ghé quán ăn bò nhúng me ở quán Cà te, 158 Lê Thánh Tông, ông chủ nhìn rất nghệ sỹ, tuy nhiên theo cảm nhận cá nhân, món bò nhúng me không được đặc sắc cho lắm.
Ngày 18: Tĩnh lặng làng Cafe Trung Nguyên
Ăn sáng xong, nhà em ra làng café Trung Nguyên. Làng cà phê Trung Nguyên hay còn được gọi là Làng Cà phê là một bácm công trình kiến trúc có diện tích khoảng 20.000m2. Làng Cà phê Trung Nguyên nằm ở phía Tây Bắc Thành phố Buôn Ma Thuột, tọa lạc tại ngã ba Lý Thái Tổ - Nguyễn Hữu Thọ,Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Nguyên với không gian kiến trúc độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc và không gian cà phê đặc sắc.
Nhà em chẳng có ai mê café, nhưng thú thật vẫn thấy rất thích thú khi thưởng thức ly cafe dưới ánh nắng xiên buổi sáng, trong một không gian rất tĩnh lặng ở làng café.
Ở đây, siêu nhiều bướm, có lẽ do hương thơm của hoa café cũng như dấu hiệu của mùa mưa sắp đến.
Thưởng thức café xong, cả nhà đi lên phía bảo tàng café. Một chút thất vọng là các hiện vật ở đây mặc dù khá nhiều nhưng lại chẳng thấy có gi chú giải thích gì cả, mặc dù có nhân viên nhưng cũng chẳng ai thuyết minh cho nhà em. Nghe đâu, bảo tàng vẫn đang hoàn thiện nên chắc phải một thời gian nữa mới đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu thông tin của du khách.
Rời làng café, tìm đến Buôn Cô Thôn, theo tìm hiểu nơi đay được gọi là “nguồn gốc” của thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay.
Nhưng đến nơi không thật sự ấn tượng như cảm nhận, có lác đác 1 vài nhà cổ của dân nhưng phong thái sinh hoạt thì hoàn toàn như người Kinh. Ngoài ra còn có một khu du lịch sinh thái mang tên Buôn Cô Thôn nơi tái hiện buôn làng. Nhưng vốn dĩ nhà em không thích mấy kiểu du lịch phục dựng nhân tạo nên không vào. Lên đường đi Bản Đôn với hy vọng tìm thấy chút nào đó sự hào sảng của Tây Nguyên.
Bản Đôn cách TP Buôn Ma Thuật 40 km, lưu ý trên đường đi có nhiều khu du lịch ven đường mang tên Bản Đôn nhưng là khu du lịch tư nhân.
Tìm hiểu trước, đặc sản Bản Đôn là dịch vụ cưỡi voi đi trên dòng sông Serapok huyền thoại vì vậy đến nơi nhà em mua luôn vé để đi cưỡi voi. Lưu ý, dịch vụ cưỡi voi sẽ nghỉ trưa từ 11h30 đến khoảng 1h chiều. Nhà em đến nơi đã hơn 11h nên vội vàng băng qua cầu treo để vào cưỡi voi.
Cứ một chú voi chở 3 khách và 1 người quản tượng với giá 150 nghìn/15 phút hoặc 300 nghìn/30 phút nên hầu như ai cũng chọn 150 nghìn cả.
Tranh thủ mua bó mía 10 nghìn/bó để bồi dưỡng cho chú voi.
Phóng xa tầm mắt nhìn dòng sông Serapok huyền thoại mà ngán ngẩm, lòng sông cạn trơ đáy. Vẫn biết không phải mùa mưa thì sông ít nước nhưng phần nhiều là do các nhà máy thủy điện trên sông đã chặn hết dòng chảy của sông. Sông Serapok hùng vĩ của Tây Nguyên giờ chỉ còn trong ký ức của nhiểu người.
Ngồi trên voi nói chuyện với người quản voi, mặc dù anh quay lưng lại nhưng cảm nhận rất rõ vẻ nuối tiếc qua giọng nói của anh. Anh kể khi xưa nơi đây bao la là nước, cá nhiều vô kể, chỉ việc phóng lao là có cá ăn. Giờ đây dòng sông cạn kiệt, con cá không còn, mùa lũ đến nước nhiều quá thì thủy điện xả lũ nhiều lúc chạy không kịp.
Cảm nhận nét buồn trên đôi mắt của voi, có lẽ nó nhớ rừng, nhớ con sông hùng vĩ khi xưa.
Buổi trưa, cả nhà kéo ra quán nhà sàn ngay cạnh cầu treo để ăn món gà nướng vốn đã được giới thiệu khi đọc thông tin về Bản Đôn.
“Gà nướng Bản Đôn là một món ăn dân dã nay đã trở thành món đặc sản không thể không thưởng thức với du khách khi đến với Bản Đôn. Nó được chế biến từ gà nuôi thả vườn được nướng tay và không ướp bất cứ một gia vị gì; khi ăn được chấm với muối sả và ớt.”
Có lẽ do hôm đấy đông khách du lịch, hoặc cũng có thể dịch vụ xuống cấp mà nhà em ăn con gà siêu chán, bở bùng bục đúng như gà công nghiệp chứ không phải gà thả vườn. Thêm món rau rừng chấm kho quẹt cũng chán không kém, nhà em cuối cùng phải chấm nước mắm.
Kinh nghiệm rút ra, các bác đừng ăn uống tại Bản Đôn, vừa đắt vừa chẳng ra gì.
Cầu treo Bản Đôn.
Ăn xong nhà em hỏi nơi đi xem biểu diễn cồng chiêng, người hướng dẫn du lịch nói rằng muốn xem biểu diễn thì phải đi theo đoàn đông và phải đặt trước.
Muốn tìm cái gì đó mang hơi hướng Tây Nguyên mà khó quá nơi này mặc dù đã cất công đến tận Bản. Thiết nghĩ sao những người làm du lịch ở đây họ không học tập mô hình như ở Mỹ Sơn, có những suất biểu diễn theo khung giờ đã định để phục vụ khách thăm quan (họ có thể thu vé tham quan đắt thêm).
Đã vậy, thằng cu lớn nhà em thổi tù và cho cả nhà nghe.
Sau đó cả nhà đi tiếp dự định tham quan ngôi nhà cổ, thấy nhà đóng cổng, hỏi thì bảo phải có vé, mà muốn mua vé lại phải quay lại chỗ quay thông tin, nhà em chán chẳng muốn vào nữa, dự định đi thăm mộ của vua Voi, hỏi mãi mỗi người chỉ 1 kiểu nản thôi đành lên xe đi Pleiku.
Xem trên bản đồ thì có thể đi từ Bản Đôn lên QL14C để đi Pleiku, nhưng khi hỏi người dân thì được biết đường rất xấu, không đi được. Vì vậy để đi Pleiku thì nhất thiết vẫn phải quay lại BMT để đi QL14 AH.
Trên đường, gặp cảnh sinh hoạt thanh bình của người Êđê nhà em làm kiểu ảnh.
Gần đến Pleiku thì trời đổ giông.
Dự định qua đỉnh Hàm Rồng, cả nhà sẽ dừng chân để chụp ảnh tp Pleiku từ trên cao, nhưng do lúc đó trời mưa to khuất tầm nhìn nên nhà em đi thẳng vào thành phố.
Tối đó đi ăn lẩu bò, ăn khá ngon và rẻ.
Ngày 19: Biển Hồ Pleiku - Nhà thờ gỗ Kontum
Sáng nhà em đi ăn phở 2 tô, tìm đến quán phở Hồng trên đường Nguyễn Văn Trỗi (số nhà 22-24)
Sở dĩ gọi là phở 2 tô vì mỗi suất ăn bao gồm 2 bát to, 1 bát bánh phở trộn, một bát là nước dùng kèm thịt. Ăn cũng khá là ngon 35 nghìn/bát
Hành trình tiếp theo là Biển Hồ Pleiku, lần theo anh google chỉ, đi dọc đường 14 rẽ phải vào đường Phó Đức Chính. Lầm lũi đi vào hóa ra anh ấy chỉ Biển Hồ thật nhưng không phải lối vào chính nơi có đài quan sát, mà chỉ vào lối ven hồ.
Để vào hồ phải đi qua quả cầu treo này.
Đành quay ra hỏi người dân. Hóa ra để chỉ đúng đến Biển Hồ, bạn cần phải search trên google với tên là pleiku volcanic lake.
Từ đường 14, rẽ phải vào Tôn Đức Thắng qua nhà máy nước thấy cái cổng chào thì rẽ vào. Lưu ý cổng chào này cũng chẳng có tên địa danh chỉ dẫn gì cả.
Biển Hồ ngoài con đường dẫn với hang thông 2 bên khá đep, còn lại không có gì nổi bật. Trong tưởng tượng của em, Biển Hồ phải rộng lớn lắm, hóa ra bé xíu.
Thôi thì làm mấy quả ảnh để đánh dấu, cả nhà lại lên đường tiếp để đi Kontum.
Điểm đến đầu tiên ở Kontum là nhà thờ gỗ hay còn gọi là nhà thờ chánh tòa.
Nhà thờ được xây dựng vào năm 1913 do các linh mục người Pháp khởi xướng, hiện nay dùng làm nhà thờ chính tòa, nơi đặt ngai tòa của vị giám mục giáo phận Kon Tum.
Nhà thờ này theo kiến trúc Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na - sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và nét văn hóa của Tây Nguyên Việt Nam.
Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là gỗ cà chít. Các bức tường của nhà thờ đều được xây bằng kiểu vữa trộn rơm, một kiểu làm nhà truyền thống ở miền Trung Việt Nam.
Nhà em có đọc trước trên mạng biết là nhà thờ có cô nhi viện, nuôi nấng các em bé có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy trước khi vào nhà thờ, nhà em dừng xe để vợ mua bim bim, bánh kẹo để an ủi các bé phần nào, cũng là để cho 2 cu nhà em có cơ hội giao lưu với các bé.
Thú thật trong mường tượng nhà em cứ nghỉ chắc chỉ khoảng 20 bé, lúc vào thăm, các bé đi học hết hỏi người quản mẫu thì mới biết ở đây nuôi 200 bé. Thôi thì của ít lòng nhiều, nhà em quay ra nhà thờ chơi, trong lúc đợi các bé đi học về
Đang chơi thì thấy có xe ô tô đưa các bé đi học về, cả nhà vào giao lưu, cu bé nhà em chia bánh kẹo cho các anh chị.
Sau đó cả nhà vào bên trong nhà thờ để chơi. Nhà thờ cũng được trang trí theo phong tục của người Bana, các sợi làm bằng xơ cây tre.
(Còn nữa)
Trên đây là những chia sẻ của thành viên hieutcnd, diễn đàn OtoFun.BBT OF News xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được chia sẻ của các thành viên khác trên diễn đàn.
Để xem chi tiết bài viết, mời độc giả đọc Tại đây.
Nhà thờ cũng được trang trí theo phong tục của người Bana, các sợi làm bằng xơ cây tre