Các điều kiện, thẩm quyền và thủ tục thanh lý xe ô tô công được nêu rõ tại Điều 25 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; khoản 5, Điều 2 Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Ảnh minh họa
Cụ thể, xe ô tô phục vụ công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh lý khi đáp ứng các điều kiện như: Đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định; sử dụng ít nhất 250.000 km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn là 200.000 km) mà không thể tiếp tục sử dụng; bị hư hỏng mà không bảo đảm an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan chức năng.
Như vậy, việc thanh lý xe ô tô của cơ quan Nhà nước theo quy định nhằm bảo đảm an toàn khi vận hành và duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan.
Về thủ tục thanh lý xe, Bộ Tài chính cho biết: Việc thanh lý ô tô được áp dụng theo các phương thức bán tài sản Nhà nước; phá dỡ, hủy bỏ tài sản Nhà nước.
Trường hợp xe ô tô thanh lý có giá trị còn lại được đánh giá lại theo quy định từ 50 triệu đồng/xe trở lên thì thực hiện bán đấu giá. Việc xác định giá bán và tổ chức bán đấu giá tài sản thanh lý thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 52.
Nếu xe ô tô thanh lý có giá trị còn lại được đánh giá lại theo quy định dưới 50 triệu đồng/xe thì được bán chỉ định. Tuy nhiên, đơn vị có thể áp dụng hình thức bán đấu giá.
Trong trường hợp số xe bán thanh lý có xe có giá trị đánh giá lại có cả xe dưới 50 triệu/xe và có xe từ 50 triệu đồng/xe trở lên thì bán đấu giá cả lô để hiệu quả và thuận tiện.
Số tiền thu được từ bán thanh lý tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 52. Số tiền thu được từ thanh lý tài sản Nhà nước, sau khi trừ đi các chi phí liên quan được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Trường hợp số tiền thu được từ thanh lý tài sản không đủ bù đắp chi phí thì phần còn thiếu được chi từ dự toán ngân sách Nhà nước giao cho cơ quan Nhà nước có tài sản thanh lý và là nguồn thu thuộc ngân sách Nhà nước.
Trao đổi thêm với phóng viên về nội dung này, ông La Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết: Hiện nay, thẩm quyền thanh lý tài sản đủ điều kiện thuộc Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương. Sau khi các cấp này ban hành Quyết định thanh lý tài sản, cơ quan quản lý tài sản đưa ra đấu giá công khai theo quy định của pháp luật.
Trước khi bán đấu giá, cơ quan này căn cứ vào hạch toán kế toán để xác định giá trị của tài sản rồi mới đưa ra đấu giá. Tất cả mọi người đều có quyền tham gia mua các tài sản này.
Về số tiền thu được khi bán tài sản có thể biến động tùy theo giá thị trường và có thể là nhu cầu của người mua đấu giá sản phẩm. Có trường hợp xe công có giá trị trên sổ kế toán bằng 0 nhưng vì là xe cổ, nhiều người ưa thích thì số tiền thu về từ việc bán chiếc xe đó có thể lên tới hàng tỷ đồng.
Để hoạt động thanh lý xe công được giám sát minh bạch, theo ông Thịnh, cơ quan quản lý công sảnthực hiện nhiệm vụ của mình là giám sát điều kiện thanh lý khi Quyết định thanh lý được đưa ra.
Từ năm 2010, Bộ Tài chính đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, giám sát. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương chỉ cần cập nhật online vào Cơ sở dữ liệu trên mạng sau 30 ngày kể từ ngày có biến động tài sản (mua về hoặc bán đi).
Cơ sở dữ liệu này chính là thông tin trên sổ kế toán của các đơn vị cũng như của cả quốc gia.