Nếu bạn là người quan tâm tới những chiếc xe hơi và thậm chí là đam mê chúng, hẳn bạn sẽ không thể bỏ qua các giải đua vốn diễn ra liên tục trên khắp hành tinh. Bản thân các nhà sản xuất xe cũng thường xuyên thể hiện sức mạnh của mình thông qua bảng thành tích tại các cuộc đua lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, với hàng ngàn giải diễn ra khắp mọi nơi, sẽ rất khó để ai đó có thể nắm được đâu là những cuộc đua đáng chú ý, có sức ảnh hướng lớn đối với cộng đồng và thể hiện được tầm cỡ của các thương hiệu xe. Bài viết này sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng quan về 10 giải đua xe được nhiều đánh giá là uy tín nhất hiện nay.
1. Monaco Grand Prix - chặng F1 hấp dẫn nhất hành tinh
Giải đua F1 của Monaco được tiến hành lần đầu vào năm 1929 trên những con phố chật hẹp của Monte Carlo (với tổng chiều dài 3,340 km).
Chỉ trong một thời gian ngắn, nó nhanh chóng trở thành chặng đua F1 nổi tiếng và thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông nhất. Nét đặc trưng tại đây là toàn bộ cung đường đua không hề có đường lề mà chỉ có tường bê tông hoặc taluy thép bao bọc – thứ đem lại cảm giác cực kì mạnh cho các tay đua bởi những yêu cầu về điều khiển chính xác, kĩ năng lái cũng như trải nghiệm mạo hiểm. Cùng với những đoạn đường có độ cao cực kì đa dạng, việc đạt được tốc độ tối đa trên đường đua Monaco lại nằm ở chặng… đường hầm đã tạo ra những trải nghiệm rất thú vị không chỉ cho các tay đua mà cả đối với người xem.
2. Indy 500 (IndyCar) - cuộc đua tốc độ thực sự
Indianapolis 500 - Giải đua được mệnh danh là một trong ba giải đua xe uy tín nhất thế giới này vừa kỉ niệm lần sinh nhật thứ 100 của mình trong năm 2011.
Giải đua được tổ chức thường niên tại đường đua Indianapolis Motor Speedway (Speedway, Indiana) này lừng danh nhờ mức tốc độ trung bình của các xe thi đấu cực cao. Riêng những ứng cử viên muốn qua vòng loại phải có khả năng chạy hoàn tất vòng đua thử với tốc độ trên 354 km/giờ.
Mỗi mùa giải đua, các tay đua sẽ phải hoàn tất chặng đường 500 dặm với mỗi vòng đua dài 2,5 dặm. Kỉ lục tốc độ hiện tại thuộc về Arie Luyendyk lập vào năm 1996 với mức hơn 385 km/giờ.Một truyền thống thú vị của giải Indy 500 là tay đua chiến thắng thường hôn vạch đích và sau đó sẽ nhận được một bình sữa chúc mừng. Mới đây, chính giải đua Indy 500 cũng đã tạo cảm hứng cho việc sản xuất bộ phim hoạt hình Turbo.
3. 24 Hours of Le Mans (Le Mans) - thử thách sức bền của những "ma tốc độ"
Khác với mọi giải đua khác, Le Mans sẽ dành trọn một ngày cuối tuần tại đồng quê nước Pháp để thỏa mãn các tay đua đam mê tốc độ. Được tổ chức lần đầu vào năm 1923 gần thị trấn Le Mans (Pháp), đây là giải đua thách thức sức bền của các dòng xe trong 24 tiếng vận hành liên tục ở công suất gần tối đa.
Bản thân giải này bao gồm rất nhiều phân cấp xe đua khác nhau với những tiêu chuân nhất định về hiệu năng vận hành. Đường đua của giải Le Mans (Circuit de la Sarthe) cũng bao gồm cả đường đua chuyên dụng và đường phố thông thường. Bản thân các nhà sản xuất cũng coi Le Mans là một trong những cơ hội phô diễn năng lực thiết kế, khả năng công nghệ và những phép thử lửa quan trọng cho "món mới" của họ. Chính vì thế, không ít những mẫu xe dạng "prototype" đã được chọn lựa ra mắt lần đầu tại đường đua Le Mans. Gần đây, Le Mans cũng là sân chơi chính cho trào lưu xe điện, xe lai và các dòng xe sử dụng năng lượng sạch khác.
Do thời gian thi đấu kéo dài 24 tiếng không nghỉ, các đội có thể thay đổi tay đua sau mỗi 2 tiếng. Nếu như những giải như Indy 500 lấy tiêu chí chính là tốc độ, Le Mans lại chú trọng hơn tới sức bền và tính hiệu quả của mỗi đội đua. Chính vì thế, các đội đua phải đề ra được chiến thuật cân bằng tốc độ với tính bền bỉ của mỗi chiếc xe tham gia thi để có thể hoàn tất 24 tiếng “hành xác” liên tục. Đây là thách thức rất lớn không chỉ với các dòng xe đua chuyên dụng mà đặc biệt là những chiếc xe thử nghiệm - đặc sản của giải.
Mọi chiếc xe không còn khả năng di chuyển (do hỏng hóc hay hết nhiên liệu) sẽ ngay lập tức bị loại khỏi cuộc đua – bất kể nó chạy nhanh tới đâu. Như thế, mỗi đội đua sẽ còn phải cân đối được cả mức tiêu thụ nhiên liệu (xe chỉ được nạp nhiên liệu lại sau mỗi 2 tiếng chạy), vật liệu lốp, phanh và nhiều yếu tố khác nếu muốn tồn tại tới phút cuối - chưa nói tới việc chiến thắng. Cuộc đua sẽ diễn ra không ngừng bất kể thời tiết mưa hay nắng, ngày hay đêm. Do thời gian đua kéo dài như vậy, giải Le Mans thường đi kèm nhiều sự kiện giải trí hấp dẫn khác.
4. Daytona 500 (NASCAR) - "Lightning McQueen" ngoài đời thực
Khác với hầu hết chuỗi giải khác thường tổ chức các cuộc đua uy tín nhất của mình ở giữa hoặc cuối mùa, vòng đua “The Great American Race” của NASCAR lại được tiến hành ngay đầu tiên và là một trong bốn cuộc đua quan trọng nhất của toàn bộ chuỗi giải. Bên cạnh đó, chặng đua này cũng được kiểm soát rất chặt chẽ cả về độ an toàn và các yếu tố cạnh tranh bởi đường đua khá dài cùng các đoạn cua gấp. Toàn bộ xe đều được gắn Restrictor Plate – thiết bị giới hạn lượng khí nạp đầu vào của xe. Hiện tại, Daytona 500 với tổng quãng đường đua 500 dặm của nó đang là giải đua có sức hấp dẫn nhất tại Mỹ với số lượng người xem qua truyền hình cao hơn bất kì giải nào khác.
Một chi tiết đặc biệt là toàn bộ vè lốp buộc phải được giữ nguyên do giải NASCAR cho phép các xe va chạm trong khi đua và nếu không có vè tử tế, việc để bánh xe chạm vào nhau có thể gây ra những “thảm họa” đường đua. Bên cạnh đó, mỗi chiếc còn phải đảm bảo những quy định tối thiểu về kích thước bên ngoài (ví dụ như trục cơ sở 110 inch. Lốp xe NASCAR thường không có hoa - điều khiến chúng không thể chạy dưới trời mưa. Một điều thú vị lớn là hầu hết các xe tại giải này đều sử dụng động cơ V8 với chế hòa khí cỡ lớn (cho công suất trung bình 750 mã lực) thay vì sử dụng các công nghệ hỗ trợ thế hệ mới. Toàn bộ các bộ lọc khí thải cũng như giảm âm đề bị loại bỏ nhằm tăng cường tối đa tốc độ thoát khí từ động cơ. Ngoài ra, hệ thống bơm nước làm mát, bơm dầu, bơm trợ lực… đều được thiết kế lại để có thể vận hành ở tốc độ và nhiệt độ cực cao trong thời gian dài. NASCAR chính là giải đua đem lại cảm hứng cho việc sản xuất bộ phim hoạt hình lừng danh Cars với nhân vật chính Lightning McQueen.
Isle of Man TT là cuộc đua dài một tuần dành cho nhiều chủng loại mô tô phân khối lớn. Các tay đua sẽ phải chạy đua với thời gian giới hạn hoặc trực tiếp đối đầu với nhau. Isle of Man được tổ chức kể từ 1907 với chặng đua hiện tại dài hơn 37,773 dặm quanh đảo Isle of Man (nằm giữa Anh và Ireland). Đến nay, nó vẫn được công nhận là "giải đua mô tô hấp dẫn nhất trên thế giới" và tiếp tục được tổ chức thường niên.
Sức hấp dẫn lớn của Isle of Man nằm ở việc nó luôn được xem là giải đua mô tô nguy hiểm nhất hiện nay với tốc độ trung bình của các tay đua vượt trên 209 km/giờ (thậm chí tối đa có thể lên tới trên 300 km/giờ) trên các cung đường hẹp, quanh co chạy qua nhiều khu làng nhỏ với những bức tường đá cổ kính hàng ngàn năm tuổi và cây cổ thụ lớn.
Chính vì chạy với tốc độ cực cao, lại trên một địa hình có nhiều thử thách từ những khúc cua gắt, đường hẹp và gồ ghề, nên những ai tham gia cuộc đua đều có thần kinh thép cũng như kỹ thuật xử lý xe mô tô thể thao vào hàng lão luyện. Đó cũng là lý do để Isle of Man TT nổi bật hơn rất nhiều các cuộc đua mô tô khác hiện nay, kể cả MotoGP. Trong mùa giải 2013, tay đua Yoshinari Matsushita người Nhật Bản (43 tuổi) đã tử nạn ngay ở vòng loại và là tay đua thứ 240 mất mạng tại đấu trường chết chóc này.
6. Dakar Rally - thử thách rực lửa trên sa mạc
Dakar Rally, trước đây thường được biết đến với tên gọi Paris-Dakar Rally, là giải đua địa hình thử thách sức bền trên các cung đường phức tạp với đủ mọi loại phương tiện từ xe hơi (từ các loại buggy tới SUV hạng nhỏ), mô tô (kể cả mô tô 4 bánh) cho tới xe tải.
Giải đua cũng mở cửa với mọi đối tượng – từ các tay amateur (chiếm khoảng 80%) cho tới dân chuyên nghiệp. Thông thường, giải đua này kèo dài hơn 2 tuần với khoảng hơn 100 dặm đường trường được các đội đua hoàn tất mỗi ngày. Trong đó, những chặng đua theo ngày dài nhất có thể lên tới 500-600 dặm (tương đương 800-900 km).
Mặc dù mang tên Rally (việt dã) nhưng thực tế đây lại là giải đua địa hình tốc độ cao. Chính vì thế, thay vì dùng những chiếc xe đua truyền thống được “độ” lại, các tay đua lại sử dụng những chiếc xe có khả năng off-road thực thụ với những thiết kế đủ hiệu quả để tuyên chiến với những con đường đầy khổ ải ở tốc độ cao. Sức nóng khủng khiếp của sa mạc, cát, đá tảng, cỏ lạc đà và những cung đường hiểm hóc ... tất cả đều là thách thức lớn với mỗi chiếc xe và tài xế bên trong.
Ban đầu, giải đua này được thiết kế trên cung đường chạy từ thủ đô Paris của Pháp đến Dakar (Senegal) nhưng do các yếu tố an ninh, khu vực thi đấu đã được di chuyển tới Nam Mỹ (xuyên qua Argentina và Chile) kể từ năm 2008. Trên thực tế, hầu như năm nào cũng có số lượng rất lớn các tay đua cùng tham gia xuất phát nhưng phần lớn đều bỏ cuộc trước khi có thể chạm tới vạch đích. Vào năm 1982, Mark Thatcher – con trai của thủ tướng Anh đương thời Margaret Thatcher cùng đội đua của mình đã lạc trong sa mạc tới 6 ngày trước khi được tìm thấy trong tình trạng kiệt quệ.
7. Nürburgring 24 giờ - cuộc chiến của những tay lái vàng
Tương tự như giải Le Mans, cuộc đua 24 giờ tại Nurbugring cũng hướng tới việc thách thức sự bền bỉ của nhiều dòng xe khác nhau cùng lúc. Được diễn ra trên đường đua lừng danh “địa ngục xanh” tại Đức, cuộc đua 24 giờ này có tổng hành trình một vòng đua là 15,7 dặm (hơn 25km) gồm cả chặng F1 của Nurburgring - vốn thường được biết đến dưới tên gọi Nordschleife (vòng xoay phía Bắc) – và một phần đường phố thông thường. Tính phức tạp trong thiết kế đường đua và yêu cầu cao về tốc độ đã khiến Nurburgring trở thành thử thách lớn đối với khả năng kiểm soát lái, độ ổn định thân xe và các tính năng an toàn. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong số những đường đua xếp đầu bảng về số vụ tai nạn xảy ra.
Do tổng chiều dài quãng đường đua lớn, giải này thường cho phép tới hơn 200 xe và 700 tài xế cùng tham gia (bao gồm cả dân chuyên nghiệp và nghiệp dư). Những tài xế này có thể chia sẻ xe chung với nhau (2-4 lái xe/chiếc) và buộc phải lái liên tục ít nhất 150 phút trước khi được phép thay đổi.
Chủng loại xe được tham gia giải cũng rất đa dạng, từ các mẫu xe đường phố thông thường cho tới các dòng xe thể thao chuyên dụng GT3 như Porsche 911 GT3 hay Schnitzer BMW M3 GTR V8... Các đội đua sẽ bao gồm cả các nhà sản xuất xe cùng “xuống đường” thi đấu. Ngoài ra, tương tự như Le Mans, thời gian đua kéo dài cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều hoạt động giải trí song song cũng được tổ chức cho mọi người tham gia. Trong số này, nổi tiếng nhất là truyền thống vẽ graffiti lên đường đua - điều khiến cho mọi bức ảnh về "The Ring" đều nhuốm màu sắc lòe loẹt.
8. Rally Phần Lan (thuộc nhóm giải World Rally Championship)
Được coi là giải đua thể thức việt dã, Rally Phần Lan là giải việt dã có tốc độ nhanh nhất trong toàn bộ chuỗi World Rally Championship. Với danh sách tham gia hàng năm lên tới hàng trăm ngàn tay đua, đây cũng là sự kiện cộng đồng lớn nhất của toàn bộ các nước khối Bắc Âu.
Tuy nhiên, khác với Dakar, giải Rally Phần Lan thực sự là một cuộc đua việt dã tốc độ cao với các con đường khá đẹp và những chiếc xe đua thay vì xe off-road. Đường đua của Rally Phần Lan nổi tiếng với các đoạn cua tay áo “mù” và những cảnh … bay lượn đẹp mắt của những chiếc xe. Thậm chí, giải còn có nickname là "cuộc đua việt dã của 1000 cú nhảy" - một thách thức đáng gờm cho các thiết kế khung gầm, hệ thống giảm xóc, lốp... của mỗi chiếc xe.
Vào năm 2003, tay đua Markko Martin đã lập kỉ lục cú nhảy xa nhất lên tới 57 mét với tốc độ "bay" 171 km/giờ tại giải đua này.
9. Spa Francorchamps (F1 Bỉ)
Nếu như Monaco Grand Prix tràn đầy sự hào nhoáng thì đường đua Spa Francorchamps trong giải F1 Bỉ lại ẩn chứa những thách thức khắc nghiệt nhất không chỉ cho các tay đua F1 mà cả những chiếc xe. Nằm trong rừng Ardennes, Spa có điều kiện thời tiết khá kì lạ khiến một phần đường đua thường xuyên có mưa rơi trong khi các đoạn khác lại… khô cong.
Chính vì thế, mỗi đội đua buộc phải có chiến lược chọn lựa lốp và tinh chỉnh xe sao cho phù hợp cho nhiều điều kiện môi trường cùng lúc – một điều cực kì khó khăn. Spa cũng sở hữu những khúc cua đầy tai tiếng của giải F1 – điển hình là Eau Rouge với địa hình dốc xuống kèm theo khúc cua gấp. Đặc điểm này khiến mọi chiếc xe F1 chạy qua đây đều chịu lực xoắn thân xe cực lớn trước khi nối tiếp vào một quãng đường lên dốc ở tốc độ đặc biệt cao. Với hầu hết các tay đua, đây là khúc cua được đánh giá là “thót tim” nhất trong toàn bộ các đường đua F1 trên toàn thế giới.
10. V8 Supercars (Bathurst 1000) - Le Mans phong cách Úc
V8 Supercars là giải đua được coi là lớn nhất tại Úc với phong cách pha trộn các đặc điểm của cả giải NASCAR và Le Mans. Đây là sân chơi dành cho các nhà sản xuất với những chiếc xe nguyên bản và đường đua thường rất nhỏ hẹp – điều khiến cho việc va chạm giữa các tay đua trở thành chuyện…cơm bữa.
Cái tên Bathurst 1000 cũng đồng nghĩa với việc đây là cuộc đua có tổng hành trình 1000 km tại trên đỉnh núi Mount Panorama. Mặc dù đã từng giành chiến thắng tại cuộc đua này nhưng những cái tên đình đám như Morris, Jaguar, BMW, Nissan và Volvo đều bị đẩy ra khỏi danh sách tham gia suốt từ 1999-2012 vì nhiều lý do khác nhau.
Trong khoảng thời gian đó, Ford và Holden gần như thống trị giải đua này. Tới năm nay, nhờ luật mới sửa đổi, một số tên tuổi nước ngoài đã bắt đầu quay trở lại cuộc chơi – điển hình là Nissan với chiếc Altima hay Erebus Motorsport với chiếc Mercedes E63 AMG.