Để hạn chế phương tiện cá nhân, nhiều ý kiến cho rằng, các đô thị lớn phải tính toán được khả năng đáp ứng của vận tải công cộng (VTCC). Hà Nội từng không thành công với dừng đăng ký xe máy trong nội thành, nay tiếp tục đưa ra kịch bản cấm xe máy ngoại tỉnh là một sự thất bại trong tư duy quản lý đô thị, nhiều chuyên gia nhận định.
Theo nhiều chuyên gia, bản chất của ùn tắc tại Hà Nội là do có quá nhiều nhà cao tầng, giải pháp cấm xe máy chỉ là phần ngọn. Ảnh: A.Trọng.
Để hạn chế được xe cá nhân và giảm ùn tắc tại Hà Nội, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề nghị, đầu tiên lãnh đạo thành phố Hà Nội và các sở ngành có liên quan phải trả lời được câu hỏi “Cấm xe máy, người dân đi lại bằng gì?”.
Thực tế cho thấy, số người sử dụng xe máy tại Hà Nội hiện có 5,5 triệu người, trong khi đó giao thông công cộng mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Trong 5 năm nữa nếu cố gắng Hà Nội sẽ có thêm xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa và 2 tuyến đường sắt đô thị, gồm Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, khả năng chuyên chở các tuyến VTCC này có hoạt động hết công suất cũng chỉ đáp ứng được khoảng 2% nhu cầu, còn xe buýt được các nhà quy hoạch tính toán là khoảng 15%.
Tổng cộng khả năng vận chuyển của VTCC Hà Nội đến năm 2021 sẽ là 17%. Cứ cho đến năm 2021 VTCC phục vụ được 25% như đề án đưa ra, thì với 6,2 triệu người đi xe máy như dự báo, vào năm 2021 mới chỉ có khoảng 1,5 triệu người được VTCC phục vụ, hơn 4,5 triệu người còn lại chưa biết đi lại bằng gì.
Xác định sai mục tiêu chống ùn tắc
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, trong khi VTCC chưa đáp ứng và đầu tư kịp để phục vụ nhu cầu của người dân thì không thể buộc người dân bỏ xe máy. Hạn chế xe cá nhân chỉ thực hiện được khi VTCC tốt lên và người dân thấy đi ô tô, xe máy bất tiện.
Các thành phố Bắc Kinh, Quảng Châu, Singapore, Tokyo thành công trong cấm xe máy là do họ đặt ra lộ trình rất cụ thể, trong đó lộ trình đầu tiên mà họ làm là phát triển VTCC.
Với thành phố Quảng Châu khi chính thức cấm xe máy vào tháng 10/1991, 50% thị phần người bỏ xe máy tại đây được xe buýt tiếp nhận, 20% chuyển sang đi ô tô, 20% chuyển sang đi xe đạp - xe đạp điện, 10% chuyển sang đi bộ.
“Với Hà Nội, đến năm 2021 VTCC tất cả các loại hình mới phục vụ được khoảng 17% nhu cầu nhưng đã thực hiện cấm xe máy là điều không tưởng”, TS Thủy nhấn mạnh.
Là một trong những cơ quan được Sở GTVT Hà Nội mời viết tham luận cho ý kiến về đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhấn mạnh, cơ quan thực hiện đề án đang xác định sai mục tiêu chống ùn tắc.
Theo ông Liên, để chống được ùn tắc hiệu quả, có tính lâu bền và cũng chưa cần cấm xe máy, thành phố Hà Nội và các sở ngành liên quan cần thực hiện nghiêm túc chủ trương di chuyển trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô.
Thực hiện đúng quy hoạch và không cấp phép tràn lan xây dựng nhà cao tầng như hiện nay. Với các công trình vi phạm, ăn gian chiều cao mọc lên như nấm tại Hà Nội hiện nay phải cương quyết xử lý. Chỉ cần thực hiện được các nội dung này dân số nội thành lập tức giảm ít nhất trên 30% dân số.
Việc này không cần phải thực hiện các biện pháp cấm nhưng có hiệu quả tức thì và không tồn tại tình trạng thoáng chỗ này nhưng tắc chỗ kia. Cùng với đó, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó hạ tầng cho xe buýt; phát triển nhanh các loại hình VTCC khác.
“Nếu các giải pháp trên được thành phố và các sở ngành thực hiện nghiêm túc, gấp rút thì vấn đề ùn tắc sẽ có lối thoát. Còn giải pháp cấm xe máy chỉ là phần ngọn và khi thực hiện rất khó nhận được sự đồng thuận của dư luận”, ông Liên khẳng định.
TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) “Với Hà Nội, đến năm 2021 VTCC tất cả các loại hình mới phục vụ được khoảng 17% nhu cầu nhưng đã thực hiện cấm xe máy là điều không tưởng”. |
TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông)