Ô tô nhập khẩu giảm, ngân sách nhà nước thất thu hàng ngàn tỉ đồng Ô tô nhập cạn nguồn cung, xe lắp ráp “tung chiêu” hạ giá bán Phó Thủ tướng lên tiếng về việc thị trường ô tô nhập khẩu "đóng băng" |
Thực tế đang chứng minh, những hãng chọn bài toán, tưởng là “ngon ăn”, nhập khẩu ô tô khi thuế giảm, chưa hẳn là đúng, trong khi đó, việc lựa chọn đầu tư sản xuất, tuy khó nhưng hiện đang rất tốt.
“Một mình một chợ” nhờ… lắp ráp
Luôn cười tươi khi nói về kết quả kinh doanh sản xuất là Tổng giám đốc hãng xe sang Mercedes-Benz Việt Nam (MBV), ông Choi Duk Jun. Vui là phải, khi dường như MBV đang “một mình một chợ” ở phân khúc xe sang. 6 tháng đầu năm 2018 MBV đạt được doanh số thành công nhất trong lịch sử 23 năm tại Việt Nam (với 3.000 xe), là thương hiệu xe sang duy nhất tăng trưởng (6%). Và vị Tổng giám đốc này không giấu bí quyết thành công của mình khi trả lời báo chí: “Đây là thành quả của việc duy trì lắp ráp 4 mẫu xe chủ lực tại Việt Nam”.
Đi ngược lại với xu thế lựa chọn NK của tất cả các hãng xe nước ngoài tại Việt Nam, MBV duy trì đầu tư lắp ráp 4 dòng xe chủ lực: C-Class, E-Class, S-Class (Sedan), GLC (SUV), nhờ thế, trong lúc các đối thủ “ngồi chơi xơi nước”, thì MBV tha hồ “tung hoành”, sản xuất đến đâu khách chờ lấy xe đến đó. Rất nhanh chóng, C-Class trở thành chiếc sedan hạng sang bán nhiều nhất tại Việt Nam, tăng trưởng ổn định 5,5%; GLC lập kỷ lục 5.000 xe trong hơn 2 năm ra mắt, chiếm tới 90% thị phần SUV hạng sang; E-Class tăng trưởng 36% và nắm giữ hơn 90% thị phần.
Có thể nói lựa chọn lắp ráp tại Việt Nam là lựa chọn khôn ngoan nhất của hãng xe sang này. Đơn cử như mẫu S-Class. Năm 2013, Mercedes tuyên bố lắp ráp S-Class tại Việt Nam, một quyết định được cho là bất ngờ (Việt Nam là nước duy nhất, ngoài Đức lắp ráp S-Class) và mạo hiểm bởi dung thị trường khi đó còn nhỏ, đối thủ cùng phân khúc nhiều (chưa đầy 100.000 xe). Tuy nhiên đến nay thực tế đã chứng minh đây là một quyết định sáng suốt của hãng. S-Class hiện đang chiếm 90% thị phần phân khúc. Chỉ sau 1 tháng ra mắt, mẫu mới nhất S-Class 2018 đã kịp chạm mốc doanh số bằng cả với 6 tháng đầu năm 2017.
Trên thị trường Việt Nam hiện có nhiều thương hiệu xe sang , nhưng doanh số chỉ tập trung nhiều vào 4 hãng lớn là Mercedes-Benz, BMW, Audi và Lexus. Trong lúc hãng xe sang Mercedes đang tươi, thì không ít hãng xe sang khác đang “méo” vì khó khăn.
6 tháng đầu năm, Lexus, thương hiệu xe sang của Toyota gần như “chơi” do không có xe để bán. Doanh số của Lexus chủ yếu tập trung trong tháng 1 với 80 chiếc được bán ra, những tháng còn lại hãng chỉ bán được dưới 2 chiếc, có nhiều tháng không bán được chiếc nào.
Một số thương hiệu xe sang NK khác cũng trong tình trạng không đưa được xe về hoặc xe đã về nhưng số lượng ít, chưa thông quan. Đơn cử như Porsche 6 tháng qua hãng này cũng chỉ mang về vài chục xe; Audi khoảng hơn 100 xe đã được đưa về cảng nhưng chưa thông quan; hay BMW, sau lô hàng hơn 300 xe đưa về nước hồi cuối năm 2017, trong 6 tháng đầu 2018, nhà phân phối BMW tại Việt Nam vẫn chưa mang thêm lô xe mới về nước….
Chọn hướng đầu tư sản xuất tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang đạt kết quả kinh doanh vững chắc. |
Chọn sản xuất là… thành công!
Vốn là nhà NK ô tô nguyên chiếc (năm 2016, tỉ lệ NK là 82%), từ năm 2017, Hyundai Thành Công (HTC) đã chuyển dần sang sản xuất lắp ráp sản phẩm trong nước (NK 35%, sản xuất 65%). Năm 2018, DN gần như chuyển hoàn toàn sang sản xuất lắp ráp trong nước (tỉ lệ trên 98%). Hiện nhà máy lắp ráp của HTC tại Ninh Bình đang lắp ráp các mẫu xe chủ lực của Hyundai là Santafe, Elantra, i10, Accent và các mẫu xe thương mại.
Việc chuyển hướng sang sản xuất lắp ráp của HTC được cho là bước tính toán “khôn ngoan” và bản lĩnh. Bởi ai cũng biết đầu tư sản xuất cần một chiến lược dài hơi và không ít mạo hiểm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất ô tô.
Trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn Hyundai Motor thông qua việc hợp tác liên doanh sản xuất xe du lịch và liên doanh sản xuất, phân phối xe thương mại tại Việt Nam (năm 2017), HTC đồng thời xúc tiến các hoạt động mở rộng sản xuất, lắp ráp xe Hyundai quy mô lớn bậc nhất Đông Nam Á, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu tới các nước khác trong khu vực.
Rất nhanh chóng, các sản phẩm Hyundai sản xuất tại Việt Nam được thị trường đón nhận. 6 tháng đầu năm 2018, ở mảng xe du lịch Hyudai Thành Công vươn lên đứng thứ 2, sau Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco).
Đơn cử như Accent 2018, mẫu xe thứ 5 của Hyundai đang được lắp ráp tại nhà máy Hyundai Ninh Bình hiện cũng đang “làm mưa làm gió” kể từ khi ra mắt vào tháng 4/2018 (với 3.081 xe). Trong tháng 6, doanh số bán hàng của Accent gấp hơn 1,6 lần đối thủ Honda City (đạt 1.365 xe), đứng thứ 2 sau Toyota Vios. Có những thời điểm Accent 2018 không đủ nguồn cung để cho giao khách. Với 12.781 xe trong 6 tháng qua Grand i10 vươn lên trở thành mẫu xe bán chạy nhất thị trường (soán ngôi Vios). Các mẫu xe khác của HTC cũng đạt kết quả tốt ngoài dự kiến. Nhờ đó doanh số của HTC 6 tháng đầu năm 2018 đạt 27.429 xe, vượt qua Toyota (với 25.750 xe) trở thành hãng xe bán chạy nhất tại Việt Nam. Và để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTC đang đầu từ nhà máy ô tô Hyundai thứ 2 tại Việt Nam.
Một minh chứng khác cho việc đầu tư vào sản xuất ô tô tại Việt Nam đó là thương hiệu Mazda do Thaco quản lý. Năm 2017 Thaco đầu tư xây dựng nhà máy Mazda hiện đại nhất châu Á (công suất giai đoạn I 50.000 xe/năm) và khánh thành vào tháng 3/2018, tháng 6/2018, Vinamazda đã vươn lên vị trí số 2 với 2.681 xe. Cũng nhờ xe lắp ráp, tháng 6 Thaco Kia bán được 2.354 xe (tăng trưởng 26% so với cũng kỳ) vươn lên top đầu.
Chả thế mà, “người mới” VinGroup đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy sản xuất ô tô tại Hải Phòng để sớm bước chân vào thị trường ô tô Việt Nam đang còn nhiều tiềm năng.
“Người mới” VinGroup đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy sản xuất ô tô tại Hải Phòng để sớm bước chân vào thị trường ô tô Việt Nam. |
“Sai một ly” và cơ hội làm lại
Thị trường 6 tháng qua cho thấy nhiều hãng, từ khi chuyển hướng sang NK, dường như đã không “kiểm soát” được hoạt động kinh doanh của mình.
Từ năm 2017, trước lộ trình thuế NK xe nguyên chiếc giảm mạnh, các liên doanh sản xuất ô tô lớn tại Việt Nam như Toyota Việt Nam (TMV), Ford Việt Nam, Honda Việt Nam… đã nhanh chóng chuyển sang NK các mẫu xe chủ lực của mình. Trong 11 mẫu xe của TMV có đến 7 mẫu nhập khẩu (Yaris, Fortuner, Hiace, Hilux, Land Cruiser, Land Cruiser Prado, Alphard). HVN thì có đến 4/5 mẫu (CR-V, Civic, Accord, Jazz) nhập khẩu từ Thái Lan. Ford Việt Nam đang cung cấp ra thị trường các dòng xe du lịch gồm Fiesta, Focus, EcoSport, Everest, Explorer, xe bán tải Ranger và xe mini bus Transit. Trong số này có 4 mẫu là Fiesta, Focus, EcoSport và Transit được lắp ráp tại Việt Nam, các mẫu còn lại đều NK.
Chiến lược chuyển sang NK của các liên doanh này đã không “thuận lợi” như tính toán. Đơn cử như TMV, với 4 mẫu xe lắp ráp trong nước (Camry, Corolla Altis, Vios và Innova) trong khi 6 tháng đầu năm TMV chưa NK được chiếc xe nào, liên doanh này đành nhường vị trí dẫn đầu cho 2 doanh nghiệp trong nước là HTC và Thaco. Vị trí bán chạy nhất của Vios cũng không giữ được mà đã nhường cho Hyundai Grand i10.
Phải đến tháng 7, lô xe hơi đầu tiên (200 xe) kể từ khi Nghị định 116 có hiệu lực của TMV mới bắt đầu được NK về Việt Nam. Tuy nhiên lô xe này còn phải chờ không ít thời gian để hoàn tất thủ tục đăng kiểm để có thể mang xe ra đại lý bán cho khách hàng. Không những thế, lợi thế về giá (nhờ thuế giảm) đã không được như mong muốn, các mẫu xe này đều được TMV định giá khá cao, không tương ứng với mức thuế NK giảm.
Trước thực tế này, trong một lần trao đổi với phóng viên, lãnh đạo TMV không giấu dự định sẽ quay trở lại lắp ráp Fortuner. Tuy nhiên việc chuẩn bị cho lắp ráp một sản phẩm ô tô không thể ngày một ngày hai, trong khi thị trường đang ngày càng xuất hiện thêm nhiều đối thủ.
Thị trường xe lắp ráp trong nước đang ngày càng xuất hiện thêm nhiều đối thủ. |
Cũng tương tự như vậy, từ đầu năm đến nay Ford chỉ có thể đưa ra thị trường các mẫu xe lắp ráp trong nước, hàng loạt dòng xe chủ lực của hãng này đã “tạm nghỉ” do chưa đủ điều kiện NK vào Việt Nam. Đáng tiếc nhất là mẫu xe, vốn đang làm mưa làm gió trong phân khúc xe bán tải của Ford là Ranger ( năm 2017, hơn 50% doanh số của Ford là Ranger) vẫn đang loay hoay chưa NK được.
Không lắp ráp trong nước, chuyển sang NK nguyên chiếc từ Thái Lan, HVN, liên doanh đầu tiên có đủ điều kiện NK, may mắn NK được một lượng lớn sản phẩm. Tuy nhiên do nhiều yếu tố nên giá bán không được như kỳ vọng, lượng xe thời gian vừa qua tiêu thụ tốt là do mới chỉ mình HVN NK được xe.
Có thể nói bước chuyển hướng NK được xem là “pha” lỡ chân của nhiều hãng. Trước mắt kết quả kinh doanh không được như mong muốn, về lâu dài, các đối thủ chủ động về nguồn ra do được lắp ráp trong nước có thể nhân cơ hội này giành thị phần và quan trọng hơn là cơ hội thay đổi định kiến của người tiêu dùng về việc chọn xe trong phân khúc.
Rõ ràng nếu vẫn lắp ráp, các liên doanh này vẫn ở thế cạnh tranh tốt thay vì nhường hết lợi thế cho đối thủ đang kiên trì đầu tư cho sản xuất.