Theo NHTSA đã có 11 vụ tai nạn liên quan đến xe ô tô điện Tesla và xe công vụ của lực lượng khẩn cấp, khiến 1 người chết và 17 người bị thương kể từ năm 2018 đến nay.
"Tất cả các xe Tesla trong các vụ tai nạn nêu trên được xác định đều có sử dụng hệ thống tự động lái Autopilot hoặc hệ thống giám sát hành trình Traffic Aware Cruise Control trước khi va chạm với các mẫu xe khác." NHTSA cho biết.
Đánh giá sơ bộ về hệ thống hỗ trợ người lái Autopilot trên các mẫu xe điện của Tesla gồm có Model 3, Model S, Model X, và Model Y được xuất xưởng từ 2014 đến năm 2021, sẽ có đến 765.000 xe Tesla thuộc diện điều tra.
Trái ngược hoàn toàn với tên Autopilot, tính năng tự động lái của xe không hoàn toàn tự động mà đơn giản là hệ thống giám sát hành trình thích ứng đi kèm tính năng tự động đánh lái. Công nghệ này được xếp vào công nghệ tự động lái cấp độ 2, vì vậy tài xế của xe vẫn cần phải chú ý để có thể can thiệp và điều khiển xe lúc cần thiết.
Theo dữ liệu của NHTSA, hầu hết 11 vụ tai nạn xe Tesla đều xảy ra vào ban đêm và liên quan đến các phương tiện có đèn cảnh báo, pháo sáng, bảng chỉ đường phát sáng và cọc dẫn đường phát sáng. Để tìm hiểu nguyên nhân các vụ tai nạn này, NHTSA sẽ thực hiện "đánh giá các công nghệ và phương pháp được sử dụng để giám sát, hỗ trợ và nhắc nhở tài xế can thiệp khi tính năng Autopilot đang được sử dụng."
Đây không phải lần đầu tiên NHTSA tiến hành điều tra Tesla sau khi nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe điện Tesla. Vào hồi tháng 6, NHTSA đã cử một nhóm điều tra tìm hiểu về 30 vụ tai nạn của xe Tesla vào năm 2016 khiến 10 người chết. Đó là lúc cơ quan này bắt đầu nghi ngờ hệ thống hỗ trợ tự động lái chính là nguyên nhân.
Linh Lê