Những ngày này, nhiều người dân lưu thông trên tuyến đường Ngô Quyền tỏ ra khá bất ngờ khi 2 làn đường gom 2 bên trục đường này vốn được lưu thông 2 chiều nay bất ngờ được gắn biển cấm đi ngược chiều, cùng với đó là các băng rôn tuyên truyền.
Theo phản ánh của người dân, từ nay đến 1/6 là thời gian để người dân tập làm quen với việc đi lại đường một chiều trên 2 tuyến đường gom này. Tuy nhiên, việc đường gom từ đường 2 chiều thành đường một chiều là quá bất tiện.
Ảnh minh họa |
Bà Võ Thị Luận (số 733 đường Ngô Quyền) cho biết: nhà bà cách bùng binh cầu Sông Hàn - Ngô Quyền - Phạm Văn Đồng chỉ khoảng 30m. Từ khi triển khai đường gom một chiều đi về hướng cảng Tiên Sa, gia đình bà chấp hành. Tuy nhiên, để đi lại và di chuyển hướng ngược lại bắt buộc các hộ dân phải đi vòng về phía khu công nghiệp An Đồn hết sức bất tiện. Không riêng gì gia đình bà Luận mà các hộ dân khác cũng có cùng chung câu hỏi việc có cần thiết phải biến đường gom dân sinh thành đường một chiều hay không? Đồng thời, người dân cũng kiến nghị, nếu làm đường một chiều thì nhất thiết phải dỡ bỏ dải phân cách giữa trục đường chính và đường gom, mở thêm lối rẽ tại dải phân cách của 2 trục đường chính để người dân đi lại thuận tiện.
Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 4/5, cử tri quận Sơn Trà đã phản ánh các ý kiến liên quan đến chủ trương này lên lãnh đạo thành phố. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết: Ngô Quyền đây là tuyến đường vận tải vận chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa. Trục đường này có vốn vay ODA Nhật Bản, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Để tuyến đường này đảm bảo an toàn người ta làm trục chính ở giữa, 2 bên là đường gom. Nguyên tắc dân sinh đi đường gom, trục đường chính là đường vận tải. Dải phân cách là cần thiết để đảm bảo an toàn. Cử tri kiến nghị tháo dỡ dải phân cách thì xe container sẽ đi và đậu vào mặt tiền nhà dân, nguy cơ mất an toàn rất cao.
Theo ông Tuấn, trước đây thành phố đã kiến nghị tháo dỡ dải phân cách, tuy nhiên do đây là tuyến đường vận tải hàng hóa của cảng tiềm ẩn tai nạn giao thông lớn nên Bộ GTVT không đồng ý. Khi nào giảm tải tuyến đường này thì mới tính đến chuyện tháo dỡ dải phân cách làm đường một chiều. Theo kế hoạch, đến năm 2020 khi cảng Liên Chiểu hoàn thành, cảng Tiên Sa thành cảng du lịch thì sẽ xem xét tháo dỡ dải phân cách theo kiến nghị của cử tri, đường Ngô Quyền sẽ như đường Ngũ Hành Sơn hiện giờ.
Cũng theo ông Tuấn, đi ngược chiều là chủ trương từ lâu. Khi làm đường này, đường gom đã đi một chiều, nhưng vì nhiều lý do mưu sinh buôn bán của người dân nên vẫn để hai chiều. Nhưng thời gian gần đây, tai nạn giao thông tăng đột biến, xung đột giao thông tại các nút giao thông thường xuyên xảy ra.
“Tính mạng con người là trên hết. Có thể đi xa hơn một chút nhưng rất an toàn không chỉ cho cư dân dọc đường mà cả trục đường, nhất là dịp APEC 2017 tới đây. Mong bà con chia sẻ thực hiện chủ trương của thành phố”, ông Tuấn cho biết.