(OTOFUN) - Sau nhiều năm tồn tại trong bất ổn, thương hiệu ô tô Saab đã chính thức lùi vào dĩ vãng. Vài năm trước, khi hãng xe này được công ty xe điện NEVS do Trung Quốc sở hữu mua lại, đơn vị chủ quản thương hiệu Saab, Tập đoàn hàng không và vũ trụ quốc phòng Saab AB, đã cương quyết không chấp nhận cho NEVS sử dụng tên gọi trên. Và giờ đây, biểu tượng Saab sẽ không còn xuất hiện trên bất cứ chiếc xe nào nữa.

Sự kết thúc với thương hiệu ô tô lừng lẫy của Thuỵ Điển để lại không ít tiếc nuối cho ngành công nghiệp xe hơi nói chung và đông đảo những người yêu mến cái tên Saab nói riêng. Chúng ta hãy cùng nhìn lại đường phát triển hơn 70 năm của hãng xe này.
Thương hiệu ô tô Saab bắt nguồn từ một công ty chuyên sản xuất linh kiện quân sự cho không quân Thuỵ Điển. Tại thời điểm đó, Thuỵ Điển đang xây dựng lực lượng phòng thủ nhằm bảo toàn sự trung lập của họ trong Thế Chiến II. Khi chiến tranh dần lùi xa cũng là lúc nhu cầu sản xuất phi cơ giảm xuống. Với cơ sở vật chất cũng như nhân công dồi dào, công ty cần tìm ra hướng đi mới, và họ nghĩ tới những chiếc xe hơi. Năm 1945, Saab Automobile chính thức được thành lập.
Tới năm 1948, Saab đã chế tạo bốn mẫu xe thử nghiệm mang tên Ursaab với hệ số lực cản thấp hơn rất nhiều so với bất cứ chiếc xe nào đang có mặt trên thị trường. Kiểu dáng độc đáo pha đôi chút "viễn tưởng" của Ursaab bắt nguồn từ kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không của công ty Thuỵ Điển. Một năm sau đó, các nguyên mẫu này được phát triển thành chiếc xe thương mại đầu tiên mang thương hiệu Saab: Saab 92.

Ursaab, mẫu xe ý tưởng đóng vai trò then chốt trong lịch sử phát triển của Saab
Được đặt tên nối tiếp mẫu phi cơ sử dụng động cơ đơn lừng danh Saab 91 Safir, hơn 20.000 chiếc ô tô động cơ hai xi-lanh Saab 92 đã tới tay khách hàng. Sau đó, chiếc 92 được bổ sung thêm một xi-lanh và trở thành thế hệ Saab 93. Năm 1959, Saab 95, mẫu xe station wagon đầu tiên của nhà sản xuất Thuỵ Điển xuất hiện. Còn Saab 94, được biết tới rộng rãi với tên gọi Saab Sonnett, là chiếc xe thể thao đầu tiên của hãng.

Saab 92
Sau những thành công bước đầu, Saab gia nhập sân chơi đua xe Thuỵ Điển và sau đó khẳng định được tên tuổi của mình trên đấu trường quốc tế. Những chiến thắng tại các cuộc đua tổ chức khắp thế giới và vị trí thứ hai trong giải Le Mans 24 Hours năm 1959 góp phần giúp Saab trở thành một cái tên nổi tiếng.

Saab 94 hay Saab Sonnett, mẫu xe thể thao đầu tiên của Saab
Thương hiệu Saab tiếp tục gây tiếng vang khi họ giới thiệu Saab 96 dựa trên chiếc 92. Đây là chiếc xe đầu tiên được xuất khẩu rộng rãi và được nhập khẩu vào Vương Quốc Anh. Hơn 550.000 chiếc Saab 96 đã được lắp ráp trong suốt vòng đời 20 năm của dòng xe này.

Phải cho tới 1968 Saab mới hoàn toàn bứt phá khỏi cái bóng của chiếc 92 huyền thoại. Một năm sau khi sáp nhập với Scania, Saab 99 trở thành chiếc xe mang tính chất bước ngoặt của công ty. Saab 99 sở hữu những tính năng mới như vòi phun rửa đèn pha, cản trước sau chịu được va chạm ở tốc độ chậm cũng như thiết kế nóc và thân xe góc cạnh, tương tự thiết kế đường uốn Hofmeister tại trụ C kinh điển của BMW.

Saab 99 chứng kiến cuộc cách mạng về thiết kế của Saab
Saab 99 được sản xuất bởi Valmet, sử dụng động cơ do Triumph cung cấp. Sau đó, phiên bản Turbo của xe xuất hiện, một trong những mẫu xe tăng áp phổ biến đầu tiên. Và cũng chính công nghệ tăng áp đã giúp Saab tạo dựng tên tuổi sau này.
Một trong những chiếc xe mang tính biểu tượng cao nhất của Saab là Saab 900 với doanh số hơn một triệu chiếc trong giai đoạn từ 1978 - 1998. Kiểu dáng thiết kế lấy cảm hứng từ máy bay đã mang lại thành công rực rỡ cho hãng xe Thuỵ Điển vào thời điểm các bộ phim hành động xoay quanh những chiếc phi cơ đang gây bão. Điển hình trong số đó là tác phẩm Top Gun với sự góp mặt của nam tài tử Tom Cruise.

Saab 900 - chiếc xe thành công nhất trong lịch sử của Saab
Trong khi Saab 900 đang mang lai thành công lớn về mặt doanh số thì Saab đã hợp tác với Fiat để chế tạo mẫu xe sang đầu tiên của họ, Saab 9000. Chiếc xe cũng là nền tảng cho những sản phẩm đình đám khác như Alfa Romeo 164, Fiat Croma và Lancia Thema. Ngoài ra, thoả thuận giữa Saab và Fiat cũng dẫn tới một sản phẩm khác, chiếc Saab 600.

Saab 9000, mẫu xe sang của Saab
Giai đoạn cuối thập niên '80 chứng kiến sự quan tâm dành cho các thương hiệu cao cấp sụt giảm. Nhân cơ hội ấy, General Motors đang "nẫng" Saab từ tay Fiat với một thương vụ giao dịch trị giá 600 triệu USD. GM sau đó sở hữu 50% cổ phần của Saab còn hãng xe Thuỵ Điển thì đang rất cần nguồn đầu tư để hiện đại hoá công nghệ và thay thế chiếc 900 đã dần trở nên lỗi thời.
Chiếc xe thay thế ấy vẫn giữ lại tên gọi 900. Saab quyết định sử dụng nền tảng Opel Calibra nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn cho xe. Kết quả là Saab 900 mới có các thông số khí động học đáng thất vọng, tuy vậy, xe vẫn đạt doanh số 68.000 chiếc/năm. Năm 1998, chiếc xe được làm mới với hơn 1.100 thay đổi bên trong và đổi tên thành Saab 9-3. Mặc dù bị GM từ chối cấp ngân sách để thay đổi thiết kế ngoại thất, doanh số của chiếc 9-3 vẫn tăng thêm xấp xỉ 15.000 chiếc/năm.

Saab 9-3 được ra mắt để thay thế cho chiếc 900 từng gặt hái nhiều thành công lớn
Trước đó một năm, mẫu xe sang Saab 9000 đã được thay thế bởi Saab 9-5, một chiếc xe cỡ lớn sử dụng chung 35% linh kiện với Opel Vectra. Được coi là một trong những chiếc ô tô an toàn nhất thế giới, tuy nhiên vì sự thiếu vắng các lựa chọn động cơ diesel và hệ dẫn động bốn bánh, Saab 9-5 đã không thể cạnh tranh với BMW Series 5 và Audi A6.

Saab 9-5 đã thất bại trước BMW Series 5 và Audi A6
Năm 2000, GM mua lại nốt số cổ phiếu trị giá 125 triệu USD của Saab và bắt đầu phát triển thế hệ 9-3 mới ra mắt sau đó 3 năm. Tuy nhiên, do sự mất giá của đồng crown Thuỵ Điển với đồng đô-la Mỹ, Saab buộc phải cắt giảm chi phí hoạt động. Các lãnh đạo của GM đã vô cùng giận dữ khi phát hiện ra chiếc 9-3 mới được chế tạo khác biệt quá nhiều với nền tảng Epsilon mà họ giao cho Saab. Nhiều nguồn tin cho biết đó là lý do khiến phiên bản station wagon và 4x4 của chiếc xe bị khai tử.

Saab 9-3 đời 2001
Năm 2005, Chủ tịch GM, Bob Lutz, cho Saab thực hiện hai dự án đồng phát triển xe để kích cầu thương hiệu này tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên kế hoạch thất bại, Subaru Impreza dựa trên mẫu 9-2X chỉ bán được 10.000 chiếc còn Oldsmobile Bravada dựa trên mẫu 9-7X bán được 20.000 xe. Cũng trong năm đó, chiếc 9-5 thế hệ thứ hai bị dừng sản xuất khi GM rút khỏi thoả thuận sản xuất xe cỡ lớn với Fiat. GM cũng huỷ bỏ hợp tác với Subaru và chiếc Subaru Tribeca dựa trên mẫu SUV 9-6 dừng sản xuất. Những cú đánh liên tiếp nói trên cùng với việc phát triển chiếc 9-3 mới bị trì hoãn đã khiến Saab không thể gượng dậy nổi.

Tháng 3/2009, Saab nằm trong cuộc tái tổ chức sau tuyên bố phá sản của General Motors. Hai tháng sau đó, Koenigsegg, cùng các nhà tài trợ Na Uy và hãng xe BAIC tới từ Trung Quốc đề nghị mua lại Saab. Dù vâỵ, thương vụ này đổ bể vào tháng 11 cùng năm, đúng thời điểm việc sản xuất thế hệ 9-5 mới bắt đầu.

Thế hệ Saab 9-3 năm 2003 sở hữu nhiều cải tiến vượt bậc
nhưng lại khiến GM giận dữ vì khác quá xa nền tảng Epsilon
Tuy nhiên, vào ngày 18/12/2009, GM thông báo họ sắp bán Saab. BAIC lại xuất hiện và mua quyền sở hữu chiếc 9-3 thế hệ thứ hai, chiếc 9-5 thế hệ đầu tiên và động cơ 4 xi-lanh đặt nghiêng của Saab. Tổng sản lượng năm 2008 của Saab chỉ đạt 90.000 xe và công ty thua lỗ khoảng 215 triệu bảng Anh.

Saab 9-7X chỉ bán được vẻn vẹn 20.000 chiếc trong năm đầu tiên tại thị trường Bắc Mỹ
Tháng 1/2010, GM thông báo Spyker đã đạt được thoả thuận mua lại Saab, và vào tháng 2, hợp đồng được ký kết. Các lãnh đạo hy vọng Saab sẽ bán được 50.000 xe trong năm 2010, tuy nhiên con số thực tế chỉ là 30.000.
Victor Muller, Chủ tịch của Saab, đã thực hiện hàng loạt các cuộc đàm phán với những tập đoàn Trung Quốc, bắt đầu từ nhà phân phối và bán lẻ Pang Da. Tuy nhiên, khoản đầu tư từ Pang Da không đủ để Saab khởi động lại việc sản xuất và tới tháng 6/2010, công ty buộc phải nợ lương nhân viên. Ngoài ra, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu cũng từ chối việc doanh nhân người Nga, Vladimir Antonov, mua lại cổ phần của Saab.

Mẫu ý tưởng Aero-X xuất hiện tại Triển lãm Paris 2006 đã không bao giờ được thương mại hoá
Saab nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 9/2010. Suốt phần còn lại của năm đó, ban lãnh đạo Saab đã nỗ lực đạt được thoả thuận với hãng xe Trung Quốc Youngman Lotus và Pang Da. Tuy nhiên, GM huỷ bỏ thương vụ này bằng việc tuyên bố họ sẽ không cho phép những công ty chủ quản mới sản xuất chiếc 9-3, 9-5 và mẫu SUV 9-4X dựa trên nền tảng của GM.
Hai mươi tư năm sau khi GM mua lại 50% cổ phần của Saab, chính sự cương quyết tới mức có phần cực đoan với các nhà sản xuất Trung Quốc của hãng xe Mỹ đã giết chết Saab. Công ty Thuỵ Điển nộp đơn xin phá sản vào năm 2012.

Chỉ vẻn vẹn chưa đầy 600 chiếc 9-4X được sản xuất trước khi Saab nộp đơn xin phá sản
Thế nhưng, câu chuyện chưa dừng ở đó. Tháng 6/2012, một công ty mới thành lập có tên NEVS (National Electric Vehicle Sweden) tuyên bố họ đã mua lại thương hiệu vừa thông báo phá sản. Khoản đầu tư tới từ NEVS giúp tái khởi động việc sản xuất và một số lượng nhỏ những chiếc xe mang tên Saab đã được tạo ra. Các lãnh đạo của NEVS cho biết sẽ phát triển một dòng xe Saab 9-3 chạy điện hoàn toàn.

Saab 9-5 đời 2012 là chiếc xe cuối cùng được sản xuất
trước khi cái tên Saab chính thức biến mất
Tuy nhiên, vừa qua, NEVS quyết định sẽ không sử dụng cái tên Saab nữa. Giờ đây, thương hiệu ô tô lừng danh của Thuỵ Điển đã chính thức lùi vào dĩ vãng, để lại sau lưng một lịch sử hào hùng cùng rất nhiều những sự nuối tiếc.