Bước cải cách cần thiết để đưa bảo hiểm xe máy trở lại đúng vai trò bảo vệ
Trong nhiều năm, bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới bị gắn mác là “tờ giấy tránh bị phạt”. Người dân mua bảo hiểm không vì nhận thức quyền lợi, mà đơn giản để đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra giấy tờ. Tình trạng mua qua loa, không đọc kỹ quyền lợi, không biết cách yêu cầu chi trả đã khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội được hỗ trợ đúng lúc, thậm chí đánh mất lòng tin vào hệ thống bảo hiểm.
![]() |
Hiểu đúng về bảo hiểm bắt buộc TNDS để được bảo vệ quyền lợi. |
Nghị định 67/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 06/09/2023 có những bước cải cách quan trọng nhằm hoàn thiện chính sách bảo hiểm bắt buộc theo hướng minh bạch, công bằng và thuận tiện hơn cho người dân. Nghị định không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới, mà còn tạo điều kiện để người dân nhận thức rõ hơn vai trò của bảo hiểm như một công cụ bảo vệ thiết thực, thay vì chỉ là nghĩa vụ mang tính hình thức.
Nghị định 67/2023 cho phép sử dụng giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử. Thay vì phải cầm bản giấy như trước kia, giờ đây người tham gia giao thông có thể xuất trình chứng nhận điện tử được gửi qua email, ứng dụng hoặc tin nhắn từ doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu không in bản cứng, doanh nghiệp có trách nhiệm cấp bản điện tử hợp lệ, có mã xác thực hoặc mã QR để tra cứu nhanh. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng làm mất giấy tờ, hư hỏng, thất lạc, đồng thời tạo thuận lợi khi xuất trình với cơ quan chức năng, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Nghị định cũng nêu rõ hơn về quy trình thông báo tai nạn – yếu tố then chốt để được chi trả đúng hạn. Theo quy định mới, sau khi xảy ra tai nạn, chủ xe cần thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm và cung cấp thông tin chi tiết trong vòng 5 ngày làm việc. Việc chậm trễ hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết bồi thường, trừ các trường hợp bất khả kháng. Với cách làm này, cơ quan bảo hiểm sẽ có đủ căn cứ để xác minh nhanh chóng và công bằng, đồng thời hạn chế tình trạng kéo dài, dây dưa vốn là một trong những nỗi lo của người mua bảo hiểm bấy lâu nay.
Ngoài ra, đối tượng chi hỗ trợ nhân đạo cũng được mở rộng thêm. Ngoài trường hợp không xác được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm, thuộc phạm vi loại trừ bảo hiểm. Nghị định 67 bổ sung trường hợp ngoài phạm vi bảo hiểm. Mức chi hỗ trợ nhân đạo cũng được điều chỉnh: các trường hợp tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn từ 31% trở lên do tai nạn giao thông mà phương tiện gây tai nạn không xác định được hoặc không có bảo hiểm, sẽ được xem xét hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm. Quy định mới đã làm rõ các yếu tố liên quan đến hồ sơ, điều kiện xét duyệt, mức hỗ trợ, từ đó giúp người dân có thể tiếp cận chính sách này dễ dàng hơn. Đây không chỉ là bước hoàn thiện khung pháp lý, mà còn là biểu hiện cụ thể của tinh thần nhân đạo trong lĩnh vực bảo hiểm, đặt con người làm trung tâm của chính sách.
Cần chủ động hơn với bảo hiểm bắt buộc
Đáng chú ý trong Nghị định 67/2023 đã đề ra các chế tài nghiêm khắc đối với doanh nghiệp bảo hiểm nếu vi phạm nghĩa vụ. Trong trường hợp chậm cấp giấy chứng nhận, trì hoãn bồi thường hoặc không xử lý hồ sơ đúng hạn, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt và thậm chí có thể bị đình chỉ hoạt động. Việc tăng cường kỷ luật ngành không chỉ bảo vệ người dân tốt hơn, mà còn góp phần thanh lọc thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, và khôi phục niềm tin của người dân vào giá trị thật của bảo hiểm bắt buộc.
Đối với người dân, những thay đổi này mang lại nhiều quyền lợi rõ rệt. Khi tham gia giao thông, mỗi cá nhân có thể yên tâm hơn khi biết rằng bảo hiểm của mình có giá trị thực tế, có thể được chi trả minh bạch nếu xảy ra sự cố. Không chỉ là khoản bồi thường tài chính, bảo hiểm còn là một hình thức chia sẻ rủi ro với cộng đồng, giúp người không may có thêm điểm tựa trong lúc khó khăn. Đặc biệt trong các vụ tai nạn nghiêm trọng, chi phí y tế, viện phí hoặc đền bù thường rất lớn, và nếu không có bảo hiểm, người dân sẽ phải tự gánh chịu hoàn toàn. Trong khi đó, một tấm giấy chứng nhận hợp lệ, đúng quy trình, sẽ mang lại hỗ trợ tài chính đáng kể, được pháp luật bảo vệ và đảm bảo.
Bên cạnh đó, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của chủ xe cơ giới, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng thiết lập đường dây nóng 1900.633.880 để giải quyết các khiếu kiện, khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm. Cùng với đó, người dân, khi lựa chọn tham gia bảo hiểm đúng cách, cũng đồng nghĩa với việc đang tham gia vào một hệ thống phòng vệ chung cho toàn xã hội – nơi quyền lợi được bảo vệ bằng pháp luật, bằng quy trình chuẩn hóa và bằng chính sự chủ động của bản thân.
Phương Huyền