![]() |
Người dân cần nắm rõ mức giới hạn trách nhiệm của bảo hiểm bắt buộc TNDS để được đảm bảo quyền lợi tối đa. |
Mức giới hạn được quy định rõ ràng trong Nghị định số 67/2023/NĐ-CP ngày 06/09/2023
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới là loại hình bảo hiểm pháp luật yêu cầu tất cả chủ xe cơ giới phải tham gia. Theo Điều 6 của Nghị định 67/2023/NĐ-CP, mức giới hạn trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn.
Đối với thiệt hại về tài sản, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn. Trường hợp do xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Bên cạnh đó, mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với thiệt hại về người được xác định tối đa là 150 triệu đồng/người/vụ. Điều này đồng nghĩa với việc nếu một vụ tai nạn giao thông gây thương vong cho nhiều người, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chi trả tối đa 150 triệu đồng cho mỗi người bị thương vong, không giới hạn số lượng nạn nhân – điều kiện yêu cầu chủ xe có hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực và vụ việc thuộc phạm vi bảo hiểm.
Cũng theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP, trong trường hợp vụ tai nạn được cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của người thứ ba, mức bồi thường bảo hiểm cho các nạn nhân thuộc nhóm “người thứ ba” sẽ được chi trả ở mức tối đa 50% so với quy định. Cụ thể, nếu có thỏa thuận giữa người được bảo hiểm (hoặc người thừa kế, đại diện hợp pháp của người bị thiệt hại trong trường hợp đặc biệt), thì mức bồi thường có thể căn cứ vào thỏa thuận đó, nhưng vẫn không vượt quá ngưỡng 50% nói trên. Quy định này nhằm phân định rõ trách nhiệm giữa các bên liên quan trong vụ tai nạn, đồng thời đảm bảo bảo hiểm được sử dụng đúng mục đích – hỗ trợ cho những trường hợp chủ xe có lỗi trực tiếp hoặc lỗi hỗn hợp, chứ không “thay” hoàn toàn cho trách nhiệm của bên thứ ba gây ra tai nạn.
Dẫn chứng một tình huống điển hình để minh họa ý nghĩa khi nắm rõ và áp dụng chính xác giới hạn bảo hiểm. Vào ngày 5/3/2024, tại tuyến Quốc lộ 2 (Yên Sơn, Tuyên Quang) đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe khách và container, khiến 6 hành khách tử vong và nhiều người bị thương nặng. Ngay lập tức, MIC (Bảo hiểm Quân đội) xác định phương tiện container có tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) với công ty, chính vì thế MIC đã chủ động phối hợp cơ quan chức năng, thực hiện chi tạm ứng bồi thường 270 triệu đồng cho nạn nhân – thể hiện trách nhiệm và hỗ trợ kịp thời. Như vậy, nhờ việc mua bảo hiểm bắt buộc TNDS, chủ xe đã được công ty bảo hiểm hỗ trợ tài chính ngay khi có sự cố, trong phạm vi giới hạn (có thể lên đến hàng trăm triệu đồng). Điều này giúp giảm gánh nặng chi phí điều trị – so với việc tự chịu hoàn toàn nếu không tham gia bảo hiểm.
Từ tình huống nêu trên có thể thấy, sự khác biệt không nằm ở việc người dân "đã mua bảo hiểm" hay chưa, mà nằm ở chỗ cần "hiểu rõ giới hạn bảo hiểm" đến đâu – để biết cần chuẩn bị gì thêm, đặc biệt là với những rủi ro lớn ngoài dự đoán.
Mua bảo hiểm để bảo vệ toàn diện chính mình
Trong bối cảnh pháp luật đang ngày càng rõ ràng hơn về giới hạn chi trả, người dân cần thay đổi tư duy: mua bảo hiểm là để được bảo vệ thực chất khi rủi ro xảy ra. Biết rõ mức chi trả cho tài sản sẽ giúp chủ xe chủ động đánh giá rủi ro và có phương án bổ sung nếu cần thiết. Người dân có nhiều lựa chọn để mua bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới như mua bản cứng tại trụ sở công ty bảo hiểm, đại lý phân phối, ngân hàng hoặc cây xăng. Ngoài ra, còn có thể mua bảo hiểm điện tử thông qua Website, App hay Ví điện tử.
Hiện nay, theo Nghị định 67/2023, giấy chứng nhận điện tử hoàn toàn có giá trị pháp lý như bản giấy. Chủ xe cần lưu lại đầy đủ các thông tin điện tử trên điện thoại hoặc email để xuất trình khi cần. Đồng thời, phải nắm rõ quy trình khai báo khi xảy ra tai nạn, chuẩn bị hồ sơ đúng thời hạn để không bị từ chối chi trả.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng thiết lập đường dây nóng 1900.633.880 để giải quyết các khiếu kiện, khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Một sự cố giao thông có thể kéo theo thiệt hại hàng chục, hàng trăm triệu đồng – hoặc hơn – việc hiểu rõ mình được bảo hiểm bảo vệ đến đâu, và chủ động tăng cường “lá chắn” tài chính, là điều không thể xem nhẹ.
Phương Huyền