Chủ tịch Công ty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), ông Bùi Ngọc Huyên vừa gửi báo cáo lên Thủ tướng và các bộ ngành về tình trạng bế tắc hiện nay của Vinaxuki, bao hàm trong đó nhiều kiến nghị.
Long đong vay vốn
Mở đầu văn bản dài 16 trang giấy, Chủ tịch Vinaxuki xin thứ lỗi vì đã làm phiền đến các lãnh đạo cấp cao, đồng thời cám ơn khi "mấy năm nay Văn phòng Chính phủ đã gần chục lần chuyển ý kiến của Thủ tướng và các phó thủ tướng đến Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính… nghiên cứu cho Vinaxuki cơ cấu lại vốn đầu tư và cho vay vốn lưu động sản xuất lắp ráp các dòng xe ôtô".
Theo đó, Vinaxuki đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, vay vốn và hoàn trả trong vòng 5 năm. Khẳng định chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu nợ xấu của ngân hàng là đúng đắn, song Vinaxuki cho rằng việc thực hiện rất khó với những doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng hỗ trợ và sản xuất các dòng xe ưu tiên của chiến lược và quy hoạch.
Qua 5 năm tái cơ cấu vốn đầu tư, ông Huyên cho biết Vinaxuki đã được các ngân hàng cho vay vốn kích cầu đầu tư và sử dụng vốn tự có để đầu tư và hoàn thiện xây dựng dự án, cho ra các dòng sản phẩm xe ưu tiên.
Ông cũng khẳng định Vinaxuki đủ điều kiện vay vốn tiếp nếu căn cứ vào vốn pháp định, vốn chủ sở hữu và giá trị tổng tài sản. Do đó, từ năm 2013 doanh nghiệp này đã xây dựng tài liệu xin tái cơ cấu và vay vốn lưu động như hướng dẫn của các ngân hàng. Tuy vậy, phía ngân hàng đã lắc đầu.
Ông Huyên kể: "Không may cho Vinaxuki vì nhiều năm công ty chỉ được làm việc, trình bày với các chi nhánh ngân hàng Vietcombank, BIDV mà không được gặp, không mời được lãnh đạo như Chủ tịch, Tổng giám đốc các ngân hàng trên thăm dự án".
Người đứng đầu Vinaxuki cho rằng, các chi nhánh ngân hàng đều đồng ý với đề nghị tái cơ cấu vốn đầu tư và cho vay vốn lưu động để công ty tiếp tục sản xuất và trả nợ, nhưng "cấp trên của họ không đồng ý".
Cụ thể, 5 năm qua ông đã chạy khắp các cửa mà không vay được vốn, dù Vinaxuki có đất đai, nhà xưởng và các dây chuyền máy móc hiện đại, và đã làm ra được những sản phẩm cơ khí trọng điểm với mức nội địa hoá trên 40%.
"Chúng tôi chỉ xin được cứu giúp, xin được tái cơ cấu vốn, được vay vài trăm tỷ đồng vốn lưu động để sản xuất, để đảm bảo việc làm và đời sống công nhân kỹ sư trong lúc thị trường ô tô tăng nóng 45 -56% mà không được. Chi nhánh ngân hàng thì không có quyền xét duyệt cho vay, xin gặp cấp trên để trình bày dự án cũng không được, mời lãnh đạo cấp trên xuống thăm dự án cũng không ai xuống. Trong khi, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ ngành xuống khảo sát và đóng góp nhiều ý kiến ủng hộ Vinaxuki", ông Huyên nói và cho rằng dự án sản xuất ô tô đã đi vào sản xuất hàng loạt từ năm 2011 chứ không phải là dự án trên giấy, thì "vì lý do gì mà dự án không được tái cơ cấu vốn?".
Theo ông Huyên, bản thân Vinaxuki cũng chưa từng được hỗ trợ vay vốn ưu đãi.
Bên bờ phá sản
Từng là doanh nghiệp có thế mạnh trong việc sản xuất các dòng xe tải, nhưng với mục tiêu sản xuất xe hơi "made in Vietnam", ông Huyên cho biết đã bán đi nhiều tài sản, trong đó có hai ngôi nhà, trong đó có nhà do bố mẹ để lại từ những năm 1960.
Ông kể: "Chủ tịch một công ty ôtô mà lợi nhuận sau thuế năm 2015 là hơn 10.000 tỷ đồng đã nói với tôi, đừng bao giờ tin vào nội địa hoá, không có nội địa hoá gì đâu, chỉ là lắp ráp và đến năm 2018 thì nhập khẩu xe nguyên chiếc mà bán".
Xuất phát là kỹ sư chuyên ngành ôtô của Bộ Giao thông Vận tải, cho đến nay ông Huyên vẫn có niềm tin Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất phụ tùng, sản xuất các dòng xe chiến lược với mức nội địa hoá ngày càng tăng, chất lượng ổn định dần với chính sách đúng.
"Quan trọng nhất có lẽ là việc thực thi chính sách, Chính phủ phải bảo vệ, đừng bỏ mặc doanh nghiệp cô đơn khi họ đầu tư theo chiến lược, quy hoạch của Chính phủ", ông bày tỏ.
Hiện nhà máy của Vinaxuki đã đắp chiếu và ngừng sản xuất từ năm 2013. Để thu lại nợ vay, Vietcombank đã bán khoản cho vay với Vinaxuki cho VAMC. Theo ông Huyên, ba năm gần đây, các ngân hàng đã mời nhiều khách mua công ty Vinaxuki, nhưng không ai mua vì họ không cần nhà máy "công nghệ cao" của công ty, mà chỉ cần các xưởng lắp ráp thủ công.
"Thật ra nếu dự án không gặp khủng hoảng tài chính thì Vinaxuki có thể dùng tiền khấu hao và lợi nhuận của các năm 2010 - 2015 cũng trả nợ đúng hạn và không thiếu vốn lưu động", vị lãnh đạo tỏ ra nuối tiếc và cho biết nếu trước đây được vay vốn thì Vinaxuki bây giờ đã đạt mục tiêu dự án, trả xong nợ các ngân hàng…
Vì vậy, lãnh đạo Vinaxuki kiến nghị Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, VAMC cho Vinaxuki tái cơ cấu vốn theo cơ chế hợp lý và cho vay 200 tỷ đồng vốn lưu động để vận hành nhà máy trở lại, tìm đối tác bán cổ phần, thu hồi vốn trả nợ.
Vinaxuki cũng đề nghị Thủ tướng cử các chuyên gia đến nhà máy nghiên cứu và đề xuất giải pháp, giúp nhà máy thoát khỏi cảnh bế tắc, đắp chiếu hiện nay.
Theo công suất thiết kế ban đầu, nhà máy Vinaxuki có lượng nhân công dự kiến lên tới 6.000 người, với các nhà máy tại Thái Nguyên, Thanh Hóa và Mê Linh (Hà Nội). Hiện nhà máy tại Thanh Hoá đã được ngân hàng thu hồi, rao bán siết nợ, còn nhà máy tại Mê Linh chỉ còn vài người làm việc.