Theo bản kiến nghị của nhóm các nhà nhập khẩu ô tô tại Hà Nội vừa được gửi đến Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để góp ý về bản Dự thảo Nghị định các điều kiện sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam: Đây là bản dự thảo được xây dựng giúp các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô chuyên nghiệp, có tâm và có trách nhiệm với sản phẩm của mình bán ra. Một số quy định của bản dự thảo đưa ra những đảm bảo đầy đủ trách nhiệm của DN nhập khẩu với người tiêu dùng.
Với điều kiện kiện phải có cơ sở bảo hành sau tháng 7/2020, đây là điều kiện đặt ra cực khó với doanh nghiệp mới thành lập sau thời gian. |
Bản dự thảo của Bộ Công Thương cũng không yêu cầu DN vừa và nhỏ phải đầu tư ngay cơ sở bảo hành, bảo dưỡng mà chỉ cần các DN trên thuê cơ sở bảo hành từ nay đến hết ngày 1/7/2020 (sau 3 năm nữa DN nhập xe phải sở hữu một cơ sở bảo hành).
Tuy nhiên, cũng chính tại quy định này, các DN nhập xe kiến nghị chỉ nên quy định DN phải sở hữu cơ sở bảo hành sau 03 năm kể từ ngày thành lập, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày thành lập, các DN được thuê cơ sở bảo hành.
Điều này để tạo điều kiện cho phong trào khởi nghiệp, cho các DN nhỏ và vừa mới tham gia thị trường phân phối xe được lớn mạnh, giúp đa dạng hoá thị trường, giảm giá xe.
Mặt khác, theo ý kiến của DN: Cơ quan Nhà nước cần đưa ra cho DN các giải pháp như lựa chọn cho DN như: thuê cơ sở bảo hành; liên kết cơ sở bảo hành với DN nhập khẩu và sở hữu cơ sở bảo hành... chứ không nên chỉ có hai giải pháp cứng là trước 2020 cho phép thuê, sau 1/7/2020 phải sở hữu cơ sở bảo hành.
"DN nhập khẩu ô tô đơn thuần hoạt động thương mại, sẽ tốt hơn nếu họ được liên kết với một DN khác chuyên làm bảo hành, bảo dưỡng để tăng tính chuyên môn hoá trong hội nhập vừa giảm chi phí đầu tư. Nếu bắt DN nhỏ và vừa nhập xe, đầu tư hệ thống phân phối, đầu tư cả cơ sở bảo dưỡng bảo hành sẽ bỏ ra chi phí sẽ rất lớn, cuối cùng hiệu quả không cao. Điều này khiến DN thêm một cổ đôi tròng", ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc nói.
Cũng theo ông Tuấn: Việc các DN nhỏ và vừa có được tạo điều kiện để lớn mạnh hay không là do chính sách của Nhà nước. Hiện một thiết bị đọc lỗi hệ thống điện tử đầu tư khoảng vài trăm đến 1 tỷ đồng, đó là chưa kể đến việc chi phí vận hành nhà xưởng.
Nếu từ năm 2020, DN nhỏ nhập xe vừa phải mở kênh phân phối vừa phải lập cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, chi phí đầu tư sẽ rất lớn. Điều này gây khó dễ cho họ và quy định trên cũng vô tình cản trở phong trào khởi nghiệp, gây khó cho DN, tước bỏ cơ hội kinh doanh.
Trên thực tế, nhiều DN kinh doanh ô tô nhập khẩu không chính hãng cho biết. Các quy định về bảo hành quá khắt khe không chỉ giết chết họ mà còn tạo thế độc quyền cho các nhà nhập khẩu được uỷ quyền có cơ hội thao túng thị trường.
Việc yêu cầu DN phải mua phần mềm đọc lỗi có sở hữu trí tuệ của hãng sản xuất là không thể đối với từng DN bởi các hãng không bán công khai. Ngoài ra, nếu nói về công dụng trên thị trường hiện có rất nhiều phần mềm đọc lỗi chính hãng, có tính năng ưu việt, đọc được tất cả các lỗi xe. Vì vậy, quy định trên vô tình tạo ra gánh nặng cho DN Việt.