Phải để dân tâm phục, khẩu phục
Là một trong 10 sự kiện nổi bật, nhận được sự đồng thuận của người dân nhưng sau hơn một năm thực hiện việc lập lại trật tự lòng lề đường đến nay TP HCM còn 48 tuyến đường có chuyển biến nhưng còn phức tạp. Sau những đợt ra quân quyết liệt, nhiều tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Nguyễn Trãi… tiếp tục bị tái chiếm; các bệnh viện bị hàng rong “bao vây”.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm băn khoăn: "Việc lập lại trật tự lòng lề đường, lãnh đạo TP HCM, người dân rất quan tâm. Ai cũng muốn bộ mặt thành phố đẹp hơn, trật tự hơn nhưng thực tế không như mong muốn. Vì sao? Trách nhiệm các cấp, các ngành đến đâu?"
Quận 1 từng nhiều lần ra quân lập lại trật tự lòng lề đường. |
Theo cử tri Hoàng Ngọc Hải (phường Cô Giang, quận 1), cơ quan chức năng còn phân biệt đối xử, cụ thể là người dân lấn chiếm thì bị đẩy đuổi, trong khi các cơ quan xí nghiệp vô tư vi phạm và không bị xử lý nên cử tri chưa thực sự tin tưởng.
“Để dân tâm phục khẩu phục, cùng với việc chế tài những hộ kinh doanh, phải có biện pháp xử lý các cơ quan, xí nghiệp vi phạm. Ngoài tuyên truyền, vận động, thành phố cần quy hoạch nơi nào buôn bán, nơi nào không buôn bán. Đường Võ Văn Kiệt đưa vào sử dụng hơn 10 năm, vỉa hè có nơi rộng 10 m nhưng chưa kẻ vạch”, ông Hải lưu ý.
Theo bà Ngô Hải Yến, Chủ tịch UBND phường Đa Kao (quận 1), việc xử lý những người bán hàng rong gặp nhiều khó khăn vì hầu hết bà con không có hộ khẩu tại địa phương.
Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình cho biết, toàn quận có hơn 200 tuyến đường (hơn 50% không có vỉa hè), trong đó 81 tuyến đường bị lấn chiếm. Sau khi triển khai nhiều giải pháp, đến nay quận 7 còn 15 tuyến đường tình hình lấn chiếm vẫn phức tạp. “Đó là những tuyến đường huyết mạch tập trung nhiều cơ quan, xí nghiệp là động lực phát triển, lợi ích đan xen, phải tìm giải pháp hài hòa”, ông Bình nói.
Ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP HCM lưu ý: Khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng (quận 7) rất đẹp, văn minh nhưng đi sâu vào, các khu phố Hưng Gia 1, 2, 3 bị lấn chiếm, rất lộn xộn.
“Nhiều nơi không quản được là dựng barie trên lề đường, người dân không buôn bán được tràn xuống lòng đường. Người khuyết tật cũng không còn đường để đi”, ông Danh lưu ý.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến lưu ý: Nhiều vỉa hè do doanh nghiệp (DN) quản lý không bị lấn chiếm dù DN không có quyền lực. Trong khi đó vỉa hè quanh các cơ quan nhà nước như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại bị lấn chiếm.
“Hồi còn ở quận, một số bà con buôn bán trên vỉa hè nói có bắt tôi, tôi cũng chịu. Đây là vấn đề kinh tế vỉa hè. Nhiều quận báo cáo đã sắp xếp sạp trong chợ nhưng bà con không vào do vào thì người từ nơi khác tràn tới chiếm”, ông Tuyến cho hay.
Quan tâm an sinh cho người dân
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý: "Mình lập lại trật tự lòng lề đường nhưng phải quan tâm đến an sinh xã hội, đời sống người dân vì sau mỗi gánh hàng rong là cuộc sống cả một gia đình."
Theo ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, để tránh tình trạng ném đá ao bèo, UBND TP HCM cần sớm chỉ đạo 24 quận huyện những tuyến nào không quan trọng thì cho người dân tập trung về buôn bán, kinh doanh để tập trung quản lý.
“Chỉ cần sắp xếp lại trật tự trên những tuyến đường trọng điểm. Ngoài ra, cần nâng cao thu nhập của đội ngũ trật tự đô thị vì anh em hiện nay chỉ lĩnh 2 triệu đồng/tháng, trong khi công việc này rất cực, nguy hiểm, cần làm thường xuyên, lâu dài”, ông Lưu kiến nghị.
Du khách nước ngoài không còn lối đi vì vỉa hè bị chiếm dụng. |
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Hiếu (giảng viên Đại học Việt Đức) lưu ý TP HCM cần điều tiết hợp lý các nhu cầu, tổ chức lại không gian đô thị vốn ngày càng chật hẹp, kể cả không gian trên lòng đường, vỉa hè và trên cao.
“Tỷ lệ người dân phụ thuộc vào xe máy chiếm trên 90%, rất cao nên phải thỏa hiệp với nhau về chiếm dụng lòng lề đường, bãi đỗ xe. Ngoài ra, tỷ lệ người dân phụ thuộc vào kinh doanh công cộng rất lớn nên phải thỏa hiệp. Công tác cấp phép xây dựng phải chặt chẽ hơn, nhất là với các công trình thu hút nhiều phương tiện ra vào. TP HCM hướng đến văn minh, hiện đại thì phải mở rộng không gian đi bộ, xây cầu bộ hành trên cao có mái che. Có thể thu hút đầu tư và đổi bằng việc tăng hệ số sử dụng đất, cho phép nhà đầu tư thu hồi vốn từ quảng cáo”, ông Hiếu đề xuất.
Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết TPHCM có 4.151 tuyến đường (hơn 4.300 km), trong đó 51% (1.880 tuyến) không có vỉa hè. TP HCM chỉ có 722 tuyến có vỉa hè trên 3 m. Việc quản lý lòng đường vỉa hè phải trên cơ sở pháp luật. Do đặc thù TP HCM là một đô thị đông dân, tỷ lệ xe máy cao, phải chấp nhận thực tế là lòng lề đường không chỉ phục vụ giao thông. Luật Giao thông Đường bộ cũng quy định được sử dụng tạm lòng lề đường. “Đã tạm thì phải có thời gian cụ thể, không sử dụng vĩnh viễn. Trong điều kiện phải tạm bố trí nhưng không được gây mất trật tự. Căn cứ vào đặc thù từng nơi, những vỉa hè rộng được phép sử dụng một phần đỗ xe máy. Những hành vi gây mất trật tự phải kiên quyết xử lý, không cần mất thời gian tuyên truyền đối với các quán nhậu gây mất trật tự, lấn chiếm lòng lề đường; chỉ vận động những trường hợp chưa thật cần thiết”, ông Tuyến nhấn mạnh. |
“Lập lại trật tự lòng lề đường liên quan đến các nhóm đối tượng “nhạy cảm” như người nghèo mưu sinh, nhóm dễ tổn thương trong xã hội. Đối tượng có thu nhập, có điều kiện tiếp cận lòng lề đường cũng nhạy cảm không kém vì họ có tiền, có lực, có quan hệ xã hội rất lớn. Đây là cuộc chiến hết sức bền bỉ, lâu dài, cần tạo việc làm, dạy nghề cho người nghèo nhưng rất khó vì không có thu nhập ngay. Họ có thói quen mưu sinh trên vỉa hè. Những người lớn tuổi khó chuyển nghề nhưng đào tạo là quan tâm đến con cháu của họ, không để tiếp tục mưu sinh trên vỉa hè", PGS TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển nhận định. |