Hiếm câu chuyện nào có nồng độ testerone đậm đặc như bụi mịn Hà nội vài bữa trước. Nói theo kiểu thịnh hành: xem phim này chị em tha hồ rụng trứng. Còn nói theo kiểu dân diễn đàn Otofun.net, đây là câu chuyện về những kẻ "máu pha xăng".
Xem Ford v Ferrari, các cô gái sẽ mộng mơ sẽ tha hồ được chứng kiến những màn đối đầu giữa 2 nam tài tử số một là Matt Damon và Christian Bale. Còn trong câu chuyện đời thật, ta sẽ thấy một dàn siêu sao của ngành công nghiệp ôtô: Enzo Ferrari, Lee Iocca, Carroll Shelby và Henry Ford đệ nhị.
Trong đó còn có một bầu trời những ngôi sao thể thao như Bruce McLaren, chàng trai trẻ về sau sáng lập một trong những đội đua thành công nhất lịch sử F1, hay Denny Hulme, nhà vô địch F1 năm 1967, và tất nhiên không thể thiếu Ken Miles, người đàn ông mất cơ hội ghi dấu ấn trong lịch sử vì sai lầm ngớ ngẩn của lãnh đội.
Henry Ford II tại Le Mans 1966 |
Toàn bộ câu chuyện diễn ra trên bối cảnh giải đua danh tiếng nhất thế giới lúc đó là Le Mans 24h (F1 vừa qua giai đoạn dậy thì còn chưa đủ tuổi để so sánh). Cốt truyện xoay quanh những chiếc xe đẹp nhất mà nước Mỹ từng có. Một số trang bình luận điện ảnh còn không ngại ngần gọi đây là bộ phim về chiếc xe đua hay nhất trong lịch sử nước Mỹ (America's Greatest Race Car).
Chừng đó thôi đã làm nên sức cuốn hút tuyệt vời, không chỉ với đám các chàng motorhead – kẻ đam mê xe hơi. Thế nhưng để lay động con tim của vô số người yêu màn bạc, bộ phim chỉ toàn xe xe cộ cộ còn là khúc ca về niềm kiêu hãnh, đam mê cháy bỏng, ý chí sắt đá. Và như thường lệ, nó được bắt nguồn từ một mối hận thù. Dù kết thúc có hậu, vị đắng day dứt đọng lại cùng những tranh cãi mãi không có lời giải đã biến một thương vụ khô khốc trở nên giai thoại bất tử.
Tất cả khởi đầu từ một câu nói: "You are not Henry Ford" - Ông không phải Henry Ford (mà chỉ là Henry Ford II).
Để hiểu rõ câu chuyện, ta sẽ cùng quay lại với bối cảnh những năm 1960. Ferrari lúc đó là vua các giải đua ôtô, đặc biệt ở giải đua huyền thoại Le Mans với 6 danh hiệu vô địch liên tiếp từ năm 1960. Cứ như thể Real Madrid ở Cup C1. Một ngôi sao chói loà và vô đối. Tuy nhiên, trên bản đồ ngành công nghiệp xe hơi, Ferrari chỉ là một chấm mờ. Lý do chính nằm ở Enzo Ferrari, một cá tính độc đáo, một Steve Jobs trong ngành xe hơi, chỉ chịu bán xe thương mại với mục đích duy nhất: Đủ tiền trang trải cho các phí tổn ở những cuộc chơi tốc độ.
Enzo Ferrari tại nhà máy của mình ở Maranello, Ý, 1966. Lối ráp xe thủ công khiến Ferrari lâm vào khó khăn về tài chính, đối lập với vua hiệu suất Ford. |
Ở chiều ngược lại, Ford đang là một trong ba hãng lớn nhất thế giới. Big Three lúc đó bán tới 90% xe ở Mỹ và gần 50% xe trên toàn thế giới. Các hãng ôtô châu Âu lúc này mới bắt đầu tăng tốc sau thời gian dài phục hồi từ Thế chiến II. Xe Nhật lúc đó được đánh giá chắc hơn không đáng kể so với… xe Việt Nam vào lúc này.
Trong đế chế ấy, Henry Ford II ngự trị mà không cần ngai vàng. Vị hoàng đế tự mãn lúc ấy đang cần một dòng xe mới mẻ, trẻ trung, mạnh mẽ, lôi cuốn lớp thanh niên sinh ra thời hậu chiến. Không gì phù hợp hơn một nhãn xe thể thao tốc độ đến từ kinh đô thời trang thế giới như Ferrari. Một cuộc chinh phục vĩ đại thị trường châu Âu, đồng thời là viên ruby sáng chói nhất trên vương miện. Giấc mơ ấy chỉ nghĩ đến thôi đủ khiến Hank the Deuce hưng phấn đến bồn chồn. Ấy thế mà kết quả của những cuộc đàm phán lại khiến ông nổi điên.
Dã sử kể lại: thông qua sứ giả, Enzo Ferrari cự tuyệt lời đề nghị ở phút cuối với lời nhắn nhủ Ford chỉ là một công ty với những chiếc xe to xác xấu xí, điều hành bởi kẻ đầu đất, kẻ 'không phải là Henry Ford" (mà chỉ là Henry Ford II). Câu nói sau cùng khiến hoàng đế tổn thương.Nó lột truồng mọi ánh hào quang, chạm tới sâu thẳm nỗi day dứt bên trong Henry Ford II: Ông chỉ là một thái tử sinh ra trong nhung lụa, kế thừa vinh quang từ ông nội, người đã đưa cả ngành công nghiệp lên dây chuyền.
|
Biệt đội báo thù mau chóng được thành lập ngay năm 1963 đó. Hai năm sau, 'Captain" Carroll Shelby gia nhập, ông này đến lượt mình kéo theo Ken Miles. Đây là bộ đôi đã làm nên chiến tích phi thường cho Ford ở Le Mans 24h 1966.
Nhưng tại sao lại là Le Mans 24h?
Đua xe là điều gì đó rất xa lạ với người Việt. Càng xa lạ với chị em mê các nam tài tử hơn là nội dung phim. Nhưng điều này bắt đầu thay đổi, nhất là từ khi có thông tin Việt Nam đăng cai một chặng đua F1 vào năm 2020. Vì vậy, ít người biết đến Le Mans 24h cũng là thường.
Có lịch sử từ 1923, đến nay, Le Mans 24h vẫn được coi là giải đua cực kỳ danh giá, thậm chí với nhiều người, nó còn hơn cả Formula One. Khác với nhiều cuộc đua lập ra nhằm chinh phục các giới hạn về tốc độ, Le Mans 24h là giải ultra marathon dành cho xe hơi, với thể thức khắc nghiệt mà các xe đua/tay đua Dakar còn phải phát khóc.
250 nghìn khán giả có mặt tại Le Mans 1966 để chứng kiến màn lật đổ ngoạn mục tiên tốn 10 triệu USD của Ford. |
Đúng như tên gọi, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, từ giờ Ngọ một ngày tháng 6 tới giờ Ngọ của hôm sau, bất kể mưa nắng, các xe đua sẽ chạy liên tục xung quanh đường đua Le Mans, Pháp. Xe nào đi được xa nhất trong thời gian trên sẽ chiến thắng. Kỷ lục năm 2010 là 5.410km, tương đương với gần 1.000 vòng xung quanh đường đua F1 ở Mỹ Đình tới đây. Mà phải với tốc độ trung bình trên 200km/h, gồm cả các quãng chạy về pit.
Trong khoảng thời gian ấy, mỗi xe thi đấu như được trải qua một lần tôi luyện trong lò bát quái, dài hơn 13km, hầu hết quãng đường có thể đạp hết ga với tốc độ trên 300km/h. Một thử thách không tưởng cho động cơ, hộp số, lốp xe và đương nhiên là hệ thống phanh. "Chúng tôi chiến thắng nhờ phanh", Shelby kể lại trong tự truyện về sau.
Trong các năm 1964 và 1965, không một xe Ford GT40 đời đầu nào cán đích. Chiếc vỡ tung hộp số, chiếc gặp nạn vì lạc tay lái. Cả 2 năm ấy, Ferrari đều chiếm 3 vị trí đầu tiên.Đối với các tay lái, Le Mans 24h là hành trình vượt qua địa ngục. Năm 1966 vẫn còn tuân theo luật cũ, mỗi xe chỉ có 2 tài. Họ sẽ đổi lái lúc về pit, tranh thủ thời gian đi vệ sinh, ăn nhanh, chợp mắt. Hãy hình dung, 2 vận động viên luân phiên chạy xe từ Hà Nội vào đến Sài Gòn, không thèm dừng xe mà vội vã quay đầu về Hồ Hoàn Kiếm để rồi một lần nữa trở lại Hồ Con Rùa mong nhận giải. Trên những cỗ chiến xa đúng nghĩa. Không các hệ thống điện tử tối tân, không ABS (vài năm sau mới có). Chỉ có tay lái dầu/phanh dầu. Chấm hết.
Ở năm 1966, trong tất cả các hạng thi đấu, chỉ có 15 xe đủ tiêu chuẩn nhận medal finisher, còn lại gần gấp 4 số ấy đành phải bỏ dở cuộc chơi.
Các tay lái của đội Ford (từ trái sang): Chris Amon, Bruce McLaren, Ken Miles và Denny Hulme. |
Trong cuộc chiến vô cực ấy, để chắc ăn, Henry Ford II, đã cử biệt đội báo thù có tới 14 chiếc Ford GT 40, hầu hết là Mk II. Đương nhiên, được chú ý nhất là team của "Captain" Shelby, với 3 xe, đáng chú ý nhất là xe số 1 của các tay lái Ken Miles và Danny Hulme, và xe số 2 của Bruce McLaren và Chris Amon.
Cuộc đua khởi đầu với sự căng thẳng thường thấy nhưng hy vọng tràn đầy cho Ford. Trước đó, đội Shelby với Ken Miles đã thắng 2 trong 3 giải endurance danh giá nhất là 24 Hours of Daytona và 12 Hours of Sebring. Chỉ còn lại Le Mans 24h. Trước giờ xuất phát, lãnh đội Leo Beebe nhận được "thánh chỉ": Phải thắng. Áp lực kinh khủng.
"Năm 1965, những chiếc Ford GT40 đã nhanh hơn cả xe Ferrari, nhưng chúng tôi thua vì xe kém ổn định", Chris Amon nhớ lại. “Năm 1966, mọi chuyện đã khác. Xe chạy bền bỉ, không có sự cố. Tốc độ tối đa của xe nhanh hơn tất cả, thậm chí hơn tới trên 100km/h so với nhiều đối thủ”.
Ba chiếc Ford GT40 cùng về đích tại Le Mans 24h 1966. |
Kết quả, 3 chiếc Ford GT40 Mk II (thế hệ thứ ba) đã cán đích đầu tiên. Vào buổi chiều ngày hôm sau, nhận thấy cơ hội quảng bá chưa từng có, Leo Beebe đã yêu cầu chiếc xe số 1, lúc đó do Ken Miles cầm lái, chạy chậm lại chờ McLaren để có thể tạo nên một bức ảnh lịch sử: 3 chiếc GT40 cán đích cùng lúc.
Điều mà không ai quan tâm lúc ấy, là theo điều lệ, xe thắng giải là xe chạy với quãng đường xa nhất, không phải xe đầu tiên qua đích sau 24 giờ. Kết quả, Bruce McLaren và Chris Amon mới là những nhà vô địch. Lý do, xe của họ xuất phát sau xe của Ken Miles/Danny Hulme một khoảng cách là 8m, dù cùng chạy 360 vòng. Sự cố này đã cướp đi vĩnh viễn cơ hội thắng giải của Ken Miles: ông qua đời 8 tuần sau đó trong lúc chạy thử xe.
Cuốn "Twice Around the Clock: The Yanks at Le Mans" (Xuyên ngày và đêm: Những người Mỹ chiến thắng Le Mans), kể lại. Miles phản ứng khi được thông báo về yêu cầu của Beebe: Họ không muốn tôi thắng giải. Họ muốn xe của Amon/McLaren thắng. Charlie Agapiou, phụ trách đội kỹ thuật của team, trấn an rằng đó chỉ là một cú dead heat (đồng về đích). "Làm thế nào mà họ thắng được, anh đang ở trước họ vài chục dặm kia mà", Agapiou nói.
Chiếc xe mang số 1 của Ken Miles khi chuẩn bị về đích đang vượt trước xe số 2 (chạy ngay phía sau) tới 4 vòng. Nhưng cuối cùng xe số 2 lại là xe chiến thắng. |
Lúc đó, xe Miles đang dẫn trước xe số 2 tới 4 vòng. Sau này nhớ lại, Agapiou cũng không thể giải thích nổi làm sao xe số 2 bắt kịp khoảng cách trên. Thêm vào đó là sự cố thay nhầm bộ phanh lẽ ra dành cho xe McLaren, khiến Miles phải về pit một lần nữa dù chỉ còn vài vòng là cuộc đua kết thúc.
Người ta cũng không thể hiểu được lý do tại sao khi xe số 1 của Miles chạy chậm lại chờ xe số 2 và xe số 5 (cũng là GT40), ngay trước vạch đích lại tụt thêm nửa thân xe. Kết quả là trong các bức ảnh ghi lại, hậu thế chỉ nhìn thấy chiếc xe số 2 đang cán đích trước.
"I think I’ve been f***ed (Tôi nghĩ mình đã bị chơi)", đây là câu duy nhất được ghi nhận sau chặng đua của Miles, lẽ ra đã làm nên lịch sử khi trở thành người đầu tiên và duy nhất đến nay thắng cả 3 giải endurance danh giá trong cùng một năm.
Ken Miles (trái) trao đổi với Carroll Shelby trong khi về pit tại Le Mans 1966. |
Cuộc lật đổ dù sao cũng thành công rực rỡ. 3 chiếc GT40 động cơ V8 7 lít chiếm 3 thứ hạng đầu tiên, trong khi không một chiếc Ferrari P30 P3 V12 4 lít nào cán đích. Không dừng lại ở đó, Ford GT tiếp tục chiếm lĩnh Le Mans 24h thêm 3 mùa liên tục sau đó.
Năm 1968, Henry Ford II quyết định cắt ngân sách của chương trình. Lòng tự tôn của Hoàng đế được ve vuốt. Chương trình marketing thành công ngoài dự kiến. Ford không có ý định thương mại hoá chiếc Ford GT40. Vua sản xuất dây chuyền không ưa những chiếc xe lắp ráp thủ công, cần mẫn kiểu Ferrari. Một sai lầm khác của Hoàng đế. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.
Shelby (do Matt Damon thủ vai) và Miles (Christian Bale) trong một cảnh phim Ford v Ferrari. |
Trâm Anh