Sau Thái Lan, Subaru đóng cửa nhà máy tại Malaysia. |
Tan Chong International Limited (TCIL) và Subaru Corporation đã thông báo chính thức về việc dừng lắp ráp ở Đông Nam Á, chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Nhật Bản để bán ở Malaysia. Quyết định trên được tiết lộ trong tài liệu nộp lên Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong.
Trước đó, Subaru cũng đã thông báo chính thức ngừng mọi hoạt động sản xuất tại các nhà máy liên doanh của hãng ở Thái Lan vào cuối năm nay.
Lí do bởi Subaru gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng xe Trung Quốc, chiến lược mới của các đối thủ Nhật Bản cùng cú đánh chí mạng từ suy thoái kinh tế đã khiến doanh số bán hàng của Subaru tại Thái Lan lao dốc. Năm 2019, chỉ 3.952 chiếc xe Subaru được bán ra. Dự kiến con số sẽ không vượt quá 1.000 chiếc vào năm 2024.
Tất cả các sản phẩm bán tại Đông Nam Á sẽ được nhập khẩu từ Nhật Bản. |
Như vậy, từ năm sau, xe Subaru bán ở Campuchia, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam sẽ được nhập khẩu từ Nhật Bản. Việc chuyển hướng sang nhập khẩu nguyên chiếc được kỳ vọng sẽ chuẩn hóa quy trình sản xuất và đảm bảo sự thống nhất về chất lượng xe của hãng.
Đối với thị trường Việt Nam, việc nhà máy Thái Lan đóng cửa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán của Subaru Forester - mẫu xe chủ lực của thương hiệu này tại đây. Hiện tại, Forester được nhập khẩu từ Thái Lan, hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu, giúp giá xe dao động từ 969 triệu đến 1,199 tỷ đồng. Nếu chuyển sang nhập khẩu từ Nhật Bản, giá xe chắc chắn sẽ tăng cao đáng kể, gây áp lực lớn lên người tiêu dùng Việt Nam.
Bởi thuế nhập khẩu xe ô tô từ Nhật Bản (50-70%) cao hơn đáng kể so với thuế nhập khẩu từ Thái Lan (0%). Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán xe. Bên cạnh dó, chi phí vận chuyển xe từ Nhật Bản về Việt Nam cũng cao hơn so với vận chuyển từ Thái Lan do quãng đường xa hơn. Ngoài ra, biến động tỷ giá hối đoái giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng có thể ảnh hưởng đến giá bán xe.
Nhiều người dự đoán giá bán của Subaru Forester có thể tăng từ 15% đến 30% nếu nhập khẩu từ Nhật Bản thay vì Thái Lan.
Tùng Thiện