Không giống như các nhà sản xuất ô tô khác đang dần chuyển sang thiết kế hệ thống điều khiển trên màn hình cảm ứng, Honda quyết định đưa trở lại hệ thống điều khiển cơ. Hãng xe Nhật lo ngại công nghệ mới có thể khiến các tài xế mất tập trung khi lái xe. Thực tế, các khách hàng đã có những phản hồi về điều này, họ cho rằng màn hình cảm ứng khó điều khiển theo trực giác.
Núm điều khiển cơ đã được Honda áp dụng cho mẫu Jazz thế hệ mới |
"Lý do của việc này là chúng tôi muốn giảm thiểu sự gián đoạn của tài xế, đặc biệt là điều chỉnh điều hòa và máy sưởi", người đứng đầu dự án Jazz, ôngTakeki Tanaka giải thích. Vị này cho biết, hầu hết người lái sẽ phải nhìn vào màn hình để thay đổi nhiệt độ. Vì thế, hãng xe Nhật cần thay đổi để ai cũng có thể điều chỉnh mà không cần nhìn. Honda Jazz thế hệ mới sẽ là mẫu xe đầu tiên thay màn hình cảm ứng ở thế hệ cũ bằng phím điều khiển vật lý.
Nhiều hãng xe đang chạy theo xu hướng với thiết kế màn hình cảm ứng, mới đây nhất là Audi A3 đã bỏ các phím cơ, giúp người dùng chỉ cần chạm để điều khiển tính năng mình muốn. Thậm chí, nhiều hãng xe trang bị màn hình cỡ lớn. Gordon Wagener, giám đốc thiết kế của Dalmler từng phát biểu: “Các màn hình là cửa sổ đến với thế giới kỹ thuật số”. Và sau đó, Mercedes EQC 2019 - chiếc crossover chạy điện mới dùng tới hai màn hình kích thước 10,2 inch.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của IAM RoadSmart (tổ chức chuyên về từ thiện và đào tạo tài xế ở Anh) cho thấy màn hình cảm ứng kích thước lớn có thể khiến tài xế mất tập trung. Họ sẽ phải tập trung rời mắt khỏi đường khoảng 16s để sử dụng các ứng dụng giải trí, tương đương với khoảng cách hơn 500m ở tốc độ 112km/h. Những ứng dụng Apple CarPlay hoặc Android Auto tiềm ẩn nguy hiểm cho người lái hơn cả việc nhắn tin hay uống rượu.
Phương Huyền