Khảo sát "Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2017" được Mạng cộng đồng nghề nghiệp Anphabe thực hiện trên 62,268 người đi làm và 50 cuộc phỏng vấn chuyên sâu với Giám đốc Điều hành, Giám đốc Nhân sự đến từ các công ty hàng đầu. Phương pháp tính toán & Kết quả xếp hạng được công ty nghiên cứu thị trường INTAGE tư vấn kiểm chứng. Với trên 55 năm hoạt động, Tập đoàn INTAGE đang giữ vị trí số 1 tại Nhật Bản cũng như thuộc top 10 các đơn vị nghiên cứu thị trường toàn thế giới.
Trong cuộc khảo sát của năm 2017, Mercedes-Benz Việt Nam tiếp tục khẳng định là môi trường làm việc lý tưởng với nhiều cơ hội phát triển cho các ứng viên trong ngành Ô tô/ Phụ tùng. Đây là lần thứ ba liên tiếp MBV đạt được danh hiệu này theo khảo sát của Anphabe. Đáng chú ý, năm 2017, MBV đã lọt vào Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. Trước đó, MBV đạt vị trí thứ 43 (năm 2013), vị trí thứ 27 (năm 2014), vị trí thứ 15 (năm 2015 và 2016) trong danh sách 100 môi trường làm việc tốt nhất.
Ông Choi Duk Jun, Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam chia sẻ: “Không ngừng cải thiện môi trường làm việc luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ban lãnh đạo công ty”.
Kết thúc năm 2017, MBV đã đạt mức doanh số hơn 6.000 xe, tăng trưởng gần 40% so với năm 2016. Thương hiệu “Ngôi sao 3 cánh” tiếp tục dẫn đầu thị trường xe sang, với 4 mẫu xe chủ lực là C-Class, E-Class, S-Class và GLC đứng đầu các phân khúc quan trọng về doanh số. Đây là một thành tích đáng ghi nhận trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, thể hiện niềm tin mà khách hàng dành cho Mercedes-Benz.
Theo kết quả nghiên cứu của Brand Finance, Mercedes-Benz đã trở thành thương hiệu ô tô giá trị nhất trên thế giới năm 2018. Giá trị thương hiệu “Ngôi sao 3 cánh” đã tăng trưởng 24% trong năm qua, đạt giá trị ước tính 43,9 triệu USD. Kết quả kinh doanh ấn tượng với 2,3 triệu xe bán ra toàn cầu trong năm 2017, tăng 9,9% của Mercedes-Benz chính là động lực mạnh mẽ trong việc tăng trưởng giá trị thương hiệu.
Báo cáo về giá trị các thương hiệu ô tô được Brand Finance thực hiện với 100 thương hiệu ô tô trên toàn cầu đến từ nhiều nền công nghiệp ô tô hàng đầu như Đức, Mỹ, Nhật, Pháp,…, sử dụng phương pháp tính miễn trừ chi phí bản quyền (Royalty Relief approach), được cấp chứng chỉ chất lượng ISO 10668.
Phương pháp tính giá trị của Brand Finance xác định 4 chỉ số quan trọng: Chỉ số sức khỏe thương hiệu, Giá trị bản quyền thương hiệu, Lợi nhuận ước tính của thương hiệu và Giá trị thương hiệu. Cũng theo báo cáo này, các thương hiệu ô tô của Đức có tổng giá trị thương hiệu lớn nhất so với các quốc gia khác.
Hoàng Linh