Những chiếc xe này đều là xe hot ở thời điểm hiện tại, và đang rơi vào tình trạng khan hàng. Vì thế, tình trạng bán "bia kèm lạc" càng xuất hiện ở nhiều đại lý trên cả nước. Cùng sở hữu giá lăn bánh cao, từ 1 tỷ - 2,7 tỷ đồng, mức chi phí bỏ ra để mua thêm phụ kiện đi kèm cũng tăng theo tỉ lệ thuận, đối với những khách hàng muốn nhận xe sớm. Điều này gây tâm lý bức xúc cho người tiêu dùng.
Mẫu SUV Hàn Hyundai Santa Fe đang có mức tăng tiền chồng chất so với thời điểm xe mới ra mắt. Bên cạnh việc hãng công khai tăng giá bán lên 20 triệu cho bản 2.5 xăng cao cấp và 2.2 dầu cao cấp, các đại lý cũng công khai chào bán chênh thêm 50-100 triệu đồng, có nơi lên tới 80 triệu đồng.
Lấy lí do khan hàng do thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng, làm gián đoạn quá trình lắp ráp sản xuất, các tư vấn báo khách hàng xe về ít, muốn lấy xe sớm phải thêm chi phí. Dù vậy, khách hàng vẫn phải chờ từ 2-3 tháng mới được nhận xe.
Santa Fe chênh giá 80 triệu khiến người dùng bức xúc |
Dưới bài đăng chia sẻ việc Santa Fe chênh lên 80 triệu, anh Đăng Trần tính toán: "Vứt ngân hàng nửa năm nữa mua vừa có tiền lãi, xe lại rẻ". Nick name Jason OO lập tức “quay xe” sang đối thủ Sorento:” Mua Sorento cho nhanh, ngồi thoáng hơn nhiều, 2022 rồi còn chơi khan hàng với lạc”, “Giảm thuế được 70 triệu thì lại tăng 80 triệu, hoà cả làng”.
Cũng như Santa Fe, một chiếc xe đồng thương hiệu khác là Hyundai Tucson cũng đang bán chênh giá khá cao tại nhiều showroom. Cụ thể, một đại lý tại khu vực Hà Nội hiện đang mở bán Hyundai Tucson phiên bản tiêu chuẩn với giá 885 triệu đồng, cao hơn niêm yết 40 triệu đồng; phiên bản Turbo 1.6 đang bị bán chênh 50 triệu đồng kéo giá xe tại đại lý lên đến 1,070 tỷ đồng); Tusson bản đặc biệt (chạy xăng) cũng có giá hơn 1 tỷ đồng. Phiên bản đặc biệt (máy dầu) còn chênh lên đến 60-70 triệu đồng.
Tucson chênh giá 30-40 triệu từ trước Tết Nguyên Đán |
Nhắc đến "bia kèm lạc" thời gian này, không thể không nhắc tới chiếc SUV cỡ trung hot Ford Explorer. Đây hiện đang là cái tên có mức chênh giá cao nhất, lên tới 300 triệu đồng. Cách đây vài hôm, thông tin xe về đại lý tràn ngập trên mạng xã hội. Những khách hàng đã đặt cọc xe trước đó có thể đến nhận bàn giao. Tuy vậy, mẫu SUV cỡ trung cũng đang rơi vào tình trạng khan hàng, vậy nên chỉ những khách hàng đặt xe đợt đầu mới có xe. Bên cạnh đó, tại nhiều đại lý, để nhận xe sớm người dùng phải chi thêm khoảng 300 triệu đồng vào tiền phụ kiện.
Có mức giá niêm yết 2,366 tỷ đồng, nhưng để hoàn thành các nghĩa vụ đóng thuế và chi phí, các khách hàng tại Việt Nam phải bỏ ra con số khoảng 2,7 tỷ đồng. Do là mẫu xe hot và khan hàng, Explorer cũng đang chịu cảnh bán "bia kèm lạc". Với 300 triệu tiền phụ kiện thêm vào, người dùng phải chi gần 3 tỷ để nhận xe sớm. Như vậy, mức giá lăn bánh của SUV Mỹ không hề rẻ.
Xưa nay, hình thức bán "bia kèm lạc" không quá xa lạ với thị trường ô tô Việt. Ở thời điểm này, tình trạng xe về đại lý ít là có thật, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất ô tô trên toàn cầu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên việc bán chênh giá cao hay thấp là do chính sách kinh doanh của từng đại lý.
Để tránh việc mua xe với chi phí đội lên quá cao, người mua nên tham khảo nhiều nới khác nhau để tìm ra nơi còn suất mua bán xe sát giá. Và đặc biêt lúc làm hợp đồng mua xe nên “chốt” rõ thời điểm nhận xe để có thể khiếu nại nếu đại lý không làm đúng hợp đồng.
Phương Huyền