Trong số hàng vạn chiếc xe rời khỏi dây chuyền sản xuất mỗi ngày, phần lớn đều đi qua các chuỗi phân phối trước khi tới tay những chủ nhân sử dụng “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi việc cũng may mắn đến vậy.
Tại trung tâm nghiên cứu và phát triển các công nghệ an toàn của Toyota tại Susono, tỉnh Shizuoka (Nhật Bản), mỗi năm có hàng trăm chiếc xe mới tinh được đưa tới đây chỉ để…"ngỏm củ tỏi". Tuy nhiên, sự hi sinh chẳng ai biết đến của chúng lại không hề vô ích. Mỗi chiếc xe bị phá nát tại đây sẽ giúp con người - chính bạn - có cơ hội sống sót cao hơn trong mỗi vụ va chạm đầy tai ương.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng có cơ hội chứng kiến những phép thử đầy ấn tượng pha lẫn chút rùng rợn ấy phía dưới chân ngọn núi Phú Sĩ nổi tiếng xứ hoa anh đào. OTOFUN News - thật may mắn - lại nằm trong số ít còn lại.
Được thành lập từ năm 1966, Trung tâm kĩ thuật Higashi-Fuji của Toyota có hơn 4.500 nhân sự tập trung chủ yếu vào các công nghệ xe của tương lai, trí tuệ nhân tạo - những công nghệ mà phần lớn người tiêu dùng đều chưa được biết đến. Dĩ nhiên, các công nghệ an toàn cũng nằm trong số này.
Thực tế, mỗi năm Toyota chi hàng tỷ USD (trong năm ngoái là 9,7 tỷ USD) cho việc nghiên cứu và phát triển - điều cho thấy những gì diễn ra trong khuôn viên của Higashi-Fuji thực sự nghiêm túc và có tầm quan trọng to lớn.
Để được tiếp cận khu vực cực kì bí mật này, toàn bộ phóng viên tham gia chương trình đều phải nộp hết điện thoại di động, máy ảnh. Dĩ nhiên, những nhân viên an ninh không hề muốn lộ các bí mật - dù rất hấp dẫn và tuyệt vời - ra bên ngoài. Đó là chưa kể tới những hình ảnh gây sốc như một chiếc Prius, Altis hay Camry…bay thẳng vào tường và vỡ tan tành.
Một sự tình cờ đến...bất ngờ là trong nhóm chuyên gia hướng dẫn đoàn của Toyota có sự góp mặt của một người con đất Việt: Tiến sĩ Nguyên Văn Quý Hưng. Nở nụ cười dễ mến, anh chia sẻ với OTOFUN News nhiều điều thú vị. Sau khi hoàn tất chương trình học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh đã tới đất nước Nhật Bản để hoàn tất luận án tiến sĩ trước khi làm việc tại Toyota Nhật Bản. Đáng trân trọng hơn nữa, dù sống tại một đất nước phát triển với cuộc sống đầy đủ bậc nhất thế giới, Tiến sĩ Hưng cũng chia sẻ không có dự định nhập quốc tịch Nhật Bản vì "quá yêu màu xanh của quê hương Việt Nam". Tinh thần ấy, cùng với sự hiểu biết rất rõ về tình hình giao thông và những bức xúc đặc thù của người tiêu dùng tại quê nhà, không có gì lạ khi vị kĩ sư trẻ tuổi đầy tài năng này đã có những cống hiến không nhỏ trong các dự án phát triển tính năng an toàn - thậm chí là hiện đại bậc nhất - của Toyota toàn cầu.
Bên cạnh những khoá đào tạo ngắn về kĩ thuật dành cho báo chí, Toyota Nhật Bản cũng tạo điều kiện cho OTOFUN News quan sát buổi thử nghiệm va chạm đối với một chiếc Prius Hybrid thế hệ mới nhất. Dù với bất kì ai - đặc biệt là những người yêu cỗ máy bốn bánh - việc phải chứng kiến chiếc xe còn thơm mùi nhựa mới bị phá huỷ trong chớp mắt luôn là khoảnh khắc khiến trái tim tan nát, nhưng mỗi thành viên đoàn báo chí tham gia đều không khỏi háo hức trước trải nghiệm "có một không hai" này.
Được biết, ngoài khoảng 600 xe “hi sinh” mỗi năm tại Higashi-Fuji, Toyota cũng phá hỏng hàng ngàn xe khác tại các trung tâm thử nghiệm tương tự trên khắp thế giới hàng năm. Trong đó bao gồm từ những chiếc xe nhỏ bé như i-Road cho tới “hàng khủng” Tundra hay Sequoia.
Dĩ nhiên, tất cả các hãng xe đều tiến hành thử đâm sản phẩm của mình. Tuy nhiên điểm thú vị nhất ở trung tâm của Toyota nằm ở chỗ các kĩ sư đã sử dụng quy trình thử nghiệm hoàn toàn mới với những chuẩn mực cao hơn nhiều các yêu cầu an toàn đường bộ hiện nay. Một điển hình là trong khi hầu hết quy chuẩn thử nghiệm tiêu chuẩn chỉ yêu cầu đâm trực diện vào vật thể cho phép biến dạng,chắn 40% chiều ngang phía trước của xe ở 64 km/giờ, thử nghiệm của Toyota nâng mức độ “tồi tệ” lên 1,35 lần - với vật thể nặng tới 2,5 tấn được phóng thẳng vào chiếc xe theo góc 15 độ ở tốc độ 90km/giờ. Nói một cách nôm na, nó không khác gì bạn đấu đầu trực diện với một chiếc xe tải trên quốc lộ cả.
Ngay sau một tiếng nổ lớn của túi khí và mùi cháy khét lẹt của hoá chất, bạn sẽ nhìn thấy chiếc xe bẹp dúm văng vào một góc. Điều đầu tiên nảy ra trong đầu bất kì ai có lẽ là: “thật may mắn khi mình không ngồi trong đó”. Tuy nhiên, những phân tích nhanh chóng chỉ ra rằng mô hình bên trong xe cho thấy nếu có người ngồi trong, va chạm chỉ gây thương tích chứ không dẫn tới tử vong - một kết quả khá ấn tượng so với những gì xảy ra với ngoại hình chiếc xe.
Ấn tượng hơn nữa, là một chiếc Hybrid nhưng khối pin bên trong Prius không hề bị rò điện ra khung kim loại của xe sau va chạm. Theo Toyota, trong hơn 9 triệu chiếc đã bán ra thị trường, người dùng cũng chưa từng bị giật điện - thành tích hết sức đáng nể. Tuy nhiên, trong trường hợp thử này, vì lý do an toàn, nhóm phóng viên vẫn phải chờ cho tới khi các kĩ sư của hãng kiểm tra cẩn thận trước khi được phép tiếp cận chiếc xe.
Ngoài đánh giá độ an toàn điện, mỗi cú đâm cũng tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ các chất lỏng. Không hiếm trường hợp dầu phun ra từ động cơ bị vỡ hay các đường ống dẫn. Tuy nhiên dung dịch này không cháy nên hoàn toàn vô hại. Trong phép thử, được biết Toyota chỉ sử dụng chất lỏng chỉ định màu với trọng lượng riêng ngang bằng nhằm thay cho xăng - chủ yếu phát hiện rò rỉ nguy hiểm. Với tất cả các đánh giá này, chiếc Prius thử nghiệm cũng vượt qua dễ dàng.
Trong số hàng loạt những trình bày của các chuyên gia an toàn tại trung tâm Higashi-Fuji bên chiếc Prius bị đâm, đáng chú ý hơn cả - và cũng là điều ít người để ý - chính là việc một chiếc xe gặp tai nạn dù có móp méo đến đâu cũng cần phải duy trì được khả năng mở cửa dễ dàng nhằm cho phép người bên trong khoang thoát ra dễ dàng đồng thời phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn thuận lợi hơn.
Với Prius nói riêng và các mẫu xe sử dụng kiến trúc TNGA (Toyota New Global Architecture), đặc điểm này thể hiện khá rõ. Mặt khác, khi các điểm hấp thu lực đã “hoàn thành nhiệm vụ” khiến đầu và đuôi chiếc xe “đỡ đòn” thay cho con người, điểm mấu chốt nằm ở khoang cabin hầu như được giữ nguyên hình dạng. Có thể nói rằng nếu chiếc xe đầu tiên dựa trên TNGA đã có thể giữ an toàn cho khoang lái ở va chạm 90km/giờ như thế này, hẳn rằng những chiếc Toyota trong tương lai cũng sẽ cứng cáp không kém.
Là một quốc gia có giao thông cực kì phức tạp trong khi ý thức người điều khiển phương tiện còn rất nhiều hạn chế, những rủi ro trên các cung đường Việt Nam là điều xảy ra hàng ngày - và phần lớn đều hiển hiện trên diễn đàn OTOFUN. Trong bối cảnh ấy, cơ hội sống sót của bạn sẽ tốt hơn rất nhiều - chính nhờ những đóng góp thầm lặng những kĩ sư xe đằng sau cánh cửa luôn khép kín tại những trung tâm như thế này. Cùng với những gì diễn ra hàng ngày tại Higashi-Fuji, có thể thấy Toyota vẫn luôn lắng nghe những phàn nàn từ thực tế sử dụng của khách hàng trên khắp thế giới, từ đó tái hiện lại bằng thử nghiệm thực tế trước khi đưa ra những giải pháp khắc phục tương ứng, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa những mong muốn, yêu cầu hết sức chính đáng và cấp thiết ấy. Dĩ nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu cố gắng đó có giúp giải quyết những "xì căng đan" đầy tiêu cực mà đôi khi hãng vấp phải? Chưa rõ! Nhưng chắc chắn câu trả lời luôn hiển hiện ngay ở doanh số bán hàng của Toyota - thứ thể hiện chính xác lựa chọn cuối cùng của người tiêu dùng trong những năm tới.
Ngay vào lúc này, chỉ cần chứng kiến những gì diễn ra hàng ngày tại tại Higashi-Fuji đã đủ thấy quyết tâm nỗ lực không ngừng của Toyota trong việc đem tới những sản phẩm an toàn hơn - điều cho phép hãng xe của đảo quốc mặt trời mọc hoàn toàn có đủ sự mạnh mẽ để vững bước vượt qua những chỉ trích đôi khi đầy cảm tính và mang màu sắc cạnh tranh thiếu lành mạnh, tự tin rằng rằng "cây ngay không sợ chết đứng". Về phần mình, những người ngồi sau chiếc vô lăng với biểu tượng ba hình oval hẳn cũng ấm lòng hơn khi nhận ra rằng mình luôn được quan tâm trên mọi nẻo đường
Nguyễn Thúc Hoàng Linh