Cầm ly trà nóng bên một quán vỉa hè, ông Thành - một lái xe ôm tại Hà Nội chia sẻ: "Mọi năm giờ này tôi chạy đưa sinh viên, công nhân ra bến xe về quê ăn Tết mà không hết khách, năm nay vắng quá. Đứa nào đứa nấy cầm điện thoại đi từ trong ngõ ra đến đầu đường là có anh Grab đón luôn rồi".
"Nhìn họ nườm nượp ngoài đường, có xe chạy thẳng vào trong ngõ rồi đón khách ra mà thấy buồn quá, chả mấy người đoái hoài đến cánh xe ôm nữa", ông Tâm - một xe ôm ngồi cùng chia sẻ.
Mấy ngày cận Tết là lúc mọi người đi ra bến xe về quê, cũng là thời điểm "vàng" cho cánh xe ôm kiếm thêm thu nhập nhưng năm nay, sự bùng nổ của các dịch vụ xe ôm công nghệ khiến cánh lái xe truyền thống gặp khó.
"Giờ bọn trẻ nó toàn điện thoại xịn, dùng mấy đồ công nghệ nhanh. Chỉ cần ấn mấy cái là có xe đón tận cửa phòng trọ, đỡ phải đi ra ngoài, đồ đạc lỉnh kỉnh nên hay đi của mấy anh Grab, Uber hơn", ông Thành cho biết. "Thu nhập so với những ngày bình thường đúng là có tăng nhưng so với mọi năm thì vẫn còn kém lắm", ông Tâm nói.
Ông Thành cho biết, những năm trước, có những khi ông nghỉ từ trước Tết mấy ngày để chuẩn bị, sửa soạn cho gia đình. "Những năm đó làm ăn tốt, mỗi ngày cũng để ra chút tiền đến cuối năm không cần phải cố cày cuốc nữa. Có những năm mà tôi chỉ cần làm đến 25, 26 Tết là đã treo xe rồi", ông Thành nói.
"Năm nay chắc tôi phải cắm chốt ở đây đến 30 Tết, cố vớt vát được khách nào tốt khách đó rồi đi mua cành đào, cây quất về cho có không khí. Chiều 30 chắc giá cũng rẻ rồi", lái xe này chia sẻ.
Câu chuyện của ông Thành cũng là tình cảnh chung của xe ôm truyền thống tại các thành phố lớn trong Tết năm nay khi mà các dịch vụ của mang tính công nghệ như GrabBike hay Uber ngày càng mở rộng.
Nếu như những năm trước, một ngày thu nhập của những người như ông Thành, ông Tâm cũng được 200.000-300.000 đồng, những ngày Tết có khi lên đến 500.000-600.000 đồng thì nay giảm chỉ còn một nửa, một phần ba. "Năm nay khó khăn, ngày thường tiền chạy xe trừ đi chi phí ăn uống, xăng dầu thì còn lại không đáng kể. Đến cuối năm cũng chẳng dư dả gì, không cố vớt vát thì lấy tiền đâu mà ăn Tết", một tài xế cho biết.
Đến cuối năm, có những ngày vắng khách, cánh xe ôm như ông Thành, ông Tâm còn làm thêm cả dịch chuyển hàng hay còn gọi là "shipper" cho những mối quen. "Chúng tôi không phải người làm chuyên nghiệp nên chỉ có mấy người quen gần đây họ biết thì nhờ vậy thôi chứ không phải làm thường xuyên. Dù sao cũng có thêm đồng ra đồng vào dù nó cực hơn cả chạy xe bình thường".
Xe ôm truyền thống khó khăn trong cả những ngày sát Tết.
Theo ông Thành, chuyển hàng cho những khách quen ông không phải ứng trước tiền hàng nhưng đơn lại không nhiều. Hầu hết cửa hàng đều có shipper riêng, chủ yếu khi sát Tết, đơn quá nhiều họ mới tìm đến những người xe ôm như ông. "Đều là người quen cả nên họ cũng đưa ra giá hợp lý, tôi cũng không muốn mặc cả không lại mất mối kiếm thêm", ông Thành chia sẻ.
Theo những tài xế này, lý do chủ yếu khiến họ không chuyển sang làm cho các dịch vụ công nghệ mới là vì đã có tuổi, không quen với những thiết bị mới. Ngoài ra việc đầu tư xe mới, điện thoại theo quy định của hãng cũng khiến họ lo lắng về khả năng thu hồi vốn. "Năm nay đã khó khăn như vậy, không biết đến năm sau sẽ ra sao. Không khéo ế quá chắc tôi về phụ bà ở nhà đi bán hàng cũng nên", ông Tâm nói.
(Ảnh bìa: Ôtô xe máy)