Xử lý vi phạm qua hình ảnh là hình thức CSGT ghi nhận những vi phạm của người điều khiển phương tiện bằng camera sẽ in ảnh, trích xuất dữ liệu vào hệ thống rồi gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện theo thông tin đăng kiểm và yêu cầu đến đơn vị nộp phạt.
Chỉ có khoảng 35,5% trường hợp vi phạm qua hình ảnh đến trụ sở CSGT đóng phạt. |
‘Phạt nóng’ khác ‘phạt nguội’ thế nào?
Hiện nay, CSGT TP.HCM xử lý vi phạm thông qua hai hình thức là “phạt nóng” và “phạt nguội”. “Phạt nóng” là hình thức xử phạt qua camera, tức là cách chốt của tổ tuần tra kiểm soát khoảng 700 - 1.000 mét có 1 CSGT đứng quay hình phương tiện vi phạm và thông báo qua bộ đàm tới chốt để CSGT ở chốt ra hiệu lệnh dừng xe vi phạm và lập biên bản.
“Phạt nguội” là hình thức mà sau khi CSGT ghi nhận những vi phạm bằng camera sẽ in ảnh, trích xuất dữ liệu vào hệ thống rồi gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện theo thông tin đăng kiểm và yêu cầu họ đến đơn vị nộp phạt.
Hay nói cách khác, “phạt nguội” là việc xử phạt vi phạm được thực hiện sau một thời gian thay vì ngay tại nơi xảy ra vi phạm.
CSGT quan sát camera ghi hình phương tiện lưu thông trên đường Ảnh: Vũ Phượng |
Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, chủ phương tiện sẽ có trách nhiệm đóng phạt khi có thông báo “phạt nguội”. Các trường hợp cho mượn xe thì chủ phương tiện phải phối hợp với CSGT để yêu cầu người vi phạm đóng phạt.
Trong 1 năm kể từ ngày ra thông báo vi phạm gửi tới chủ phương tiện, nếu chủ phương tiện vẫn không tới đóng phạt và không vi phạm thêm bất kỳ lỗi nào thì sẽ tự động được xóa lỗi.
Với xe biển số TP.HCM, CSGT gửi thông báo về công an phường, xã để phối hợp gửi đến tận nhà chủ phương tiện. Còn với các xe mang biển số tỉnh, thành khác, CSGT sẽ gửi thông báo theo đường bưu điện tới địa chỉ nhà của chủ phương tiện theo thông tin đăng ký phương tiện.
Gần 13.000 trường hợp không đóng “phạt nguội”
Trung tá Phạm Công Danh, Đội Trưởng Đội chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông, thuộc PC67 cho biết từ ngày 16.11.2006 đến 25.4.2017, Phòng CSGT đường bộ đường sắt đã tác nghiệp và ghi nhận hoàn thiện 20.065 hồ sơ vi phạm qua hình ảnh bằng các giải pháp để buộc người vi phạm qua hình ảnh thực hiện nghĩa vụ của mình khi vi phạm luật giao thông.
Đến nay còn 12.941 trường hợp (chiếm 64,5%) chưa thực hiện thông báo vi phạm mà CSGT chuyển đến.
Sau khi có hình ảnh vi phạm, một số cán bộ khác làm công tác gửi thông báo đến công an phường, xã (tại TP.HCM) hoặc gửi về tận nhà với trường hợp xe đăng ký ở tỉnh khác Ảnh: Vũ Phượng |
Trung tá Danh cũng cho biết ngoài gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện thông qua công an phường, xã (đối với phương tiện đăng ký tại TP.HCM) và gửi đến tận nhà với phương tiện đăng ký tại tỉnh, CSGT còn áp dụng nhiều biện pháp khác để buộc người dân đóng phạt.
Cụ thể, khi một phương tiện có một vi phạm hiện hữu đến trụ sở CSGT để xử lý thì CSGT sẽ tra cứu dữ liệu qua hình ảnh: nếu có vi phạm qua hình ảnh mà chưa đóng phạt thì CSGT sẽ cưỡng chế đóng phạt.
Nội dung thông báo ghi rõ xe vi phạm lỗi gì, thời gian, địa điểm và mức phạt kèm với đó là phiếu báo nhận. Ảnh: Vũ Phượng |
Với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn TP như: taxi, xe buýt, xe chở hàng, chở khách thì định kỳ hàng tháng, PC67 gửi thông báo vi phạm đến chủ doanh nghiệp để đôn đốc lực lượng lái xe đến nộp phạt.
Bên cạnh đó, PC67 cũng thành lập tổ chuyển đề 414 để tra cứu tất cả các phương tiện lưu thông trên đường có vi phạm qua hình ảnh chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phạt thì CSGT sẽ dừng xe công bố lỗi vi phạm, lập biên bản. CSGT sẽ yêu cầu lái xe đến nộp phạt, nếu không phải người điều khiển xe vi phạm hình ảnh trước đó thì đề nghị về báo chủ phương tiện để phối hợp lực lượng CSGT giải quyết vi phạm trên.
Từ ngày 16.11.2006 đến 25.4.2017, Phòng CSGT đường bộ đường sắt đã tác nghiệp và ghi nhận hoàn thiện 20.065 hồ sơ vi phạm qua hình ảnh bằng các giải pháp để buộc người vi phạm qua hình ảnh thực hiện nghĩa vụ của mình khi vi phạm luật giao thông. Đến nay còn 12.941 trường hợp (chiếm 64,5%) chưa thực hiện thông báo vi phạm mà CSGT chuyển đến. |