Chưa thuyết phục
Như trước đó phóng viên đã phản ánh, tại buổi công bố Kế hoạch tổ chức Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 4 do Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Tốc độ” ngày 25/4, Tiến sỹ Lokky Wai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đề nghị giảm tốc độ tối đa trong đô thị từ 60 km/h xuống 50 km/h. Ông Lokky Wai cho rằng, mục tiêu của đề nghị này nhằm giảm TNGT.
Nhiều ý kiến cho rằng, tốc độ tối đa 60 km/h trong đô thị tạo sự thoải mái, yên tâm cho lái xe |
Đề nghị này khiến nhiều người ngạc nhiên vì cách đây hơn 1 năm, Bộ GTVT quyết định tăng tốc độ trong đô thị và cả quốc lộ thêm trung bình 10 km/h tuỳ theo loại phương tiện; trong đó, tốc độ tối đa trong đô thị là 60 km/h. Nội dung này thuộc Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT (về khoảng cách, tốc độ phương tiện đường bộ), có hiệu lực từ 1/3/2016, được ban hành sau khi hạ tầng giao thông được nâng cấp diện rộng.
Trước ông Lokky Wai, ngày 4/1/2017 (tức chỉ 9 tháng sau khi nâng tốc độ triển khai), tại hội nghị tổng kết năm ATGT 2016, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng CSGT cũng gay gắt cho rằng, tai nạn giao thông (TNGT) năm 2016 tăng có nguyên nhân từ việc cho phép tăng tốc độ và đề nghị sớm điều chỉnh giảm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về cơ sở đưa ra đề nghị này, Tiến sỹ Lokky Wai chỉ đưa ra nhận định chung (khi giảm tốc độ giảm thương vong, giảm mức độ nghiêm trọng của các vụ TNGT) mà không chưa đưa ra nghiên cứu cụ thể nào từ thực tiễn.
Có mặt tại lễ công bố cùng tiến sỹ Lokky Wai, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng CSGT cho hay, năm 2016, TNGT do vi phạm tốc độ chiếm 9,35% tổng số vụ tai nạn là tỷ lệ cao so với với các lỗi khác. Từ đó ông Dánh đề nghị Bộ GTVT xem xét lại quy định về tốc độ hiện nay, trong đó có cắm các biển hạn chế tốc độ tại các khu vực nguy hiểm.
Hiện tại, đề nghị của Cục CSGT được Bộ GTVT giao cho Tổng cục Đường bộ xem xét. Ngày 26/4, Vụ trưởng An toàn giao thông (thuộc Tổng cục Đường bộ) Vũ Ngọc Lăng cho hay: Tổng cục đã phát công văn lấy ý kiến của Ban ATGT các tỉnh, các Sở GTVT, các hiệp hội về đề xuất này. “Hiện một số đơn vị đã gửi góp ý về nhưng cơ bản đồng ý với tốc độ hiện nay, chỉ có Cục CSGT đề nghị giảm tốc độ” – ông Lăng nói.
Cũng theo ông Lăng, để có thay đổi theo đề xuất của Cục CSGT cần đưa ra những số liệu để chứng minh việc tăng tốc độ làm ảnh hưởng đến TNGT, còn như hiện nay chưa đủ thuyết phục. Chẳng hạn, ông Lăng phân tích, nguyên nhân tốc độ chiếm 9,35 % của năm 2016 cũng giống như mọi năm nên chưa thể kết luận tăng tốc độ lưu thông làm tăng tai nạn.
Cụ thể, tra cứu số liệu do chính Cục CSGT cung cấp cho thấy, năm 2015 (khi chưa nâng tốc độ), vi phạm tốc độ chiếm 9% trong tổng số vụ TNGT. Tính trong năm 2016, ý thức người tham gia giao thông chiếm 71,6% số vụ tai nạn. Trong nhóm nguyên nhân này, lỗi vi phạm đi sai làn đường, phần đường dẫn đến TNGT nhiều nhất (chiếm 25,32%).
Cũng theo báo cáo của Uỷ ban ATGT quốc gia và Cục CSGT, xét trong khu vực đô thị (nơi các ý kiến đề nghị giảm tốc độ), chênh lệch trước và sau khi tăng tốc độ không đáng kể. Năm 2015, tai nạn trong đô thị chiếm 31%, năm 2016 chiếm 32,65%.
“Đề xuất có thực sự trong sáng?”
Ông Vũ Ngọc Lăng cho hay, khi có ý kiến tổng hợp của các cơ quan, Vụ sẽ báo cáo và đề xuất phương án chính thức. Bước đầu, việc Bộ GTVT tăng tốc độ lưu thông nhằm tận dụng tối đa hạ tầng đã được cải thiện và chỉ tăng tốc độ đối với các tuyến đường có dải phân cách giữa cả trong và ngoài đô thị.
“Cá nhân tôi cho rằng chỉ nên hạn chế tốc độ tại những khu vực nguy hiểm, thậm chí hạn chế tốc độ theo giờ qua các khu công nghiệp, trường học khi công nhân tan tầm, học sinh tan học… Phải tận dụng một cách hiệu quả hạ tầng, và thực tế hầu hết mọi người đều phấn khởi, không nên giảm đồng loạt. Điều này Thông tư 91 cho phép nên không cần sửa thông tư này”.
Tổng cục Trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cũng cho rằng, việc điều chỉnh tốc độ là vấn đề lớn phải có cơ sở chắc chắn, cần lấy ý kiến nhiều thanh viên Uỷ ban ATGT quốc gia, không thể thay đổi một cách đơn giản. Ông Huyện cũng thống nhất quan điểm, khi quy định ban hành chỉ mới 1 năm mà sửa đổi sẽ gây dư luận không tốt.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nói thẳng: “Cá nhân tôi và nhiều thành viên hiệp hội không thống nhất với đề nghị giảm tốc độ cả trong và ngoài đô thị của Cục CSGT. Trong 1 năm qua, lực lượng lái xe rất phấn khởi, tâm lý thoải mái khi đường đẹp hơn, lái xe với tốc độ tối đa được nới rộng”.
Về ý kiến tăng tốc độ làm tăng tai nạn, ông Thanh cho rằng, chưa có cơ sở thuyết phục để chứng minh, không nên vội kết luận. “Về nguyên tắc, lái xe sẽ tự điều chỉnh tốc độ trong giới hạn cho phép. Hầu hết thời gian họ không thể chạy đến 60 km/h, nhưng cần giữ quy định như vậy để họ có thể chạy nhanh vào buổi trưa, đêm khuya, lúc vắng người. Các nước điều kiện đường tốt, người ta cho phương tiện chạy trong đô thị đến 80 km/h, 90 km/h, như nước ta quy định 60 km/h là phù hợp” – ông Thanh đề nghị.
Sau khi báo chí đăng tin về đề xuất giảm tốc độ trong đô thị từ 60km/h xuống 50 km/h, nhiều bạn đọc cho rằng việc này sẽ tiếp diễn tình trạng CSGT bắn tốc độ, tiêu cực khi xử lý lỗi vi phạm này. Nói về ý kiến này, ông Thanh cho hay: “Người dân hoàn toàn có thể đặt ra nghi ngờ đó. Nhưng câu hỏi đó, xin để cho lực lượng CSGT trả lời, xem họ đề xuất có thực sự trong sáng, vô tư hay không” - ông Thanh đặt câu hỏi.
Giảm tốc độ cao tốc vì thiếu tiền bảo dưỡng Tổng cục Đường bộ vừa đề nghị hạ tốc độ tối đa trên đường vành đai 3 trên cao tại Hà Nội từ 90 km/h xuống còn 80 km/h, bỏ biển báo tốc độ tối thiểu 60 km/h do mặt đường hư hỏng, thiếu tiền sửa chữa. Nếu việc này được thông qua, tuyến cao tốc này có tốc độ tối đa thấp hơn cả QL 1A. |