Từ 1/1/2026, tài xế chở trẻ sẽ bị phạt khi không sử dụng ghế trẻ em trên ô tô. |
Uỷ ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) và Trung tâm Tư vấn sức khoẻ và Phát triển cộng đồng (CHD) tổ chức hội thảo về thiết bị an toàn (TBAT) cho trẻ em trên ô tô ngày 15/11.
Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025) có quy định từ ngày 1/1/2026, trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe trên ô tô, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế và người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng TBAT phù hợp cho trẻ em.
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Theo ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia, một TBAT cho trẻ em trên ô tô hiện có mức giá 1,5-2 triệu đồng. Chi phí mua một ô tô cũ trên thị trường trung bình khoảng 200-300 triệu đồng, chi phí mua ô tô mới trên thị trường trung bình 500-700 triệu đồng. Như vậy, ông Minh tính toán chi phí TBAT chỉ chiếm 0,7-0,8% với xe cũ và 0,3-0,4% đối với xe mới.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia, phát biểu tại hội thảo về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô ngày 15/11. |
“Đây là mức mà phần lớn người sở hữu ô tô có khả năng chi trả”, ông Minh cho biết. “Thiết bị có thể điều chỉnh suốt quãng thời gian từ 1 đến 10 tuổi. Bởi vậy, chi phí đầu tư chỉ có một lần”.
Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1.800-2.000 vụ tại nạn giao thông liên quan tới trẻ em, trong đó có khoảng 600-700 vụ liên quan tới ô tô có trẻ em. Theo đánh giá, nếu quy định sử dụng TBAT cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô một năm tại Việt Nam.
Cần các quy định cụ thể
Theo ông Minh, TBAT cho trẻ em trên ô tô có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong (giảm 34%-81%), giảm các chấn thương nghiêm trọng (giảm 35-72%) và các chấn thương khác của trẻ (giảm 25-58%) trong các vụ va chạm.
Ông Minh cho biết, để quy định khả thi cần một lộ trình triển khai phù hợp và nên tập trung triển khai quy định với xe ô tô con cá nhân trước. Đây là loại xe có thể di chuyển ở tốc độ cao nhất trên đường (tối đa 120 km/h trên cao tốc). Mặt khác, tần suất trẻ em sử dụng trên phương tiện này cao vì đa số là xe gia đình.
Đối với vận tải công cộng và xe kinh doanh vận tải, trước mắt nên khuyến khích và xây dựng lộ trình dài. Nguyên do vận tải công cộng có tốc độ thấp, hoạt động trong đô thị, có tiêu chuẩn an toàn cao hơn, trong khi, với xe kinh doanh vận tải việc đáp ứng nhu cầu trẻ em sẽ là một khó khăn.
Ông Minh cho rằng, quy định quy chuẩn TBAT cho trẻ cũng phân biệt rõ các khoảng tuổi cho từng thiết bị. Mục đích là tạo thuận lợi cho người dân áp dụng, thực hiện và cũng đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ, tránh sử dụng sai thiết bị so với độ tuổi, chiều cao của trẻ.
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ hưởng ứng một khi quy định mới được áp dụng. "Việc chủ động trang bị TBAT cho trẻ trên các xe vận tải khách còn là một cách để những đơn vị đi đầu lan toả thương hiệu, thể hiện sự quan tâm về ATGT đối với mọi hành khách", ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, phát biểu tại hội thảo về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô ngày 15/11. |
Tại hội thảo, trong bài trình bày từ xa, PGS. TS Lý Hùng Anh, Đại học Bách khoa TP.HCM, giới thiệu hiện nay trên thế giới có hai bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về TBAT cho trẻ em trên ô tô, gồm tiêu chuẩn R44 và tiêu chuẩn R129.
Tiêu chuẩn R129 có nhiều cải tiến hơn so với tiêu chuẩn R44, giúp bảo vệ trẻ toàn diện hơn, việc thử nghiệm TBAT cũng nghiêm ngặt hơn với 32 cảm biến, bảo vệ trẻ cả va chạm phía trước, phía sau và bên hông.
Cả hai tiêu chuẩn trên đều đang được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, đa số các các nước đều hướng tới việc áp dụng tiêu chuẩn R129. Vì thế ông Hùng Anh khuyến cáo nên áp dụng đồng thời hai tiêu chuẩn nhưng hướng tới việc chuyển sang R129 trong tương lai.
Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về TBAT cho trẻ em trên ô tô ban hành tới đây về cơ bản sẽ áp dụng song song quy định tại cả hai tiêu chuẩn R44 và R129, nhằm tạo thuận lợi cho người dân.
Ths Dương Kim Tuấn, Trường Đại học Y tế công cộng, cho biết, hầu hết phụ huynh đều nhận thức việc trang bị TBAT cho trẻ em là cần thiết, tuy nhiên, số lượng sử dụng rất thấp. Kết quả khảo sát của trường trên 14.924 xe ô tô cá nhân tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cho thấy có 7,4% xe chở trẻ em. Trong số này, chỉ có 1,3% xe có sử dụng TBAT cho trẻ, tập trung chủ yếu tại Hà Nội với 2,6%, ở TP.HCM với 1,1%, riêng tại Đà Nẵng không có trường hợp nào sử dụng TBAT cho trẻ trên xe ô tô. Ông Tuấn cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, bên cạnh việc quy định áp dụng bắt buộc và các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhiều quốc gia chú trọng tổ chức các đợt kiểm tra, tuần tra thường xuyên để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, qua đó nâng cao ý thức chấp hành quy định của bậc phụ huynh, tài xế. |