Như thường lệ, mỗi kì triển lãm luôn là dịp để người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất nhìn nhận lại một năm đã qua của thị trường ô tô trong nước, cũng như đánh giá xác thực hơn những thay đổi trong thời gian tới.
Vậy VMS 2017 cho chúng ta thấy điều gì?
VMS luôn là dịp để người tiêu dùng và giới chuyên môn nhìn nhận từng bước đi của ngành công nghiệp ô tô trong nước. |
Chủng loại xe sẽ ngày càng đa dạng hơn do tác động của chính sách thuế mới
So với những mùa triển lãm trước, số lượng xe mới xuất hiện trong VMS 2017 đã tăng lên đáng kể. Nhiều thương hiệu cũng “lấn sân” vào những phân khúc chưa từng có sản phẩm góp mặt. Trong đó, Honda đánh cược vào hatchback cỡ nhỏ Jazz, còn Toyota bên cạnh mẫu MPV siêu sang Alphard với mức giá khởi điểm từ hơn 3,53 tỷ đồng cũng mang về xe cỡ nhỏ Wigo và chiếc MPV Avanza (đang bán ra tại Indonesia).
Cùng xe MPV Avanza, Wigo là mẫu xe cỡ nhỏ được Toyota trưng bày tại triển lãm, nhưng lại chưa hề có lịch trình bán ra thị trường. |
Tương tự như vậy, Suzuki chọn thử sức với Celerio mới (cùng nhóm với KIA Morning và Hyundai Grand i10), trong khi Chevrolet (thuộc GM) lại tung ra SUV mới Trailblazer nhằm cạnh tranh trực tiếp với nhiều đối thủ mạnh như Toyota Fortuner hay Ford Everest.
Ngoài việc cố gắng mở rộng thị trường, đây cũng được xem là nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm nhằm tận dụng những thay đổi về chính sách thuế sắp tới, vốn hứa hẹn tạo nhiều ưu thế cho các xe có tỉ lệ ASEAN hóa cao.
Alphard là bước tiến mới đầy táo bạo của Toyota tại Việt Nam, với mức giá bán khởi điểm lên tới hơn 3,5 tỷ đồng. |
“Xe xanh” lên ngôi là xu hướng tất yếu
Nếu cách đây vài năm, chẳng ai có thể nghĩ rằng những chiếc xe xanh với mô tơ điện sẽ sớm hiện diện trên các cung đường Việt Nam, giờ đây điều đó đã dần trở thành hiện thực. Không chỉ là những sản phẩm được nhập một cách đơn lẻ, xe xanh (Hybrid hoặc thuần điện EV) đã đánh dấu sự có mặt của mình tại thị trường trong nước.
Khởi đầu với Prius của Toyota từ kỳ VMS 2016, triển lãm năm nay chứng kiến sự hiện diện của hàng loạt các mẫu xe mới với mô tơ điện tích hợp, không chỉ trên xe sang như Lexus (với các dòng LS 500h, RX 450 h…), mà còn cả các dòng phổ thông như Chevrolet với Bolt EV (chạy thuần điện).
Toàn bộ xe được Lexus mang tới VMS 2017 đều là Hybrid hoặc sử dụng động cơ tăng áp. |
Đáng chú ý, nếu theo đúng lịch trình, Toyota cũng sẽ trở thành thương hiệu ô tô đầu tiên bán ra xe Hybrid “chính hãng” tại Việt Nam vào cuối năm nay. Hồi tháng 6 vừa qua, hãng xe Nhật Bản này cũng đã giới thiệu Prius tới người tiêu dùng trong nước, tuy chưa bán ra chính thức. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chính sách thuế phí cho xe xanh tới nay vẫn chưa có thay đổi tích cực nào, khiến mức giá của các dòng sản phẩm này còn cao, chưa phù hợp với mặt bằng tiêu dùng nói chung.
Nếu như Toyota Prius là chiếc xe Hybrid “chính hãng” đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, Chevrolet Bolt EV là mẫu xe thuần điện đầu tiên có mặt. |
Bên cạnh xu hướng “điện hóa”, một hướng tiếp cận khác của các nhà sản xuất trong nỗ lực cắt giảm nhiên liệu tiêu thụ cũng như khí thải phát tán ra môi trường nằm ở việc triển khai mạnh mẽ hệ truyền động tăng áp đồng thời giảm dung tích xy lanh động cơ.
Điều này có thể thấy rõ qua hàng loạt các mẫu xe của Mercedes-Benz với hầu hết các xe đều dùng động cơ tăng áp, Honda với động cơ VTEC Turbo lần đầu tiên hiện diện (trên Civic thế hệ mới), và đặc biệt là Ford với dải động cơ EcoBoost (hiện có trên Focus, Fiesta, Explorer…). Theo một số nguồn tin, Hyundai – dù chưa phải thành viên VAMA – cũng sẽ bắt đầu triển khai động cơ tăng áp 1.6L mới trên các mẫu xe của mình tại Việt Nam.
Ford EcoBoost vẫn là sản phẩm dẫn dắt cuộc chơi động cơ tăng áp. |
Như vậy, cùng với Hybrid, động cơ tăng áp dung tích nhỏ sẽ là lựa chọn chủ yếu không chỉ trên những chiếc ô tô của nửa sau năm 2017 cũng như suốt năm 2018. Đây cũng là xu hướng chung của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, trong bối cảnh hầu hết chính phủ các nước đều tìm cách hạn chế ô nhiễm khí thải thông qua kiểm soát số lượng xe lưu hành.
Khả năng phát triển thị trường sản phẩm phụ trợ vẫn nghèo nàn
Trái ngược với sự sôi động của không gian tòa nhà chính tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Sài Gòn (SECC), sự buồn tẻ ở khu vực trưng bày sản phẩm phụ trợ bên ngoài cũng cho thấy một hiện thực đáng buồn của lĩnh vực có tầm quan trọng này.
Hầu hết các gian hàng đều bày bán đồ chơi xe, hoặc những dụng cụ cầm tay đơn giản, vắng bóng những nhà sản xuất có tầm. Khách tham quan khu vực này chủ yếu cũng chỉ tìm mua phụ kiện hoặc đồ chơi lặt vặt cho xe là chính. Dù đây là thực tế đã diễn ra nhiều năm qua, không thể phủ nhận rằng VMS 2017 là thời điểm trầm lắng nhất từ trước tới nay.
Hầu hết khách đến với khu vực phụ trợ đều để tìm mua phụ kiện nhỏ cho xe của mình. |
Các hãng xe loay hoay chọn lối đi cho năm mới
Diễn ra trong bối cảnh chỉ vài tháng nữa là năm 2018 sẽ tới, không có gì lạ khi VMS 2017 thể hiện rõ nét những nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng của các nhà sản xuất thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho những thay đổi về thuế phí, cũng như sự cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc khối ASEAN. Hiện nay, xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN được giảm thuế nhập khẩu từ mức 40% xuống 30%, và dự kiến sẽ về 0% vào năm 2018.
Ra mắt chính thức trong triển lãm, phải tới đầu năm 2018 Honda Jazz mới có giá cụ thể, khi mẫu xe này bắt đầu được bán ra. |
Động thái này hiển nhiên hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng tiềm ẩn không ít bất cập cho các hãng xe lớn. Bài toán lắp ráp xe trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc về bán đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa khác nhau, tùy thuộc vào thực trạng hoạt động của từng thương hiện, dẫn tới hệ quả là mỗi đơn vị đều tính trước các giải pháp. Sự hiện diện của nhiều mẫu xe “Made in ASEAN” trong VMS năm nay là một biểu hiện rõ nét.
Một điểm đáng chú ý khác là việc hầu hết các xe mới xuất hiện lần này đều chưa có mức giá bán cụ thể. Có căn cứ nhất cũng chỉ là Honda Jazz, với cam kết sẽ bán ra từ… đầu năm 2018, và mức giá cụ thể cũng chưa được tiết lộ. Nói cách khác, việc trưng bày nhiều xe mới trong triển lãm chỉ là phép thử của các nhà sản xuất, nhằm đánh giá phản ứng của người tiêu dùng trong nước đối với các mẫu xe nhập khẩu từ ASEAN – mà nhiều trong số đó chưa từng hiện diện tại thị trường Việt Nam.
Toyota Avanza cũng là mẫu xe đang được chế tạo tại Indonesia. |
Còn nhiều bất cập tồn tại
Thực tế, VMS 2017 đã thành công tốt đẹp, nhưng bản thân triển lãm vẫn khiến người xem không khỏi đặt ra nhiều câu hỏi lớn. Dù chọn chủ đề "Kết nối công nghệ, di chuyển thông minh", nhưng thực tế cả hai yếu tố này đều vắng bóng trong các gian trưng bày. Hầu hết các thương hiệu vẫn chú trọng vào việc trưng bày và ra mắt xe mới, song song với kí kết các hợp đồng giao xe cho khách hàng.
Đây là điểm khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng, bởi với khẩu hiệu nêu trên, họ thực tế trông đợi những màn trình diễn ấn tượng của các công nghệ có tác động lớn tới ngành công nghiệp ô tô cũng như việc sử dụng xe hàng ngày. Thêm vào đó, việc nhiều đơn vị sở hữu các thương hiệu phổ biến như THACO (nhà phân phối KIA, Mazda và Peugeot) vẫn vắng mặt khiến bữa tiệc chưa thể trọn vẹn.
Hầu hết khách tham quan đều thuộc nhóm người tiêu dùng, khiến các gian trưng bày xe thương mại có phần đìu hiu. |
Nhìn chung, mặc dù không hào nhoáng và bắt mắt như Triển lãm Ô tô Quốc tế Việt Nam (VIMS) vốn tràn ngập xe sang và xe thể thao, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của Triển lãm Ô tô Việt Nam bởi lẽ đây là sự kiện có tầm ảnh hưởng và tác động lớn nhất tới người tiêu dùng trong nước cũng như các nhà sản xuất.
Tuy những gì VMS 2017 thể hiện đủ để người xem hài lòng, nhưng nó cũng đồng thời cho thấy các thương hiệu xe tại Việt Nam vẫn chưa có giải pháp thực sự sẵn sàng cho năm 2018, chưa nói tới các mối quan hệ hợp tác chung. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất có tên tuổi loay hoay tìm cách xác định chiến lược thông qua hàng loạt biện pháp thăm dò, nỗ lực cạnh tranh giá, cùng với tác động truyền thông trái chiều, đã càng khiến những người có ý định mua xe trở nên hoang mang hơn bao giờ hết.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh