![]() |
BYD hiện đang là nhà xuất khẩu xe điện hàng đầu của Trung Quốc |
Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, xe ô tô điện (EV) không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn đang vươn lên chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, và Trung Quốc là một trong những người đi đầu quan trọng cho sự thay đổi đó. Theo báo cáo “Global EV Outlook 2025” mới công bố của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hơn 25% xe ô tô bán ra trên toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ là xe điện. Đến năm 2030, con số này có thể sẽ vượt 40%.
Bất chấp những áp lực kinh tế lên ngành ô tô, doanh số tiêu thụ xe điện toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 17 triệu chiếc trong năm 2024, lần đầu tiên đẩy thị phần toàn cầu vượt mốc 20%. Đà tăng trưởng này tiếp tục kéo dài sang đầu năm 2025, với doanh số tăng 35% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả các thị trường lớn đều ghi nhận con số kỷ lục trong quý đầu năm.
Trong số đó, Trung Quốc không những là người dẫn đầu cuộc đua mà thậm chí còn đang gia tăng khoảng cách với phần còn lại của thế giới. Năm 2024, gần một nửa số xe mới bán ra tại Trung Quốc là xe điện, tức hơn 11 triệu chiếc trong một năm – nhiều hơn tổng số xe điện mà cả thế giới bán được vào năm 2022. Việc chuyển sang sử dụng xe điện cũng đang nở rộ ở các thị trường mới nổi khắp châu Á và châu Mỹ Latinh với lượng tiêu thụ tăng hơn 60% so với năm ngoái.
![]() |
BIểu đồ lượng tiêu thụ xe điện toàn cầu từ năm 2014 - 2024 trong báo cáo “Global EV Outlook 2025” của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) |
Những con số từ báo cáo của IEA có ghi nhận rõ ràng vai trò tăng trưởng của xe điện Trung Quốc xuất khẩu khi gần 20% EV bán ra trên toàn thế giới trong năm ngoái là hàng nhập khẩu. Các hãng xe Trung Quốc hiện đang sản xuất hơn 70% số xe điện toàn cầu, và họ không chỉ bán ở thị trường nội địa. Năm 2024, Trung Quốc đã xuất khẩu 1,25 triệu chiếc EV, góp phần hạ giá ở các thị trường đang phát triển và làm thay đổi cán cân cạnh tranh.
Trong khi đó, các thị trường phương Tây cũng đang tăng trưởng nhưng dường như chưa đủ nhanh. Doanh số xe điện tại Mỹ đã tăng khoảng 10% trong năm ngoái, và hiện chiếm hơn 10% tổng số xe mới bán ra. Mặt khác, châu Âu đã có dấu hiệu chững lại, với thị phần xe điện giữ ổn định quanh mức 20% khi các khoản trợ cấp bắt đầu giảm dần.
“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng, bất chấp nhiều bất ổn lớn, xe điện vẫn đang duy trì đà tăng trưởng mạnh trên toàn cầu,” Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết. “Doanh số tiêu thụ liên tục thiết lập những kỷ lục mới, tạo ra tác động rung chuyển ngành công nghiệp ô tô quốc tế”.
Một trong những yếu tố chính thúc đẩy sức tăng trưởng của EV là mức giá thấp hơn. Chi phí trung bình của bộ pin xe điện đã giảm trong năm 2024 nhờ tăng cường cạnh tranh và giá pin giảm. Ở Trung Quốc, 2/3 lượng EV được bán năm ngoái rẻ hơn xe xăng cùng loại, ngay cả khi EV không có trợ cấp của chính phủ. Nói cách khác, những chiếc xe năng lượng mới (NEV) đã trở thành lựa chọn thực tế đối với người tiêu dùng phổ thông. Nhưng ở các thị trường phát triển như Mỹ và Đức, xe điện vẫn có giá đắt đổ hơn, khoảng 30% ở Mỹ và 20% ở Đức.
![]() |
Biểu đồ nguồn gốc xe điện được bán tại một số thị trường mới nổi năm 2024, và tỉ lệ xe nhập khẩu từ Trung Quốc trong báo cáo “Global EV Outlook 2025” của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) |
Thị trường Đông Nam Á đang trở thành mặt trận cạnh tranh then chốt. Các hãng xe Trung Quốc, đứng đầu là BYD, đang tích cực mở rộng trong khu vực. Tại Singapore, BYD đã vượt qua Toyota để trở thành thương hiệu ô tô bán chạy nhất đầu năm 2025. Tại Indonesia, BYD dự kiến sẽ hoàn thành nhà máy trị giá 1 tỷ USD vào cuối năm 2025, với sản lượng 150.000 xe mỗi năm. Năm 2024, BYD cũng đã dẫn đầu thị trường xe điện chạy pin thuần túy (BEV) ở Indonesia với 36% thị phần.
Thái Lan cũng chứng kiến làn sóng đầu tư lớn từ các hãng xe điện Trung Quốc. BYD và GAC Aion đã mở nhà máy sản xuất xe năng lượng mới tại nước này trong năm 2024, với sản lượng lần lượt 150.000 và 50.000 xe mỗi năm. Hiện nay, các thương hiệu Trung Quốc đang chiếm hơn 70% thị phần xe điện tại Đông Nam Á, vượt xa các đối thủ đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Việt Nam là thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức với xe điện Trung Quốc. Trước mắt, VinFast đang nắm thế thống trị và nhận được niềm tin lớn từ người tiêu dùng trong nước, nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc đang nỗ lực từng bước thâm nhập. Tuy nhiên, những thách thức như độ nhận diện thương hiệu thấp, thói quen tiêu dùng, và hạ tầng trạm sạc còn hạn chế vẫn là rào cản không thể phá bỏ trong chốc lát.
Ngoài ra trong phân khúc xe tải điện, xu hướng cũng đang chuyển dịch mạnh. Theo báo cáo của IEA, doanh số tiêu thụ toàn cầu đã nhảy vọt 80% trong năm 2024, chiếm gần 2% thị trường, và một lần nữa, Trung Quốc lại là người đi đầu. Một số mẫu xe tải điện heavy duty ở Trung Quốc hiện đã có chi phí vận hành rẻ hơn so với xe chạy dầu diesel truyền thống, ngay cả khi chi phí ban đầu cao hơn.
Duy Thành