Trong mọi trường hợp, việc không theo dõi đồng hồ và để xe hết nhiên liệu trên đường đều có ít nhiều trách nhiệm của lái xe. Ảnh: Phan Quốc Tuấn |
Thông tin tiếp theo của vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khi một chiếc xe điện VinFast VF 9 tông vào đuôi một chiếc xe tải đang dừng đỗ trên cao tốc. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, lái xe điện đã tử vong dù hệ thống túi khí có bung ra. Tài xế xe tải cũng đã bị cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra.
Nguyên nhân tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên ngày 20/8 từ các nhân chứng kể lại
Khi xảy ra va chạm, chiếc xe tải đang dừng ở gần với dải phân cách giữa. Theo các nhân chứng tại hiện trường, chiếc xe tải được cho là hết dầu (ở đây là dầu diesel) nên đã phải dừng xe. Hiện chưa có các thông tin chính thức, nhưng một câu hỏi đang được nhiều người quan tâm là trong trường hợp xe thực sự hết dầu và có đặt cảnh báo an toàn theo đúng quy định, liệu người điều khiển xe có phải chịu trách nhiệm đối với tai nạn hay không?
Xét trên các quy định hiện hành, trong trường hợp nào lái xe tải cũng đều phải chịu trách nhiệm với lỗi do dừng đỗ trên cao tốc không đúng quy định.
Xe hết nhiên liệu trên đường có bị phạt?
Đối với vụ việc, có hai khả năng dẫn đến việc xe tải hết dầu. Thứ nhất, xe gặp sự cố trong quá trình di chuyển (thủng bình dầu, thủng ống dẫn dầu…). Thứ hai, lái xe không kiểm tra mức dầu trước khi lên đường và để dầu cạn trong khi đang chạy trên cao tốc.
Trong trường hợp nào thì ngay khi lái xe phát hiện mức dầu hạ nhanh cần lập tức chuyển làn, đi sang làn khẩn cấp để tìm nguyên nhân sự cố và cách khắc phục. Lúc này xe đủ điều kiện được dừng đỗ trên làn khẩn cấp (với điều kiện có đặt cảnh báo theo đúng quy định).
Trong cả hai trường hợp kể trên, lái xe đều có thể bị quy trách nhiệm về việc dừng đỗ không đúng quy định gây hậu quả nghiêm trọng (kể cả khi có đặt cảnh báo đúng quy định). Trường hợp thứ nhất có thể có yếu tố giảm nhẹ, trường hợp thứ hai hoàn toàn là trách nhiệm của lái xe.
Việc không chủ động kiểm tra mức nhiên liệu của xe trong quá trình tham gia giao thông dẫn đến xảy ra va chạm gây chết người có thể vi phạm Điều 128, Chương XIV, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, người nào vô ý làm chết người bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Ngoài ra, hành vi để phương tiện hết nhiên liệu giữa cao tốc có thể bị coi là vi phạm quy định an toàn giao thông (ATGT) và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Theo các quy định này, người tham gia giao thông vi phạm quy định về ATGT gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
*Bài viết mang quan điểm của tác giả
Li Ti