Xe hết nhớt có chạy được không?
Để trả lời câu hỏi xe hết nhớt có chạy được không, chúng ta cần tìm hiểu chức năng của dầu, nhớt trong vận hành xe máy, ô tô.
Chức năng của dầu, nhớt với động cơ
Dầu, nhớt có tác dụng làm mát, phân tán nhiệt toả ra trong động cơ khi xe vận hành. Động cơ được cấu tạo từ nhiều chi tiết kim loại. Các chi tiết này luôn va chạm nhau trong khi xe vận hành, sinh ra ma sát gây mòn động cơ. Dầu nhớt có tác dụng giảm ma sát và tăng hiệu suất vận hành, từ đó tăng tuổi thọ động cơ.
Xe hết nhớt có chạy được không?
Với công dụng bôi trơn cho động cơ, nhớt có vai trò quan trọng trong việc vận hành xe. Nhiều bạn đọc thắc mắc, xe hết nhớt có chạy được không? Câu trả lời là xe vẫn có thể chạy được trong thời gian ngắn, nhưng rất hại cho động cơ. Chủ xe không nên cố gắng vận hành xe khi xe có dấu hiệu hết nhớt để tránh tổn thất chi phí sửa chữa.
Không nên chạy xe khi hết nhớt. Ảnh: minh hoạ |
Tại sao xe hết nhớt vẫn có thể chạy? Đó là vì, sau một thời gian vận hành, bên trong động cơ sẽ vẫn lưu lại một lượng nhớt nhất định. Lượng nhớt này có thể bôi trơn, làm mát động cơ trong một thời gian ngắn sau đó. Dấu hiệu nhận biết khi nhớt cạn kiệt chính là xe tăng tốc chậm, chạy ì, động cơ có tiếng kêu lạ. Ngay trong giai đoạn này, động cơ đã bị ảnh hưởng bởi việc lượng nhớt không đủ để giảm ma sát giữa các chi tiết. Nếu không bổ sung nhớt và tiếp tục vận hành xe, chúng ta có thể làm mài mòn, biến dạng các chi tiết kim loại trong động cơ.
Dấu hiệu khi chạy xe hết nhớt
Với xe gần cạn hết nhớt: lúc này xe có các dấu hiệu: chạy ì ạch, tăng tốc khó khăn, có tiếng động lạ khi di chuyển.
Với xe đã hết sạch nhớt: xe có thể chết máy giữa đường, không khởi động được. Các chi tiết trong động cơ bị phá huỷ bề mặt làm việc như hỏng lòng xi lanh, piston, bộ xéc măng hoặc hỏng bi trục cam, cháy côn…
Hình ảnh động cơ xe bị hư hỏng khi xe chạy hết nhớt. |
Các bộ phận chịu ảnh hưởng khi chạy xe hết nhớt
1 - Biên: xe máy bị bó biên, khắc phục bằng cách ép lại biên, thay bị cơ hoặc nặng hơn là thay tay biên.
2 - Các chi tiết trong bộ hơi: khắc phục bằng cách doa lại hơi, thay pít tông xéc-măng. Nếu lòng xi-lanh bị phá huỷ phải thay lại hơi mới.
3 - Hệ thống phối khí: khắc phục bằng cách thay bi trục cam hoặc thay cả đôi cò lẫn trục cam.
4 - Bộ côn (đối với xe số, xe côn, xe phân khối lớn): khắc phục bằng cách thay bộ lá côn mới, nặng hơn phải thay thêm búa côn và chuông côn.
Có thể bạn quan tâm: Bao lâu nên thay nhớt cho xe máy?
Phương Huyền